Vietnamese Innovator: Grokking & Sứ mệnh nâng cao vị thế nhân tài công nghệ Việt
“Đội ngũ Grokking tin tưởng rằng Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm công nghệ, không chỉ trong phạm vi Đông Nam Á mà còn là toàn Châu Á, hay thậm chí là toàn thế giới. Và Grokking muốn song hành trong chặng đường đi đến mục tiêu đó.” Đó là chia sẻ từ anh Lộc Võ, đồng sáng lập Grokking — một trong những tổ chức phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam ra đời nhằm hỗ trợ các nhân tài công nghệ Việt Nam.
Ra mắt năm 2014, Grokking tạo nên tảng cho các kỹ sư Việt được tương tác và chia sẻ kiến thức, cũng như có cơ hội được học hỏi từ những người đi trước, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế. Với hình thức hoạt động đa dạng được tổ chức định kỳ và đầu tư kỹ lưỡng, từ hội thảo–trực tuyến và ngoại tuyến, phỏng vấn, blog … Grokking hứa hẹn sẽ là một tổ chức nắm vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và định hướng phát triển cho các kỹ sư công nghệ tại Việt Nam.
Cùng chúng tôi trò chuyện với anh Lộc để tìm hiểu kỹ hơn về phương thức hoạt động và sứ mệnh của Grokking qua bài viết sau.
Anh có thể giới thiệu về bản thân và đội ngũ tại Grokking được không?
Mình là Lộc, là đồng sáng lập và một trong các thành viên vận hành của Grokking. Trước khi thành lập Grokking, mình là đồng sáng lập của một startup về công nghệ di động và giáo dục cho thị trường Singapore, đồng thời là thành viên tổ chức của cộng đồng JSMeetup tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện mình đang làm kỹ sư cho một công ty chuyên về vận chuyển và tài chính lớn tại thị trường Đông Nam Á.
Grokking là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập từ năm 2014, do các thành viên là các kỹ sư phần mềm người Việt đang làm việc ở Việt Nam và Singapore đồng sáng lập. Tính tới thời điểm hiện tại, Grokking đã hoạt động hơn 5 năm, với đội ngũ hơn 30 thành viên trong đó 90% các bạn đang làm việc với vai trò kỹ sư phần mềm ở các công ty công nghệ như Grab, Tiki, VNG, FPT, …
Trước khi ra mắt Grokking, anh đã nhận thấy những vấn đề/thách thức gì về tuyển dụng và phát triển nhân tài tại thị trường công nghệ Việt Nam?
Thời điểm ban đầu, khi Grokking bắt đầu được thành lập, đội ngũ sáng lập nhận thấy một vấn đề đó là các bạn kỹ sư ở Việt Nam tuy có tiềm năng rất tốt nhưng lại thiếu định hướng, thiếu kỹ năng và tư duy giải quyết vấn đề cũng như tiêu chuẩn chất lượng chưa cao. Rất nhiều bạn dù làm việc trong ngành lâu năm nhưng vẫn chưa định hình được lối tư duy rõ ràng, rành mạch, giải quyết các bài toán kỹ thuật một cách gốc rễ. Thay vào đó, các bạn chỉ tập trung nhiều vào công nghệ và công cụ nhất thời.
Về mặt thị trường và hệ sinh thái ở Việt Nam, tại thời điểm đó, còn thiếu các hoạt động, sân chơi trao đổi chuyên môn cho các bạn kỹ sư. Các cuộc thi hoặc sự kiện thì hầu hết do các công ty tự tổ chức, nên không tránh khỏi tình trạng thiếu tính trung lập. Các nhóm thảo luận như JS Meetup, C++, PHP, … thì vẫn còn xoay quanh chủ đề liên quan đến một công nghệ cụ thể thay vì khai thác các chủ đề có chiều sâu như kiến trúc hệ thống, hoặc các chủ đề nền tảng Khoa học máy tính (Computer Science) như thuật toán, cấu trúc dữ liệu giải thuật,…
Hình thức hoạt động của Grokking có gì đặc biệt hơn so với các mô hình khác trên thị trường?
Là một trong các tổ chức hướng đến xây dựng hệ sinh thái cho cộng đồng kỹ sư người Việt, Grokking hoạt động theo mô hình tổ chức bán thời gian.
Nếu so với một công ty hoạt động theo mô hình kinh doanh có lợi nhuận trong lĩnh vực, mô hình bán thời gian của Grokking vừa là một điểm bất lợi khiến cho Grokking luôn trong tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực để triển khai các dự án, các ý tưởng mà đội ngũ theo đuổi.
Tuy nhiên, chính điều này đôi khi lại trở thành một lợi thế, bởi vì các thành viên của Grokking đều đang trực tiếp làm việc với vai trò kỹ sư trong các công ty và tổ chức khác, thế nên các hoạt động cũng như các dự án của Grokking đều xuất phát một cách chân thực từ chính nhu cầu phát triển của một người kỹ sư. Nhờ vậy, nội dung được tạo ra từ Grokking đều chân thật, có giá trị thực tiễn, hướng đến việc chia sẻ tri thức thật mà không nhằm lôi kéo người đọc hay chỉ vì lợi nhuận.
Tại Grokking, anh và đội ngũ của mình giải quyết những vấn đề nói trên bằng giải pháp gì?
Đội ngũ Grokking hy vọng góp phần giải quyết những vấn đề trên thông qua:
- Xây dựng các hoạt động tăng cường sự tương tác trong cộng đồng như các buổi toạ đàm về công nghệ — techtalk, hội thảo trực tuyến — webniar, ngày hội phỏng vấn — interview day, … Thông qua các hoạt động này, Grokking hy vọng sẽ giúp các bạn junior có cơ hội học hỏi nhiều hơn từ các anh chị đi trước, cũng như các bạn senior có môi trường để chia sẻ kiến thức cũng như thảo luận chuyên sâu.
- Xây dựng các kênh xuất bản ngoại tuyến và trực tuyến giúp chia sẻ và khuyến khích việc đọc, viết nhiều hơn trong cộng đồng. Hiện Grokking đang có hai kênh là Newsletter và Dijkstra hướng đến mục tiêu này.
- Xây dựng các hoạt động thảo luận nhóm, tìm hiểu và nghiên cứu chuyên sâu các chủ đề như Database, Operating System, Distributed System,…
- Tổ chức các khoá đào tạo–ngắn và dài hạn–cả ngoại tuyến và trực tuyến để tăng cường kỹ năng.
Grokking làm thế nào để kết nối với các chuyên gia công nghệ cũng như hoạch định nội dung sao cho phù hợp với người tham gia?
Thời điểm ban đầu, các chuyên gia được Grokking mời tới đều xuất phát từ mối quan hệ cá nhân của các thành viên sáng lập. Dần dần, chính các công ty công nghệ sẽ là người chủ động liên hệ để gửi speaker đến.
Về mặt thẩm định nội dung, do các thành viên của Grokking đều có chuyên môn về lĩnh vực này nên không gặp quá nhiều khó khăn trong việc thẩm định nội dung. Hiện giờ nội dung mà Grokking triển khai đều là nội dung thuần công nghệ và chỉ hướng đến người tham gia có kiến thức về công nghệ là chủ yếu, đặc biệt là các bạn có kinh nghiệm.
Những thách thức mà Grokking gặp phải trong quá trình hoạt động là gì?
Thách thức đầu tiên của Grokking là duy trì được động lực và tinh thần cống hiến. Là một tổ chức bán thời gian, hầu hết các thành viên đều không có lương, thưởng khi tham gia cùng Grokking, điều duy nhất mà các bạn nhận được đó là sự phát triển về mặt chuyên môn của bản thân trong quá trình tham gia xây dựng các hoạt động. Vì nguyên nhân đó nên cũng không tránh khỏi việc thành viên đến rồi đi. Ngoài ra, việc thu xếp để cân bằng cuộc sống và công việc cũng là một vấn đề các thành viên cần phải giải quyết để tham gia hoạt động của Grokking một cách bền vững.
Thách thức thứ hai là kinh phí hoạt động ổn định. Hầu hết các hoạt động của Grokking đều miễn phí, hoặc thu phí ở mức tượng trưng để hỗ trợ cho cộng đồng nên chi phí cho các hoạt động hiện giờ của Grokking dựa chủ yếu trên nguồn tài trợ từ các công ty (không đều) và từ tiền cá nhân của các thành viên sáng lập.
Anh có thể kể một số cột mốc đáng nhớ của Grokking tính đến thời điểm hiện tại?
- Tổ chức được 34 sự kiện techtalk có quy mô từ 50-150 người/sự kiện.
- Tổ chức 3 webinar với quy mô hơn 500 người đăng ký với khách mời là kỹ sư người Việt đang làm việc ở các công ty công nghệ lớn như Google, Amazon, Facebook, LinkedIn.
- Xuất bản bản in Dijkstra lần 1, in 1500 bản và bán hết trong 3 tuần.
- Đã xuất bản 100+ số newsletter hàng tuần, tập hợp các nội dung hay về Công nghệ phần mềm (Software Engineering).
- Tổ chức hơn 20 buổi thảo luận xoay quanh các chủ đề về Software Engineering quy mô 10-20 người.
- Tổ chức hơn 15 buổi workshop xoay quanh các chủ đề sâu liên quan đến Software Engineering.
Kế hoạch phát triển trong vòng 2-5 năm của Grokking là gì?
Grokking hy vọng có thể tiếp tục mở rộng nhân sự (hiện đang có 30+ thành viên ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, và New York) và tăng độ phủ hoạt động ra Hà Nội, Đà Nẵng và các quốc gia khác nơi có các kỹ sư người Việt đang sinh sống và làm việc. Tiếp đến là duy trì và nâng cao chất lượng các dự án hiện tại. Sau đó mở rộng thêm các dự án mới phục vụ 4 nhu cầu cốt lõi của cộng đồng: tương tác và chia sẻ, đọc và viết, đào tạo, thực hành.
Cuối cùng, lời khuyên anh dành cho các bạn trẻ muốn trở thành kỹ sư công nghệ là gì?
Đầu tiên là không ngừng học hỏi và cập nhật kiến thức một cách có chọn lọc. Hiện nay có nhiều nguồn thông tin, khiến cho việc chọn lọc thông tin để đọc, học và bám theo trở nên ngày càng khó khăn và đòi hỏi các bạn nghiêm túc hơn trong việc chọn lọc để có thể tiếp thu thông tin có chọn lọc hơn.
Tiếp đến là cố gắng đào sâu kiến thức nền tảng thay vì chạy theo công nghệ nhất thời. Việc chạy theo một công nghệ, một ngôn ngữ có thể giúp bạn có được công việc nhất thời, nhưng về lâu về dài, việc thiếu hụt các kiến thức nền tảng sẽ khiến cho các bạn kỹ sư không phát triển được xa hơn, khó xây dựng được các hệ thống ổn định, phức tạp và có chiều sâu hơn.
Cuối cùng là bên cạnh việc dành thời gian làm việc ở công ty, hãy dành thời gian rảnh ở nhà để đào sâu công nghệ, đọc tài liệu, làm thử side-projects, tham gia các nhóm thảo luận, …. để không ngừng tăng cường chuyên môn của bản thân. Thế giới công nghệ thay đổi quá nhanh, nếu không tự xây dựng cho mình thói quen cập nhật, tiến bộ mà chỉ lệ thuộc vào môi trường công ty thì bạn sẽ tự giới hạn sự phát triển của bản thân, và không sớm thì muộn sẽ bị đào thải.
Xem thêm:
[Bài viết] Vietnamese Innovator: Homebase — Startup hiện thực hóa ước mơ sở hữu nhà của người trẻ Việt
[Bài viết] Vietnamese Innovator: Changmakeup – Biến đam mê thành sự nghiệp