Hiệu ứng Mandela – Khi số đông cùng bị "tẩy não"
Hiệu ứng Mandela (Mandela Effect) là gì mà có khả năng xuyên tạc ký ức của số đông?
Bạn có biết thật ra Hai Bà Trưng không phải họ Trưng? Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ toàn thư quyển 3: "Trưng Vương tên húy là Trắc, họ Trưng. Nguyên là họ Lạc, con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh. Sau khi làm vua mới xưng là họ Trưng."
Còn theo PGS. Nguyễn Khắc Thuần, người Việt thời đó chưa có họ. Tên của hai bà có nguồn gốc từ nghề dệt lụa truyền thống của Việt Nam, vốn là Trứng Chắc (nghĩa là trứng ngài tốt) và Trứng Nhì (trứng ngài kém hơn), phiên theo tiếng Hán gọi là Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Cũng như “Ratatouille” không phải là tên của chú chuột nhân vật chính, mà là tên món rau củ hầm trong phim, còn chú chuột tên là Remy.
Trên đây chỉ là hai ví dụ trong số rất nhiều biến thể của Hiệu ứng Mandela (Mandela Effect) đã "xuyên tạc ký ức" của bạn và vô vàn người khác trong suốt thời gian qua.
1. Hiệu ứng Mandela là gì?
Là tình huống một số đông người đều có chung ký ức sai sự thật về một thông tin hoặc sự kiện đặc biệt.
Một số ví dụ nổi tiếng của hiệu ứng này:
2. Nguồn gốc của Hiệu ứng Mandela?
Sự việc bắt đầu vào năm 2009, khi Fiona Broome đang ở phòng nghỉ tại Dragon Con và trò chuyện với mọi người về cái chết của tổng thống Nelson Mandela. Họ đều cho rằng ông mất trong nhà giam vào những năm 1980. Thậm chí có người còn chắc nịch đã từng đọc tin tức và xem đoạn phim về tang lễ đó.
Nhưng sự thật là Nelson Mandela vẫn còn sống đến năm 2013. Khi phát hiện ra điều này, Fiona Broome đã lập một website để bàn luận và ghi lại xem có bao nhiêu người cũng có chung nhầm lẫn. Ngạc nhiên là con số không hề ít với nhiều trường hợp khác nữa. Hiện tượng này bắt đầu nổi lên trên Internet, và Fiona đặt tên nó là “Hiệu ứng Mandela".
3. Thực chất Hiệu ứng Mandela là gì?
Có nhiều lời giải cho hiện tượng này, nhưng chung quy đều là các trục trặc khi chúng ta cố gợi lại ký ức (false memory). Một số nguyên nhân là:
- Nỗ lực tạo ý nghĩa (effort after meaning): Chúng ta thường cố biến những điều không quen thuộc sang dạng quen thuộc để hiểu được nó, nhưng vô tình lược bỏ một số thông tin và tạo sự sai lệch với bản gốc.
- Trí nhớ “bịa đặt" (confabulation): Không phải vì cố tình lừa dối ai, mà vì chúng ta đang vô thức lấp khoảng trống trong trí nhớ rời rạc của mình.
- Thông tin sau sự kiện (post-event information): Thông tin bạn biết được sau một sự kiện cũng có khả năng thay đổi ký ức của bạn về sự kiện đó.
- Thông tin “mồi" (priming): Hay “thông tin gợi ý" (suggestibility) là khi ký ức của bạn bị sai lệch do lời dẫn dắt, gợi ý hoặc nhận xét từ người khác.
Bạn có thể tìm hiểu thêm các “mánh lừa đảo" của não bộ qua bài viết: 7 Đại tội của não bộ
Ngoài ra, những người theo hệ thuyết âm mưu còn tin rằng có một thực tại hoặc vũ trụ song song đang hoà trộn vào vũ trụ của chúng ta. Vì nhiều người cùng bị xáo trộn dòng thời gian nên mới có trường hợp cùng chung một ký ức sai thực tế. Tuy nhiên chưa ai chứng thực được giả thuyết này.
4. Làm sao để hạn chế thông tin sai lệch?
Mặc dù Hiệu ứng Mandela nghe thì vô hại, nhưng thật ra lại là một mắt xích gây nên hệ quả lan truyền thông tin sai sự thật. Làm sao để hạn chế điều này?
Tự chứng thực thông tin:
Tốt nhất là bạn nên tự tra cứu thông tin mà mình cảm thấy chưa chắc chắn trước khi quyết định chia sẻ.
Còn khi xác thực với người khác, lưu ý đừng đặt câu hỏi mang tính dẫn dắt, chẳng hạn “Hình như Nelson Mandela mất năm 1980 phải không?” bởi vì chúng ta thường có xu hướng hùa theo niềm tin của người khác. Thay vào đó, có thể hỏi “Nelson Mandela mất năm nào nhỉ?”
Tự bảo vệ mình trước tin giả:
Tin giả có thể đến từ bất kỳ nguồn nào, việc ta có thể làm là tự lọc lại khi nó tiếp cận mình. Tham khảo một số phương pháp qua bài viết:
3 Phương pháp phân biệt tin giả trên mạng
Cẩn trọng với các trò chơi khăm:
Công nghệ phát triển, đơn cử như Deepfake, đi cùng với tốc độ phát tán của mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ cho thông tin sai lệch, gây hậu quả không đáng dù mục đích ban đầu chỉ để cho vui.
Hãy cẩn thận vì nếu bạn cứ lặp lại việc ghi nhớ một thông tin sai, độ xác thực của nó sẽ dần được củng cố trong trí não của bạn.