Học được gì từ chuyện bị bắt nạt của Giang Ơi?
1. Chuyện gì đã xảy ra với Giang?
Trong tập 22 của chương trình IELTS Face-Off, vlogger Giang Ơi chia sẻ rằng cô từng bị bắt nạt ở trường và đó là một trong những lý do chính khiến cô muốn đi du học. Năm 2017, Giang Ơi cũng từng đăng tải video kể về trải nghiệm này.
Tuy nhiên, mới đây, trên Facebook, bạn cùng lớp và giáo viên thời cấp 2 của Giang kể lại một câu chuyện hoàn toàn khác.
2. Người quen của Giang nói gì?
L.V.H, một người nhận là bạn học chung cấp 2 của Giang cho biết tính cách cô lúc ấy “ngạo mạn nên bạn bè ái ngại trong việc chơi cùng”, và khẳng định không ai bắt nạt cô.
Ngược lại, G.T.N, một người bạn học khác, cho rằng bạn cấp 2 thực sự đã từng bắt nạt cô. Dino Vũ, bạn thân của Giang, chia sẻ rằng, “Kẻ mạnh sẽ không thể hiểu được nỗi đau của người yếu thế trong tập thể”. Điều này phần nào giải thích sự khác biệt trong quan điểm của Giang Ơi và những người bạn cấp 2.
3. Thế nào là bắt nạt?
Các tranh cãi về sự việc của Giang đều xoay quanh câu hỏi: Giang có thật sự đã bị bắt nạt? Vậy, thế nào được gọi là bắt nạt?
Theo National Centre Against Bullying tại Úc, bắt nạt là hành vi lạm dụng quyền lực thông qua lời nói, hành động nhằm gây tổn hại về thể chất hoặc tâm lý của người khác. Bắt nạt diễn ra khi có sự chênh lệch về vị thế trong một tập thể.
Theo một khảo sát, trong 3.000 học sinh tại Hà Nội được hỏi, có đến hơn 2.000 em từng bị bắt nạt.
4. Bạn có đang vô tình bắt nạt ai đó?
Ngoài bắt nạt bằng vũ lực (physical bullying), bắt nạt bằng lời nói (verbal bullying) hay bạo lực mạng (cyberbullying), có một hình thức vô cùng phổ biến: bắt nạt bằng mối quan hệ xã hội (social bullying).
Kiểu bắt nạt này bao gồm việc khuyến khích người khác cô lập, trêu chọc, hạ bệ danh tiếng một ai đó bằng các tin đồn. Vì không trực tiếp dùng vũ lực, hình thức bắt nạt này vẫn bị xem nhẹ. Đôi khi, người bắt nạt không nhận ra mình đang bắt nạt người khác.
Nếu bạn tham gia vào việc trêu chọc, tẩy chay và cô lập một ai đó, rất có thể bạn đang gián tiếp bắt nạt họ.
5. Bắt nạt tác động đến nạn nhân như thế nào?
Người bị bắt nạt có khả năng đối mặt với trầm cảm, tự ti và suy nghĩ tự tử nhiều hơn người bình thường. Trong một khảo sát, 18% số học sinh từng ngược đãi bản thân sau khi bị bắt nạt. Bản thân Giang Ơi cũng chia sẻ cô từng cảm thấy cô độc một khoảng thời gian dài trước khi đến nước Anh.
6. Điều gì khiến một người trở thành kẻ bắt nạt?
Có nhiều lý do khiến một người trở thành kẻ bắt nạt. Có thể họ đang gặp áp lực từ cuộc sống hay gia đình. Có thể họ tự ti, hoặc muốn cải thiện vị thế của mình qua việc đàn áp người khác.
Đôi khi cách tốt nhất để ngưng hành động bắt nạt là tăng sự đồng cảm, giúp người bắt nạt hiểu nếu bị cô lập thì cảm xúc của họ sẽ thế nào.
7. Nên làm gì khi bị bắt nạt?
The Northen Country Psychiatic Associate, bắt nạt là một hành vi xã hội không chỉ xuất hiện ở trường học, mà còn trong môi trường công sở và gia đình. Ai cũng có thể bị bắt nạt.
Nếu bị bắt nạt, bạn nên chia sẻ với người mình tin tưởng và giữ bình tĩnh để nghĩ hướng đối phó phù hợp.
Để vượt qua dư chấn khi bị bắt nạt, điều quan trọng nhất là tập trung vào những điều tốt đẹp hiện tại, vạch ra những giới hạn để việc này không tái diễn, và tập cách yêu bản thân, mỗi ngày.