Jeannie Mai và hành trình tìm thấy “bản dạng” trong sự nghiệp truyền hình Mỹ

Với cộng đồng người Mỹ gốc Á, học vấn dường như là con đường chắc chắn nhất dẫn đến thành công. Nhưng Jeannie Mai có câu trả lời khác cho riêng mình.
Hiền Lê
Nguồn: Bobbyvux cho Vietcetera

Nguồn: Bobbyvux cho Vietcetera

Sinh năm 1979 tại San Jose, California, Jeannie Mai (tên tiếng Việt Mai Cẩm Tú) là MC nổi tiếng với các show truyền hình đình đám như How Do I Look Holey Moley. Cô cũng đạt giải Daytime Emmy Awards với vai trò MC của chương trình The Real. Đây là sự khác biệt lớn so với cái được cô gọi là “mô hình trưởng thành truyền thống của người Mỹ gốc Á”: tìm một công việc lương cao, đi học, lấy bằng và làm nó đến hết đời.

Quả thực đối với những gia đình gốc Á tại Mỹ nói chung, học vấn và bằng cấp dường như là công thức “bảo chứng” một sự nghiệp thành công mà xã hội trọng vọng. Tuy nhiên với Jeannie, người mắc chứng ADHD và gặp nhiều khó khăn trong học hành từ nhỏ, cô sớm nhận ra đây không phải con đường dành cho mình.

Thay vào đó, cô muốn kiếm tiền bằng đam mê từ nhỏ là trang điểm và phối đồ. Cô được truyền cảm hứng bởi mẹ, người luôn khiến nhà tuyển dụng ấn tượng với lối trang điểm và trò chuyện nổi bật ở mỗi buổi phỏng vấn xin việc, dù tiếng Anh của bà không quá lưu loát.

Nhưng để đi từ đam mê đến sự nghiệp truyền hình thành công như hiện tại, Jeannie Mai đã trải qua nhiều lần thử và sai, để đúc kết nên nhiều bài học của riêng mình. Mà từ khóa quan trọng nhất xuyên suốt những kinh nghiệm ấy chính là “bản dạng” - những ưu điểm, khuyết điểm, thành công và cả thất bại đã làm nên một Jeannie Mai độc nhất vô nhị.

Làm sao để mọi người xung quanh đều được lắng nghe và thấu hiểu

Jeannie Mai lớn lên trong một gia đình lớn với 15 người cùng chung sống, khiến việc đáp ứng nhu cầu của từng người trở nên khó khăn. Lòng thấu cảm sẵn có khiến cô mong muốn là người kết nối các thành viên, tìm ra tiếng nói chung để dung hòa cả gia đình. Cô chủ động lắng nghe, trò chuyện và chia sẻ với từng thành viên trong gia đình.

Cô cũng áp dụng chính kỹ năng này vào công việc đầu tiên của mình là bán mỹ phẩm. Không chỉ hướng dẫn khách, cô còn tích cực trò chuyện, gợi ý cho họ về màu son nào phù hợp, màu phấn nào làm nổi tông da. Cô tâm niệm dù khách có mua đồ hay không, thì ít nhất họ cũng đã được lắng nghe, được thấu hiểu nhu cầu cá nhân.

Chưa dừng lại ở đó, cô cũng đề xuất ý tưởng tận dụng khu vực trống trong trung tâm thương mại để dựng một “sân khấu” chiếu đèn, khiến khách có cảm giác mình là người nổi tiếng đang “tỏa sáng” khi trang điểm. Ý tưởng này đã giúp công ty tăng doanh số đáng kể, và bản thân Jeannie được thăng chức.

Thời điểm đó, đài truyền hình địa phương nơi Jeannie sinh sống có một khung giờ trống chỉ phát nhạc mà không có chương trình gì. Cảm thấy đây là một “sự lãng phí thời gian”, cô quyết định đến tận nhà đài trình bày nguyện vọng làm một show truyền hình dạy trang điểm. Đây chính là “bàn đạp” giúp cô trở thành chuyên viên trang điểm cho nhiều sao lớn như Christina Aguilera và Alicia Keys, rồi trở thành MC chương trình How Do I Look.

Tìm ra hệ giá trị bạn không phải hy sinh để được là chính mình

Dù là chương trình thể hiện đủ mọi cá tính trong thời trang, How Do I Look lại yêu cầu Jeannie che hình xăm của cô khi lên sóng. Lý do vì truyền hình Mỹ khi đó vẫn khá bảo thủ, và công chúng Mỹ cũng chưa mấy cởi mở với việc người nổi tiếng xăm mình.

Đây là lúc Jeannie nhận ra rằng, hình xăm dù giúp cô thể hiện tính cách, nhưng cô không thể thay đổi luật của chương trình. Cô phải tìm ra điều khiến mình “dù mặc váy dạ hội hay váy ngủ” cũng vẫn là Jeannie Mai: một người Việt tự tin, kết nối tốt và có thể truyền cảm hứng đến khán giả. Đó là hệ giá trị định nghĩa nên con người cô, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Vì vậy, nếu phải hy sinh hệ giá trị cốt lõi của mình để đáp ứng nhu cầu chương trình, cô sẽ từ chối. Đây là bài học cô rút ra sau một lần phải mặc áo độn ngực rất cao, để tạo dáng kiểu “Asian mistress” khi ghi hình. Đó là lần đầu tiên cô thực sự hiểu được cảm giác bị “đóng rập” theo một khuôn mẫu có sẵn, điều mà cô không thể hy sinh chỉ để làm tốt nhiệm vụ.

Dù vẫn được trả cát-xê cho lần ghi hình ấy, Jeannie cảm thấy day dứt vì hệ giá trị cốt lõi của mình bị vi phạm. Từ đó, cô hiểu được sức mạnh của việc nói không khi cần thiết, bởi “not all money is good money”. Đây là bài học quan trọng không chỉ với Jeannie Mai, mà còn với tất cả những ai đang trên hành trình tìm kiếm hệ giá trị của riêng mình.

Làm chủ khuyết điểm của chính mình trước khi người khác nắm được nó

Ngay khi bắt đầu cuộc trò chuyện trên Have A Sip, Jeannie đã thẳng thắn chia sẻ “tiếng Việt của Jeannie có thể hơi khó nghe”, vì cô học chủ yếu từ gia đình và bạn bè nên vốn từ có phần hạn chế. Dù vậy, cô vẫn cảm thấy tự hào vì mình nói được tiếng Việt.

Đây là một chiến lược “ghi điểm” khác được Jeannie đúc kết: “làm chủ” khuyết điểm của mình thay vì để người khác phát hiện ra nó. Bởi bản chất lòng tự tin không đến từ những gì bạn có, mà đến từ việc thoải mái với những gì bạn thiếu. Một khi bạn thừa nhận khuyết điểm của mình, không ai có thể lợi dụng nó để trêu chọc bạn nữa.

Để đạt tới “cảnh giới” này, Jeannie cũng trải lòng về biến cố trong hôn nhân. Người ta bàn tán về chuyện cô từng không muốn có con (một trong những lý do cô chia tay chồng cũ), nhưng giờ lại là mẹ của một bé gái 1.5 tuổi. Nhưng bản thân Jeannie hiểu rằng, lý do thực sự cô không muốn có con vì lo không thể làm một người mẹ tốt - một nỗi sợ mà khi còn ở bên chồng cũ, cô chưa sẵn sàng đối mặt.

Vì vậy trong video tâm sự với fan, cô cảm thấy mình “như được giải thoát” khi cuối cùng đã có thể làm chủ nỗi sợ này, coi nó như một phần bản dạng mình từng có để tiến tới một phiên bản tốt hơn. Cô chủ động cảm ơn những người không ưa mình, bởi chính họ đã khiến cô nhận ra mình có năng lực “làm chủ” ngay cả với những gì mình thiếu.

Đón xem tập podcast Have A Sip với khách mời Jeannie Mai, phát sóng tối thứ 6 ngày 16/06/2023 trên YouTube của Vietcetera, Spotify và Apple Podcast.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục