Khám phá Sake Central Saigon cùng nhà thiết kế Sean Dix
Sake Central Saigon là địa điểm mới nhất của Sake Central, chuỗi nhà hàng mang phong cách Nhật Bản. Cũng như địa điểm đầu tiên tại khu PMQ Hồng Kông, Sake Central Saigon được thiết kế bởi nhà thiết kế kiến trúc và nội thất người Mỹ Sean Dix, đồng thời cũng là nhà thiết kế của Yardbird và Ronin.
Năm 2017, Sake Central Hong Kong ra đời tại trung tâm Police Married Quarters (gọi tắt là PMQ) của Hồng Kông, được ví như “nơi mà những người yêu sake hằng mong đợi“. Ở đây, hơi thở Nhật Bản thấm đẫm cả một không gian, từ những căn phòng màu chàm với cửa trượt, những tấm đệm cói tatami và đặc biệt là cách bố trí ánh sáng đẹp mắt. Mọi thứ đều được thiết kế và bài trí bởi bàn tay tài hoa của nhà thiết kế Sean Dix – cũng là người đã thiết kế Sake Central Saigon.
Có thể nói, Sean Dix là một tên tuổi lớn mà bất kỳ người kinh doanh nhà hàng nào cũng muốn có cơ hội được hợp tác. Ngoài Yardbird – dự án thiết kế nhà hàng đầu tiên của Sean Dix tại Hồng Kông, nhà thiết kế kiến trúc và nội thất người Mỹ này còn đứng sau hàng loạt các thiết kế nhà hàng ấn tượng tại Hồng Kông, bao gồm nhà hàng Nhật Bản theo phong cách Izakaya Ronin, Belon – một nhà hàng Pháp đậm chất hiện đại và Ho Lee Fook của đầu bếp người Đài Loan Jowett Yu.
“Trước khi thiết kế Yardbird năm 2011, tôi cũng đã từng thiết kế Officina 12, một nhà hàng dọc bờ kênh Naviglio Grande ở thủ đô Milan, Ý. Nhà hàng đó đến giờ vẫn hoạt động rất thành công. Nhưng ngẫm lại, Yardbird lại chính là tiền đề và động lực để tôi tiếp tục thiết kế nhà hàng đến tận ngày hôm nay,” Sean Dix đã bắt đầu cuộc trò chuyện như thế. Ông đang ở đây với chúng tôi, ngay tại Sake Central Saigon trên đường Đông Du, quận 1.
Nhà thiết kế kiến trúc và nội thất Sean Dix cho biết: “Sake Central Saigon ra đời như là một không gian để thưởng rượu sake, nếm những món ngon và khám phá những trải nghiệm mới lạ.”Ông có thể chia sẻ thêm về dự án đầu tiên của mình khi mới chuyển đến Hông Kông và cuộc sống hiện tại của mình?
Vốn là một người chuyên về lĩnh vực thiết kế sản phẩm và nội thất, tôi đã từng thực hiện rất nhiều dự án thiết kế cửa hàng bán lẻ tại Milan. Sau đó, tôi chuyển đến Hồng Kông sinh sống để tiện giám sát các sản phẩm nội thất sản xuất tại Quảng Châu cũng như thực hiện các dự án bán lẻ ở đây, trong đó có I.T, một tâp đoàn thời trang nổi tiếng tại Hồng Kông. Tính đến thời điểm này, tôi đã sống tại Hồng Kông được khoảng 10 năm, và vẫn đều đặn về thăm Milan mỗi tháng 10 ngày.
Một ngày nọ, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông với những lời có cánh và lời ngỏ mua lại những chiếc ghế mà tôi thiết kế. Anh ấy kể rằng mình vốn định đặt cọc để mua những chiếc ghế cổ của Friso Kramer – một nhà thiết kế ít người biết đến ở thập niên 50, 60. Thật ra, tôi là một người vốn rất hâm mộ Friso Kramer vì những chiếc bàn đứng cho người đồ hoạ và các trang thiết bị cho giảng đường của ông đã thiết kế. Và người đàn ông đã gọi điện cho tôi chính là ông chủ của Yardbird, đầu bếp Matt Abergel.
Một ngày nọ, Sean bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông với những lời có cánh và người đàn ông đó chính là ông chủ của Yardbird, đầu bếp Matt Abergel.Sau đó, mối quan hệ giữa ông và Matt Abergel đã phát triển như thế nào?
Lúc bấy giờ, văn phòng của tôi nằm ở đường Bridge, cách nơi Yardbird tọa lạc không xa. Mối quan hệ của chúng tôi cũng vì thế mà được thắt chặt. Thế rồi từ chỗ mua một chiếc ghế có sẵn, anh ấy đặt tôi thiết kế những chiếc ghế riêng… rồi sau đó là tin tưởng giao cho thiết kế cả một nhà hàng. Đầu tiên là chi nhánh thứ 2 của Yardbird và tiếp đến là Ronin.
Vì Yardbird đã là một địa điểm chuyên về thịt gà xiên nướng kiểu Nhật hết sức náo nhiệt và tràn đầy năng lượng, Matt muốn Ronin ấm cúng như một gian bếp nhỏ, nơi mà anh ấy có thể trổ tài nấu nướng của mình, đặc biệt là các món về hải sản. Tôi và anh ấy đã cùng nhau tìm đến một người chơi đồ gỗ tại một vùng hẻo lánh của nước Nhật để hỏi mua lại một cây gỗ, đem về và dùng làm hai quầy phục vụ và lót sàn cho Ronin.
Xét về kiến trúc và cách bài trí nội thất, Sake Central Saigon và Sake Central Hong Kong có điểm gì tương đồng với nhau?
Không như Sake Central Saigon, Sake Central Hong Kong được xây dựng bằng cách kết hợp ba căn hộ lại với nhau, tọa lạc tại trung tâm PMQ cũ (được xây dựng từ những năm 50 dành cho các sĩ quan cảnh sát đã lập gia đình và sau này được ví như là trung tâm văn hóa và sáng tạo của cả Hồng Kông). Tòa nhà PMQ vốn là tài sản của nhà nước nên chúng tôi gặp khá nhiều cản trở trong việc tái tạo lại không gian. Theo lý thuyết, chúng tôi chỉ được quyền sơn lại những bức tường, không được tháo gỡ trần nhà, sàn nhà hay mở lối thông giữa ba không gian. Ở Sài Gòn, chúng tôi thật sự vui mừng khôn xiết khi biết được phạm vi sáng tạo mà mình có ở đây.
Sake Central Saigon là địa điểm tiếp theo của Sake Central Hong Kong, vốn được ví như “nơi mà những người yêu sake hằng mong đợi”.Ông có thể miêu tả những nét thiết kế đặc trưng của Sake Central Saigon không?
Không gian ở đây khá là đặc biệt. Khi còn là quán bar Last Call, ở đây có một hành lang dài với cầu thang gấp khúc và nhà vệ sinh nằm ngay phía dưới. Tôi đã tự hỏi: “Làm sao để thu hút sự chú ý của thực khách?” Và rồi tôi nảy ra ý tưởng sẽ thiết kế lối đi tối tăm đầy bí ẩn kết hợp với hiệu ứng đèn huyền ảo. Những miếng ván gỗ lót hai bên tường dọc lối đi được làm bằng gỗ hun “shou sugi ban”.
Thật ra đây là một phương pháp mà tôi muốn thử nghiệm từ rất lâu rồi. Và thường những ý tưởng tuyệt vời thì rất dễ để có thể áp dụng cho những dự án tiếp theo. Vì thế, tôi muốn tiếp tục sử dụng gỗ hun để làm sàn cho Renkon – dự án tiếp theo ở đây. Nhưng sau khi thử nghiệm, chúng tôi phát hiện ra rằng loại gỗ này không đủ bền để lót sàn, nó chỉ phù hợp để trang trí lối đi cho Sake Central Saigon.
Lối đi tối tăm đầy bí ẩn kết hợp với hiệu ứng đèn huyền ảo, hai bên tường dọc lối đi được làm bằng gỗ hun “shou sugi ban” tại Sake Central Saigon.Có phải những chiếc bàn cũng là chi tiết trang trí chủ đạo ở đây?
Nói một cách chính xác thì những chiếc bàn là “nhân vật chính” của không gian này. Dưới mặt bàn bằng kính là những chiếc hộp gỗ “masu” truyền thống được đặt gia công tại Nhật. Trong mỗi chiếc hộp là những hạt gạo có độ bóng khác nhau như một cách để gợi nhắc cách làm rượu sake. Những chiếc hộp ở đầu này chứa những hạt gạo thô, chưa được đánh bóng và gạo trong những họp ở đầu còn lại được đánh bóng đến 30%.
Chúng tôi còn có hai tủ giữ lạnh truyền thống có chiều cao vừa khít từ sàn đến trần với ánh sáng hắt nhẹ từ trong ra nhìn khá ấn tượng. Đây là thiết kế của tôi và được gia công hoàn toàn tại Việt Nam.
“Tôi yêu ánh sáng, nhưng lại không thích nhìn thấy nguồn sáng,” Sean Dix cho biết.Những thiết kế và kiến trúc của Sean Dix luôn có hiệu ứng ánh sáng rất đặc biệt. Ông có thể chia sẻ về triết lý thiết kế ánh sáng mà ông thường sử dụng? Và triết lý đó được lấy cảm hứng từ đâu?
Tôi có một sự nhạy cảm đặc biệt với ánh sáng, nói một cách cụ thể, tôi yêu ánh sáng, nhưng lại không thích nhìn thấy nguồn sáng. Đối với tôi, càng giấu kỹ nguồn sáng thì càng đẹp. Dần dần, triết lý đó ăn sâu vào phong cách thiết kế của tôi. Điển hình là không gian của Sake Central Saigon, cách mà những chiếc ly thủy tinh chiếu sáng tại quầy bar – ý tưởng này đã được tôi áp dụng cho Ronin trước đó.
Tôi nghĩ tư duy này không phải đến từ những người đã chỉ dạy mình. Tôi đã từng làm việc cho Ettore Sottsass, một nhà thiết kế nội thất theo phong cách hậu hiện đại, và nhà thiết kế người Anh James Irvine, cũng là một đồ đệ của Sottsass. Và trong số hai người họ, không có ai hướng đến phong cách như thế này cả.
Rượu sake Junmai và Nigori thuộc nhãn hiệu “Sundays are better than others”.Ông đã từng phát biểu rằng “đừng nên đặt tên cho thiết kế”. Có phải anh luôn thích tạo ra những sản phẩm nội thất mang tính khiêm tốn?
Ở thành phố Kansas nơi tôi lớn lên, chúng tôi thường không làm những điều khoa trương – sự khiêm tốn giống như một nét văn hóa vậy. Tôi cũng đã từng thử thiết kế ra những thứ táo bạo, bao gồm cả những cửa hàng cho nhà mốt Moschino trên khắp thế giới. Đó là vào khoảng những năm đầu thập niên 90, khi Franco Moschino qua đời, các cửa hàng của họ bắt đầu trở nên lỗi thời. Đây là lúc thương hiệu biết rằng họ cần phải thay đổi. Lúc ấy, tôi được giao cho nhiệm vụ thiết kế cho một chuỗi gồm khoảng 80 cửa hàng theo phong cách hiện đại nhưng vẫn giữ được tinh thần và tính lịch sử của thương hiệu. Thế là tôi đã tạo ra một chiếc đèn chùm khổng lồ trang trí bằng những chiếc giày cao gót thủy tinh được thổi thủ công.
Điểm nhấn trong không gian của Sake Central Saigon là những chiếc bàn với những hộp gỗ “masu” đong đầy gạo Nhật được đặt dưới mặt bàn.Làm thế nào mà ông có đủ thời gian để tìm kiếm ý tưởng và những chất liệu mới?
Những chuyến du lịch nối tiếp nhau là cách mà tôi thường dùng để tìm tòi, học hỏi. Tôi di chuyển liên tục giữa Hồng Kông và Milan. Trong tháng này tôi cũng đã đến Trung Quốc và Thành phố Kansas. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn là nguồn cảm hứng lớn nhất, giống như là quần đảo Galapagos của sự sáng tạo. Mọi thứ đều mang một nét riêng không lẫn với bất kỳ nơi nào khác, nó khiến cho người ta cảm thấy rằng sự sâu sắc đã ngấm vào máu những người nghệ sĩ ở đây. Điển hình như thương hiệu quần jean Levis. Trên thực tế, chính Nhật Bản là quốc gia đầu tiên tái sử dụng những chiếc quần Levis. Và rượu whisky Nhật Bản luôn được xem là ngon thượng hạng trên thế giới.
Khi giám sát xong những giai đoạn cuối cùng của Sake Central Saigon, ông sẽ làm gì tiếp theo?
Tôi sẽ trở về Hồng Kông, Milan, và đến một vùng hẻo lánh của nước Ý mà ngay cả người Ý cũng ít biết đến. Đó là vùng Le Marche, nằm ở phía đông bờ biển Adriatic. Ẩm thực ở đây vô cùng phong phú và ấn tượng. Họ có truyền thống làm sashimi từ hàng trăm năm trước. Ngoài ra, vì nằm khá gần vùng nông nghiệp của Ý nên ở đây còn có những món ăn truyền thống làm từ thịt thỏ. Sau khi hoàn thành chuyến du lịch này tôi sẽ quay lại tiếp tục thực hiện hai dự án. Một là Renkon, một nhà hàng theo phong cách Izakaya; và Irusu, một lounge theo phong cách Nhật Bản.
Cuối cùng, chúng tôi nên trò chuyện với ai tiếp theo?
Hãy nói chuyện với đội ngũ của Sake Central Saigon và Eight Four Collective. Ngoài ra, còn có Elliot Faber, người đứng sau thành công của Sake Central Hong Kong. Anh ấy là một Sake Samurai (chuyên gia rượu sake), đồng thời còn là Giám đốc ngành hàng đồ uống tại Yardbird, Ronin và Sunday’s Grocery. Là một người cực kỳ thích đi du lịch đó đây và ham học hỏi, chắc chắn Elliot Faber sẽ có rất nhiều câu chuyện để kể.
Xem thêm:
[Bài viết] Sake Central Saigon: Một trải nghiệm cho người yêu rượu sake
[Bài viết] Tomatito – Nét Latin sôi nổi chinh phục thực khách Việt