Là người hướng ngoại không đồng nghĩa giỏi networking. Đây là lí do
Người hướng ngoại, bạn có đang networking sai cách?
“Networking là quy tắc bất thành văn số một trong kinh doanh.” - Theo lời của Sallie Krawcheck, CEO và Co-founder của Ellevest.
Trong một xã hội luôn chuyển động như hiện tại, tính cách hướng ngoại giúp ích rất nhiều cho bạn. Nhiều người cho rằng với tính cách chủ động và khả năng thu hút sự chú ý, những người hướng ngoại đều là những networker bẩm sinh. Nhưng sự thật có đúng là như vậy?
Anh Bùi Hoàng Dũng – giảng viên tại Đại học FPT với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và phát triển thanh niên chia sẻ:
“Anh cho rằng tất cả người hướng ngoại đều có lợi thế hơn trong networking với tính cách dễ hòa đồng và chủ động của họ. Nhưng với anh networking là cái gì đó sâu hơn là nói chuyện xã giao.
Anh tiếp lời: "Trong thời buổi mạng xã hội đang là xu thế như hiện nay, việc có được về số lượng các mối quan hệ thì khá dễ nhưng chất lượng thì khó hơn rất nhiều. Để tạo các mối quan hệ chất lượng cần có những yếu tố khác như: thái độ chân thành khi giao tiếp, kỹ năng đặt câu hỏi, kể chuyện.
Đặc biệt, sự nhạy cảm trong giao tiếp là vô cùng quan trọng để tạo sự kết nối. Yếu tố này những người hướng nội lại có thể làm tốt hơn người hướng ngoại.
Những yếu tố trên đối với anh nó không thuộc về tính cách mà là kỹ năng. Vậy nên những người hướng ngoại có thể có lợi thế nhưng không phải ai cũng làm tốt”.
Nếu bạn là người hướng ngoại nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc networking, đây là 3 điều bạn nên ghi nhớ.
1. Tập trung đúng vấn đề
Anh Dũng cũng chia sẻ thêm: “Một trong những lỗi cơ bản nhất là người hướng ngoại thường chú trọng vào số lượng hơn chất lượng. Đến một sự kiện, họ sẽ quan tâm đến việc nói chuyện với được bao nhiêu người nhiều hơn là tính kết nối trong mỗi cuộc trò chuyện.
Hiểu đơn giản, nếu chú trọng vào số lượng thì chất lượng thường sẽ không tốt. Cuộc nói chuyện quá hời hợt sẽ không đủ để mang lại những thông tin giá trị”.
Khi bạn chủ đích tham dự một sự kiện networking, hãy đảm bảo rằng thay vì nói chuyện với mọi người, bạn đang nói chuyện với những người có khả năng hỗ trợ trong lĩnh vực bạn cần nhất.
Ví dụ nếu công ty của bạn đang muốn tiếp cận nguồn vốn lớn để mở rộng thị trường nhưng bạn không biết phải bắt đầu từ đâu, thì hãy tạo quan hệ với những người làm trong giới tài chính – ngân hàng hay quỹ đầu tư để tìm hiểu các điều kiện được nhận vốn vay. Bạn cũng có thể trò chuyện với các nhà sáng lập để được họ chia sẻ kinh nghiệm về cách gọi vốn hay cách để tối ưu hóa chi phí trong quá trình vận hành doanh nghiệp.
2. Chuẩn bị trước kịch bản trò chuyện
Khi là người hướng ngoại, rất dễ để bạn mở đầu một cuộc trò chuyện. Nhưng sẽ rất khó để có những mối quan hệ thật sự hữu ích nếu bạn chỉ dừng lại ở việc liên hệ chứ không phải kết nối với đối phương.
Chị Từ Thu Giang – Project Coordinator tại tổ chức giáo dục quốc tế UWC Việt Nam chia sẻ: “Để kết nối thành công, ngoài việc bắt chuyện chúng ta còn cần hoàn thành mục tiêu của việc networking.
Để làm được điều đó, cá nhân chị thấy cần có sự chuẩn bị. Chuẩn bị có thể theo 2 cách. Nếu đã biết trước đối tượng, mục tiêu tiếp cận, bạn có thể tập trung tìm hiểu về người đó, công ty đó, sở thích và mối quan tâm của họ để thu hút sự chú ý khi giao tiếp.
Nếu trong một sự kiện networking lớn và không xác định đối tượng cụ thể, hãy chắc chắn rằng bạn đã trau dồi kha khá về kỹ năng, về kiến thức chuyên môn, về xã hội và nhiều lĩnh vực khác nhau… để có thể bắt sóng tốt dù nói đến bất kể chủ đề nào”.
Ngoài ra, Jessica Thiefels - CEO của tổ chức cùng tên chuyên tư vấn về lĩnh vực marketing trong B2B - khuyên bạn nên chuẩn bị sẵn các chủ đề trò chuyện để việc kết nối này trơn tru hơn. Cụ thể hãy tìm hiểu về:
- Lĩnh vực đối phương hoạt động và vị trí công việc
- Những khúc mắc họ cần giải quyết
- Lý do họ có mặt tại sự kiện này
Việc chủ động đề nghị giúp đỡ hay hỗ trợ đối phương sẽ làm họ có thôi thúc muốn đáp lại bạn. Đây cũng là cơ hội để duy trì và làm sâu sắc hơn mối quan hệ.
3. Có một kế hoạch follow up (duy trì kết nối)
Bất kỳ nhà ngoại giao chuyên nghiệp nào cũng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc follow up.
Theo anh Nguyễn Thành Long, Head of Accounts tại Vietcetera thì: "Không nên đợi quá lâu mà hãy liên hệ lại ngay ngày hôm sau khi mối quan hệ vẫn còn "nóng". Tuy nhiên, không nên kỳ vọng họ sẽ làm gì đó cho mình mà chỉ đơn giản là tìm hiểu thêm về nhân vật đó thôi.
Đừng chú ý vào mục tiêu kiếm tiền hay thu lợi, mà hãy tập trung trò chuyện để "sáng" ra những điều mình chưa biết".
Là một người hướng ngoại, bạn có thể có hàng tá mối quan hệ cần duy trì sau mỗi sự kiện. Thay vì gửi đi một loạt email chung chung, hãy lên kế hoạch cụ thể cho những trò chuyện sâu sắc hơn.
Ví dụ, khi trở về nhà từ sự kiện, hãy viết một ghi chú về mỗi người bạn gặp được, trong đó bao gồm:
- Bạn có thể giúp gì cho họ?
- Họ có giá trị thế nào cho công việc của bạn?
- Bạn có thể gửi họ những thông tin nào dựa trên cuộc trò chuyện trước đó?
- Bạn có quen biết ai hỗ trợ được họ không?
- Có hợp lý không nếu bạn hẹn họ một buổi cafe?
Một kế hoạch follow up sẽ hiệu quả khi bạn suy xét kĩ càng vào phát triển chiều sâu cho các mối quan hệ. Hãy xác định lại vai trò và giá trị của mỗi kết nối trong công việc và cuộc sống, cũng như làm điều ngược lại đối với họ.
Khi được xây dựng trên những giá trị tương quan, mối quan hệ của bạn sẽ vững bền.
Kết luận
Cuối cùng, chị Từ Thu Giang nhắn nhủ góc nhìn của mình về một mạng lưới quan hệ thực sự chất lượng:
- Là một tập hợp đa dạng của những con người thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề, góc nhìn,… khác nhau.
- Là những người có tầm ảnh hưởng và thực sự hữu ích cho cuộc sống của bạn.
- Là mối quan hệ “cả hai cùng tiến”. Bên cạnh giá trị nhận được, bạn cũng có thể đóng góp cho họ những giá trị tương xứng để duy trì liên kết bền vững.
- Là những mối quan hệ có thể vượt qua giới hạn công việc và cả hai có thể trao đổi, chia sẻ thẳng thắn chân thành như những người bạn.
Hãy nhớ rằng, một network hẹp mà chất lượng có giá trị hơn nhiều so với một network rộng nhưng kém sâu sắc. Đặt mục tiêu phát triển những mối quan hệ thực sự đáng giá sẽ giúp các buổi networking của bạn thành công hơn.
Bài viết lấy cảm hứng từ trên Fast Company.
Nội dung có tham khảo ý kiến từ:
Anh Bùi Hoàng Dũng – giảng viên Đại học FPT về các môn kĩ năng chuyên môn kiêm điều phối viên các dự án phát triển thanh niên. Anh đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo và thường xuyên đóng góp tích cực vào các dự án giáo dục-phát triển cộng đồng.
Chị Từ Thu Giang có nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở các tổ chức phi chính phủ quốc tế trong lĩnh vực phát triển dự án. Hiện tại chị đang là điều phối viên cho tổ chức kết nối giáo dục toàn cầu UWC Vietnam.
Anh Nguyễn Thành Long - Head of Accounts tại Vietcetera. Anh có kinh nghiệm làm việc trong ngành giáo dục, thực phẩm (F&B) và xuất bản về tài chính (Financial Publishing) trong các vai trò liên quan đến phát triển kinh doanh.