LGBT+ trên màn ảnh: Những bộ phim gây nhiều tranh cãi nhất (Phần 2)
Đọc phần 1 tại đây.
Không thể phủ nhận rằng ngày nay, cùng với những thay đổi tích cực trong xã hội, sự tái trình hiện (representation) của cộng đồng LGBT+ trên phim ảnh đã được cải thiện hơn rất nhiều so với quá khứ.
Không còn miêu tả cộng đồng LGBT+ là những nhân vật dị thường hay ngoại lai của xã hội, rất nhiều bộ phim đương đại về LGBT+ có thể được coi là kiệt tác điện ảnh, khắc họa một cách chân thực và đa cảm tình yêu và cuộc sống của những người thuộc cộng đồng.
Nhưng sự thật là vẫn còn rất nhiều bộ phim gây tranh cãi, ẩn chứa những tình tiết hay yếu tố khiến cộng đồng LGBT+ dậy sóng, thậm chí đòi tẩy chay. Chúng không nhất thiết là những bộ phim dở, nhưng có lẽ những tác phẩm này đã không đóng góp gì, thậm chí đã đẩy lùi nỗ lực được tái trình hiện theo chiều hướng tích cực của cộng đồng LGBT+
Stonewall
Bộ phim năm 2015 của đạo diễn Roland Emmerich là định nghĩa điển hình nhất (trong danh sách này) của thuật ngữ “tẩy trắng”.
Chuỗi bạo loạn Stonewall là một trong những sự kiện quan trọng và có tầm ảnh hưởng nhất trong phong trào đấu tranh giành quyền bình đẳng của cộng đồng LGBT+ tại Mỹ, khi vào năm 1969, những thành viên của cộng đồng LGBT+ tại quán rượu Stonewall, New York vùng lên chống lại chiến dịch vây bắt của cảnh sát.
Nhưng Emmerich, vị đạo diễn nổi danh với những bộ phim như Independence Day và 2012, lại lựa chọn kể câu chuyện về Stonewall qua góc nhìn của một nam chính hư cấu, hợp giới và da trắng, qua đó hạ thấp sự tham gia của những người da màu, người chuyển giới, drag queen và những thành viên khác của cộng đồng LGBT+ trong sự kiện Stonewall.
Cách tiếp cận theo chủ nghĩa xét lại lịch sử (historical revisionism) này bị chỉ trích vì đã sử dụng motif vị cứu tinh da trắng và qua đó phủ nhận những đóng góp và đau thương của cộng đồng LGBT+ dành cho phong trào đấu tranh giành quyền bình đẳng, cũng như khắc họa sai lệch về sự đa dạng của cộng đồng này.
Càng tệ hơn, khi được hỏi về những phê bình dành cho bộ phim, đạo diễn Emmerich đã bảo vệ quyết định của mình rằng: “Tôi không chỉ làm phim cho người gay, mà cho cả người thẳng.”
Khác với những bộ phim phía trên, Stonewall bị chê tả tơi bởi giới phê bình và lỗ nặng tại phòng vé.
Cruising
Cruising, bộ phim trinh thám năm 1980 của đạo diễn William Friedkin, đưa khán giả theo hành trình điều tra của viên cảnh sát ngầm Steve Burns được thủ vai bởi Al Pacino. Burns trà trộn vào cộng đồng LGBT tại New York, đặc biệt là tại những leather bar (quán bar BDSM cho người có sở thích mặc đồ da) để truy lùng một tên sát nhân hàng loạt chuyên giết người gay, và trong quá trình nằm vùng dần nghi ngờ về xu hướng tính dục của bản thân mình.
Ngay từ trong quá trình bấm máy, phim trường của Cruising đã liên tục bị những người biểu tình về quyền đồng tính phá hoại để ngăn bộ phim được thực hiện. Họ cho rằng Cruising sẽ tiếp tục củng cố những thành kiến tiêu cực về cộng đồng gay, đặc biệt về việc họ là những người thích thác loạn, nghiện tình dục và thù ghét xã hội, dẫn đến tư tưởng kỳ thị người đồng tính và những tội ác do thù hận (hate crime).
Những gì họ lo ngại sau cùng đã trở thành sự thật, khi chỉ 9 tháng sau ngày ra mắt của Cruising, một cựu cảnh sát đã xả súng và sát hại 2 hai người đàn ông đồng tính tại một trong những quán bar nơi bộ phim được bấm máy.
The Producers, Ace Ventura: Pet Detective, Boat Trip, I Now Pronounce You Chuck and Larry, Brüno, Để Mai Tính 2,...
Và cuối cùng là cả một “thể loại” phim riêng, với số lượng không đếm xuể. Đa phần chúng ta đều đã xem ít nhất một bộ phim trong “thể loại” này, bộ phim với một hoặc một vài nhân vật LGBT+ (phần lớn là gay và chuyển giới) được khắc họa một cách thiếu nhạy cảm, cường điệu hóa quá đà.
Những nhân vật đó được xây dựng sáo rỗng, hành xử lồng lộn hay yểu điệu hết sức có thể để phù hợp với thứ khuôn mẫu tiêu cực cổ hủ mà từ lâu vẫn được gắn mác cho cộng đồng LGBT+. Mọi trò đùa của những bộ phim này chỉ dừng lại ở “đồng tính thật dị hợm, ha ha”.
Và đây có lẽ cũng là những bộ phim để lại ảnh hưởng tiêu cực nhất tới sự tái trình hiện của cộng đồng LGBT+ trên phim ảnh và văn hóa đại chúng, khi chúng liên tục củng cố quan điểm mà vốn nhiều người đã sẵn có về việc những thành viên của cộng đồng LGBT+ không phải những người bình thường, không hành xử như người bình thường, vì thế không đáng được đối xử như người bình thường mà chỉ xứng đáng bị đem ra làm trò đùa.
Thay vào đó có thể xem phim gì?
Tin vui là, như đã đề cập tại đầu bài viết, vẫn còn rất nhiều bộ phim hay khắc họa con người, cuộc sống và mối quan hệ của các thành viên cộng đồng LGBT+ một cách chân thực và tinh tế. Đây là những bộ phim các bạn có thể lựa chọn xem:
- Paris Is Burning (1991)
- Happy Together (1997)
- Tangerine (2015)
- Carol (2015)
- Moonlight (2016)
- 120 BPM (2017)
- Portrait of a Lady on Fire (2019)
- All of Us Strangers (2023)