LGBT+ trên màn ảnh: Những bộ phim gây nhiều tranh cãi nhất (Phần 1) | Vietcetera
Billboard banner

LGBT+ trên màn ảnh: Những bộ phim gây nhiều tranh cãi nhất (Phần 1)

Phim LGBT+ hay có nhiều, nhưng phim LGBT+ gây ý kiến trái chiều cũng không hề thiếu.
LGBT+ trên màn ảnh: Những bộ phim gây nhiều tranh cãi nhất (Phần 1)

Nguồn: Wild Bunch, Sony Pictures Classics, Focus Features, CJ Entertainment

Không thể phủ nhận rằng ngày nay, cùng với những thay đổi tích cực trong xã hội, sự tái trình hiện (representation) của cộng đồng LGBT+ trên phim ảnh đã được cải thiện hơn rất nhiều so với quá khứ.

Không còn miêu tả cộng đồng LGBT+ là những nhân vật dị thường hay ngoại lai của xã hội, rất nhiều bộ phim đương đại về LGBT+ có thể được coi là kiệt tác điện ảnh, khắc họa một cách chân thực và đa cảm tình yêu và cuộc sống của những người thuộc cộng đồng.

Nhưng sự thật là vẫn còn rất nhiều bộ phim gây tranh cãi, ẩn chứa những tình tiết hay yếu tố khiến cộng đồng LGBT+ dậy sóng, thậm chí đòi tẩy chay. Chúng không nhất thiết là những bộ phim dở, nhưng có lẽ những tác phẩm này đã không đóng góp gì, thậm chí đã đẩy lùi nỗ lực được tái trình hiện theo chiều hướng tích cực của cộng đồng LGBT+.

Dallas Buyers Club & The Danish Girl

Dallas Buyers Club kể lại câu chuyện có thật của Ron Woodroof, một người đàn ông, sau khi bị chẩn đoán AIDS, bắt đầu nhập lậu thuốc để tự chữa trị bệnh. The Danish Girl, cũng dựa trên một câu chuyện có thật, kể về cuộc đời của Lili Elbe, một trong những người đầu tiên từng phẫu thuật chuyển giới.

alt
Bộ phim Dallas Buyers Club | Nguồn: Focus Features

Hai bộ phim còn có thêm vài điểm chung khác: cả Dallas Buyers ClubThe Danish Girl đều có một nhân vật chuyển giới, và cả hai đều được đóng bởi một nam diễn viên (Jared Leto và Eddie Redmayne).

Cả Leto và Redmayne đều nhận được phản hồi tích cực từ giới phê bình dành cho màn hóa thân của họ, với Redmayne được đề cử và Leto thắng giải Oscar. Tuy nhiên, Dallas Buyers ClubThe Danish Girl lại gặp phải những phản ứng trái chiều từ cộng đồng LGBT+ do quyết định tuyển chọn diễn viên nam hợp giới để hóa thân thành nhân vật chuyển giới.

alt
Bộ phim The Danish Girl | Nguồn: Focus Features

Từ lâu, thói quen lựa chọn diễn viên hợp giới để đóng vai chuyển giới, hay “cisgender casting” đã là một vấn đề gây tranh cãi tại Hollywood.

“Cisgender casting” không những tước đi cơ hội việc làm (vốn đã ít ỏi) của các diễn viên chuyển giới, không khắc họa được chân thực cuộc sống và trải nghiệm của người chuyển giới, mà còn có thể củng cố quan điểm rằng người chuyển giới chỉ đơn thuần là một trang phục hay motif nhân vật mà ai cũng có thể đóng vai được.

Blue is the Warmest Colour & The Handmaiden

Blue is the Warmest Colour, bộ phim tình cảm tuổi mới lớn của Pháp và tác phẩm tâm lý giật gân lấy bối cảnh tại Hàn Quốc đầu thế kỷ 20 The Handmaiden đều xoay quanh mối quan hệ của hai nhân vật nữ chính.

alt
Bộ phim The Handmaiden | CJ Entertainment

Và cả hai bộ phim, dù được đánh giá cao bởi giới phê bình (The Handmaiden được đề cử và Blue is the Warmest Colour thắng giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes), lại đều phải nhận những phản hồi tiêu cực từ cộng đồng LGBT+, đặc biệt là nữ giới.

Họ cho rằng cả hai bộ phim đều khắc họa những nhân vật, mối quan hệ và đặc biệt là các phân cảnh quan hệ tình dục theo hướng quá phô này, dường được đặc tả để thỏa mãn cho “male gaze”(hay góc nhìn, thị hiếu và sự thưởng thức của nam giới). Điều này góp phần lãng mạn hóa tới mức tiêu cực và thiếu thực tế hình tượng đồng tính nữ trong mắt nam giới.

Cả hai tác phẩm đều được đạo diễn bởi một nhà làm phim nam. Jul Maroh, tác giả của cuốn truyện nguyên tác của Blue is the Warmest Colour châm biếm về bộ phim rằng: “Dường như phim trường thiếu những người đồng tính nữ”, trong khi một đánh giá The Handmaiden cho rằng tác phẩm chứa đựng một loạt “những yếu tố hình ảnh đầy khuôn sáo, mang tính khiêu dâm về đồng tính nữ”.

alt
Bộ phim Blue is the Warmest Colour | Nguồn: Wild Bunch

Ngoài ra, sau khi công chiếu tại LHP Cannes, Blue is the Warmest Colour bị nhiều thành viên của đoàn làm phim tố cáo về môi trường làm việc “nặng nề” tại trường quay, với đạo diễn phim Abdellatif Kechiche thực hiện các hành vi “quấy rối đạo đức” khiến một số người phải bỏ việc.

Call Me By Your Name

Một số người sẽ cho rằng Call Me By Your Name là một trong những bộ phim tình cảm đẹp và thơ mộng nhất một thập kỷ vừa qua. Giới nghệ sĩ và phê bình dường như cũng đồng chia sẻ quan điểm này, bởi lẽ bộ phim của đạo diễn Luca Guadagnino đã nhận được bốn đề cử và mang về một tượng vàng tại lễ trao giải Oscar lần thứ 90.

alt
Bộ phim Call Me By Your Name | Nguồn: Sony Pictures Classics

Thế nhưng điều đó vẫn không che chở được Call Me By Your Name khỏi những tranh cãi về vấn đề khoảng cách độ tuổi giữa bộ đôi nhân vật chính. Trong phim, Timothée Chalamet (20 tuổi ở thời điểm quay phim) đóng vai chàng trai Elio 17 tuổi, trong khi bạn diễn của anh là Armie Hammer (30 tuổi) thủ vai anh chàng 24 tuổi Oliver.

Cán cân quyền lực trong mối quan hệ giữa Elio và Oliver cũng được xây dựng theo hướng một chiều, với Elio luôn được khắc họa như một cậu bé ngây thơ, đối nghịch với sự trưởng thành của Oliver.

Điều này kèm việc Call Me By Your Name chứa đựng các phân cảnh quan hệ tình dục, đã làm nhiều khán giả cảm thấy không thực sự thoải mái, kể cả khi về lý thuyết những gì Elio và Oliver làm là hoàn toàn hợp pháp (tuổi đồng thuận tại Ý vào năm 1983 - bối cảnh của bộ phim - là 14 tuổi).

Đọc phần 2 tại đây.