L’Oréal Việt Nam: Tương lai của ngành mỹ phẩm - Recap “Vietnam Innovators” tập 32
Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators” bản tiếng Anh tại: Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.
Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators (Tiếng Việt)” tại: Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.
Thị trường mỹ phẩm hiện nay khá phức tạp. Trong một “rừng” những nhãn hiệu làm đẹp và vô số các thành phần được ca ngợi bằng những cụm từ hoa mỹ, một thị trường trẻ như Việt Nam rất dễ bị lạc lối.
So với các quốc gia láng giềng như Thái Lan hay Philippines với lượng tiêu thụ mỹ phẩm lớn kỷ lục, người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu cho mặt hàng này ít hơn 3 lần.
Tuy nhiên, theo Valéry Gaucherand, điều này không hẳn là một bất lợi. Trên thực tế, thị trường Việt Nam không chỉ mang đến tiềm năng giúp các thương hiệu mỹ phẩm tăng doanh thu, mà còn mở ra cơ hội để các thương hiệu phổ biến kiến thức về lĩnh vực làm đẹp cho người tiêu dùng.
Valéry hiện là CEO tại L’Oréal Việt Nam. Suốt hơn một thập kỷ qua, anh từng đảm nhiệm vị trí General Manager tại nhiều chi nhánh quốc gia của L’Oréal như Pháp, Mexico, Ireland và Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể nói, anh chính là người hiểu rõ về các sản phẩm của công ty hơn ai hết.
Vào năm 2017, Valéry đến Việt Nam với mục tiêu kết nối L’Oréal với người tiêu dùng Việt, góp phần hiện thực hóa sứ mệnh “đem đến cái đẹp cho mọi người” của thương hiệu.
“Người Việt Nam luôn muốn tìm hiểu mọi thông tin về lĩnh vực làm đẹp. Khi lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm, họ có rất nhiều điều muốn tìm hiểu và cân nhắc. Việt Nam có nhiệt độ cao quanh năm, do đó nhu cầu của người tiêu dùng tại đây luôn thiên về các sản phẩm xử lý tác động của ánh nắng mặt trời, làm sạch và chăm sóc da. Dù không sử dụng mỹ phẩm thường xuyên như các mặt hàng khác, người Việt cũng đang dần chú trọng đầu tư vào các sản phẩm này,” Valéry chia sẻ.
Khi người Việt ngày càng ưa chuộng mỹ phẩm hơn, các thương hiệu như L’Oréal cũng có cơ hội gia tăng độ phổ biến trong nước. Thế hệ trẻ tại Việt Nam, đặc biệt là phái nữ, thường có tâm lý tin dùng các thương hiệu mỹ phẩm ngoại nhập từ các nước Tây Âu hay Pháp, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Chính điều này đã giúp L’Oréal dễ dàng giới thiệu đến người tiêu dùng các dòng sản phẩm thuộc nhiều thương hiệu đa quốc gia như Maybelline New York, Garnier, Lancome và Shu Uemura.
Tiêu chí lựa chọn mỹ phẩm trong tương lai
Năm vừa rồi, L’Oréal đã cho ra mắt phiên bản mới và nâng cấp hơn của chương trình “L’Oréal For The Future” (L’Oréal cho Tương lai) tại Việt Nam. Mục đích của chương trình là nhấn mạnh vai trò của thương hiệu trong vấn đề bảo vệ môi trường, giúp đỡ phụ nữ và cộng đồng, cùng một số hoạt động khác.
Dù mỹ phẩm góp phần mang đến vẻ đẹp cho mọi người, nhưng L’Oréal công nhận rằng những sản phẩm này đều có thể gây hại cho môi trường. Ngành công nghiệp mỹ phẩm nói chung - từ lĩnh vực sản xuất đến đóng gói, phân phối và tiêu dùng - đã tạo ra một lượng lớn rác thải không phân huỷ.
Valéry nhận định, trong tương lai, các chuẩn mực đặt ra cho ngành mỹ phẩm không chỉ dừng ở nhu cầu làm đẹp. Hiện có mặt ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, L’Oréal đặt mục tiêu phổ biến các phương thức sản xuất và sử dụng có đạo đức đối với mọi dòng sản phẩm của thương hiệu.
Để hiện thực hóa mục tiêu, L’Oréal dự định triển khai đánh giá và cải thiện hệ thống. Ngoài ra, thương hiệu cũng sẽ phổ biến thông tin đến người tiêu dùng về những sản phẩm nên sử dụng, cùng những tác động trực tiếp đến môi trường do “quy trình làm đẹp vô trách nhiệm” gây ra (chẳng hạn như sử dụng dầu gội và sữa rửa mặt có hóa chất độc hại).
“Chúng tôi muốn đem đến vẻ đẹp cho mọi người, mọi nơi mọi lúc. Nhưng chính chúng tôi cũng cần chịu trách nhiệm truyền tải các thông tin chính xác, hoặc thậm chí nhấn mạnh việc sử dụng các sản phẩm bền vững. Người tiêu dùng sẽ tin tưởng và lựa chọn những thương hiệu có giá trị đạo đức và tạo tác động lớn.”
Bài viết được biên dịch bởi Thảo Vân