Một năm nghe nhạc Việt (và một thế hệ cố gắng biết bao nhiêu)
Album cuối cùng tôi nghe trong năm 2023 là Những bài hát giống nhau của một ban nhạc mới toanh - Chú Cá Lơ. Đó là một đĩa nhạc “wrapped up” cho nhạc Việt 2023, khi có cả sự trong trẻo và tươi mới, lại đầy yếu tố tài liệu và hoài niệm: triển lãm Giảng Võ đã không còn (từng là tụ điểm âm nhạc của Hà Nội), rock n’ roll đã chết (?), nghệ sĩ Indie thì nên "im đi" như lời cô gái trong một bài hát nói.
Chú Cá Lơ cũng đã khẳng định một kỷ nguyên (era) của những nghệ sĩ trẻ đã cố gắng biết bao nhiêu. Đó là những nghệ sĩ được hoặc bị gắn mác indie (nghệ sĩ độc lập) nhưng luôn cố gắng tìm tòi, và đưa tâm hồn mình cùng những sáng tạo vào âm nhạc.
Tất nhiên, nhạc Việt 2023 còn là những thanh âm đủ cả sự thời thượng cho đến những khai thác ở tầng sâu trong tâm hồn của người nghệ sĩ. Tất cả những sáng tạo đó đều rất giá trị và đáng quý, tạo nên những cộng hưởng tinh thần cho người nghe.
Khác với những danh sách “xếp hạng” ai nhất, ai nhì, ai thứ ba… Bài viết này chỉ đơn thuần là những “sắp xếp” của một người nghe nhạc Việt suốt một năm vừa qua. Ở đó, dù khi vui lúc buồn hay khi cần được tiếp năng lượng, người viết đều tìm thấy những album trùng khớp tâm trạng mình.
Khi vui ta nghe Loi Choi: The Neo Pop Punk (Wren Evans)
Thời trang và thời thượng là cách miêu tả hợp lý nhất cho âm nhạc và phong cách của Wren Evans, khi anh chàng không chỉ mang đến những sáng tạo về cấu trúc bài hát pop mà còn đẩy nó đến giới hạn của sự phá cách.
Loi Choi: The Neo Pop Punk thể hiện đúng con người Wren ở hiện tại, vẫn tỏ ra “ngầu" (edgy) trong cách kể câu chuyện, và pha trộn chất đại chúng một cách biến hoá. Trên tất cả, đây là một album sôi nổi, giúp ta trẻ ra khi vừa nghe vừa nhún nhảy theo những Từng quen, bé ơi từ từ, Việt Kiều, Tò Te Tí, v.v.
Khi buồn ta cần một chút: Ái (tlinh)
tlinh thực sự là một nghệ sĩ khó nắm bắt bởi mỗi sản phẩm của cô đều cho thấy những khía cạnh khác nhau trong cách viết, cách kể chuyện cũng như cách thể hiện. Đặt trong một “nhà tù" cả không gian (nhân gian) và thời gian, tlinh hát về tình yêu (Ái): hạnh phúc nhiều và đau khổ không ít.
Ngay khi Nếu lúc đó ra mắt, khán giả đã kịp thấy “tính dễ tổn thương” của một cô gái dù luôn tỏ ra độc lập, mạnh mẽ. Và đó cũng là lúc ta nhận ra đây là một album để nghe mỗi khi buồn, để “đến một ngày em cũng đã biết thế giới bên ngoài chỉ là một sự chiếu lại từ thế giới nội tâm.” (Người điên, tlinh)
Khi lên ý tưởng mới ta có… Syenite (Lý Trang)
Syenite của Lý Trang là một album nhạc điện tử gợi lên sự bí ẩn, là chuỗi âm thanh cuốn hút mà ta có thể nghe thấy trong các đĩa nhạc soundtrack của những tác phẩm điện ảnh.
Syenite gồm 10 track, gợi mở những cách thức tiếp cận thông qua các tựa đề (tên bài hát) nhưng “nhấn chìm" người nghe vào thế giới âm thanh trong một “hộp kín" tối đen.
Syenite cũng là đĩa nhạc tôi sử dụng làm white noise (tiếng ồn trắng) khá thường xuyên với âm lượng vừa phải khi viết bài cho Vietcetera (không ngoại trừ bài viết này.)
Khi “chill” ta được chiều với Tuyển tập nhạc chữa lành (Lý Bực, Bluemore)
Dù mang tên Tuyền tập nhạc chữa lành nhưng EP này của Lý Bực và Blue More không thực chữa lành, nhưng lại khá “chill” để nghe vào những cuối tuần một mình.
EP gợi mở về những bài hát cũ mà chúng ta từng yêu thích nhưng được sản xuất lại một cách mới mẻ và hoàn thiện hơn trước đó. 6 bài hát trong EP là một sự hoà trộn đầy trọn vẹn của cảm xúc, từ Tro Tàn của Bluemore đến Tàn tích của Lý Bực.
Khi mơ mộng ta mở Mộng mơ và lãng quên (Doãn Hoài Nam)
Mộng mơ và lãng quên của Doãn Hoài Nam là tất cả những gì trong trẻo, lãng đãng và mơ màng nhất của nhạc Việt 2023. Mỗi khi đĩa nhạc vang lên, ta đều được Doãn Hoài Nam, Mạc Mai Sương (giọng ca chính) dìu vào một thế giới đầy dịu dàng.
Thế giới đó có Hoa, có Mưa… Và tất cả Tan đi trong Vòng xoáy của những tưởng tượng trong cõi mơ hồ. Mộng mơ và lãng quên, có lẽ là sự dịu ngọt vừa đủ cho mỗi khi tâm hồn ta lạc lối giữa những bộn bề đời sống; khi ta cần được thoát ly thực tại trước khi trở lại với tinh thần trong lành hơn.
Đọc bài phỏng vấn Doãn Hoài Nam về album “Mộng mơ và lãng quên” tại đây.
Khi cần giải toả ta có Cái đầu tiên (Thắng)
Ra mắt 4 album và nhiều single cùng Ngọt nhưng Thắng chưa bao giờ đánh mất sự tươi mới, đơn giản trong cách chuyển tải những chiều sâu phức tạp của một ý tưởng, câu chuyện.
Cái đầu tiên của Thắng chứa nhiều câu chuyện với không ít tâm sự, tìm cách “giải thích" về tình yêu, cuộc sống, nghệ thuật. Thông qua cách diễn giải bằng ca từ và âm nhạc của Thắng, ta cũng lờ mờ giải toả những cắc cớ, thắc mắc trong lòng mình.
Đọc bài phỏng vấn Thắng về album “Cái đầu tiên” tại đây.
Khi muốn nhún nhảy “nhẹ nhàng” ta mở VSTRA (VSTRA)
“Look the f*ck at me/I'm a f*cking star, VSTRA!” - VSTRA mở đầu album đầu tay cùng tên bằng một tuyên ngôn “ngông" như vậy. Ngay sau đó, cô khẳng định “máu Việt chảy trong người” và là “cô gái nhỏ mơ giấc mộng lớn.”
Dù mang chất nhạc R&B/Soul nhưng VSTRA rất pop với một ít disco, một ít hiphop… Tại một bữa tiệc rộn rã, hay những lúc bạn ngẫu hứng muốn nhảy nhót một chút, VSTRA chắc chắn là lựa chọn không thể bỏ qua.
Khi cần suy nghĩ ta nghe Thinhsuynghi (Thịnh Suy)
Thinhsuynghi là một Thịnh Suy chân thực nhất; một tuyển tập các bản acoustic thoảng nghe chẳng có gì độc đáo nhưng lại chứa đựng những khoảng lặng để nghĩ suy.
Đây là đĩa nhạc để nghe giữa những khoảng Trống, những khi chỉ một mình ta trong căn phòng, khi tâm hồn không có gì để bấu víu nên miên man Trôi, khi Sự vô thức trỗi dậy. Như một bài tập thiền, bạn quan sát trong sự tỉnh thức và nhận ra mình vẫn ở đây, ngay tại nơi này. Đó cũng là lúc trở lại, và bạn thấy mình đã thực sự chiêm nghiệm một điều gì đó.
Đọc bài phỏng vấn Thịnh Suy về album “Thinhsuynghi” tại đây.
Khi muốn nghe một album pop thuần tuý ta mở Người lạ trong mơ (Khắc Hưng)
Trong khi thể loại Disco đang trở lại trong nhiều bài hát nổi bật nhất trên thế giới, thì ở Việt nam, một nghệ sĩ cũng đã kịp tham gia “bữa tiệc” này. Nghệ sĩ đó là Khắc Hưng - người luôn biết rất rõ cách để tạo ra một album đúng chất nhạc pop, từ giai điệu bắt tai đến ca từ dễ hiểu (kèm một chút mời gọi).
“Thế giới này cần một chút ngọt ngào… Anh có thể chỉ em một lối đi vào,” - Khắc Hưng hát, cuốn người nghe vào thế giới âm nhạc dễ dàng để cơ thể đu đưa rồi nhún nhảy lúc nào không hay.
Đọc bài phỏng vấn Khắc Hưng về album “Người lạ trong mơ" tại đây.
Khi muốn cảm nhận hương vị tuổi trẻ ta mở “Những bài hát giống nhau” (Chú Cá Lơ)
Như đã nói ở trên, Những bài hát giống nhau vừa là một tệp “tài liệu" vừa là một “tệp cảm xúc" của ban nhạc mới toanh Chú Cá Lơ. Ở đó, họ cởi mở về thế hệ và câu chuyện của mình, về tình yêu âm nhạc cũng như tính lịch sử của một thế hệ nghệ sĩ.
Họ hát về tình yêu và câu chuyện tuổi trẻ. Họ hát về chính mình cũng là hát cho những người cùng trang lứa xung quanh, với những thắc mắc, cảm nhận, đánh giá của riêng mình. 10 bài hát trong album là một “đại hội mùa xuân" - vì còn điều gì tuyệt vời hơn khi tâm hồn luôn ở giữa tuổi trẻ: háo hức, “bất cần", yêu đương và thắc mắc cũng rất người trẻ.