Doãn Hoài Nam, nhiều mộng mơ và một ít lãng quên | Vietcetera
Billboard banner
06 Thg 10, 2023
Sáng TạoÂm Nhạc

Doãn Hoài Nam, nhiều mộng mơ và một ít lãng quên

“Nhạc thì làm mãi thôi, không bao giờ bỏ được, nên là cứ bình thường.”
Doãn Hoài Nam, nhiều mộng mơ và một ít lãng quên

Nhạc sĩ Doãn Hoài Nam tại HUB Ô Chợ Dừa | Nguồn: Đỗ Phan Anh

“Gia đình nên cho cháu học nhạc chuyên nghiệp.” - Câu nói này của thầy dạy nhạc hồi nhỏ suýt nữa thì chấm dứt luôn cuộc đời làm nghệ thuật của Doãn Hoài Nam. Bởi sau khi nghe câu nói đó, bố của Nam quyết định cho con của mình... nghỉ học (Nam nói vui.)

Nhưng câu nói của thầy dạy nhạc lại là nhận định đúng về thiên khiếu âm nhạc trong Nam, đồng thời cũng dự báo về một cuộc đời không “bền vững” của cậu sau này; bởi tài năng đôi khi không đi kèm với sự đảm bảo về một nghề nghiệp ổn định.

Nhưng âm nhạc vẫn lớn lên trong Nam, một cách tự nhiên và vô tư nhất. Nam nhớ lại, “Bọn em mang đàn lên phố đi bộ hát. Lần đầu tiên biểu diễn, bọn em ‘xin’ được 27 nghìn. Cũng từ đó 27K ra đời.”

Sau này, Nam là thành viên chủ chốt của Tank27, rồi HUB. Nếu không biểu diễn, Nam sẽ "chạy" sân khấu âm thanh ánh sáng, khi thì ngồi xuống viết những bài hát phát ra từ tiếng lòng và tâm hồn mình.

“Nhưng nhạc thì làm mãi thôi, không bao giờ bỏ được, nên là cứ bình thường.” Nam nói, trong một chiều cuối tuần Hà Nội trước khi cậu lại chạy lên Hà Giang để làm sự kiện. Doãn Hoài Nam chia sẻ với Vietcetera câu chuyện đằng sau album đầu tay Mộng mơ và lãng quên, nhớ lại những ngày đầu đi theo tiếng gọi âm nhạc, những tâm tư và cả những dự định mới.

Đang đi đường mà bất chợt nghĩ ra một giai điệu, bạn sẽ làm gì?

Ngày xưa mình dễ để quên, sau này mình không lưu lại nhiều về tính nhạc. Nếu thực sự thích giai điệu nào đó mà nhớ ra thì mình sẽ cố lưu lại bằng đàn. Nếu không có đàn thường thì mình cũng sẽ… quên luôn.

alt
Doãn Hoài Nam tại 282 Live Session.

Mình thường ghi lại nội dung và lời ca. Đang đi trên đường mà bỗng nhiên nghĩ ra một cái gì đó thì mình sẽ ghi lại hết vào một bản nháp trong điện thoại. Bây giờ trong đấy toàn là những câu chuyện không liên quan đến nhau nhưng lại là những thứ gợi cho mình những ý tưởng mới.

Đó cũng là lý do mà những bài hát của bạn có lời ca sâu sắc như vậy?

Nói về lời ca, mình không phải là cây viết quá hay. Mình ngưỡng mộ nhiều nghệ sĩ khác hơn, như anh DSK chẳng hạn. Mình thấy lời ca như thế mới hay, đọc xong không dám viết nữa. Có thể mình không nghe nhạc anh DSK nhiều nhưng lại đọc được những điều ẩn chứa trong lời ca của anh ấy.

Lời bài hát của anh Tùng Jet cũng rất hay. Rồi lớn hơn là anh Hải Bột (Quái Vật Tí Hon) và các nhạc sĩ gạo cội khác. Mình có thể cảm nhận được tính thời đại, trạng thái cũng như các sắc độ tình cảm của con người trong thời đại đó qua ca từ của họ.

Nói thật là mình khá lười đọc. Có khi cả năm mình chẳng đọc xong một cuốn sách. Nhưng mình có một nguyên tắc là không viết về những thứ mà mình không có. Ví dụ như về tình yêu, mình không thể nào viết kiểu ‘anh nhớ em nhiều lắm’ hay những thứ tương tự. Bản thân mình cũng không nghe được những lời ca như vậy.

Mình viết về những thứ gần gũi với bản thân, những điều mà mình có. Về mặt kỹ thuật, mình muốn lời ca viết ra có tính gợi, không muốn bị sến quá. Mình nghĩ nên có một ‘cữ’ để giữ lời ca ở một trạng thái nhất định. Vì thế trong album Mộng mơ và lãng quên mình cũng chỉ đặt tên bài là những “từ khoá” cho bản nhạc đó.

Đến nay, bạn đã sáng tác được bao nhiêu bài hát?

Đến khoảng năm 2019 thì mình vẫn đếm số lượng sáng tác. Hồi chưa ra album thì mình viết được khoảng 40 bài. Không tính album của Sương (Mộng mơ và Lãng quên), mình còn khoảng 25-30 bài nữa.

Mình viết không nhiều, một năm may ra sáng tác được 2 - 3 bài. Mình cũng không gặp áp lực phải viết. Khi có nội dung hay ý tưởng thì mình sẽ viết.

Không có áp lực phải sáng tác nhưng bạn có áp lực gì trong âm nhạc không?

Khi mình làm âm nhạc toàn thời gian, mình sống với âm nhạc thì đôi khi đó đã là một áp lực. Ngày trước, mình cũng rất hy vọng có thể sống bằng âm nhạc, đắm chìm trong âm nhạc. Nhưng mình cũng phải thực tế hơn và chấp nhận những thứ mà mình không quen hay chưa thuộc về, như ở một mức độ chuyên nghiệp cao hơn, guồng làm việc nghiêm túc hơn, những hy sinh và đánh đổi khác. Cuộc sống, chưa nói về nghệ thuật mà chỉ là cuộc sống riêng về âm nhạc, với mình sẽ tốt hơn.

Mình cũng thích làm nhạc thuần không bị áp lực quá. Thế nên mình mới làm thêm các nghề khác để hỗ trợ cái mình yêu thích. Đó là những thứ có thể xếp thứ 2, thứ 3, không phải đầu tiên như âm nhạc.

alt
Doãn Hoài Nam biểu diễn trong show Bản.

Làm âm thanh ánh sáng chẳng hạn. Cũng như những người nghệ sĩ khác, mình muốn ở dưới hỗ trợ họ. Khi họ biểu diễn thì mình cũng đang rất tâm huyết với sản phẩm nội dung họ muốn làm ra và truyền tải. Bọn mình cũng là người thưởng thức cái đó đầu tiên, thực hiện cùng với các nghệ sĩ khác nên lại càng thích hơn.

Khi đã có những mối bận tâm như thế thì mình cũng phải chia ra để cuộc sống “dễ thở” hơn; và nó cũng mang lại một nguồn thu nhập ổn định. Nếu mình được mời đi diễn hay tham gia show nào đó mà mình thực sự thích thì đó là động lực để đi tiếp. Nhưng nhạc thì làm mãi, không bao giờ bỏ được, nên là cứ bình thường.

Khi theo đuổi một thứ gì đó quyết liệt nhiều người thường gạt ra những thứ khác nhưng bạn lại không những bỏ đi mà còn thêm vào. Với bạn, làm nhạc trước hết là vì mình hay là cho mọi người nhiều hơn?

Ở hiện tại, mình làm nhạc cho những gì đáng quý mà mình đang có. Đầu tiên, chắc chắn là gia đình và tất cả những thứ hiện thời như công việc, anh em, bạn bè, cộng đồng quán xá - cũng đều từ âm nhạc mình mới có được.

Ngoài thu nhập ra, được đi diễn hay có chút tiếng tăm thì mình cũng nhận ra còn có nhiều cái khác nữa. Với mình - không chơi nhạc thì không có cộng đồng, không có đam mê làm nơi tụ họp của anh em, không nghĩ đến làm âm thanh ánh sáng. Và mình cũng không thể làm gì tốt được nếu không chơi nhạc.

Hình như làm gì thì bạn cũng quay về với âm nhạc nhưng làm nhiều hơn một nghề giúp gì cho công việc chính của bạn là sáng tác nhạc?

Thực tế thì mình sẽ có tâm lý tốt hơn, bởi mỗi thời điểm lại là một mốc riêng. Gần 30 tuổi, mình có thêm trách nhiệm và phải cân đối hơn với gia đình, người yêu cũng như gia đình tương lai của bản thân.

Thực ra mình cũng sợ bản thân hoài nghi: Mình chưa phải là gì cả để mà được biết đến rộng rãi hay kiếm tiền mạnh trong âm nhạc. Đến việc viết những ca khúc hay, mình cũng mong nó thật tự nhiên.

Mình nghĩ với âm nhạc cũng cần may mắn nữa. Mình rơi được vào những khoảnh khắc đó hoặc tìm được giai điệu mình thích là quá tuyệt vời. Mình yêu được những giai điệu đó thì mình sẵn sàng chia sẻ với bạn bè, người thân.

Những điều bạn chia sẻ như thể bạn luôn đặt mình vào khung cảnh một bức tranh rộng lớn thay vì là toàn bộ bức tranh đó?

Mình nghĩ một phần cũng vì tự ti và ai cũng sẽ có một phần tự ti bên trong. Mình thích gần gũi bên cạnh những người anh em; đàn đúm mà ra được việc thì sẽ tuyệt vời hơn nữa và không bao giờ thấy mệt mỏi. Chia ngọt sẻ bùi thì sẽ vui hơn. Đôi khi trèo lên cao lắp một cái đèn thôi mà làm được cùng với anh em, nghệ sĩ khác và biết tại sao tất cả lại ở đó làm việc thì niềm vui lại càng khăng khít hơn nữa.

alt
Doãn Hoài Nam biểu diễn trong show diễn của Cá Hồi Hoang. | Nguồn: AllAccess

Cộng đồng cũng là một đam mê của bọn mình để được cùng nhau thực hiện những sáng tạo; cùng nhau tìm ra các vị trí của mình trong vòng tròn khép kín để rồi lan toả hơn.

Mình hướng về cộng đồng thì cộng đồng sẽ hướng ngược lại. Đó là một vòng tròn giữa tất cả mọi người. Mình cổ vũ tinh thần đó. Mình làm HUB cùng anh em cũng trên tinh thần đó.

Bạn có tự đặt ra quy tắc gì cho mình khi theo đuổi âm nhạc?

Với mình âm nhạc cũng giống như đạo vậy; một cái đạo gì đó mà không cho mình được phạm phải, không được ăn cắp hay làm gì đó xấu chẳng hạn. Nếu làm vậy, nhân phẩm của mình sẽ không đủ để chia sẻ với người nghe. Hay âm nhạc của mình cũng phải cố gắng thuần nhất.

Anh Đăng Én bảo mình cứ làm tốt đi đã rồi họ sẽ cần mình, sẽ tới với mình. Bọn mình cũng chưa đuổi ai đi bao giờ, toàn cải thiện để đi lên. Đó cũng là về tầm nhìn, sự yêu thích đặt vào âm nhạc khiến con người mình phải thuần hơn, từ những anh em đồng minh cũng cổ vũ nhau bằng tinh thần và không quá nặng nề về mặt tài chính hay các điều khác.

Tinh thần chung là vậy, chứ mình cũng không nghĩ nhiều về chuyện tại sao mình lại như thế? Mình cũng không nhìn ra là bản thân như thế đâu bởi vì làm thì cũng có mình trong đó. Anh em với nhau thì cũng phải rõ ràng, và mình thích thế.

Có cái may mắn là bọn mình khá bền. Anh em HUB tuy là không nổi cộm nhưng mà cũng không giải tán, luôn cổ vũ nhau; không lên sân khấu được nữa thì lại đi lắp đèn, lắp âm thanh. Những điều đó là những thứ bọn mình hướng tới. Bọn mình đang để từng cá nhân vững hơn về cuộc sống, tới lúc quay lại chỉ sợ già hơn thôi.

Quay trở lại với Mộng mơ và lãng quên, tại sao album đầu tay lại là 9 bài hát như vậy?

Mình gom các bài hát vào một tệp cảm xúc nhất định, những trạng thái cảm xúc cũng như nội dung mình muốn thể hiện ra phù hợp với tâm hồn cũng như cách thể hiện của Sương (Mạc Mai Sương.) 9 bài hát này, mình cũng viết với ý tưởng từ đầu là để Sương hát; nó gắn kết với bộ trạng thái của tâm hồn mà người nhạc sĩ muốn gắn kết với ca sĩ rồi gửi tới khán giả tìm sự đồng cảm.

alt
Doãn Hoài Nam biểu diễn tại L'Espace.

Tất nhiên là còn những tệp cảm xúc khác nữa mà có thể Sương thể hiện ra lại không giống như mình muốn. Ví dụ như khi mình tức giận, muốn nói một câu “gắt ơi là gắt” chẳng hạn thì cách hát của Sương có thể chưa thể hiện ra được. Mình cần một người thể hiện đúng cái “đồng bóng” của tâm hồn mình, hay cái khó chịu, bực bội lúc đó. Bản thân mình cũng không thể hiện ra điều đó mà cần những người khác. Những tệp cảm xúc như thế rồi sẽ tìm đến những tâm hồn, những người phù hợp hơn.

Nhiều người sẽ thấy rõ phần mộng mơ trong album này nhưng phần lãng quên thì lại lẩn khuất ở đâu đó?

Lãng quên thì… chưa tới lúc thôi. Lãng quên ở đây có thể là không gì cả. Cái mộng mơ và lãng quên chính là không gì cả. Những gì mình tưởng tượng ra là không có. Thế giới này cũng là không gì cả. Đối với mình đó là thứ bản thân rất thích. Mình cũng đã định xăm một số 0 ở đâu đó trên cơ thể. Mình nghĩ không gì cả mới là mãi mãi.

Trong sáu năm thực hiện album, đâu là phần hào hứng và đâu là phần khó khăn nhất đối với bạn?

Mình thích nhất lúc nhìn thấy tác phẩm đang hình thành, khi thu hết rồi và đang mix/master. Khi đó mình chưa được nhìn thấy hết - những lúc ấy là hạnh phúc nhất và thích nhất. Chán nhất là lúc không được làm gì, ban nhạc trễ lại, mọi người bận không được tập nữa, không biết bao giờ anh em sẽ diễn với nhau.

Bạn chia sẻ còn những tệp cảm xúc khác ngoài “mộng mơ và lãng quên”, bao giờ thì bạn lôi tệp cảm xúc đó ra?

Mình sẽ dùng album đầu này làm vốn làm tiếp album sau. Bản thân mình cũng muốn làm liền tay nhưng mà thực tế còn phải liên quan đến vấn đề tài chính nữa. Lúc đang mix/master album của Sương (Mộng mơ và lãng quên) mình cũng nghĩ tới album thứ hai rồi, mô tả một câu chuyện khác, một trạng thái khác, một cá tính khác.

Và vẫn hẹn HUB một ngày trở lại?

Bọn mình vẫn bên nhau, gặp nhau suốt. Bọn mình không muốn giống như lần trước, đang cải thiện để bước qua, chưa ai bỏ cả.