Một tuần đầy thảm họa của thế giới

Sắp Tết rồi, yên ổn đi cho tôi nhờ!
Sơn Hoàng
Khung cảnh tan hoang tại thành phố Kherson nơi Nga rút quân. | Nguồn: AP

Khung cảnh tan hoang tại thành phố Kherson nơi Nga rút quân. | Nguồn: AP

Cách đây bốn tháng, chúng tôi đã tổng kết các sự kiện nổi bật của nửa đầu năm 2022 và tự an ủi nhau rằng: trải qua từng ấy sự việc mà vẫn trụ được là tốt lắm rồi. Dù bi quan, chúng tôi đã mong tương lai sẽ dần khá lên, và một bài viết tương tự sẽ không bao giờ được thực hiện nữa.

Ấy vậy mà chỉ trong một tuần vừa qua, các tin tức từ khắp thế giới cho thấy sự hỗn loạn không hề thuyên giảm mà còn tăng lên. Những cú sốc kinh tế, khủng hoảng chính trị, và thậm chí là một nguy cơ chiến tranh tiềm ẩn một lần nữa đặt chúng ta vào vị trí bị động và lo lắng.

Cái bóng thảm họa của năm 2020 dường như vẫn còn đeo đẳng, và tương lai thì ngày càng bấp bênh. Hãy cùng xem xét một tuần tai hại của thế giới để lại tự nhắn nhủ lẫn nhau rằng: hãy sống thật tốt và yêu thương nhau khi còn có thể.

1. Tên lửa rơi xuống Ba Lan và sự leo thang chiến tranh

Ngày 15/11, giới chức Ba Lan xác nhận rằng một tên lửa đã rơi xuống một thành phố của nước này, gần biên giới với Ukraine, khiến cho hai người thiệt mạng.

Hiện chưa rõ ai đã bắn quả tên lửa và với mục đích gì, nhưng sự mập mờ này kết hợp với nguồn gốc “do Nga sản xuất” của quả tên lửa đang đẩy tình hình chiến sự Nga-Ukraine lên những nấc thang mới. Cả Nga lẫn Ukraine đều cáo buộc phía còn lại đã gây ra vụ việc và làm căng thẳng tình hình.

Theo tin mới nhất, quả tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan là tên lửa S-300 của Ukraine. Quân đội nước này phóng tên lửa để đánh chặn một tên lửa khác của Nga nhưng không thành.

Sự việc này dù khó có thể châm ngòi cho một cuộc chiến toàn diện giữa Nga và NATO, nhưng khiến cục diện chiến tranh vốn đã nhập nhằng nay lại càng phức tạp. Cái gọi là “chiến dịch quân sự chớp nhoáng” của Tổng thống Putin đã kéo dài sang tới tháng thứ 9.

Trong 9 tháng đó, thế giới đảo điên vì những hệ lụy của cuộc chiến. Trước mắt hai phe là một mùa đông dài và lạnh. Chiến sự trong những tháng tới sẽ còn leo thang, và thế giới sẽ còn phải đau đầu vì nó ít nhất tới những tháng đầu năm sau.

2. Donald Trump tái tranh cử Tổng thống Mỹ

Donald Trump đã chính thức trở lại! Không rõ trong lần này ông Trump lợi hại tới đâu, nhưng sự trở lại của ông chắc chắn hại nhiều hơn lợi.

Trong lịch sử nước Mỹ, ít có vị tổng thống nào nhiều tai tiếng như ông Trump - người đã kích động một vụ bạo loạn chưa từng có tiền lệ và bị điều tra về việc chiếm dụng tài liệu quốc gia. Những thành tích của ông bị lu mờ bởi những phát ngôn gây tranh cãi và những bê bối lạm quyền để làm lợi cho bản thân.

Sự trở lại của ông Trump cũng như việc nhiều người hưởng ứng điều này cho thấy sự chia rẽ về tư tưởng tại nước Mỹ vẫn còn rất lớn. Chủ nghĩa Trumpism vẫn sống sót trong nhiệm kỳ của ông Biden, và việc Donald Trump tái tranh cử dựa rất nhiều vào hệ tư tưởng này. Liệu chúng ta có nên lo ngại về một cuộc chiến kinh tế Mỹ-Trung mới trong vòng hai năm tới đây?

3. Sập sàn giao dịch tiền ảo FTX

Mới cách đây hơn một tuần, Sam Bankman-Fried - CEO của sàn giao dịch tiền ảo FTX - còn là một tỉ phú, một doanh nhân thành đạt, một KOL của Silicon Valley và phố Wall. Và cũng mới tháng 5, FTX còn là sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ hai thế giới, được định giá 40 tỷ đô.

Vậy mà chỉ trong vài ngày, tất cả mọi thứ biến mất. FTX công bố phá sản, đồng FTT của công ty này mất toàn bộ giá trị. Sam Bankman-Fried vừa mất tất cả mọi thứ, vừa trở thành con nợ của hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn chủ nợ - những người đã đặt niềm tin vào FTX và đồng FTT. Bong bóng vỡ tan, thứ còn lại là sự ngỡ ngàng và bàng hoàng.

Người ta vẫn đang điều tra xem FTX đã sụp đổ thế nào. Những kết luận ban đầu cho thấy sai phạm trong việc điều hành và quản lý dòng tiền của Bankman-Fried đã châm ngòi cho sự thoái trào và biến mất của đế chế tiền số FTX. Bankman-Fried trở thành Do Kwon thứ hai, và thị trường một lần nữa chứng kiến một “khoảnh khắc LUNA” khi đồng FTT trượt giá.

Sự việc khiến nhiều người mất sạch tiền, nhiều quỹ đầu tư kiệt quệ, và kéo dài mùa đông crypto. Tác động của nó lên bối cảnh kinh tế thế giới là rất lớn, nhất là trong thời điểm cả nhóm ngành tài chính-ngân hàng lẫn bất động sản đều đang dò dẫm trong bóng đêm khủng hoảng.

4. Làn sóng sa thải

Sau làn sóng đại từ chức chính là đại sa thải! Tạm biệt nhé, đường ai nấy đi!

Giới chủ tại Silicon Valley không hẹn mà gặp, cùng nhau sa thải hàng loạt nhân viên của mình. Người khởi xướng là “Twit chúa” Elon Musk, người đã cho hơn bốn ngàn nhân viên của Twitter “bay màu” sau khi nhậm chức. Từ ban lãnh đạo cũ tới những nhân viên bàn giấy thông thường nhất tại Twitter, không ai an toàn trong đợt sa thải này.

Sau Elon Musk, Mark Zuckerberg thông báo sẽ sa thải khoảng 13% nhân lực của Meta, tương đương với 11 ngàn nhân viên. Lý do mà Mark đưa ra là để chống chọi với suy thoái kinh tế và thanh lọc bộ máy sau khi tuyển dụng quá đà trong thời gian bùng dịch Covid-19. Sau Meta, Amazon cũng rục rịch lên kế hoạch đuổi việc khoảng 10 ngàn nhân sự.

Đây có thể coi là hệ quả trực tiếp và dễ nhìn thấy nhất của những sự việc tồi tệ diễn ra trong suốt năm nay. Tuyển dụng quá đà trong giai đoạn dịch khiến bộ máy nhiều công ty phình to, và áp lực khủng hoảng kinh tế như một hệ quả của xung đột Nga-Ukraine khiến lãnh đạo các doanh nghiệp này không còn cách nào khác ngoài chia tay với hàng loạt nhân viên.

5. COP27 và những mục tiêu xa vời

Hội nghị COP27 về môi trường và biến đổi khí hậu đã diễn ra được hơn một tuần. Các nhà lãnh đạo thế giới một lần nữa cam kết chống phát thải, cam kết mức tăng không quá 1,5 độ C trong bối cảnh khí hậu đang ngày càng “đỏng đảnh” và khó lường.

Tin buồn là, các nhà khoa học đang cảnh báo rằng có khả năng rất cao chúng ta sẽ không thể đạt mục tiêu 1,5 độ C. Thậm chí, trong những viễn cảnh xấu, chúng ta sẽ không thể ngăn nhiệt độ tăng ít nhất 2 độ.

Các kế hoạch chống phát thải mà những phiên họp COP đặt ra được tất cả các quốc gia hưởng ứng. Nhưng tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có vài quốc gia chốt kế hoạch phát thải, chứ chưa nói gì tới việc tất cả đồng loạt hành động để giảm thải.

Kết luận

Đã từ rất lâu rồi, chúng ta hiếm khi được thấy tin tốt trên truyền thông. Điều này khiến người đọc cảm thấy căng thẳng mỗi khi phải lên mạng. Các ký giả chúng tôi cũng muôn phần áp lực vì phải thường xuyên xử lý thông tin tiêu cực, và phần nào đó nhận ra độc giả đã quen với tin xấu. Thậm chí còn thấy điều bi quan là dịp để cười đùa.

Dù các thông tin trên là thảm hoạ, chúng tôi vẫn muốn truyền đạt sự hi vọng. Đây sẽ không phải niềm lạc quan tếu, chỉ vui vẻ và mù quáng nhìn vào tương lai. Chưa bao giờ con đường tới tương lai là dễ dàng, và sự hi vọng yêu cầu ta phải nhìn thẳng vào sự khó chịu ấy. Vì ta vẫn tin rằng tương lai vẫn ở đó để ta đi tới.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục