Mục tiêu của bạn thuộc loại nào: Theo đuổi lợi ích hay phòng ngừa rủi ro?
Đôi khi chúng ta không hiểu được cấp trên hay đồng nghiệp của mình nghĩ gì mà lại đưa ra quyết định như thế. Đơn giản là vì đôi bên tập trung vào mục tiêu khác nhau.
Có một chiếc cốc có 1/2 thể tích đang chứa nước. Theo bạn, chiếc cốc này:
A. Đầy 1 nửa.
B. Vơi 1 nửa.
Đây là 1 bài test mức độ lạc quan vô cùng quen thuộc. Thái độ lạc quan hay bi quan sẽ ảnh hưởng tới cách chúng ta nhìn nhận về cuộc sống và hiển nhiên, sẽ ảnh hưởng tới cách chúng ta đặt ra và theo đuổi mục tiêu của mình.
Cũng xuất phát từ trạng thái tâm lý này, chúng ta thường theo đuổi 2 loại mục tiêu chính: Mục tiêu thăng tiến (promotion focus) & Mục tiêu phòng ngừa (prevention focus). Vậy đâu là mục tiêu thích hợp cho bạn?
Mục tiêu thăng tiến (Promotion focus)
Những người theo đuổi mục tiêu thăng tiến tập trung vào điều họ sẽ đạt được khi thành công (lợi ích và phần thưởng) làm động lực. Họ thoải mái nắm bắt cơ hội, hành động nhanh, dám mơ ước to lớn và suy nghĩ sáng tạo. Mục tiêu thăng tiến thường đem lại kết quả tốt nhờ động lực mà “viễn cảnh" tích cực tạo ra, đồng thời cũng hạn chế tình trạng chệch hướng so với mục tiêu mong muốn.
Tuy nhiên, những ưu điểm trên đôi khi lại khiến họ dễ mắc sai lầm vì không suy nghĩ được thấu đáo và thường không chuẩn bị kế hoạch dự phòng. Nhưng đó là cái giá họ sẵn sàng trả, vì đối với họ không gì đáng sợ hơn đánh mất cơ hội, không gặt hái được gì và không thể phát triển thêm.
Bạn có xu hướng theo đuổi mục tiêu thăng tiến nếu như:
- Bạn là người lạc quan.
- Bạn làm việc nhanh nhẹn.
- Bạn cởi mở với những cơ hội mới.
- Luôn tìm kiếm những đóng góp tích cực.
- Bạn giỏi đưa ra những ý tưởng mới và luôn cân nhắc những lựa chọn thay thế thay vì cách làm cũ.
- Bạn chỉ chuẩn bị cho những tình huống tốt nhất.
- Động lực của bạn đến từ phần thưởng và sự khen ngợi
- Bạn dễ nản lòng khi mọi chuyện không diễn ra như ý muốn
Ví dụ, với một người làm kinh doanh theo lối suy nghĩ thăng tiến, mục tiêu của họ sẽ là “Tôi muốn mở rộng thị phần”, “Tôi muốn tăng gấp rưỡi doanh thu quý tới” hoặc “Tôi muốn trở thành giám đốc kinh doanh".
Mục tiêu phòng ngừa (Prevention focus)
Trái ngược với mục tiêu thăng tiến, mục tiêu phòng ngừa được đặt ra khi bạn muốn ngăn chặn những kết quả tiêu cực hay tránh khỏi những tình huống khó xử.
Nói cách khác, mục tiêu phòng ngừa dẫn dắt bạn tránh khỏi những viễn cảnh không mong muốn, hoàn thành trách nhiệm và giữ mình an toàn. Họ luôn cảnh giác và không thích mạo hiểm, nhưng họ thường làm việc chậm rãi và tỉ mỉ hơn. Tuy thường không phải là người có tư duy sáng tạo nhất, nhưng họ có khả năng phân tích kỹ lưỡng.
Dấu hiệu của những người tập trung vào mục tiêu phòng ngừa:
- Bạn làm việc chậm rãi nhưng rất cẩn thận, chính xác.
- Bạn lường trước những gì tệ nhất có thể xảy ra, và chuẩn bị cho chúng.
- Bạn gặp áp lực lớn khi phải làm việc dưới "deadline" gấp.
- Bạn xử lý công việc bằng những phương pháp đã được sử dụng và chứng minh tính hiệu quả thay vì sáng tạo ra cách làm mới.
- Sự phê bình thúc đẩy bạn hành động hơn là lời khen
Vẫn là người làm kinh doanh nhưng với cách suy nghĩ phòng ngừa, họ sẽ đặt ra các mục tiêu như “Tôi không muốn bị khách hàng phản ánh xấu", “Tôi không muốn thua lỗ" hay “Tôi không muốn bị đuổi việc”.
Lợi ích của việc xác định đúng dạng mục tiêu
Về cơ bản, cả 2 loại mục tiêu đều tạo ra động lực tương đương để hoàn thành, nhưng chúng đến từ 2 tâm lý trái ngược nhau, dẫn đến những hành động khác nhau và phù hợp với hoàn cảnh riêng biệt:
Đa số chúng ta đều cân nhắc qua lại giữa hai dạng mục tiêu tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, nhưng mỗi người vẫn nghiêng về một dạng chủ đạo nhiều hơn. Nó ảnh hưởng đến cách mỗi người chú tâm, coi trọng, và cảm nhận về thành công lẫn thất bại. Nó xác định cho chúng ta điểm mạnh và điểm yếu, cả về cá nhân lẫn chuyên môn.
Đây là lý do vì sao đôi khi chúng ta không hiểu được cấp trên hay đồng nghiệp của mình nghĩ gì mà lại đưa ra quyết định như thế, bởi vì đơn giản là họ có dạng mục tiêu khác chúng ta.
Xác định được dạng mục tiêu của mình sẽ giúp bạn nắm được điểm mạnh, đồng thời nhận biết và bù đắp lại điểm yếu. Chẳng hạn, nghiên cứu cho thấy những người thuộc dạng phòng ngừa sẽ phù hợp với những công việc theo “tiêu chuẩn và thực tế”, ví dụ như ghi chép sổ sách, kế toán, kỹ thuật viên,... Những công việc đòi hỏi theo chuẩn tắc và quy trình kỹ lưỡng.
Những người thuộc dạng thăng tiến có khả năng theo đuổi những công việc “mang tính nghệ thuật và khám phá", chẳng hạn như viết lách, làm nhạc, tư vấn,... Đây là những công việc mà mọi người được hoan nghênh nhờ tính sáng tạo và tư duy đổi mới hơn là tính thực tế.