Nghe Kay Nguyễn kể về những đặc thù của nghề “bác sĩ” kịch bản

Một sự thật là bạn sẽ không thể tìm thấy tên của bác sĩ kịch bản trong phần danh đề (credit) phim, bởi vì…?
Hà Trang
Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera

Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera

Bác sĩ nội trú, bác sĩ tâm thần hay bác sĩ nha khoa đều là những công việc quốc dân được nhiều người biết đến, nhưng bạn đã bao giờ nghe đến nghề “bác sĩ” kịch bản? Thực chất đây là danh xưng chỉ tồn tại trong ngành làm phim, và thu nhập của nghề này ở không hề kém cạnh đạo diễn, biên kịch hay diễn viên. Ước tính một bác sĩ kịch bản ở Hollywood mỗi năm có thể kiếm được hàng triệu đô.

Nhưng do đặc thù công việc, rất ít người ở Việt Nam có danh xưng này. Họ cũng không xuất hiện trên danh đề (credit) phim, hay được tiết lộ những dự án mình từng “khám chữa" với công chúng.

Vậy, công việc này cụ thể là làm gì? Những ai được công nhận là bác sĩ kịch bản? Để trả lời những câu hỏi này, tôi có dịp trò chuyện với biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất phim, kiêm bác sĩ kịch bản Kay Nguyễn. Chị Kay từng là tác giả chắp bút cho những bộ phim bom tấn của điện ảnh Việt Nam như: Mắt Biếc, Người Bất Tử, Hai Phượng…, và sắp tới là Công Tử Bạc Liêu.

Chị cũng vừa có màn gọi vốn nhanh nhất lịch sử Shark Tank, khi kêu gọi thành công 4,5 tỷ đồng cho bộ phim Thần Trà.

Chào chị Kay Nguyễn, "bác sĩ" kịch bản là công việc như thế nào?

Hiểu đơn giản thì nó cũng giống nghề bác sĩ vậy, nhưng bệnh nhân của mình sẽ là những… kịch bản chưa hoàn thiện. Nhiệm vụ của Kay là nghiên cứu kịch bản để tìm ra những chỗ cần cải thiện, rồi điều chỉnh, sửa chữa sao cho kịch bản “khoẻ lên". Mục đích là để giải quyết được vấn đề tồn đọng của đội ngũ sản xuất, bao gồm đạo diễn và diễn viên.

Khi nào thì kịch bản cần được “khám chữa”?

Khi một kịch bản phim bắt đầu được khởi động thì ngân sách phim, lịch bấm máy, lịch phát hành (cả nội địa lẫn toàn cầu) đã được định sẵn. Kịch bản tới thời điểm đó vẫn không đáp ứng được sự thay đổi của dàn cast, hoặc yêu cầu về chi phí, tiến độ... Biên kịch hiện tại cũng không có cái nhìn bao quát đủ để chỉnh sửa trong thời gian gấp rút, thì lúc đó bác sĩ kịch bản sẽ được mời tham gia.

Tại sao không thể tìm thấy thông tin về nghề này trên internet?

Vì đặc thù của bác sĩ kịch bản là sẽ không được nhắc đến trên credit phim hoặc xuất hiện ở bất kỳ đâu, do những ràng buộc về pháp lý với các bên trước khi bắt tay vào dự án.

Theo như những gì mình làm hiện tại, công việc của bác sĩ kịch bản sẽ được miêu tả chính xác hơn bằng chức danh kép: Biên Kịch - Creative Producer.

Giữa bác sĩ kịch bản và biên kịch phim có điểm gì giống và khác nhau?

Nhiệm vụ của biên kịch là hoàn thiện kịch bản theo yêu cầu của đạo diễn, nhà sản xuất, hoặc đưa kịch bản của mình tới nhà sản xuất phù hợp. Còn bác sĩ kịch bản là người chỉnh sửa kịch bản lại theo yêu cầu. Với Kay, đây là một công việc thực sự rất khó khăn, vì sửa bao giờ cũng khó hơn là làm mới, nhất là sửa dưới áp lực thời gian (bấm máy/phát hành).

Biên kịch có thể thử sức ở nhiều hạng mục, nhưng bác sĩ kịch bản thường là khái niệm chỉ có trong những phim thương mại, đặc biệt là những bộ phim có ngân sách khủng.

Vì sao bác sĩ kịch bản chỉ xuất hiện trong những phim thương mại?

Vì những yêu cầu nêu trên nên chi phí để thuê một bác sĩ kịch bản cũng cao hơn gấp nhiều lần, chỉ có những dự án thương mại mới có đủ ngân sách để mời bác sĩ kịch bản tham gia.

Tổng ngân sách cho gói kịch bản của một bộ phim có khi dành đến 70-80% chỉ riêng cho bác sĩ kịch bản.

Những ai có thể trở thành bác sĩ kịch bản?

Thường những người được tìm tới là những người có tên tuổi trong ngành, có kỹ năng chuyên môn cao. Để trở thành bác sĩ kịch bản, bạn cần có khoảng thời gian dài, từ 10 đến 20 năm gắn bó, làm tốt công việc biên kịch và viết được nhiều thể loại phim khác nhau.

Biên kịch cũng phải chứng minh năng lực của mình qua độ thành công của tác phẩm ở cả phương diện phòng vé lẫn chất lượng nghệ thuật. Đồng thời, bạn cũng nên kinh qua nhiều vị trí khác như đạo diễn hay nhà sản xuất để có cái nhìn toàn diện về nghề.

Một điều quan trọng trong nghề này Kay muốn lưu ý, đó là bạn phải được công nhận bởi giám đốc sản xuất, nhà sản xuất, đạo diễn, những người sẽ hỗ trợ rất nhiều cho bác sĩ kịch bản trong công việc đặc biệt này.

Không có nhiều bác sĩ kịch bản ở Việt Nam và bản thân chị xuất hiện trước công chúng với vai trò biên kịch nhiều hơn. Chị nghĩ đây có phải là một ngành nghề khá đơn độc?

Kay nghĩ dùng từ "đơn độc" cũng đúng vì đây là nghề bạn phải giải bài toán khó trong một thời gian rất ngắn, áp lực rất lớn và mất rất nhiều thời gian để với tới nấc thang này.

Các thành viên trong team vẫn hay trêu chọc công việc của Kay là… công nhân vệ sinh, chuyên đi hốt dọn những thứ không ai hốt nữa, để cho “đường phố sạch đẹp nghĩa tình”, chào đón đoàn phim bước vào giai đoạn chính thức sản xuất. *cười*

Theo chị, liệu bác sĩ kịch bản có trở thành một nghề hot trong tương lai?

Mình nghĩ sẽ hot đấy, vì ngày càng có nhiều biên kịch có thâm niên, kinh nghiệm. Nếu lứa biên kịch hiện tại vẫn theo nghề thì trong vài năm tới họ có thể trở thành bác sĩ kịch bản. Thị trường phim Việt cũng ngày càng lớn mạnh hơn, các điều khoản pháp lý cũng ngày càng tinh tế hơn, là mảnh đất tốt để các bác sĩ kịch bản “vào việc”.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục