Nhan sắc có giúp cuộc đời ta “dễ thở” hơn?
Chúng ta ai cũng như tờ giấy trắng về nhau trong lần đầu gặp gỡ. Nếu tính cách là thứ phải tiếp xúc đủ lâu mới hiểu thấu, ngoại hình sẽ đập vào mắt ta ngay trước khi đối phương kịp mở lời chào.
"Ai mà chẳng yêu cái đẹp”. Con người có xu hướng duy mỹ, và một vẻ ngoài sáng sủa chỉn chu sẽ ngày càng được công nhận như kỹ năng ngầm bổ trợ ta ít nhiều trong cuộc sống.
Gọi là kỹ năng "ngầm” vì ngoài các tiêu chí cốt lõi như kiến thức kinh nghiệm, nhà tuyển dụng còn gắn một điểm cộng lên những ứng viên có ngoại hình chỉn chu. Đẹp - xấu hay yêu - ghét đều là chủ quan, ta sẽ không thể biết chính xác mức độ ảnh hưởng của cái đẹp lớn như thế nào lên quyết định cảm tính của con người.
Cho nên, hãy điểm lại từ thực tế cuộc sống bạn khi còn nhỏ. Những đứa trẻ xinh xắn hơn trong gia đình có khả năng được bố mẹ yêu chiều hơn anh chị em chúng. Những bạn học cao ráo lanh lợi thường được bầu làm lớp trưởng lớp phó ngay ngày gặp mặt đầu tiên. Hay một đồng nghiệp ngoại hình ưa nhìn sẽ được đối xử nhẹ nhàng hơn ngay cả khi bất đồng quan điểm với đồng nghiệp khác.
Bạn đã bao giờ lựa một quyển sách chỉ vì bìa đẹp? Ta có thể gật gù đồng ý rằng những người có “sắc” có thể sống một cuộc đời có phần dễ dàng hơn, nhưng không hoàn toàn chấp nhận nó vì tốt gỗ vẫn tốt hơn nước sơn. Để chứng minh thực hư năng lực của cái đẹp, các nhà nghiên cứu đã đưa ra học thuyết về Attractiveness Bias - Xu hướng Thiên vị Cái đẹp của con người.
Chúng ta vô tình “thích” người đẹp như thế nào?
Nghiên cứu về Attractiveness Bias được đăng tải trên Sage Journals đã chỉ ra con người ta có xu hướng đánh giá cao những cá thể đẹp. Từ một ngoại hình ưa nhìn, ta có thể vô thức nghĩ rằng họ thông minh, thú vị, giao tiếp hấp dẫn và có cá tính. Dĩ nhiên chúng không hoàn toàn đúng vì con người ai chẳng có thiếu sót. Và những điều tích cực ta gán lên người đẹp chỉ là cách mà “cái đẹp” làm mờ mắt chúng ta.
Ta không hồ đồ khi ưu ái những người đẹp, xu hướng thiên vị này xuất phát từ chính bản năng con người: tìm kiếm những nguồn gen trội để cải thiện nòi giống. Khái niệm gen trội hay vẻ đẹp ở đây được biểu thị qua một cơ thể khỏe mạnh: khỏe trong mọi mặt từ mái tóc, làn da đến chiều cao cân nặng cân đối.
Sự thiếu hụt một trong các yếu tố ngoại hình này có thể là dấu hiệu của thiếu hụt dinh dưỡng, bệnh tật hay “gen xấu”. Đây cũng là lý do con người luôn cần chạy theo vẻ đẹp của sức khỏe để nâng cấp bản thân.
Dẫu biết tốt gỗ hơn tốt nước sơn, một nước sơn đẹp nói lên nhiều điều về một người hơn thế. Insider đã tổng hợp và đưa ra 3 minh chứng tại sao cuộc đời thật sự dễ dàng hơn khi bạn biết chăm chút cho giao diện của bản thân.
3 lý do “người đời” đối xử nhẹ nhàng hơn với “người đẹp”
Tâm lý “hướng đẹp” bắt đầu chi phối ta từ khi nào?
Nghiên cứu Predicting Elections năm 2008 đã chứng minh tầm ảnh hưởng của cái đẹp lên bộ não con người từ bé bằng cách yêu cầu 100 đứa trẻ chọn ra thuyền trưởng dẫn dắt đoàn tàu của mình, và đưa chúng các bức ảnh của những ứng viên tranh cử tổng thống năm ấy.
Dĩ nhiên lũ trẻ không hề biết gì về trình độ, năng lực hay hồ sơ của những nhân vật này, chúng chỉ xem ảnh và chọn ra ứng viên có vẻ ngoài thu hút nhất làm thuyền trưởng. Kết quả khảo sát cho thấy vẻ ngoài thực sự có ảnh hưởng lên tiềm thức của chúng ta.
Một ngoại hình đẹp có thể thay ta “kể” nhiều câu chuyện về bản thân cho thế giới, bất luận chúng đúng hay sai. Theo Insider, dưới đây là một số những ấn tượng vô thức ta dành cho người đẹp. Xem thử bạn có từng va vào những ấn tượng nghe có vẻ vô lý nhưng hợp lý này không nhé:
Ấn tượng 1: Người đẹp hơn là người sống khỏe hơn
Với xu hướng sống lành mạnh “healthy and balanced” ngày nay, khảo sát mới đây từ Euromonitor đã chứng minh mối liên hệ chặt chẽ giữa “sức khỏe” và “sắc đẹp”.
Khi ta biết chăm sóc bản thân, cơ thể ta sẽ thoải mái và nhẹ nhàng từ bên trong để rồi phản ánh ra bên ngoài với năng lượng tươi mới và tích cực. Ta có thể nói dối về mọi thứ, nhưng thần thái ta tỏa ra thì không. Vì thế nhiều người tin rằng đời sống tinh thần & thể chất khỏe mạnh từ bên trong sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bộ mặt bên ngoài mà ta đưa ra cho thế giới.
Ở xu hướng ngày nay, làn da căng bóng, mái tóc chắc khỏe cùng cơ thể rắn rỏi là biểu tượng mới cho sắc đẹp. Ta có thể kể đến Châu Bùi, Diễm My 9x hay Hana Giang Anh như những influencer đại diện cho lối sống này với vô vàn nội dung lifestyle truyền cảm hứng khắp các kênh mạng xã hội của họ.
Ấn tượng 2: Người đẹp là người “được chọn” trong tập thể
Tương tự như ví dụ thuyền trưởng của 100 đứa trẻ bên trên, một người có ngoại hình sẽ không lo bị “lép vế” trong mọi tình huống khi họ được đặt lên bàn cân so sánh.
Hãy tưởng tượng bạn tham dự một lớp học mới và thầy cô yêu cầu bạn gom thành viên lập nhóm ngẫu nhiên làm dự án. Khi chẳng ai biết gì về nhau, bạn sẽ vô thức tìm đến những gương mặt ấn tượng mà bạn ghi nhớ để lập nhóm, và thường thì họ phải sở hữu một nét cuốn hút nào đó. Bạn vô thức làm vậy vì vốn dĩ bản năng con người luôn có nhu cầu được tận hưởng cái đẹp.
Ngay cả trong một nhóm nhạc, nếu một thành viên không có thế mạnh về giọng hát hay vũ đạo, thì họ vẫn có thể làm “visual” - vị trí nhan sắc gánh team trong mọi cuộc săn ảnh báo chí. Đừng xem thường ngoại hình ngay cả khi bạn làm trong những ngành công nghiệp không yêu cầu nhan sắc, vì biết đâu một ngày bạn sẽ cần đến nó.
Ấn tượng 3: Ta vô thức đối xử dịu dàng hơn với người đẹp
Nghe có vẻ vô lý khi ta bỗng hạ tông giọng, cư xử nhẹ nhàng và lịch thiệp hơn với những người ưa nhìn không vì lý do gì cụ thể. Đây là minh chứng cho câu nói “Tôn trọng bản thân rồi người khác sẽ tôn trọng bạn” (Respect yourself and others will respect you).
Những người biết chăm chút bản thân đã tác động thế nào đến tâm lý chúng ta để ta sẵn sàng nhẹ nhàng hơn với họ?
- Phong cách đẹp bên ngoài cho thấy sự đầu tư từ bên trong: ở họ có sự chỉn chu và một vài nguyên tắc sống nhất định khiến ta vô thức điều chỉnh cách ứng xử của ta “chỉnh tề” theo.
- Cho đi và nhận lại: gặp một người phong thái ấn tượng, chào hỏi ta lịch sự nhẹ nhàng khiến ta muốn dịu dàng lại với họ vì “lương tâm không cho phép” mình thô lỗ.
- Làm vì những người khác cũng làm: con người có tính bầy đàn và đôi khi ta vô thức đối tốt với một người bạn dễ thương nào đó trong nhóm vì quan sát thấy những bạn khác cũng làm thế.
Liệu không xinh đẹp có phải là thiệt thòi?
Ta hiểu rằng một ngoại hình đẹp có thể mở khóa cho ta nhiều "đặc quyền” thú vị trong cuộc sống. Tuy nhiên trước khi than thân trách phận vì mình vốn dĩ sinh ra đã không xinh đẹp, ta cần hiểu rõ khái niệm “cái đẹp” là gì.
Công bằng mà nói, ở thời đại ngày nay ai cũng có thể là “người đẹp”.
Thứ nhất, ta được tiếp cận với hàng loạt các phương pháp làm đẹp bản thân. Tùy vào sở thích mỗi người, ta có thể chọn trang điểm tôn nét mặt, phối quần áo tôn da dáng, thay đổi kiểu tóc, thể dục thể thao hay thậm chí là đầu tư thẩm mỹ để hoàn thiện bản thân theo hướng mình muốn. Những nỗ lực làm đẹp bản thân, nếu không ảnh hưởng sức khỏe và bạn dám làm dám chịu, thì đều đáng được công nhận.
Thứ hai, không có một quy chuẩn cụ thể nào cho người đẹp. Có thể làn da bánh mật không phải là nét ưa chuộng của phụ nữ châu Á nhưng lại là ao ước của phụ nữ phương Tây.
Thứ ba, đến cuối ngày người hạnh phúc nhất vẫn là người biết yêu mọi hình thể và sắc vóc của chính mình dù chúng có phần khác biệt. Chấp nhận bản thân và tự tin về nó chính là vẻ đẹp hấp dẫn nhất một người có thể đạt tới trong hành trình hoàn thiện của họ.
Kết
Nếu một ngày bạn quyết định chăm sóc bản thân kỹ hơn 1 tý, ăn diện khác đi, và chỉn chu trong từng cử chỉ hành động của mình, hãy quan sát xem cách thế giới đối xử với bạn có khác đi?
Giữa xu hướng ưa chuộng cái đẹp, “đẹp” thật ra không nằm ở đâu xa, đẹp xuất phát từ chính đời sống tinh thần phong phú, cách ta yêu bản thân và chăm chút cho “khu vườn” của bản thân thật đủ đầy. Hiểu rõ những giá trị của bản thân rồi, hãy học cách trân trọng mình từ đó tạo sức ảnh hưởng tích cực lên đời sống chính mình nhé.