'Nhậu' có phải một loại kỹ năng mềm?
Việc tụ tập uống bia rượu ở Việt Nam vốn là một hoạt động giao tiếp quen thuộc. Nó lâu đời, gần gũi đến mức người Việt chúng ta ưu ái dành cho nó một tên gọi ngắn gọn và đặc trưng là ‘nhậu’. Dần dà, ‘nhậu’ thường xuyên xuất hiện trong lịch trình sinh hoạt hằng tháng, hằng tuần, hằng ngày của người Việt – vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, thậm chí không vì dịp gì cũng nhậu.
Hoạt động ‘đại chúng’ này luôn được mọi người xem là phương pháp rút ngắn khoảng cách giữa mọi người bất kể khác biệt. Vì thế, dù ở hoàn cảnh nào, môi trường nào, ‘nhậu’ vẫn luôn có một chỗ đứng vững chắc.
Tuy nhiên, ‘nhậu’ có phải là cách duy nhất và quyền năng đến mức ‘biết uống’ trở thành một kỹ năng mềm bắt buộc để hòa nhập ở môi trường mới? Và ‘ép uống’ có phải là lối ứng xử phù hợp đúng mực giúp mang lại ‘niềm vui’ như nhiều người vẫn nghĩ?
Bàn nhậu có gì hấp dẫn?
Xu hướng tâm lý phổ biến dẫn người trẻ đến với rượu bia là muốn thể hiện cái tôi của mình. Họ không muốn thua thiệt với số đông. Và việc uống được nhiều hay ít cũng thường được mọi người xem như thước đo mức độ trưởng thành và cái “chất” của bản thân.
Người xưa có câu “nam vô tửu như kì vô phong”, tửu lượng vẫn luôn được xem là thước đo cho sự nam tính và bản lĩnh của một đấng nam nhi. Đối với nữ giới, nếu ngày xưa việc uống bia rượu là hành động đánh mất sự đoan trang, thì bây giờ việc trụ vững trên bàn nhậu lại thể hiện được nét cá tính và táo bạo của một người phụ nữ hiện đại. Không biết từ bao giờ, bàn nhậu đã trở thành ‘võ đài’ và ‘sàn runway’ nơi đàn ông lẫn phụ nữ đều tranh thủ biểu diễn, phô bày khí thế của mình.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, thức uống có cồn giúp chúng ta dễ tương tác với mọi người hơn. Bởi rượu bia có khả năng liên kết với các thụ thể trong não, giúp tăng mức dopamine, từ đó kích hoạt sự khoái cảm, phấn khích trong cơ thể con người.
Câu nói dân gian “rượu vào lời ra” có lẽ là kết luận súc tích cho kết quả nghiên cứu trên. Người thường ngày nhút nhát, khi “rượu vào” có thể trở hoạt ngôn, bạo dạn hơn. Người có u sầu, nhiều phiền muộn, “rượu vào” giúp họ dễ mở lòng hơn. Tuy nhiên, như một hệ quả dĩ nhiên, khi ở ngưỡng vượt kiểm soát nào đó, mọi hành động và phát ngôn của bạn sẽ không còn giữ được chuẩn mực nữa.
‘Nhậu’ có phải là công cụ gắn kết quyền năng mà ai cũng buộc phải sở hữu?
Bởi tác dụng khoa học của rượu bia là mang lại niềm vui, nên những môi trường chứa nhiều căng thẳng như chốn công sở thường khó bỏ qua nhậu nhẹt. Một số công ty Việt Nam hiện nay còn bổ sung thêm hoạt động này vào chế độ chăm sóc nhân sự, chẳng hạn như Happy Hour, khung thời gian ‘hợp thức hóa’ việc sử dụng thức uống có cồn cho nhân viên. Có thể thấy, ‘nhậu’ đã dần trở thành một hình thức ‘xả stress’ và gắn kết tình đồng nghiệp không thể thiếu ở nhiều công ty.
Tuy nhiên, đôi khi việc coi trọng ‘nhậu nhẹt’ quá mức dẫn đến việc nó không còn là cuộc vui tự do, thoải mái nữa. Thay vào đó, nó bị bóp méo thành một nghi thức kết nạp, một kiểu văn hoá đoàn kết đầy áp lực, ép buộc từng cá nhân, đặc biệt là người mới trẻ tuổi phải tham gia.
“Mình đi làm tính đến nay đã 4 công ty lớn nhỏ gồm nước ngoài, trong nước, thử sức cũng đa dạng lĩnh vực. Tuy nhiên, một văn hoá bất biến là ở đâu cũng nhậu. Ai cũng hồ hởi tham gia, nên nếu từ chối mọi người sẽ cho là mình xa cách, không thích giao thiệp. Trong môi trường tập thể mà để lại ấn tượng như vậy thì chả khác nào đang tự cô lập bản thân, mình sẽ chịu nhiều thiệt thòi lắm,” Hoàng Oanh, 27 tuổi.
Nếu suy xét kỹ lưỡng mục đích của đa phần cuộc nhậu, thì thật ra rượu bia không đóng vai trò mấu chốt như bạn tưởng. Vì sao mọi người lại chọn ‘bàn nhậu’ là nơi để hội tụ, gắn kết? Là bởi những cuộc trò chuyện thú vị, thoải mái. Đương nhiên không thể phủ nhận sự hỗ trợ của ‘cồn’, nhưng nó chỉ có tác dụng khơi dậy cảm xúc, không phải ‘thần dược’ uống vào là có thể hòa nhập đám đông. Chính câu chuyện, lối giao tiếp, và phong cách ăn nói mới chính là điều bạn cần.
Nếu ta vẫn có thể pha trò, ăn nói duyên dáng, thu hút người nghe mà không cần đến một giọt rượu nào thì sao? Nếu bản tính là người không khéo ăn nói, không biết lôi kéo người xung quanh, vậy uống nhiều rượu có thực sự giúp bạn “biến hình”, trở thành một người có tài ăn nói, làm chủ không khí?
Cớ sao phải ‘ép uống’? ‘Nhân quyền’ ở đâu trên bàn nhậu?
Trong mỗi cuộc nhậu, điều đáng sợ nhất không phải là tửu lượng thấp, mà là bị ép uống. Thói quen này thật ra xuất phát từ mục đích mong muốn được kéo dài và phát triển cuộc vui. Nhưng để chiều theo số đông, dần dà cứ ngồi trên bàn nhậu là mặc định gánh một trách nhiệm nặng nề – phải uống, mặc kệ tửu lượng, sức khoẻ, cảm nhận cá nhân.
Với áp lực cấp bậc, phải hoà đồng để được nhớ mặt, nhớ tên, gây ấn tượng trước sếp, nổi trội hơn đồng nghiệp, quy tắc bất thành văn này làm các bạn trẻ, đặc biệt là người mới, phải bối rối. Nếu từ chối, các sếp cho rằng không nể mặt, đồng nghiệp đánh giá chảnh choẹ, làm ngắt mạch cuộc vui, đánh mất thiện cảm. Cứ thế, các bạn không giữ được quyền lợi cơ bản của mình là từ chối.
“Các câu nói nửa đùa nửa thật như “người mới không biết nể mặt, cẩn thận đánh rớt kì thử việc đấy”, “nhập gia tuỳ tục, phải biết uống thì mới ngồi cùng với mọi người trong team này được”, “cấp dưới mà thái độ quá vậy”… có sức ảnh hưởng rất lớn, bởi chúng chạm đến điểm ‘chí mạng’ của những ‘mầm non’ như tụi mình,” Trương Minh, 21 tuổi.
Vậy lên tiếng thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình một cách tinh tế ?
Trước hết, các bạn cần xác định lập trường và nguyên tắc của mình. Bạn kính nể nhưng không cả nể. Bạn hòa nhập với mọi người theo cách của mình, đúng mục đích là đem lại niềm vui cho họ, mang lại mối quan hệ cho mình.
Khi đi uống cùng đồng nghiệp, bạn nên cẩn trọng vì đó là một phương thức giao tiếp liên quan đến công việc, cần có ‘chiến lược’ và biện pháp phù hợp cho các trường hợp có thể xảy ra trên bàn nhậu.
Nếu bạn có tửu lượng ‘dư sức’ chiều lòng mọi người thì chúc mừng bạn đang sở hữu một ‘tố chất’ giao tiếp tuyệt vời. Tuy nhiên, nhớ luôn duy trì chừng mực để không bị cuốn vào cuộc vui quá đà. Phân biệt và định hình các mối quan hệ xung quanh bàn nhậu là cách nhắc nhở, tránh cho bạn lỡ lời hùa theo lời vui đùa cùng mọi người. Vì sau cuộc vui, bạn vẫn phải quay lại làm việc, vẫn là nhân viên cấp dưới, là đồng nghiệp của họ.
Còn nếu khả năng uống rượu bia của bạn có hạn hoặc bạn không rõ mức giới hạn của mình, thận trọng và tỉnh táo là hai điều bạn cần lưu ý. Nên dứt khoát nói ngay từ đầu rằng tửu lượng mình kém. Họ thường có xu hướng ép uống vì họ không tin lời từ chối của bạn. Thỉnh thoảng, đây cũng được xem là cách các sếp kiểm tra sự khéo léo trong giao tiếp của nhân viên mình. Vì thế để thuyết phục và giữ chữ tín cho mình trước mọi người, tuyệt đối không thỏa hiệp. Nếu bạn nói chỉ có thể uống 3 ly thì không nên nhấp ly thứ 4.
Ngoài những vấn đề về sức khỏe đã được lặp đi lặp lại rất nhiều lần, tác hại của việc sử dụng rượu bia quá trớn còn ảnh hưởng đến hình ảnh của bạn. Xuất phát với mong muốn tạo ấn tượng tốt, nhưng chỉ vì phút chốc cố gắng chiều lòng họ, bạn chỉ để lại hình tượng bét nhè, phát ngôn ‘vạ miệng’ và chuỗi hành động mất kiểm soát. Còn chưa kể đến các sự cố, rắc rối không đáng có liên quan đến lạm dụng cũng như bạo lực có thể xảy ra.
Thay vì học cách uống rượu bia, bạn có thể quan sát, trau dồi cho mình cách ăn nói, khơi gợi câu chuyện. Đơn giản hơn, nếu bạn không thuộc tuýp người thoải mái giao tiếp với nhiều người, chỉ cần giữ vững thái độ lịch sự, tôn trọng của mình. Qua thời gian mọi người sẽ nhìn nhận được con người bạn, tự sinh ra thiện cảm bởi chính con người bạn.
Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.
Xem thêm:
[Bài viết] Vì sao Millennials được gọi là “thế hệ lo âu”?
[Bài viết] Tại sao “Hãy hết mình theo đuổi đam mê” là một lời khuyên tồi?