Những chủ đề bạn nên trò chuyện với bố mẹ trước 30 tuổi
Dù sớm hay muộn, ngày mà chúng ta đổi vai trở thành người chăm sóc bố mẹ là điều không thể tránh khỏi. Bạn đã chuẩn bị gì cho hành trình này?
Mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái thường được coi là mối quan hệ thiêng liêng và vị tha nhất, khi tình yêu trao đi mà chẳng bao giờ mong cầu được đáp trả. Ở vị thế là một đứa con đôi khi chúng ta đã quá quen với cảm giác an toàn và sẵn có đấy, mà quên mất rằng thời gian vẫn đang không ngừng trôi qua.
Đã bao giờ bạn thực sự nghĩ đến việc sẽ ra sao nếu một ngày mình phải đổi vai với bố mẹ?
Quá trình có cho mình một danh tính mới vốn chẳng ai giống ai. Có những người đã phải bươn chải chăm sóc bố mẹ từ sớm, dù họ có sẵn sàng hay chưa. Số khác thì đã “đầu hai đầu ba” rồi mà vẫn bị bố mẹ coi như con trẻ.
Nhưng dù sớm hay muộn, nhanh hay chậm, đây là một sự chuyển giao trong cuộc sống mà ta không thể nào tránh khỏi. Và sau đây là những chủ đề mà bạn nên trò chuyện cùng bố mẹ để chuẩn bị cho quá trình này.
Hồi xưa bố mẹ giao lưu với họ hàng/bạn bè thế nào?
Trong cuốn sách 'Loneliness: Human Nature and the Need for Social Connection', tác giả William Patrick đã từng đề cập rằng cảm giác cô đơn có thể là tổng hòa của những vấn đề khác nhau, bao gồm:
- Di truyền
- Mức độ hài lòng đối với các mối quan hệ
- Khả năng điều hòa cảm xúc mỗi khi cô đơn
- Cách mà bạn nhìn nhận về cuộc sống
Có lẽ bạn đã từng nghe qua trạng thái “cô đơn trong đám đông” - đó là khi một người dù được vây quanh bởi gia đình và bạn bè nhưng vẫn cảm thấy mình tách biệt. Thực chất, không phải là họ không muốn được kết nối, chỉ là họ mong muốn những kết nối thật sự có ý nghĩa, đáp ứng được kỳ vọng của mình.
Nếu bố mẹ bạn là người dễ hài lòng với những mối quan hệ mà họ có, dù tần suất kết nối không quá thường xuyên, thì bạn cũng sẽ được thừa hưởng nét đặc trưng này.
Điều này sẽ góp phần giải thích cho tính cách (hướng nội hoặc hướng ngoại) của bạn, độ nhạy cảm với nỗi cô đơn và mức độ kết nối mà bạn cần từ nửa kia.
Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ tìm được điểm cân bằng trong việc dành thời gian bên gia đình, không thái quá theo kiểu "trực thăng", cũng không quá thờ ơ trước những nhu cầu tình cảm của bố mẹ.
Trước đây nhà mình có từng trải qua biến cố nào không?
Chúng ta thường tỏ ra tảng lờ với những câu chuyện “thời bằng tuổi chúng mày,...” mà bố mẹ đã kể không biết bao nhiêu lần bởi vì cho rằng chúng đều là thứ đã qua từ lâu.
Nhưng bạn có biết rằng trong tâm lý học có một hiện tượng tâm lý được gọi là chấn thương tâm lý liên thế hệ, khi mà nỗi đau về tinh thần có thể truyền từ đời này sang đời khác. Những người trải qua chiến tranh, thảm họa thiên nhiên, nạn đói,... khả năng cao vẫn sẽ duy trì cách suy nghĩ và hành xử trong “chế độ sinh tồn” và truyền lại cho thế hệ sau.
Dù không hẳn là chấn thương nhưng thói quen chi tiêu “nhòm trước ngó sau”, tích trữ những đồ đạc không dùng đến hoặc chứng giật mình vào nửa đêm của bạn có thể là một sản phẩm di truyền.
Vì vậy, mở lòng trao đổi với bố mẹ sẽ giúp bạn hiểu hơn về nguồn cơn của những nét tính cách và thói quen của mình.
Bên cạnh đó, điều này còn giúp bạn có cái nhìn cảm thông hơn với những quan điểm mà bố mẹ luôn bất đồng với bạn, cũng như trân trọng phẩm chất nhẫn nhịn, tháo vát và kỷ luật mà họ có. Đôi khi những điều mà bạn từng nghĩ là lạc hậu đã giúp bố mẹ vượt qua nhiều biến cố trong cuộc sống - khi mà hoàn cảnh không cho họ quá nhiều lựa chọn.
Suy cho cùng thì bố mẹ luôn ở đó khi bạn lớn lên, nhưng bạn chỉ có thể biết được tuổi thơ của họ qua những câu chuyện kể.
Bố mẹ thích bày tỏ tình cảm/đón nhận tình cảm theo cách nào?
Khác với chúng ta, thế hệ lớn lên với sự cởi mở trong tình yêu, quan niệm Á Đông vốn đã thấm nhuần trong tư tưởng bố mẹ khiến cách mà họ hiểu và bộc lộ nó khác hẳn.
Trong cuốn sách 5 Ngôn ngữ tình yêu, tác giả Gary Chapman đã chỉ ra sự khác nhau giữa cách mà mỗi người chúng ta cho và nhận tình yêu. Điều này bao gồm:
- Thời gian bên nhau (quality time)
- Quà tặng (gifts)
- Sự chu đáo (acts of service)
- Lời yêu (words of affirmation)
- Những cái chạm (physical touch)
Có thể đối với bạn, tình yêu là những cái ôm động viên sau một ngày làm việc mệt mỏi (những cái chạm) hoặc lời thổ lộ chân thành để nhắc nhở rằng bạn vẫn luôn được yêu (lời yêu). Nhưng đối với bố mẹ, tình yêu là việc tự tay làm những món ăn bạn thích, là sửa chữa chiếc xe máy bị hỏng của bạn (sự chu đáo), hoặc đơn giản là bữa ăn gia đình mà không ai sao nhãng (thời gian bên nhau).
Bố mẹ có những cách biểu lộ tình cảm rất riêng, mà đôi khi ta không nhận ra điều đó. Và ngược lại họ cũng nhu cầu khác biệt trong việc đón nhận tình cảm. Thay vì là cách mà chúng ta muốn bản thân mình được đối xử, chúng ta nên học đối xử với những người quan trọng theo cách mà họ cần.
Bố mẹ có bí quyết quản lý tài chính nào muốn truyền lại cho con không?
Nếu bạn may mắn được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, có một tuổi thơ vô lo, hay đơn giản là thuộc nhóm “đi làm chỉ để nuôi thân”, thì ắt hẳn bạn cũng đã nhận ra rằng điều đó phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực tiết kiệm, làm ăn và đầu tư của bố mẹ.
Theo Tiến sĩ Võ Đình Trí, những loại tài sản mà các bậc cha mẹ thường để lại cho con cái có thể kể đến:
- Vàng và nhà đất
- Những khoản tiết kiệm
- Các loại cổ phiếu hoặc trái phiếu
- Các hợp đồng bảo hiểm
Đã bao giờ bạn tự hỏi về nguồn gốc, tổng giá trị, cách thức mà bố mẹ tích lũy và duy trì số tài sản trên? Sinh ra trong thời đại ổn định, chúng ta đôi khi khá thờ ơ với việc quản lý tiền bạc so với thế hệ trước đây.
Ngoài những tài sản hữu hình như nhà và xe, chúng ta cũng thừa kế từ bố mẹ những tài sản vô hình khác như kỹ năng và vốn sống. Bạn có thể mượn cơ hội này để biết thêm về những gì mà gia đình mình sở hữu, cũng như học hỏi kinh nghiệm quản lý tài chính "xương máu" từ bố mẹ. Con đường làm điểm tựa của bạn biết đâu sẽ rất cần những bài học này.
Kết
Yêu là một hành trình cần phải học. Dù đã dành phần lớn cuộc đời với bố mẹ, nhưng nếu được hỏi, không phải ai cũng tự tin trả lời rằng mình biết tất cả về họ. Hành trình này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực lắng nghe, thấu cảm và trao đi.
Để điểm tựa không còn là vai trò của riêng ai.
“Cứ để con!” là chuỗi nội dung của Vietcetera, song hành cùng dự án Học Yêu By Prudential, với thông điệp: Trong gia đình, tình yêu chảy xuôi, và cũng chảy ngược; hãy học yêu để trở thành điểm tựa của nhau.