Helicopter child là gì mà dễ khiến bố mẹ “phật lòng”? | Vietcetera
Billboard banner

Helicopter child là gì mà dễ khiến bố mẹ “phật lòng”?

Bởi lo lắng và quan tâm quá nhiều, helicopter children vô tình khiến bố mẹ thấy gò bó hơn là an toàn và thoải mái.

Helicopter child là gì mà dễ khiến bố mẹ “phật lòng”?

Nguồn: Pexels

1. Helicopter child là gì?

Helicopter child (đứa con trực thăng) chỉ kiểu con cái quan tâm, can thiệp vào cuộc sống cha mẹ quá nhiều dẫn đến cảm giác gò bó.  

“Helicopter" xuất phát từ helicopter parent, lấy hình ảnh chiếc trực thăng để chỉ kiểu phụ huynh ngày đêm ra sức dọn đường cho con cái. 

Trái với helicopter parent, cụm từ helicopter child châm biếm nhẹ một bộ phận thế hệ con cái ngày nay có xu hướng chăm lo bố mẹ từng “chân tơ, kẽ tóc", kể cả những hoạt động sinh hoạt thường nhật.

2. Nguồn gốc của helicopter child?

Barry Jacobs, nhà tâm lý học lâm sàng tại Springfield, Pa và là tác giả của cuốn sách The Emotional Survival Guide for Caregivers: Looking After Yourself and Your Family While Helping Aging Parents, cũng từng rơi vào kiểu con cái trực thăng. 

Khi nhận thấy các chức năng cơ thể của mẹ bắt đầu suy giảm, ông kiên quyết chuyển mẹ đến ở gần mình và thuê phụ tá chăm sóc. Bà đã gán mác Jacobs là đứa con trai trực thăng.  

Theo nhà tâm lý học, con cái tự biến mình thành những helicopter child vì lo lắng rằng bố mẹ sẽ gặp rủi ro, tự gây hại mình hoặc bị kẻ xấu lợi dụng.

3. Vì sao helicopter child trở nên phổ biến?

Theo Google Trends, thuật ngữ này có mức độ tìm kiếm phổ biến từ năm 2006 đến nay, đỉnh điểm là vào tháng 1 năm 2006. 

Vào ngày 13/07/2021, một tài khoản twitter @jackie_ore đã chia sẻ dòng trạng thái mang tính hóm hỉnh, châm biếm nhẹ chính bản thân mình. Rằng cô phải đảm bảo mẹ mình ra ngoài làm việc an toàn thì mới “thở phào nhẹ nhõm” được, có lẽ vai trò mẹ - con đã bị hoán đổi.

Đến một thời điểm nhất định, khi bố mẹ già đi và con cái trưởng thành, tự lập, quá trình hoán đổi này sẽ diễn ra một cách tự nhiên. Đặc biệt là tại các nước châu Á với truyền thống đề cao chữ hiếu.

tài khoản Twitter
Vai trò mẹ - con bị hoán đổi | Nguồn: Twitter

Theo nghiên cứu của hai giáo sư tại Đại học Bang New York, thật ra kiểu con cái trực thăng chỉ muốn bày tỏ sự quan tâm thông qua hành động cụ thể, nhỏ nhặt nhất để bù đắp sự trống trải, thiếu thốn tuổi xế chiều của bố mẹ. Tuy nhiên, việc quan tâm thái quá vô tình mang đến phản ứng ngược, khiến bố mẹ cảm thấy mình mất tự chủ và ngột ngạt trong vòng tay ‘chăm sóc’ của con cái. 

Lý giải điều này, Howard Gleckman, một thành viên cao cấp chuyên về chính sách già hóa tại Viện Đô thị và tác giả cuốn Caring for Our Parents, cho rằng con cái thường có xu hướng giúp bố mẹ chu toàn mọi mặt trong đời sống, nhưng lại mâu thuẫn với mong muốn giữ được sự độc lập của các phụ huynh.

Đây là vấn đề khó tránh khỏi, khi bố mẹ và con cái lần đầu hoán đổi vai trò cho nhau. Yêu cũng là một hành trình cần học, và cả hai bên có thể bắt đầu bằng cách lắng nghe và chia sẻ với nhau nhiều hơn.

4. Dùng từ helicopter child như thế nào?

Tiếng Anh

A: I just drove 3 hours from the company to take my parents to the central mall.

B: Hey, buddy! It's just 3km from your house to the central mall. You seem like a helicopter child. 

Tiếng Việt 

A: Tôi vừa lái xe 3 tiếng từ công ty về để “hộ tống" bố mẹ đến trung tâm thương mại. 

B: Từ nhà bà đến đó chỉ có 3km thôi mà. Có vẻ như bà là một đứa con trực thăng nhỉ.

“Cứ để con!” là chuỗi nội dung của Vietcetera, song hành cùng dự án Học Yêu By Prudential, với thông điệp: Trong gia đình, tình yêu chảy xuôi, và cũng chảy ngược; hãy học yêu để trở thành điểm tựa của nhau.