Những cuốn sách dẫn lối người nhà Vietcetera vào thế giới văn chương
Năm 14 tuổi, lần đầu tiên tôi thấy tò mò về những cuốn sách có sẵn trên kệ sách của ông ngoại. Thời gian đó, Việt Nam đã có hơn nửa thế kỷ chứng kiến những ảnh hưởng to lớn, cùng những tinh hoa của văn học Nga-Xô Viết với công chúng văn học, đặc biệt là văn học Việt Nam. Cũng vì thế, tôi biết đến Sông Đông êm đềm của Sholokhov với một nước Nga nhiều biến động.
Đó cũng là lúc tôi ý thức được rằng, ngôn ngữ và sách vở có sức nặng như thế nào. Sau này đọc nhiều hơn, có khi tôi thấy mình giống như nhân vật Jean Marc trong cuốn Căn cước của Milan Kundera. Người bạn của Jean Marc kể lại với anh một kỷ niệm mà người đó nhớ mãi về anh, nhưng bản thân anh, không thể nhớ ra mình từng nói câu đó.
Nhiều lúc tôi nghĩ, đối với việc đọc, chúng ta có thể đang ở trong trạng thái giống Jean Marc, là phủ định chính mình của quá khứ. Nhưng đồng thời nó cũng giúp ta tích lũy kiến thức, để lớn lên nhận ra thế giới cũng có những điều tốt đẹp, vị tha và nhân văn hơn.
Orhan Pamuk có 12.000 cuốn sách trong thư viện cá nhân của mình, nhưng ông cho rằng trong số đó chỉ có 12 quyển là thực sự quan trọng. Mặc dù chúng ta không thể có nhiều sách như Pamuk và cũng không đọc nhiều như ông, nhưng chắc cũng sẽ có 12 cuốn quan trọng với riêng mình. Một trong số đó biết đâu là cuốn sách đầu tiên chúng ta đọc và cảm thấy ấn tượng.
Nhân ngày sách Việt Nam (21/04), hãy cùng ngó qua những cuốn sách đầu tiên để lại ấn tượng với người nhà Vietcetera nhé.
Harry Potter
Chu Ng - Senior Editor
Với mình, Harry Potter luôn là bộ sách đỉnh nhất mọi thời đại. Và trong 7 tập J.K.Rowling đã viết, thì Harry Potter và Tù nhân ngục Azkaban vẫn để lại cho mình ấn tượng vô cùng sâu sắc.
Mình nhớ hồi đó đâu có sách mà đọc, Harry Potter còn được in lẻ theo từng chương/phần, bằng các cuốn sách mỏng. Mình (và hẳn nhiều người khác) đã vui sướng nhâm nhi từng đoạn nhỏ mà chẳng cần hiểu mạch truyện, cốt truyện.
Thế giới phù thủy quá mới mẻ và choáng ngợp với mình lúc đó. Đũa phép, chổi bay, thần chú, nhân mã, giám ngục... nhắc đến thôi đã tràn ngập sự tò mò, khích gợi.
Mình cũng thích cách tác giả nói về tình bạn, gia đình, quá trình trưởng thành đầy chân thực và cuốn hút. Sau này có đọc thêm nhiều tác phẩm dòng fantasy khác thì Harry Potter vẫn là nhất.
Sau này, khi đã sở hữu bộ sách Harry Potter đầu tiên, mình có thể đọc liền mạch từng tập. Rồi cộng thêm với sự phát triển đại chúng, phim ảnh, merch, các hội nhóm... Harry Potter là một vũ trụ đầy say mê.
P/S: Mình không phải là Potterhead nhưng nếu các bạn nghĩ vậy thì cũng không sao.
Những tấm lòng cao cả
Trà Nhữ - Art Coordinator
Tôi có cảm giác rằng mình đã đọc Những tấm lòng cao cả hàng trăm lần. Lúc tôi học lớp 3, cùng lứa với các nhân vật chính, có lẽ tối nào ăn cơm xong tôi cũng tìm cuốn sách ấy. Bìa màu vàng nhạt, và cứ trang nào có chỗ trống tôi sẽ vẽ một con búp bê, vì tôi không có nhiều giấy nháp để vẽ linh tinh.
Tôi bắt chước cậu bé Enrico viết nhật ký, nhưng những năm tháng tiểu học của một đứa trẻ thành thị như tôi không có nhiều giây phút cảm động như Enrico. Người lớn quanh tôi - cha mẹ, thầy cô và những người làng xóm - quá tất bật để thường xuyên dành thời gian kể chuyện và răn dạy chân tình.
Nên tôi ao ước có một thầy chủ nhiệm Perboni, người thầy nghiêm khắc nhưng thật dịu dàng và nhân hậu. Hoặc như thầy hiệu trưởng Kobayashi trong Totto-chan ngồi bên cửa sổ, người luôn trân trọng sự khác biệt ở mỗi đứa trẻ. Tôi tin họ cũng chính là những người thầy của mình.
Tobie Lolness - Ngàn cân treo sợi tóc
Linh Phạm - Editorial Admin
"Hãy nhắm mắt lại và hình dung: bạn sống trong một cây sồi cổ thụ và bạn chỉ cao có một milimét rưỡi. Một cuộc phiêu lưu ra trò, phải không nào?.... Đó là cuộc sống thường ngày của Tobie." - Khi đọc những dòng tựa này trên cuốn sách có bìa màu xanh lá, vẽ một cậu bé đang chạy trên nhánh cây, mình đã quyết định mang em nó về nhà. Ký ức về cuốn sách đầu tiên mà mình đọc bắt đầu bằng hành trình của một cậu bé chỉ cao chưa đến hai milimét, cuốn Tobie Lolness - Ngàn cân treo sợi tóc (Timothée de Fombelle).
Cuốn sách đã dẫn dắt mình đến thế giới của cây Đại Thụ, nơi mà giới quý tộc sống trên những ngọn cao và tầng lớp lao động sống trong những hang hốc và những nhánh cây thấp hơn. Tại nơi nó, mình bị cuốn vào cuộc hành trình của Tobie: chạy trốn khỏi sự truy đuổi và âm mưu của những người sung túc sống trên phần ngọn cây.
Cuộc đuổi bắt đẩy Tobie vào những tình thế khó khăn, nhưng đó cũng là lúc, vây quanh cậu là tình yêu, tình bạn, tình cảm của những con người dù không chung dòng máu nhưng vẫn bên cạnh giúp đỡ, động viên cậu. Còn gì đẹp hơn cuộc hành trình dù khó khăn nhưng vẫn tràn ngập tình yêu thương, đó là cảm nhận của mình phiên bản trẻ con khi đọc cuốn Ngàn cân treo sợi tóc lần đầu tiên.
Khi lớn hơn, mình nhận thức được toàn bộ cuộc sống và hành trình của Tobie đề cập đến vấn đề giai cấp xã hội, chủ nghĩa tư bản, nhu cầu bảo vệ môi trường của chúng ta và cả việc trân trọng giá trị của mỗi con người.
Thời điểm hoàn thành việc đọc Tobie, mình nhỏ tuổi hơn cậu, bây giờ thì mình đã gấp ba tuổi Tobie, nhưng một ngăn trong tâm trí mình vẫn giữ nguyên câu chuyện về cuộc phiêu lưu của cậu bé chỉ cao một milimét rưỡi.
Mỗi lần đọc lại cuốn sách, tình yêu mình dành cho Tobie cùng thế giới nhiệm màu của cậu ngày một thêm đong đầy. Khi nhìn thấy một cây đại thụ nào đó, mình lại nghĩ biết đâu đó là nơi ở của một tộc người, đang ngày đêm chăm sóc cho chiếc cây, nơi toàn bộ nhịp sống của họ tồn tại.
Ông ơi! Vì sao lại thế?
Vũ Hoàng Long - Managing Editor
Ông ơi! Vì sao lại thế? là cuốn sách mình đã "đọc" từ trước khi biết nhận diện mặt chữ. Mẹ thường hay đọc Ông ơi! Vì sao lại thế? cho mình khi bà bế mình và bón bột. Là một đứa trẻ, mình luôn có nhu cầu nghe chuyện từ ông bà hoặc bố mẹ trong lúc ăn hoặc trước khi đi ngủ.
Bằng không, mình sẽ nhè đồ ăn hoặc khóc lóc để "biểu tình." Qua thời gian, những câu chuyện giàu kiến thức thường nhật mà mẹ đọc từ Ông ơi! Vì sao lại thế? trở thành một phần ngôn ngữ mình sử dụng hàng ngày.
"Vì sao ngỗng lại cắn người?", "Vì sao nước biển lại màu xanh?", "Vì sao bạch tuộc có thể đổi màu?", "Vì sao lá cây màu xanh?"... Điểm đầu tiên mình biết ơn ở cuốn sách là nó cho một đứa trẻ chập chững bước vào cõi sống ý niệm rõ ràng đầu tiên về thế giới xung quanh mình.
Đứng ở một góc nhìn lạnh lùng hơn về cuộc sống, không có đứa trẻ nào lựa chọn được sinh ra, và việc bị đẩy vào một thế giới xa lạ nghìn trùng luôn là thứ gì đó đến cuối cuộc đời ta chẳng thể làm quen được. Nhưng nghĩ về thế giới mình đang sống nói chung, mình cảm thấy hơi ấm của người mẹ và gia đình, vì từng viên gạch làm nên thế giới quan thơ ấu ấy có vết vân tay của mẹ.
Điểm thứ hai mình học được ở Ông ơi! Vì sao lại thế? là khả năng truyền đạt tri thức giản dị và đi vào lòng người. Cuốn sách chính ra không bàn về tri thức, mà nó đặt đứa trẻ vào những cuộc trò chuyện lành mạnh với một người ông thông thái trong trí tưởng tượng.
Ở đây không có chuyện ông kể, cháu nghe, mà cuộc đối thoại luôn hai chiều: cháu có băn khoăn, và ông đồng hành đi tìm câu trả lời cùng cháu.
Tựu trung lại, mình biết ơn cuốn sách vì nó cho mình tin rằng một người trưởng thành có thể cùng-đi với đứa trẻ vào cuộc sống trước lạ sau quen, không cần thúc ép và áp đặt. Hơn cả thế, mỗi lần đọc lại cuốn sách, mình biết ơn số phận vì đã trao mình vào một gia đình dung dưỡng con bằng tình thương, như hạt giống được đùm bọc trong đất màu.
Hai vạn dặm dưới biển
Sơn Hoàng - Editor mục Tin tức
Hai vạn dặm dưới biển là cuốn sách đầu tiên mình đọc hết. Chính Jules Verne và Hai vạn dặm dưới biển đã đẩy mình qua cánh cửa văn chương và làm cho mình muốn theo đuổi công việc viết lách.
Lâu lâu mình hay mở một đoạn ngẫu nhiên ra xem lại, bởi thế giới dưới nước mà Jules Verne mô tả có sức cuốn hút lớn không chỉ với mình khi mới tập đọc, mà cho tới tận bây giờ.
Tác phẩm kể về cuộc phiêu lưu của một nhà sinh học biển trên con tàu ngầm kiên cố và vô định mang tên Nautilus. Hai vạn dặm dưới biển trước hết là một hành trình du ngoạn dưới nước, và sau là hành trình tìm kiếm tri thức và sự tự do trong chuyến hải trình không đích đến.
Hai vạn dặm dưới biển không chỉ cung cấp cho mình một lượng tri thức lớn về hải dương học và hệ thống sinh thái biển, mà còn cho thấy nét đẹp và khả năng của văn chương: Dùng sự hư cấu để mô tả những câu chuyện của thực tại.
Tiểu thuyết vừa đánh dấu giai đoạn phát triển mạnh của dòng sách phiêu lưu (adventure books), vừa là chỉ dấu cho sự thống trị của khoa học và các phát minh khoa học trong tương lai gần.