Phim Winnie the Pooh do người đóng, nhưng nó lạ lắm...

Gấu Pooh là một người bạn tuổi thơ của chúng ta. Ta lớn lên, gấu cũng lớn theo, nhưng có vẻ hành trình trưởng thành của Pooh không được ổn cho lắm...
Sơn Hoàng
Nguồn: Jagged Edge Production/Disney

Nguồn: Jagged Edge Production/Disney

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Chú gấu Winnie the Pooh là một nhân vật tuổi thơ của nhiều người. Winnie và những nhân vật khác xuất hiện trong nhiều bộ phim hoạt hình của Disney, vốn được chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Alan Alexander Milne.

Trong nhiều năm liền, Disney là nắm giữ bản quyền hình ảnh nhân vật này, và họ đã khắc họa chú gấu Pooh cùng những người bạn như những nhân vật hoạt hình thân thiện và dễ thương.

Giờ đây, “thân thiện” và “dễ thương” không còn là cách duy nhất để miêu tả gấu Pooh trên màn ảnh nhỏ. Vào tháng 1 năm 2022, quyền sở hữu của Disney với nhân vật Pooh chính thức kết thúc. Quyền sở hữu chú gấu Pooh giờ thuộc về đại chúng.

Điều này có nghĩa là tất cả các họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà làm phim hay nhà sáng tạo nội dung có thể tùy ý thể hiện nhân vật Pooh theo bất cứ cách nào họ muốn mà không gặp rào cản gì về luật sở hữu trí tuệ.

Một đạo diễn phim kinh dị là Rhys Frake-Waterfield đã tận dụng điều này để biến Winnie the Pooh thành nhân vật chính trong một bộ phim kinh dị dòng “slasher,” với đặc trưng là những cảnh “chặt chém” khá là máu me và bạo lực. Bộ phim mang tên Winnie the Pooh: Blood and Honey đã ra mắt tại hơn hơn 1500 phòng vé tại Mỹ, cũng như tại Canada, Mexico, Anh, Nhật Bản,...

2. Tại sao bộ phim này gây tranh cãi?

Việc cải biên một nhân vật đã có phong cách và đặc trưng nhận diện rõ nét như Winnie the Pooh ắt sẽ vấp phải những ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng đạo diễn Rhys Frake-Waterfield đang bóp méo nhân vật và phá hỏng tuổi thơ của rất nhiều người. Họ muốn gấu Pooh giữ nguyên được những đặc điểm nhận dạng và nét tính cách truyền thống mà Disney cũng như nhà văn Alan Milne đã thể hiện.

Những người ủng hộ bộ phim thì lại cho rằng Winnie the Pooh: Blood and Honey là thành quả của sự tự do biểu đạt và diễn giải một nhân vật không còn bị ràng buộc bởi bản quyền và luật sở hữu trí tuệ. Do đó, những người không thích bộ phim có thể không xem, nhưng không có quyền gì để phê phán sự thay đổi hình tượng mà Rhys Frake-Waterfield thực hiện.

Cần phải nói thêm rằng, sau buổi chiếu sớm tại Mexico vào tháng 1/2023 và sau khi công chiếu toàn cầu vào ngày 15/2, Winnie the Pooh: Blood and Honey đã thu về 1,7 triệu đô. Đây có thể coi là thành công bước đầu, bởi kinh phí sản xuất bộ phim này là chưa tới 100 ngàn đô.

Con số doanh thu cho thấy rằng sự cải biên này chưa chắc đã là sự “bóp méo” hay một thất bại, và rõ ràng có một thị trường cho dòng phim slasher, hoặc cho việc… phá hoại tuổi thơ.

3. Liệu bộ phim có vi phạm quyền thương hiệu của Disney?

Luật bản quyền của Mỹ đối với các tác phẩm văn học và nghệ thuật quy định: tác phẩm của người nghệ sĩ sẽ thuộc quyền sở hữu của công chúng vào thời điểm 70 năm sau khi tác giả mất HOẶC 95 năm sau lần phát hành đầu tiên.

Nhân vật Winnie the Pooh lần đầu xuất hiện trong sáng tác của nhà văn Alan Milne vào năm 1926, và thời điểm 1/1/2022 đánh dấu 95 năm nhân vật này ra đời. Do đó, nhân vật này trở thành sở hữu công cộng với tư cách một nhân vật văn học.

Tuy nhiên, nhân vật hoạt hình Winnie the Pooh thì thuộc quyền thương hiệu (trademark) của Disney, và quyền thương hiệu thì có thể làm mới. Điều này có nghĩa là dù đại chúng được phép tự do sáng tạo với nhân vật Winnie the Pooh, nhưng hình ảnh hoạt hình của nhân vật này thì không mở cho đại chúng sử dụng.

Như vậy, liệu bộ phim Winnie the Pooh: Blood and Honey có vi phạm quyền thương hiệu của Disney? Câu trả lời là không, bởi quyền thương hiệu này bảo vệ những đặc tính của nhân vật Pooh, ví dụ như ngoại hình, nét vẽ mô tả, chiếc áo đỏ mà Pooh mặc,...

Còn trong bộ phim cải biên, nhân vật Pooh không mang bất cứ đặc điểm nhận dạng nào được bảo vệ bởi quyền thương hiệu của Disney với hình ảnh Winnie the Pooh mà đơn vị này sản xuất ra.

4. Sau gấu Pooh, còn những nhân vật nào “lên thớt”?

Theo chia sẻ của đạo diễn Frake-Waterfield, ông muốn thực hiện nhiều hơn những biến thể kinh dị của các nhân vật tuổi thơ. Vào tháng 11/2022, vị đạo diễn công bố rằng ông đang phát triển kế hoạch sản xuất cho hai bộ phim kinh dị khác dựa trên hai nhân vật hoạt hình là chú nai Bambi và Peter Pan. Tên của hai dự án này lần lượt là Bambi: The Reckoning Peter Pan’s Neverland Nightmare.

Bambi và Peter Pan là hai nhân vật nổi tiếng khác trong ngành công nghiệp hoạt hình của Disney. Hai nhân vật này sẽ thuộc quyền sở hữu công cộng vào tháng 2/2024. Đây cũng là thời điểm mà đạo diễn Frake-Waterfield hướng tới để công bố hai tác phẩm điện ảnh của mình.

5. Các nhân vật tuổi thơ có thực sự nguyên bản?

Cùng thời điểm với sự kiện công chiếu Winnie the Pooh: Blood and Honey, bộ phim The Little Mermaid - từng gây tranh cãi với nhân vật tiên cá người da màu - đã cho ra mắt trailer. Điều này một lần nữa khởi động những chất vấn về tính nguyên bản của bộ phim.

Những người phản đối The Little Mermaid và những chỉ trích nhằm vào Winnie the Pooh: Blood and Honey có một điểm chung: cả hai đều coi nhân vật như những hình tượng trong trẻo của tuổi thơ với tính nguyên bản không thể chối cãi, và cho rằng những tác phẩm điện ảnh mới đang phá hoại sự nguyên bản ấy.

Sự xuất hiện của những bộ phim như chúng ta đang thảo luận cho thấy một điều: dù chúng ta có yêu quý những nhân vật tuổi thơ tới đâu, thì đó không chỉ là những sáng tạo nghệ thuật, những biểu tượng đại chúng, mà còn là những mặt hàng. Khi ấy, chúng tuân theo nhu cầu tiêu thụ của thị trường, và những biến thể như Winnie the Pooh khẳng định nhu cầu sản xuất và tiêu thụ những hình ảnh như vậy, dù chúng không được lòng nhiều người.

Theo thời gian, chúng ta lớn lên, và những nhân vật tuổi thơ cũng vậy. Hãy coi chú gấu Pooh máu me này là một phiên bản "lầm đường lạc lối" của gấu Pooh khi đã lớn. Trong thời đại của sự tiêu thụ, sát thủ Pooh cũng nguyên bản không kém gì gấu Pooh trong trẻo và hồn nhiên trong tuổi thơ của chúng ta vậy.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục