Pink tax - Khi bạn bị đánh thuế chỉ vì là phụ nữ

Từ khi nào mà phụ nữ phải trả thêm khoản thuế không chính thức này?

Minh Anh
Pink tax - Khi bạn bị đánh thuế chỉ vì là phụ nữ!

Nguồn: Pexel

1. Pink tax là gì?

Pink tax hay “thuế hồng" là phương thức định giá khiến các sản phẩm và dịch vụ dành cho phái nữ có giá trị cao hơn so với sản phẩm tương đương dành cho nam giới. 

"Thuế" ở đây không đề cập tới một dạng thuế chính thức được nhắc tới trong bộ luật của các nước. Kết hợp với "hồng", màu sắc thường được gắn với phái nữ, nó nhấn mạnh tới khoản chi phí vô lý mà họ buộc phải trả chỉ vì đó là sản phẩm dành cho nữ giới.

Các cụm từ mang ý nghĩa tương tự với thuế hồng bao gồm: thuế giới tính (gender tax) hoặc thuế băng vệ sinh (tampon tax). 

2. Nguồn gốc của pink tax?

Những cuộc bàn luận về thuế hồng bắt đầu từ Mỹ vào những năm 2010. Nhiều người cho rằng vấn đề này được quan tâm hơn vào năm 2015 vì hạ nghị sĩ đảng Dân chủ tại California, Jackie Speier, đã giới thiệu về Đạo luật bãi bỏ thuế hồng. 

Cũng vào khoảng thời gian này, khảo sát của Sở phụ trách các vấn đề của người tiêu dùng New York (DCA) đã chỉ ra rằng, có rất nhiều sản phẩm được định giá dựa trên giới tính trong số 794 sản phẩm họ đã kiểm tra. 

Thật ra vấn đề định giá dựa trên giới tính đã nhiều lần được đem ra bàn luận trong quá khứ bằng cụm từ “thuế giới tính" (gender tax) thay vì thuế hồng. Năm 1995, bang California đã yêu cầu các dịch vụ tính phí cho nam và nữ giới ngang nhau thông qua Đạo luật Bãi bỏ thuế giới tính. Theo ước tính, phụ nữ đã tốn hơn 1.300 USD một năm để chi trả thêm cho các sản phẩm và dịch vụ tương tự với nam giới. 

3. Pink tax phổ biến khi nào?

Phong trào phản đối thuế hồng bắt đầu với những cuộc biểu tình yêu cầu miễn thuế cho các sản phẩm băng vệ sinh. Trước đó, sản phẩm băng vệ sinh được xếp vào danh mục “hàng xa xỉ" vậy nên không đáng để được miễn thuế. Cuộc vận động nhanh chóng hái quả ngọt khi khiến nhiều nơi như Úc, Anh và Scotland đã bỏ áp dụng thuế VAT lên sản phẩm này. 

Năm 2018, Burger Kings cũng đã chạy chiến dịch kêu gọi bình đẳng giới bằng cách châm biếm thuế hồng. Trong thước phim quảng cáo, họ đã bán cho các khách hàng sản phẩm khoai tây chiên đắt hơn bình thường chỉ vì nó được bán trong chiếc hộp màu hồng.

Hiện nay, thuế hồng vẫn xuất hiện ở nhiều mặt hàng khác, phổ biến nhất là đồ chơi trẻ em với màu hồng hay sản phẩm vệ sinh cá nhân. Báo cáo vào năm 2015 của DCA cho biết, các mặt hàng của phụ nữ có giá cao hơn 7% so với mặt hàng cùng loại của nam. Tuy nhiên theo Cục thống kê lao động Mỹ (BLS) vào năm 2020, phụ nữ có thu nhập trung bình chỉ bằng 83,4% so với nam giới ở cùng ngành nghề. 

Tại Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về thuế hồng. Tuy nhiên trong báo cáo của UN Women về Bình đẳng giới và thuế ở Việt Nam (2016), thu nhập giữa nam và nữ có sự chênh lệch lớn. Nữ giới dù có thu nhập trung bình thấp hơn nhưng thuế GTGT lại thường áp dụng nhiều lên những mặt hàng thiết yếu của họ. Ví dụ như sản phẩm băng vệ sinh vẫn bị áp dụng thuế từ 10-20%.

Gần đây có vụ việc trường Trung học Phổ thông Bùi Thị Xuân tại Hồ Chí Minh đã yêu cầu các học sinh nữ có 3 bộ đồng phục bao gồm: áo dài, váy và quần. Quy định này khiến khoản chi phí cho đồng phục của các bạn nữ tăng cao hơn. Theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, đây là một hình thức đánh thuế hồng

Điều này cũng tương tự với việc trước giờ nhiều trường vẫn cho nữ sinh đi học với hai bộ đồng phục là áo dài và quần tây. Tuy nhiên, khi đề cập tới việc nam sinh mặc áo dài đi học, nhiều người đã cho rằng điều này là tốn kém và không cần thiết. 

4. Sử dụng pink tax như thế nào?

Tiếng Anh

A: My new haircut cost me 50 USD. Last time I took my brother to the barber shop it was only around 4 USD.

B: Yes, it's called pink tax. Welcome to the gender discrimation world. 

Tiếng Việt

A: Tớ mới đi cắt tóc nè tốn tận gần triệu bạc. Mà lần cuối tớ dắt em trai đi cắt tóc có khoảng 100 nghìn thui.

B: Cái đó là thuế hồng đó. Chào mừng tới thế giới phân biệt giới tính. 


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục