Quyên Nguyễn đã xây dựng Sỏi Spa như thế nào?
Vietcetera trò chuyện với chị Quyên Nguyễn, bà chủ của Sỏi Spa để biết thêm về hành trình xây dựng khởi nghiệp của mình
Mức độ căng thẳng của những phụ nữ làm việc ở Sài Gòn ngày một tăng, nhưng họ thường chỉ có một lượng thời gian ít ỏi để chăm sóc bản thân. Là một thành viên mới trên thị trường spa tại Sài Gòn, Sỏi Spa mong muốn mang đến một “giải pháp nhanh chóng” với dịch vụ spa chất lượng, không gian yên tĩnh và mức giá hợp lý.
Vietcetera đã có cơ hội trò chuyện với chị Quyên Nguyễn về mục tiêu mới của ngành spa khi nhóm khách hàng và nhu cầu của họ vẫn luôn thay đổi không ngừng. Thêm vào đó, chúng tôi có cơ hội tìm hiểu thêm về nữ doanh nhân này và cách chị tận dụng những kinh nghiệm làm việc trước đây để điều hành hai chi nhánh và mang lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng tìm đến Sỏi Spa.
Trước khi sáng lập Sỏi Spa, chị làm gì?
Khi vừa tốt nghiệp cấp Ba và đang theo học một trường đại học công lập, Quyên nhận thức được rằng với khả năng tiếng Anh hiện tại thì sẽ không đủ sức cạnh tranh trong thị trường lao động trong tương lai.
Mình quyết tâm theo đuổi chương trình đại học dạy bằng tiếng Anh, tuy nhiên chi phí lại quá cao. Vì thế, mình tạm ngừng việc học và vào làm tại một casino trong ba năm để đủ tiền chi trả cho chương trình học mong muốn. Sau khi tốt nghiệp ngành Marketing tại trường SaigonTech, mình bắt đầu sự nghiệp tại một số công ty bán lẻ, phân phối thời trang, trong đó có Maison, trước khi tập trung vào Sỏi Spa.
Điều gì đã đưa chị từ ngành bán lẻ đến ngành spa?
Khi còn đảm nhiệm vị trí Brand Manager (Quản lý Thương hiệu) cho một nhãn hàng thời trang cao cấp, Quyên luôn phải đảm bảo hình ảnh cá nhân thật chỉn chu. Vì vậy, Quyên thường mất cả buổi trưa để kiếm chỗ gội đầu và làm móng.
Vào thời điểm đó mình không kiếm được chỗ nào ưng ý cả, vì những nơi sạch, đẹp mắt, yên tĩnh thì giá khá cao. Thêm vào đó, họ không mặn mà với khách làm móng và tóc lắm. Còn những nơi tập trung làm móng và tóc với giá phù hợp thì lại không có không gian và văn hoá nhân viên phù hợp với mục đích nghỉ ngơi yên tĩnh của khách hàng.
Đối với phụ nữ đi làm, thời gian dành riêng cho bản thân là vô cùng quý giá, và mình hiểu rất rõ tầm quan trọng của thời gian đối với những người phụ nữ này. Vì vậy mình muốn kinh doanh một spa dành cho khách hàng có nhu cầu giống mình: một nơi cung cấp các dịch vụ salon hàng ngày, không gian chú trọng tính thư giãn, với giá cả phù hợp cho khách hàng văn phòng.
Với vai trò là một cựu Brand Manager trong ngành bán lẻ, chị đã học được những gì để giúp mình quản lý spa?
Quyên đã có dịp được làm việc với những thương hiệu thời trang thành công trên thị trường quốc tế, và học được rất nhiều trong việc xây dựng thương hiệu của họ. Quyên thường xuyên dựa vào các hướng dẫn xây dựng thương hiệu và vận hành để thực hiện các dự án và công việc hằng ngày.
Và rồi Quyên nhận thấy rằng các bảng hướng dẫn này có cấu trúc và yêu cầu rất cụ thể về việc vận hành doanh nghiệp, bao gồm cả những việc tưởng chừng rất nhỏ nhặt như báo cáo hàng ngày. Sau này khi tự kinh doanh một thời gian, Quyên mới hiểu tất cả những yêu cầu đó đều nhằm giúp cho quy trình làm việc được tinh gọn, tập trung vào giải quyết vấn đề của khách hàng một cách hiệu quả nhất, và giảm thời gian một số quy trình nội bộ không cần thiết.
Điều gì tạo nên sự khác biệt của Sỏi Spa so với những spa khác? Chị tìm kiếm những gì trong một spa ‘tốt’?
Quyên thường tập trung giải quyết những vấn đề mà mình không thích ở những spa hoặc salon khác như:
- Tập trung quá nhiều vào việc bán thêm dịch vụ, dịch vụ đặc biệt hoặc bán theo gói.
- Không gian và âm nhạc ở các spa khá tương tự nhau nên không cảm nhận được rõ ràng nét đặc trưng thương hiệu, vì thế không tạo ấn tượng cho khách hàng nhớ và quay lại vào lần sau.
- Ở những nơi chuyên về dịch vụ móng và tóc, văn hoá nhân viên không phù hợp với văn hoá của người làm văn phòng.
Hiện nay ngành spa tại Việt Nam có những xu hướng gì và làm cách nào để bắt kịp những xu hướng đó?
Spa có nhiều loại hình khác nhau như Day Spa (spa với các trải nghiệm trong thời gian ngắn), Wellness Spa (spa chăm sóc sức khỏe toàn diện), Medical Spa (spa y tế), Relaxation Spa (spa thư giãn) và nhiều hơn nữa.
Hiện tại, Quyên chỉ tập trung vào mảng Day Spa. Với loại hình này, Quyên thấy có rất nhiều thương hiệu spa ra đời với mục tiêu giải quyết những vấn đề tương tự như mình đã đề cập.
Vì thế, để tách biệt Sỏi Spa với các Day Spa khác, Quyên đang tập trung xây dựng hệ thống bán hàng và quản lý tương tác khách hàng, lấy chăm sóc khách hàng làm trọng tâm để không phụ thuộc nặng vào yếu tố con người như ngành này đang gặp phải.
Đâu là những thử thách lớn nhất trong công việc của chị và chị đã vượt qua như thế nào?
Tỉ lệ thay đổi nhân viên rất cao nên Quyên muốn xây dựng văn hoá làm việc có thể thu hút được những bạn mong muốn tìm một công việc lâu dài tại spa. Chẳng hạn, đa số các spa khác sẽ bắt nhân viên làm 10-12 tiếng một ngày, có nơi thậm chí chỉ cho nhân viên 2 ngày nghỉ mỗi tháng. Tại Sỏi Spa các bạn làm 8 tiếng một ngày, mỗi tuần có một ngày nghỉ và có thêm phép năm.
Thêm vào đó, doanh thu trong ngày phụ thuộc vào thời tiết, như mùa mưa thì doanh thu sẽ giảm mạnh. Nhận thấy mùa mưa đang có khuynh hướng kéo dài hơn mỗi năm nên mình đang có kế hoạch tìm thêm nguồn doanh thu mới cho Sỏi Spa, đồng thời cũng đang tìm đối tác để mở rộng và phát triển chiến lược kinh doanh.
Phần thưởng lớn nhất trong công việc của chị là gì?
Quyên thấy vui nhất khi công ty là chỗ dựa cho nhân viên an tâm đi làm và có thu nhập ổn định. Hiện Sỏi Spa mới mở thêm chi nhánh thứ hai nên các bạn sẽ có thêm nhiều cơ hội thăng tiến hơn.
Một niềm vui nữa là khi thấy khách dần trở nên quen mặt với đội ngũ của Sỏi Spa. Bên cạnh các nhu cầu chăm sóc bản thân từ dịch vụ spa, Quyên cảm thấy khách hàng còn muốn tìm sự tương tác giữa người với người nữa, và các bạn team Sỏi Spa đang làm điều này rất tốt.
Chị có lời khuyên gì cho các bạn muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực spa?
Bạn phải sẵn sàng tinh thần và kiên nhẫn để đối mặt với những vấn đề tài chính trong năm đầu tiên, đôi khi tưởng chừng như bạn sắp lên cơn đau tim nữa kìa. Sau một năm bạn sẽ có câu trả lời cho việc có nên tiếp tục phát triển trong ngành này hay không. Nếu câu trả lời là có thì ngành này sẽ mang đến cho bạn một lượng khách hàng vô cùng trung thành và thật sự yêu mến thương hiệu của bạn.
Cuối cùng, theo chị, ai là người chúng tôi nên trò chuyện tiếp theo?
Bạn Trang, CEO của EmWear. Trang đã từng gọi vốn thành công tại chương trình Shark Tank và đang là hiện tượng PR bùng nổ đấy.
Xem thêm:
[Bài viết] Nghề Lạ: Fashionista Châu Bùi, “Sống là chính mình, và không ngừng biến hoá.”
[Bài viết] A Working Woman: Cổ Huệ Anh – CEO thương hiệu thời trang HNOSS