“Sao mặt nhiều mụn thế?” – Hỏi làm gì, có giúp được gì không?
“Sao mặt nhiều mụn thế?”
“Sao không đi chữa đi?”
“Mụn như vậy có đau không?”
Những người bị mụn chắc hẳn không ít lần nhận được những câu hỏi như vậy, và thực sự không biết phải trả lời như thế nào. Đôi khi cảm thấy tức giận, đôi khi cảm thấy buồn tủi, đôi khi chỉ muốn biến mất khỏi mọi đám đông.
Có thể mọi người xung quanh không hề có ý xấu, có thể họ đang thực sự lo lắng sốt ruột khi nhìn thấy những khuôn mặt đỏ mụn. Nhưng đôi khi, quan tâm không đúng cách cũng gây nên những tổn thương tâm lý nhất định.
Mụn và sức khoẻ tâm lý
Trên thực tế, mụn rõ ràng không tác động trực tiếp đến sức khỏe thể chất như các loại bệnh lý khác. Nhưng không vì vậy mà nó không đáng được quan tâm.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mụn gây ra những hậu quả đáng kể về tâm lý và xã hội, những điều mà cha mẹ, hay bạn bè của họ hoàn toàn không hiểu và không đánh giá được hết mức độ nghiêm trọng.
Một nghiên cứu được công bố trên chuyên trang Da liễu Anh (2018) phân tích hồ sơ các bệnh nhân từ năm 1986 đến 2012 đã chỉ ra rằng, “Trong năm đầu tiên sau khi chẩn đoán bị mụn trứng cá, những bệnh nhân này có nguy cơ mắc trầm cảm tăng 63% so với những người không có mụn.”
Isabelle Vallerand, tác giả chính của nghiên cứu kể trên, đã liên hệ với các bác sĩ da liễu nổi tiếng để trao đổi về những số liệu này.
Bác sĩ tâm thần và da liễu Amy Wechsler cho rằng những kết quả trên không có gì đáng ngạc nhiên.
“Mụn trứng cá ảnh hưởng tiêu cực đến sự tự tin, và có thể dẫn đến sự lo lắng và trầm cảm. Những bệnh nhân bị mụn thường không muốn tham gia các hoạt động xã hội, ngại tiếp xúc trong công việc, không đi hẹn hò và thậm chí không cố gắng để có được công việc tốt hơn”, Amy chia sẻ.
Như vậy có thể thấy, mối quan hệ giữa mụn và sức khỏe tâm lý cần được quan tâm hơn nữa. Mụn không đơn thuần là một vấn đề về mặt thẩm mỹ, mà tiềm ẩn không ít những tác động tiêu cực đến tâm lý, đến mức độ vui vẻ, công việc và các mối quan hệ xã hội khác.
Mụn không giống như cảm cúm
Với những người bị mụn, hơn ai hết, họ hiểu rất rõ tình trạng của mình. Hẳn họ đã phải làm đủ mọi cách, uống không ít loại thuốc, thử không ít mỹ phẩm, tốn không ít tiền, nhưng tình trạng mụn không phải lúc nào cũng được giải quyết.
Chuyện không đơn giản như khi bạn bị cảm cúm, đi khám bác sĩ, uống một tuần thuốc là lại khoẻ re. Trị mụn là một hành trình dai dẳng, mệt mỏi, không biết chắc được kết quả cuối cùng, và đôi khi, thực sự áp lực và tuyệt vọng.
Bạn đã từng biết một ai bị mụn nội tiết, người mà từ tuổi dậy đến nay không mấy khi mặt sạch mụn? Hãy thử hỏi về hành trình trị mụn của họ để biết những lời trên hoàn toàn không phải là nói quá.
Khi giao tiếp với mọi người, họ sẽ có cảm giác người ta chỉ nhìn vào từng đốm mụn trên mặt mình. Họ sẽ lo lắng rằng có người lại sắp hỏi thăm về tình trạng mụn, sắp nhìn họ bằng ánh mắt ái ngại.
Họ tự ti và mặc cảm khi nhìn thấy bạn bè xung quanh với làn da căng mịn.
Họ ngại phải đến những nơi đông đúc, nhất là khi phải gặp họ hàng người thân.
Đúng, có thể những người bị mụn thường quá nhạy cảm, quá ám ảnh, quá tiêu cực. Nhưng chính vì thế, chúng ta mới cần tìm ra để thể hiện sự quan tâm một cách tinh tế hơn.
Hãy quan tâm một cách tinh tế
Ở mức độ cơ bản nhất, xin đừng trêu chọc, cười đùa về việc ai đó bị mụn.
Có thể bạn vui, nhưng cùng lúc bạn đã vô tình tổn thương một ai đó. Ranh giới giữa sự vui tính và vô duyên đôi khi khá mỏng manh.
Tiếp theo, trong một cuộc trò chuyện, có nhiều vấn đề thú vị để trao đổi, hơn là bàn luận về tình trạng mụn của ai đó.
Thực sự, không mấy người mong muốn được trở thành tâm điểm của sự chú ý theo cách đó. Nếu không đủ thân thiết, hãy tránh đề cập đến vấn đề mụn này, vì thực ra bạn có chắc rằng bạn có thể giúp họ tìm ra giải pháp không?
Cuối cùng, hãy cố gắng thông cảm cho sự nhạy cảm của họ
Cố gắng tìm cách giúp họ cảm thấy tự tin và thoải mái hơn.
Thực ra, bất cứ ai cũng có một vấn đề nhạy cảm, mỗi nỗi khổ tâm nào đó. Hiểu và biết đặt mình vào vị trí của người khác để có cách ứng xử phù hợp, là điều mà tất cả chúng ta nên làm.
Bài viết được thực hiện bởi Tracy.