Thấy mình không bằng ai? Cách tích lũy “vốn” để nâng cao giá trị
Năm 18 tuổi, khi biết mình thi rớt Đại học Kiến trúc vì thiếu nửa điểm, mẹ đã lên phương án cho mình đi du học nước ngoài. Hai mẹ con đến văn phòng tư vấn yên lặng nghe người ta giới thiệu các lựa chọn, trong đó rẻ nhất là đi Singapore, mà học phí cũng đã gần 100 ngàn đô một năm. Với chi phí đó mà không có học bổng thì mẹ mình không cáng đáng nổi. Thế là hai mẹ con đành lủi thủi đi về.
Bắt nguồn từ sự kiện này mà thời gian sau mình thường hay ghen tị ngầm với những bạn đi du học. Mình đã luôn nghĩ rằng phải chi có điều kiện để được đi du học thì có lẽ mình sẽ đi xa hơn rất nhiều trong sự nghiệp. Nhưng đó là một suy nghĩ chủ quan, chỉ so sánh với những gì hơn mình, nên mình mới có cảm giác thua thiệt.
Thực chất dù gia đình mình không giàu, nhưng không hề để mình phải thiếu thốn. Mẹ mình tự thân vào TP.HCM với hai bàn tay trắng nhưng đã nuôi mình ăn học đến nơi đến chốn, luôn dành cho mình những thứ tốt nhất của bà.
Nếu hồi đó mình được biết đến khái niệm "3 loại vốn" sớm hơn thì có lẽ đã không luôn ghen tị ngầm như vậy. Đây là khái niệm này đến từ nhà kinh tế học Gary Becker -người đã đoạt giải Nobel Kinh tế vào năm 1992. Nó có thể giúp bạn tìm ra được chiến lược phù hợp để phát triển bản thân dù nguồn lực có sẵn của bạn thế nào.
3 Loại vốn - Nguồn lực của bạn bao gồm những gì?
Thông thường nói tới gia đình nhiều vốn, có điều kiện mọi người sẽ ngầm hiểu gia đình đó có nhiều tài sản theo dạng tiền bạc, bất động sản... Nhưng theo Gary Becker, ông dùng khái niệm vốn (capital) để chỉ bất kỳ tài sản hoặc nguồn lực nào có thể được đầu tư để tạo ra giá trị và thu nhập trong tương lai. Cụ thể con người có 3 loại vốn chính:
Truyền thống nhất là vốn tài chính là những thứ có thể dễ dàng quy đổi ra tiền.
Vốn xã hội là mạng lưới quan hệ như gia đình, bạn bè, đối tác, cố vấn,… thuộc về bên ngoài và có liên quan tới người khác. Với loại vốn này thì chúng ta có thể sử dụng để bớt những khó khăn hay là có thêm cơ hội. Ví dụ khi bạn mượn tiền của bạn bè, thì lúc này bạn đang dùng vốn xã hội đổi lấy vốn tài chính, ở đây vốn xã hội của bạn là sự uy tín của bạn trong mối quan hệ bạn bè.
Vốn con người cũng là vốn mà bạn có khả năng tác động cao nhất và có khả năng sinh lời cao nhất: sự giáo dục, kỹ năng, kiến thức, và kinh nghiệm của một cá nhân. Giống như người ta vẫn thường hay nói: “Làm gì thì làm, phải biết đầu tư vào bản thân là quan trọng nhất”.
Khi mình bắt đầu xem xét mọi thứ xung quanh dưới góc độ 3 loại vốn này, mình tự nhiên có nhiều thay đổi về tư duy để tận dụng mọi nguồn lực tốt hơn. Bởi vì nếu chúng ta nghiêm túc nhìn nhận mọi thứ đều là vốn liếng cần coi trọng và bảo quản cẩn thận, bạn sẽ không vì thiếu hụt lợi ích tài chính mà đánh mất đi toàn bộ sự tự tin. Và rồi từ đó, có đủ sự bình tĩnh để hoạch định chiến lược đầu tư dựa trên tình trạng nguồn vốn hiện có.
Đầu tư một vốn, ba vốn cùng tăng
Nếu bạn thấy mình thua kém, xuất phát điểm không bằng ai, vốn tài chính ít ỏi hoặc thậm chí là cả ba loại vốn đều không có nhiều thì nên bắt đầu từ đâu đây? Để nói gọn trong một câu thì có lẽ là “Luôn ưu tiên vốn con người nhất”.
Giả sử bạn muốn tăng vốn tài chính nhưng nếu năng lực của bạn chưa đủ, thì dù có đầu tư nhiều thời gian và tâm sức cho công việc, số tiền bạn nhận được thêm cũng không thật sự nhiều. Thế nhưng, đừng vì nhận được ít tiền mà bạn nản lòng. Chỉ cần bạn thấy công việc đó có thể gia tăng được kinh nghiệm, kiến thức thì đồng nghĩa với việc bạn đang làm giàu vốn con người hơn và vốn tài chính rồi cũng sẽ tới lúc tăng lên.
Tương tự với vốn xã hội. Khi mới đi làm, có thể bạn sẽ nhận được lời khuyên là hãy ra ngoài gặp gỡ nhiều người hơn, nói chuyện với những anh chị lớn để học thêm kinh nghiệm từ họ. Lời khuyên này không sai, mình cũng từng mở rộng mối quan hệ theo cách đó vào những năm đầu sự nghiệp.
Thế nhưng, kết quả là với hơn 50 email gửi đi cho khoảng 30 người Senior thì mình chỉ nhận về 2 email hồi âm. Một con số ít ỏi nhưng giúp mình nghiệm ra hai bài học quý giá:
Đầu tiên là ai cũng bận, thế nên nếu muốn nhận sự giúp đỡ gì từ anh chị Senior, hãy trình bày mạch lạc, rõ ràng và đầy đủ hoàn cảnh của bạn ngay trong email hay tin nhắn đầu tiên. Đừng chỉ: “Chào anh, em là người theo dõi anh đã lâu, gửi email này muốn nhận được lời khuyên từ anh, mong anh phản hồi”.
Ngay như mình bây giờ, nếu nhận những email hay tin nhắn bâng quơ như trên thì đa phần mình sẽ không ưu tiên trả lời. Bởi vì chưa chắc mình có phải là người phù hợp để đưa ra lời khuyên cho hoàn cảnh của bạn ấy không.
Hai là khi bản thân mình chưa có năng lực hay giá trị gì nổi bật, việc đầu tư cho vốn xã hội sẽ không hiệu quả, vì nó thiếu đi sự cân bằng hai chiều trong mối quan hệ. Có thể điều này nghe hơi đau lòng, nhưng nếu không phải tình cảm thì các mối quan hệ xã hội khác phần lớn đều dựa trên việc xem xét trao đổi giá trị qua lại có cân bằng hay không. Thế nên nếu muốn vốn xã hội của bạn chất lượng hơn thì bản thân bạn phải có vốn con người đủ tốt.
Khi mà năng lực đã cao rồi, vị trí của bạn càng được khẳng định, tự nhiên bạn sẽ có cơ hội để gặp gỡ và thể hiện khả năng của bản thân với những người giỏi hơn, nhận được sự công nhận để tham gia vào những “sân chơi” lớn hơn. Khi đó không chỉ vốn xã hội của bạn sẽ tăng trưởng bền vững hơn mà còn kéo theo cả vốn tài chính cũng phát triển.
Chiến lược phát triển khi vốn tích lũy chưa nhiều
Tóm tắt lại thì trong vài năm đầu tiên khi vốn tích lũy chưa có nhiều, chúng ta nên đặt ra chiến lược như sau:
- Vốn tài chính: Chỉ cần thu nhập đủ trang trải những nhu cầu tối thiểu là được.
- Vốn xã hội: Thu hẹp nhất có thể, chỉ duy trì những mối quan hệ thật sự chất lượng để bảo toàn năng lượng.
- Vốn con người: Việc giảm thiểu tập trung vào hai loại vốn trên chính là để dồn nhiều tâm sức nhất có thể vào loại vốn này. Khi năng lực chưa cao chúng ta chưa thể đòi hỏi ngay thu nhập cao, nhiều đãi ngộ, chỉ cần đó là việc được làm thật, dự án thật để có thêm kiến thức, kinh nghiệm thì hãy làm thật hăng say.
Mình có một mẹo là luôn tưởng tượng quá trình tích lũy vốn giống như đang chơi game, nhưng thay vì 3 có ba thanh là máu, mana (năng lượng) và điểm kinh nghiệm thì mình thay bằng tiền, năng lực và quan hệ. Rồi mỗi cuối ngày, nhìn lại những việc đã hoàn thành, mình sẽ hình dung ra các thanh tích lũy này đang tăng lên từ từ như thế nào.
Nghĩ được như vậy phần nào sẽ giúp bạn đỡ áp lực với thành công của người khác và tập trung hơn vào sự phát triển của bản thân. Có thể là chỉ từng chút, từng chút một thôi nhưng vẫn là đang tăng lên.
Suy nghĩ cuối
Dù chúng ta đều đang nỗ lực vươn lên và tích lũy vốn liếng cho mình để có một cuộc sống tốt hơn. Nhưng sự thật là nếu chúng ta có thật nhiều cả 3 loại vốn tài chính, xã hội và con người cũng chưa chắc sẽ có được hạnh phúc thật sự trong cuộc sống.
Bởi vì nếu chúng ta rơi vào cuộc đua tích lũy những loại vốn này sẽ là những hành trình không có đích đến, vô tình mang đến sự khắt khe, áp lực bản thân phải liên tục cố gắng tới kiệt sức. Khi đó phát triển bản thân không còn là phát triển mà trở thành một hành vi cực đoan.
Thế nên giống như nhiều tôn giáo và triết gia thường khuyên “biết đủ là hạnh phúc” như là một chân lý phổ quát giúp chúng ta tìm được sự bình yên trong nội tâm của mình. Với mình, đó là phát triển tối đa tiềm năng của bản thân mà không làm tổn hại lợi ích của người khác.
Còn với bạn đủ là như thế nào? Dù câu trả lời của bạn là gì, mong bạn tích lũy đủ vốn để thực hiện những điều mình thật sự muốn trong đời.