Thời Chúng Tôi: Cả thế giới trong chiếc tivi thùng

Chiếc tv màu đã mở ra một khoảng trời mới cho tuổi thơ chị em chúng tôi. Đã bao lâu rồi bạn không được tận hưởng cảm vỗ tv thùng như thời thơ ấu?
Hoài
Nguồn: Music video Chuyển Kênh của Ngọt

Nguồn: Music video Chuyển Kênh của Ngọt

Từ lúc tôi bắt đầu có nhận thức về thế giới, chiếc tivi đã chễm chệ giữa phòng khách, như một ông vua. Chỉ cần chúng tôi vung chiếc đũa phép mang tên remote, ông vua sẽ mở ra muôn vàn thế giới diệu kỳ.

Những chiếc tivi thùng có một nhược điểm là rất hay bị mờ. Lúc ấy, ba tôi sẽ bước đến vỗ nhẹ vài cái sau lưng 'ông vua', và mọi thứ lại sáng như ban ngày. Nhà bạn tôi có chiếc tivi gắn ăng ten, ngày nào nó cũng phải so ngắn so dài chiếc ăng ten để tivi không bị nhiễu sóng.

Đã bao lâu rồi bạn không được tận hưởng cảm giác vỗ tivi, so ăng ten?

Buổi trưa: Háo hức chờ phim chưởng

Trong mọi buổi, buổi trưa là giấc hãi hùng nhất. Đứa nào cũng bị bắt nằm im ở nhà và đi ngủ. Mà với một đứa trẻ, việc không được chơi bời thật đáng sợ.

Không biết từ năm nào, những bộ phim võ hiệp đã ra đời và phát sóng vào buổi trưa. Mong muốn trở thành anh hùng bảo vệ người yếu thế đã tồn tại trong bộ não trẻ con từ khi hãy còn nằm nôi. Nên chẳng lạ gì khi hình tượng cao thủ võ lâm hy sinh vì nghĩa lớn của Anh Hùng Xạ Điêu, Thiên Long Bát Bộ lại rực rỡ đến mức choán hết mọi nỗi sợ buổi trưa của chị em bọn tôi.

Lũ trẻ con giữ niềm tin sắt son ở đâu đó trên núi cao thật cao, có những Thần Điêu Đại Hiệp. Và chỉ cần khổ luyện với những ngón đòn giơ chân, chưởng tay, chúng tôi cũng sẽ có ngày giống họ. Việc có sức mạnh tiêu diệt kẻ ác thật kỳ diệu. Chúng tôi có thể dùng sức mạnh đó để trốn những trận đòn, để xua đuổi những ông Kẹ đầy ám ảnh, và để đấu lại những người bắt nạt mình.

Lớn lên rồi mới biết trên đời làm gì có ai đi được trên không. Nhưng những bộ phim kiếm hiệp cho chúng tôi nhiều hơn là những phép chưởng. Chúng giúp tụi tôi có niềm tin vào cuộc sống.

Buổi chiều: Cất cặp, xem phim nước ngoài thôi!

4 giờ là tiếng trống điểm tan trường, nhưng từ 3 giờ rưỡi, cả lớp đã xôn xao bàn luận tập mới nhất của bộ hoạt hình cả bọn yêu thích. Có thế hệ nôn nao tập mới Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, có thế hệ tò mò tập tiếp theo của Marsupilami. Dù là thế hệ nào, đúng 5 giờ, bọn tôi phải tìm cách yên vị ở nhà, mở tivi đón chờ bộ phim yêu thích.

Năm 2004, HTV3, kênh dành riêng cho thiếu nhi. Một thế giới mới lạ mang tên anime xuất hiện trước mắt bọn tôi.

Khi xem hoạt hình, bộ não được cải thiện trí nhớ lên đến 92%. Có phải vì thế mà giờ những ngón đòn của các bang chủ trong Anh hùng xạ điêu chỉ còn là màn sương trong kí ức, nhưng bộ não tôi vẫn nhớ như in cách Sakura vừa chạm đầu gậy vào thẻ bài, vừa hô lên: “Nhân danh chủ nhân của những thẻ bài, ta ra lệnh cho ngươi hãy hiện nguyên hình NGAY LẬP TỨC!”.

Năm 2005, làn sóng phim thần tượng Đài Loan kéo đến. Nếu những phim võ hiệp chỉ khắc họa tình yêu như một loại gia vị, thì tình cảm đôi lứa lại là chủ đề chính của phim Đài Loan. Xem những bộ phim tình cảm khiến chúng tôi có một loại tự hào là mình đã lớn, đã trưởng thành, đã bước vào thế giới người lớn - giấc mơ của mọi đứa trẻ con - được rồi đó!

Thuở ấy, được đi chơi là một điều xa xỉ, nói gì đến đi nước ngoài. Những bộ hoạt hình, phim truyện buổi chiều giúp chúng tôi cơ hội đi ra ngoài thế giới, khám phá những con người với lối sinh hoạt, với màu da khác hẳn mình. Mà vẫn yêu thương họ thật nhiều.

Buổi tối: Cả nhà quây quần xem ‘phim bi’

Nếu khung giờ chiều là những bộ phim dành cho tụi trẻ con, thì giấc tối là lúc các bố mẹ vào cuộc. Giai đoạn đầu 2000 là lúc những bộ phim bi Hàn Quốc (được gọi là melo-drama) chiếm sóng. Sau chiến tranh Hàn Quốc, nỗi buồn trở thành yếu tố chủ đề trong những bộ phim của xứ sở này, kéo dài đến những năm đầu thế kỉ 21. Dù tình cảm đôi lứa có nồng nàn thế nào, cái kết luôn-luôn-là-cái-chết.

Có cảm giác làn sóng phim bi thời điểm ấy đã lan khắp châu Á. Hồi đó ba tôi hay mở “Hành trình của Tam Mao”, một bộ phim Trung Quốc, kể về cậu bé mồ côi chiến đấu với cuộc đời để được tồn tại. Còn ở Việt Nam, không thiếu những cảnh An chứng kiến ba mình mất trong Đất Phương Nam, hay người phụ nữ có được tình yêu của cuộc đời mình sau bao bão giông rồi cũng phải chủ trì tang lễ cho anh trong Người Đàn Bà Yếu Đuối.

Những bộ phim buồn cho phép con người đối mặt với cảm xúc của mình, thêm vào đó, thấy người khác đối diện với khó khăn cũng là nguồn động lực để người xem vươn lên trong cuộc sống hiện tại. Có thể trong những ngày mỏi mệt, ba mẹ tôi đã chầu chực ‘phim bi’ như một cách giải tỏa khắc nghiệt trong cuộc sống chăng?

Cuối tuần: Tivi 24/24

Lắm khi mở kênh nào lúc không có gì để phát, chỉ nhận được hình ảnh nhiễu sóng, hay vòng tròn đủ thứ màu, báo hiệu “Ê nhóc, chưa tới lúc coi tivi đâu”.

Vậy mà nhiều đứa vẫn ngồi lì trước cái màn hình nhiễu sóng đó gần chục phút, tại… có gì khác để xem đâu?

Nhưng cuối tuần, mọi chuyện lại khác. Thứ Bảy, Chủ Nhật là bữa tiệc với không chỉ trẻ con mà còn người lớn. Các kênh thi nhau tung những Gặp Nhau Cuối Tuần, Chuyện Ngày Xưa, Đường Lên Đỉnh Olympia để bọn tôi hiểu hơn về văn hóa, về những “con nhà người ta”, để có những phút giây cười bò.

Bấm remote để chọn chương trình thú vị nhất để xem thôi cũng đã đủ hạnh phúc. Nhiều lúc đang ngủ trưa, chị em tôi cứ giật mình tỉnh dậy bật tivi để biết mình vẫn còn đang sống trong “thiên đường”. Và, như một lẽ tất nhiên, thiên đường sẽ thành một thứ gì không còn là thiên đường khi đồng hồ điểm 23 giờ đêm Chủ Nhật, và mẹ xách bọn tôi về lại phòng ngủ.

“Cho con xin 5 phút”

Năm 2008, ba mua cho chị em tôi chiếc máy tính đầu tiên. Năm 2009, kỉ nguyên Torrent ở các diễn đàn chia sẻ phim nở rộ. Chúng tôi dời từ phòng khách đến trước máy tính để xem phim. Chiếc tivi 24 inch nằm trong cảnh cô đơn một thời gian dài trước khi được đem bán.

Nhà tôi đã có chiếc tivi màn hình phẳng, to hơn, âm thanh sống động và đỡ hại mắt hơn. Bây giờ, cũng chẳng ai có khả năng ép tôi đi ngủ vào lúc 23 giờ tối. Tôi có thể dành cả ngày để xem tivi. Nhưng cảm giác háo hức chờ đợi, khóc lóc nếu bỏ lỡ một tập phim, cảnh cả nhà bốn người vừa gặm bánh vừa bình luận về một nhân vật nào đó đến giọng tôi kêu gào "Cho con xin 5 phút" mỗi lần bị mẹ lôi khỏi chiếc tivi… đến giờ vẫn không cách nào lấy lại được.

Ai có cỗ máy thời gian không? Cho tôi xin 5 phút tuổi thơ bên chiếc tivi...


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục