Tịnh thất Bồng Lai: Mặt trái của kinh tế tâm linh
1. Chuyện gì đã xảy ra?
Sau một thời gian dậy sóng dư luận, vụ án Tịnh thất Bồng Lai chính thức được khởi tố. Theo báo Pháp Luật đưa tin, cơ quan tố tụng đã khởi tố ông Lê Tùng Vân, người đứng đầu tổ chức, cùng lúc với 3 tội danh là: lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội loạn luân. Tới nay, ông đã bị bắt tạm giam.
Được biết ông Lê Tùng Vân (hay được gọi là thầy ông nội) đã lập ra Tịnh thất Bồng Lai cùng bà Cao Thị Cúc vào năm 2004 như một am tu tại gia. Năm 2020, sau khi gặp nhiều tai tiếng nơi đây được đổi tên thành Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ.
Cho tới hiện tại có khoảng 18 người sinh sống ở đây bao gồm cả trẻ em. Tuy nhiên, nơi này không hề liên quan gì tới Giáo hội phật giáo tỉnh Long An.
2. Mối quan hệ của những người này là gì?
Ban đầu, cơ sở này khiến nhiều người quan tâm và chú ý khi được cho là cơ sở chăm sóc trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi. Tuy nhiên, cơ quan công an đã sớm phát hiện vào năm 2020 rằng đa số những người ở đây có quan hệ huyết thống với nhau.
Cơ quan điều tra dựa trên lời khai đã tìm thấy dấu hiệu loạn luân của ông Lê Tùng Vân. Khả năng cao những đứa trẻ ở đây đều là con cháu của ông. Bên cạnh đó, cư dân mạng cũng đang truyền tay nhau tờ giấy được cho là kết quả giám nghiệm huyết thống.
3. Tịnh thất Bồng Lai trục lợi như thế nào?
Đánh vào lòng tin vào tôn giáo và sự thương cảm với trẻ cơ nhỡ, cơ sở giả tôn giáo này đã thu nhiều tiền từ thiện từ mạnh thường quân. Trong thời gian này, những cá nhân sống ở đây cũng chủ động cho trẻ em tham gia các gameshow trên mạng để lấy danh tiếng, từ đó nhận được sự chú ý.
Cơ sở này từ đó cũng thành công xây dựng được hình ảnh nơi nuôi dạy những em bé tài năng nhưng kém may mắn. Đây cũng là một chủ đề được báo chí và gameshow bấy giờ khai thác để tạo sự chú ý của cộng đồng.
Bên cạnh đó, các cá nhân sống ở đây cũng chủ động tính toán sử dụng mạng xã hội để thu về tiền từ thiện. Bản thân kênh YouTube của Tịnh thất Bồng Lai cũng nhận được nhiều lượt theo dõi của cộng đồng. Nhờ biết tận dụng công cụ truyền thông cũng như gameshow mà Tịnh thất Bồng Lai dành được sự chú ý hơn hẳn các trại mồ côi, vốn cũng nhiều trẻ em cơ nhỡ.
4. Kinh tế niềm tin là gì?
Đức tin và kinh tế tưởng chừng đối nghịch nhau nhưng thật ra lại có mối quan hệ mật thiết. Trong báo cáo Religious Faith and Economic Growth, tác giả B.Grim cũng đã đưa ra câu trả lời rằng tôn giáo có mối quan hệ mật thiết với tăng trưởng kinh tế.
Nhà nghiên cứu Mỹ Robert Barro cũng chỉ ra rằng, các đức tính tôn giáo khuyến khích phát triển (sự đạo đức, tính trung thực, kỷ luật lao động), có thể là động lực để khuyến khích tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, tôn giáo có khả năng cung cấp những dịch vụ tâm linh cho cộng đồng tôn giáo của nó.
Ví dụ như Mỹ là một nước tự do tôn giáo và đã thiết lập luật pháp tự do tôn giáo như một quyền cơ bản. Việc xây dựng các chính sách phù hợp với hành lang pháp lý rộng đã giúp nước này phát huy được nguồn lực, giúp đóng góp cho nhiều lĩnh vực từ kinh tế, y tế và giáo dục.
Còn Việt Nam cũng giữ quan điểm tôn trọng quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Điều này phần nào đã giúp nền kinh tế tâm linh cũng rất phát triển, ước tính lên tới 50.000 – 100.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên thì lĩnh vực này vẫn chưa được hoàn thiện các chính sách quản lý nên chưa phát huy được nguồn lực tôn giáo.
5. Kinh tế niềm tin có thể lớn mạnh ra sao?
Mỹ là một nước đông dân với phân nửa (khoảng 150 triệu người theo số liệu năm 2016) có tín ngưỡng. Chính vì vậy mà ngành kinh tế niềm tin tại Mỹ rất lớn mạnh, mang giá trị lên tới 1,2 nghìn tỷ USD. Con số này cao hơn cả doanh thu của Google, Facebook và Amazon cộng lại.
Khoản tiền này tới từ các cao đẳng và đại học, doanh nghiệp và cả hệ thống chăm sóc sức khỏe dựa trên tôn giáo. Có thể thấy, việc sống và làm việc theo đức tin của một số doanh nghiệp tôn giáo đã giúp họ đạt được thành quả này. Thậm chí trong thời kỳ đại dịch, các ứng dụng thờ cúng dựa trên niềm tin tôn giáo còn thu về tới 175,3 triệu USD.
Khoảng cách giàu nghèo tại Mỹ có thể là điều dẫn tới điều này. Khi đa phần những người giàu có thường rất sùng đạo. Ngược lại đức tin của những người thu nhập thấp lại càng vơi đi khi khoảng cách giàu nghèo gia tăng. (Vox)
6. Khi nào niềm tin bị lợi dụng?
Khi mà tôn giáo cũng có thể trở thành một ngành kinh tế thì việc lợi dụng tôn giáo để trục lợi cũng có thể xảy ra. Trường hợp của Tịnh thất Bồng Lai cũng không phải là cá biệt. Trước đó chúng ta cũng chứng kiến nhiều vụ việc lợi dụng đức tin để kiếm lời.
Gần đây nhất chính là sự việc Chùa Ba Vàng đã có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản khi đưa ra dịch vụ “trả nợ cho vong bằng tiền" (Báo Lao Động). Hay sự xuất hiện vội đến vội đi của “Hội giáo đức chúa trời mẹ”, đã khiến nhiều người sập bẫy “bán hàng tôn giáo đa cấp".
Đây là một hình thức lừa đảo mang tên affinity fraud (gian lận quan hệ) vốn đã tồn tại từ lâu. Giáo sư sử học Lê Văn Lan đã phân tích rằng, đa phần các hoạt động lừa đảo, đa cấp tâm linh hoạt động dựa trên hiệu ứng đám đông. Vậy nên, khi tham gia hoạt động tín ngưỡng nếu thiếu sự tư duy độc lập, đi theo số đông thì dễ vướng vào bi kịch. Điều này cũng đặt ra câu hỏi cho cơ quan chức năng, cần đưa ra được hướng quản lý rạch ròi để phân biệt được giữa kinh tế tâm linh và trục lợi tâm linh.
7. Kinh tế niềm tin nên kiểm soát hay đẩy lùi?
Tại Việt Nam, luật pháp về tôn giáo vẫn chưa được hoàn thiện trong khi đó hoạt động kinh tế tâm linh rất đa dạng. Chính vì vậy mà việc kiểm toán hay định lượng giá trị lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn. Giống như vào năm 2019 đã có một nhà sư hoàn tục (sau khi bị tố gạ tình) với tài sản lên tới 200 - 300 tỷ đồng, mà phần lớn tới từ huy động công đức.
Quản lý kinh tế tâm linh gặp nhiều khó khăn khi luật đặt ra phải phù hợp và tôn trọng tôn giáo. Ví dụ như đạo Phật vốn không thừa nhận nền kinh tế tâm linh. Tuy nhiên, ước tính hoạt động tâm linh ở đền chùa có giá trị rất lớn. Như lễ hội Chùa Hương thu được tới 178 tỷ đồng chỉ trong năm 2017.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thì chỉ cần đánh thuế 10% hoạt động tâm linh đã giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước từ 5.000 - 10.000 tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, trước đó Luật kiểm toán Nhà nước cần bổ sung và quy định rõ cụ thể các loại quỹ công ở cơ sở thờ tự. Điều này ít nhất sẽ đảm bảo tính minh bạch cũng như tránh thất thoát tiền công đức vào các cá nhân.