Tóm Lại Là: Quan toà phù thuỷ trên mạng xã hội
1. Chuyện gì ĐÃ xảy ra?
Trong quá khứ, cuộc săn phù thuỷ xuất hiện khi hạn hán, dịch bệnh và chiến tranh đẩy con người tới tận cùng của cảm xúc tiêu cực. Không tìm được lý do cho sự đau khổ triền miên, người ta tìm người để đổ lỗi: phù thuỷ.
Đó là cái cách những cuộc săn lùng và truy sát tàn bạo xảy ra, dẫn đến cái chết của hàng ngàn người vô tội.
2. Công thức săn phù thuỷ là?
Phù thuỷ có thể bị gán bất cứ ai. Để miêu tả về “phù thủy" thì Robert Eggers trong bộ phim The VVitch đã thể hiện chính xác khái niệm này: phù thuỷ được tạo ra dựa trên cáo buộc vô lý tới từ sự ghen tị, nghi ngờ và thù hằn.
Ai cũng có thể “bị" trở thành con dê gánh tội (scapegoating) khi mà chúng ta luôn cần một người để "đổ lỗi”. Từ đó công thức săn phù thuỷ ra đời:
"Nỗi sợ + Sự kiện ngòi nổ = Con dê gánh tội"
Lấy ví dụ như vụ kiện của Johnny Depp:
Nỗi sợ hãi bạo lực gia đình + Amber Heard kiện = Johnny Depp "gánh tội"
3. Điều gì dẫn tới cuộc săn?
Thời trung cổ không có “truyền thông" tuy nhiên động cơ và phương tiện tạo nên cuộc săn phù thuỷ về bản chất không thay đổi. Phù thuỷ từng bị cáo buộc dựa trên những lý do cảm tính, vô căn cứ thì bây giờ chúng ta có: Tin giả, tin sai lệch và đưa tin “nhầm".
Một bài đăng tố cáo “sẽ mặc nhiên được cho là đúng" nếu được lan truyền rộng rãi. Đặc biệt hơn nếu bạn là người nổi tiếng (hay có sức ảnh hưởng) thì thông tin đăng lên, dù đúng hay sai, cũng gây được sự chú ý.
Những bài “đấu tố" có tên tuổi/hình ảnh dẫn đến việc người có trùng tên/nhìn giống nhau sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Việc này dẫn đến việc người vô tội bị vạ lây và quấy rối.
4. Mạng xã hội (MXH) đã trở thành phiên toà?
Bị cuốn vào vòng xoáy cáo buộc, “phù thuỷ" nghiễm nhiên bị nhục mạ và phán xét công khai bởi cộng đồng “ẩn danh”. Không chỉ MXH mà báo chí cũng góp phần thổi lửa cho vấn đề khi đưa tin một chiều theo hướng dư luận “muốn".
Đã có quá nhiều những vụ án mà khi chưa kịp đưa ra xét xử đã bị truyền thông và xã hội phán quyết. Netflix đã có một series phim tài liệu tên “Trial by media" về những vụ án khi truyền thông cầm đèn chạy trước thẩm phán.
5. Săn phù thuỷ ảo, hậu quả thật?
Chuyện gì xảy sau những phiên tòa ảo, khi người ta đã tự cho mình quyền hạn của pháp luật? Đó là lúc cuộc săn phù thuỷ xảy ra ngoài đời thật. Việc truy tìm thông tin của “phù thuỷ" (doxing) và công bố thông tin cá nhân lên MXH dẫn đến những đám đông hiếu kỳ, hay những kẻ mang tâm thế “thay trời hành đạo” tìm đến và “xử lý" nạn nhân.
Đây cũng tương đương với mức 7, mức độ cuối cùng của sự căm ghét. TS Đặng Hoàng Giang cũng đã nhấn mạnh rằng, khi sự căm ghét bị đưa lên tới đỉnh điểm, người căm ghét chuyển từ ngôn ngữ sang hành động.
Đã có quá nhiều những vụ án khi mà sự thù hằn bị đẩy lên tới tận cùng dẫn đến nạn nhân - hay phù thuỷ phải chọn cái chết để giải thoát.
6. Cư dân mạng Việt Nam có đang săn phù thuỷ?
Sự ra đời hàng loạt của các group-anti trên Facebook hiện nay thu hút một số lượng lớn những người hiếu kỳ tham gia. Danh sách dài những nhân vật bị “điểm mặt” bao gồm: Thuỷ Tiên, Hương Giang, Châu Bùi,.. và gần đây nhất là Hải Tú. Như tên gọi, mục đích của các nhóm này không gì hơn ngoài lan truyền sự thù ghét (anti) ra xã hội.
Quan toà MXH đã được mở ra để để phán xét những cá nhân này. Có thể thấy săn phù thuỷ chưa bao giờ thật sự chấm dứt mà chỉ “tiến hoá” theo hướng hiện đại. Phù thuỷ ngày trước sẽ bị ném đá tới chết. Ngày nay người ta ném những lời cáo buộc ẩn danh cùng sự giận dữ vào một cú click chuột. Chỉ vậy thôi là đủ để “giết" một phù thuỷ.
7. Làm gì để không "vô thức" săn phù thuỷ?
Cơn bão của sự thù ghét trên MXH cuốn theo các cá nhân hiếu kỳ. Tỉnh táo trước thông tin tạo ra sức nặng để bảo vệ ta trước biển thông tin độc hại. Ta nên hiểu rõ rằng: MXH đem lại công cụ được phát ngôn, thể hiện ý kiến, đồng nghĩa với việc những cáo buộc cũng có một sức nặng và khả năng lan truyền tương tự.
Săn phù thuỷ không phải điều gì mới, nó cũng không phải là một phát minh của Internet. Chỉ có tỉnh táo mới khiến ta ngăn chặn được những cuộc đi săn vô bổ này.