Vì đâu thu nhập tăng nhưng mãi không giàu?
Lạm phát lối sống là gì?
Lạm phát lối sống, tên tiếng Anh là lifestyle inflation/lifestyle creep, là một hiện tượng chi tiêu xảy ra theo vòng lặp.
Bạn kiếm được nhiều tiền hơn, do đó dám chi tiền mạnh tay hơn (mà không có kế hoạch tiết kiệm, đầu tư). Đồng thời, cũng vì bạn tiêu nhiều tiền hơn, nên phải làm việc chăm chỉ hơn để kiếm được nhiều tiền hơn. Chu kỳ cứ như vậy tiếp diễn nếu bạn tiếp tục muốn nâng mức sống của bản thân.
Hiện tượng này còn được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của các HENRYs (High Earning, Not Rich Yet - những người thu nhập cao, nhưng chưa giàu).
Một số biểu hiện của lạm phát lối sống:
- Ăn ngoài nhiều hơn
- Mua quần áo nhiều hơn/đắt hơn
- Mua/thuê nhà rộng hơn
- Mua xe xịn hơn
- Đi vé máy bay hạng sang hơn
(trong khi nhu cầu không thay đổi)
Nguyên nhân thực sự của lạm phát lối sống là gì?
Việc chúng ta có xu hướng tự động nâng cao mức sống của bản thân khi kiếm được nhiều tiền hơn thường xuất phát từ 3 nguyên nhân sau.
1. Tìm kiếm phần thưởng/những điều mới mẻ
Việc tiêu tiền (cho những thứ trước giờ chưa sở hữu) có thể mang lại cho bạn cảm giác được tưởng thưởng, nhất là sau khi bạn đã làm việc chăm chỉ. Trong trường hợp này, bạn có thể hoàn toàn ý thức hành vi của mình, hoặc chỉ làm theo bản năng.
Nhà khoa học thần kinh Jaak Panksepp lập luận rằng mưu cầu (seeking) là bản năng quan trọng nhất trong 7 bản năng cốt lõi trong não người (bao gồm tức giận, sợ hãi, hoảng loạn-thương tiếc, chăm sóc con cái, ham muốn, vui chơi và mưu cầu). Nói cách khác, con người sẽ không ngừng tìm kiếm thứ gì đó mới mẻ.
Nguyên nhân là từ thuở nguyên thủy, con người chỉ có khả năng sống sót cao hơn khi chủ động khám phá môi trường xung quanh và tìm kiếm thông tin mới (những hiểm hoạ có thể xảy ra). Khi khám phá ra điều mới, dopamine, chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến phần thưởng và niềm vui sẽ được kích hoạt.
Ngày nay, hệ thống trao thưởng đó vẫn hoạt động. Nhưng khác là nó sẽ được kích hoạt ngay cả khi điều ta khám phá không phải là hiểm hoạ, mà chỉ đơn thuần là thứ ta chưa từng thấy, chưa từng trải nghiệm, chưa từng sở hữu.
Ngoài ra, ngày nay chúng ta càng có thêm nhiều lý do để tiêu tiền khi lời khuyên “yêu bản thân” được truyền thông (đôi khi là quá mức) ở khắp mọi nơi, từ các nền tảng xã hội đến các kênh bán hàng, quảng cáo.
2. (Vô thức) so sánh bản thân với người khác
Theo thuyết "so sánh xã hội" (social comparison theory), con người có xu hướng so sánh khả năng, giá trị, địa vị, tài sản, vẻ bề ngoài,... của mình với một hoặc một nhóm người. Mục đích là để tự đánh giá bản thân.
Khi thiếu đi những tiêu chuẩn chính thống (chẳng hạn như mức lương trung bình cho vị trí A tại công ty X), ta thường trực tiếp so sánh mình với những người xung quanh dựa trên những điểm tương đồng như giới tính, tuổi tác, kinh nghiệm. Ví dụ, ta hay so sánh mình với bạn học cũ sau mỗi dịp họp lớp.
Điều này vô thức khiến chúng ta cảm thấy bản thân mình không bao giờ là đủ tốt và luôn cố gắng để bắt kịp bạn bè.
Mạng xã hội còn đưa việc so sánh này lên một cấp độ mới. Chúng ta so sánh mình với những người cùng trang lứa nổi tiếng, hay thậm chí là những người ngẫu nhiên mà chúng ta tìm thấy trên internet.
3. Tìm kiếm địa vị xã hội mới
Con người là một sinh vật xã hội quan tâm sâu sắc đến địa vị của mình. Ta thích được liên kết với những người và tổ chức có quyền lực. Ta cũng thích được người khác công nhận vị thế của mình. Và một trong những cách được công nhận vị thế nhanh nhất là chi tiền cho những vật chất thấy được như quần áo hàng hiệu, trang sức, xe cộ,...
Hành động nâng cấp vị thế qua chi tiêu này có thể xuất phát từ việc so sánh xã hội (như đã nêu bên trên), hoặc không.
Có thể hạn chế lạm phát lối sống bằng cách nào?
Thay vì cố gắng theo kịp thói quen chi tiêu phóng khoáng của bạn bè hoặc người thân, đồng nghiệp, hãy thử "mặc kệ" những lời mời ăn uống, mua sắm nằm ngoài kế hoạch chi tiêu ban đầu.
Ngoài ra, bạn có thể thử thêm qua các cách gợi ý như sau:
- Viết ra các mục tiêu tài chính, và giữ chúng ở nơi dễ thấy (chẳng hạn trên bàn làm việc, trên màn hình máy tính,...)
- Lập ngân sách hàng tháng và thường xuyên theo dõi chi tiêu
- Dành ra một khoản để chi tiêu thoải mái hàng tháng
- Hạn chế tiêu thụ nội dung mạng xã hội có dấu hiệu khoe của
Khi nào việc lạm phát lối sống là có thể chấp nhận được?
1. Khi bạn chi tiền cho trải nghiệm giúp cải thiện sức khỏe tinh thần
Trong nghiên cứu về hạnh phúc từ việc mua sắm, tác giả Amit Kumar, Đại học Texas, kết luận rằng chúng ta thường hạnh phúc hơn khi chi tiêu cho trải nghiệm (như du lịch, hoạt động ngoài trời,...) hơn là mua sắm vật chất (như quần áo, đồ trang sức, đồ nội thất, thiết bị điện tử,...).
Trải nghiệm ở đây không nhất thiết phải vì mục đích giải trí, khám phá. Nó có thể là để gắn kết hơn với những người thân yêu. Chẳng hạn, bạn có thể chi tiêu cho tấm vé máy bay khứ hồi giá cao hơn để về nhà nhanh hơn, gặp lại người thân trong một trạng thái tươi tỉnh hơn so với đi tàu, xe.
Một trong những nguyên do chính được đưa ra là: ký ức tích cực thì có giá trị khó phai, trong khi đó, giá trị của những món đồ thường giảm dần theo định giá của thị trường và cả theo sở thích của người sở hữu.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý thêm ở đây là tránh rơi vào bẫy của kế toán nhận thức (mental accounting), thứ khiến ta nghĩ rằng tiền dành cho trải nghiệm thì có thể thoải mái chi. Thực tế là, trừ khi bạn có ngân sách dư dả, những trải nghiệm đáng để chi là những trải nghiệm bạn cần (thay vì những gì bạn muốn).
2. Khi thu nhập của bạn tăng nhanh hơn tốc độ bạn chi tiêu
Giả sử thu nhập của bạn tăng 10%. Nếu bạn chi tiêu nhiều hơn, nhưng không quá 10% so với lúc trước thì mức tăng này vẫn có thể chấp nhận được.
3. Khi bạn đã tiết kiệm đủ để chi tiêu thoải mái
Tức là bạn đã có một khoảng thời gian dài trước đó thực hiện việc kiểm soát chi tiêu nghiêm ngặt, hoặc duy trì mức sống vừa phải dù số tiền kiếm được đã tăng lên.
Khi số tiền tiết kiệm được đã đảm bảo quỹ khẩn cấp trong vòng ít nhất 6 tháng, lúc này bạn có thể nghĩ đến việc từ từ nâng cấp mức sống.