Vì sao bạn “năm lần bảy lượt” thất bại chuyện yêu đương?
Được chuyển ngữ từ bài viết “Why Your Relationships Fail” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Câu trả lời ngắn gọn (nhưng hơi phũ): là vì bạn.
Nếu mọi đối tượng bạn từng hẹn hò đều biến cuộc đời bạn thành địa ngục, thì điểm chung duy nhất họ đều có là bạn. Thế nên nếu điều này xảy ra, bạn thử nhìn lại chính mình trước đã.
Đây dường như là kiểu mẫu phổ biến trong các mối quan hệ: những người ít nói, trầm lặng và nhìn chung là “nice” lại dễ thu hút người có vấn đề cảm xúc và thích thao túng người khác. Tại sao điều này lại xảy ra, thậm chí tái diễn nhiều lần với họ?
Nó xảy ra khi bạn không thoải mái với việc thân mật, và không thể hiện cảm xúc một cách cởi mở và chân thật. Sự bất lực này vô hình trung thu hẹp các lựa chọn của bạn khi hẹn hò. Nói cách khác, vì không thể mở lòng, bạn chỉ có thể thu hút những người cũng “đóng lòng” giống mình. Dưới đây là một vài lý do:
Họ quá quyết đoán, còn bạn quá nhút nhát
Nếu bạn không thoải mái thể hiện “gu” hẹn hò của mình, thì vô hình trung bạn đã tự giới hạn số đối tượng bạn có thể hẹn hò. Bạn có thể sẽ gặp những người quá quyết đoán hay táo bạo.
Nếu bạn nhút nhát, không dám thể hiện hoặc không hiểu rõ điều mình muốn, thì bạn trở thành “gương mặt vàng” cho các đối tượng thích áp đặt mong muốn lên người khác. Nói theo cách dễ hiểu, chính sự yếu đuối của bạn đã mời gọi những con người ích kỷ trên vào cuộc đời bạn.
Cảm xúc bị kìm nén của bạn thu hút sự bất ổn về cảm xúc của họ
Những người không thoải mái với việc thể hiện cảm xúc có 7749 cách khác nhau để ức chế chúng. Họ tự làm tê liệt bản thân và thờ ơ với người khác, hoặc viện đủ lý do để tránh phải thể hiện cảm xúc.
Trong một số trường hợp, người ta sẽ bù đắp cho việc này bằng cách khách quan hóa các mối quan hệ và đời sống tình dục của họ. Họ cho rằng mình không cần kết nối về mặt tình cảm để có thể hẹn hò người khác. Và khi bạn kìm nén cảm xúc, tránh xa sự thân mật, thì chỉ những ai có cảm xúc bất ổn mới đủ mãnh liệt để khiến bạn “bùng nổ”.
Vì vậy, việc kìm nén cảm xúc khiến bạn vô tình “lựa chọn” những người ở thái cực đối lập. Thật vậy, những người bị ức chế cảm xúc dễ bị thu hút bởi người thể hiện cảm xúc quá mức, hoặc có cảm xúc bất ổn. Bởi điều này giúp họ cảm nhận được cảm xúc của chính mình một cách gián tiếp thông qua những bi kịch của người kia.
Họ “nghiện” drama, khiến bạn cảm thấy mình quan trọng
Đây là điều thực sự cuốn hút những người bị ức chế cảm xúc. Những “kẻ điên” này luôn ở trong một khủng hoảng nào đó, luôn là nạn nhân của cái gì đó, và luôn cần được cứu rỗi khỏi một người hoặc một sự việc nào đó.
Những điều này bỗng biến bạn thành “người hùng” quan trọng và cần thiết - hai điều bạn chưa bao giờ cảm nhận được. Bởi suốt cuộc đời mình, bạn đã kìm nén sự thân mật và giữ cho các mối quan hệ của mình ở mức hời hợt nhất có thể.
Vậy là như một lẽ dĩ nhiên, những kẻ bất ổn cảm xúc này sẽ tìm mọi cách “xả” vào bạn. Bất kỳ sự bình yên nào bạn tìm thấy cũng sẽ bị họ phá vỡ. Bởi vì sự thật bệnh hoạn là, việc người kia luôn ở trạng thái khủng hoảng khiến bạn cảm thấy mình quan trọng biết bao nhiêu.
Nỗi sợ của họ cũng giống như bạn, rằng bạn không quan trọng. Nhưng họ “đạt được” nó bằng một chiến lược đối lập: tạo drama. Và rồi cặp đôi trái dấu về cảm xúc này bước vào một vũ điệu luẩn quẩn, nơi một người luôn là cứu tinh và người kia luôn là nạn nhân, cùng nhảy những bước dao động giữa sự hưng phấn tột độ và nỗi đau khổ tột cùng.
Những “kẻ điên” ấy rồi sẽ rời xa bạn. Và cũng có thể bạn đã nhận ra điều này một cách cay đắng, giống như tôi đã từng. Theo thời gian, bạn sẽ phải hy sinh ngày càng nhiều giá trị của mình để “sửa chữa” những vấn đề cảm xúc của họ, đến mức bạn không còn khả năng suy nghĩ hay lựa chọn cho chính mình.
Điều này khiến người ta chẳng còn muốn gần gũi bạn, bởi “công thức” hoàn hảo của sự kém hấp dẫn là sống mà không có hệ giá trị. Đến lúc này, cách duy nhất để giải quyết khủng hoảng là tìm kiếm một người khác làm phức tạp mọi việc.
Những kẻ nghiện drama này cực thích tình tay ba, đặc biệt nếu nó diễn ra giữa họ và hai con người khác. Các mối quan hệ này cung cấp nguồn nhiên liệu vô tận cho những màn kịch của họ, và cho cái nhu cầu trở thành “đấng cứu rỗi” của những người bị ức chế cảm xúc.
Về lý thuyết, những “kẻ điên” này phải chịu trách nhiệm cho hành vi của họ. Nhưng nếu bạn liên tục kéo họ vào cuộc sống của mình bằng cách kìm nén cảm xúc, thì lỗi nằm ở chính bạn chứ không phải ai khác.