Vì sao chúng ta “mau nước mắt” hơn khi ở trên máy bay?

Dù khá kỳ lạ nhưng nhiều người cho biết họ dễ khóc hơn hẳn khi ở trên máy bay.
Trân Lê
Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Đối với em bé, nước mắt là một bản năng sinh tồn, giúp chúng thu hút sự quan tâm của người nuôi dưỡng. Ở người lớn thì khóc phức tạp hơn, nhưng nhìn chung thường xảy ra khi họ cần bộc lộ hoặc giải tỏa cảm xúc. Và không như trẻ con, người lớn hiếm khi khóc ở nơi công cộng.

Tuy nhiên có một ngoại lệ thường xảy ra, đó là khi chúng ta ở cách xa mặt đất. Trong một khảo sát của hãng hàng không Virgin Atlantic, 55% du khách cho biết họ đã “trải qua cảm xúc dâng trào khi bay” và 41% nam giới nói rằng họ “vùi mình trong chăn để giấu những giọt nước mắt trước hành khách khác” (theo the Atlantic).

Vậy điều gì khiến chúng ta “mau nước mắt” hơn khi ở trên cao?

Khả năng điều hòa cảm xúc bị ảnh hưởng

Việc ở trên độ cao 10.000 mét so với mặt nước biển ảnh hưởng đến sinh lý hơn chúng ta tưởng. Bên cạnh việc giảm khả năng cảm nhận độ mặn ngọt, độ cao và áp suất cao trong cabin còn làm giảm lượng oxy trong không khí gây mất nước.

Theo nhà tâm lý học Jodi De Luca, khi cơ thể bị mất nước, hành vi và não bộ của bạn cũng bị ảnh hưởng, một số người có thể gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc của mình. Điều này có thể lý giải việc vì sao mà nhiều người không kìm được nước mắt.

Bên cạnh đó, ghế ngồi ở hạng phổ thông thường không được thoải mái. Hầu như không có bất kỳ khoảng trống giữa các hành khách khiến không gian vô cùng bí bách. Cảm xúc bất ổn kết hợp với sự khó chịu về thể chất có thể khiến ta dễ “bùng nổ” hơn.

Cảm giác khi quyền kiểm soát không còn trong tay mình

Việc thay đổi độ cao và tiếng ồn động cơ tác động đến cơ chế “chiến hoặc chạy” của chúng ta. Đây là cơ chế sinh tồn, báo hiệu chúng ta cần chú ý hoặc hành động trước các yếu tố ngoại cảnh nào đó. Khi chế độ “chiến hoặc chạy” được bật, cơ thể chúng ta ở trạng thái cảnh giác cao độ để dự đoán xem phải làm gì tiếp theo.

Tuy nhiên khác với khi ở mặt đất, chúng ta gần như mất đi toàn bộ quyền kiểm soát khi trên máy bay. Trải nghiệm bay là khoảnh khắc hiếm hoi chúng ta ở một mình trong khoảng thời gian dài mà chẳng thể làm gì.

Và theo giáo sư khoa học xã hội và hành vi Vingerhoets tại Đại học Tilburg, chúng ta thường khóc trong tình cảnh mà những hành động khác không còn ý nghĩa. Khi không thể “chiến hoặc chạy”, chúng ta buộc phải đối mặt với cảm xúc của mình.

Một cách dễ liên tưởng, chúng ta thường không khóc lóc ở công sở cho dù ngày hôm đó có tệ đến đâu, bởi còn những việc khác mà chúng ta có thể/phải làm. Nhưng khi về đến nhà và chẳng còn làm được gì, thì ta lại bật khóc nức nở.

Trải nghiệm bay gợi lên cảm giác cô đơn

Trong một nghiên cứu, khi được hỏi về lý do mà mọi người khóc thì “chia cắt”, “bị từ chối” và “cô đơn” là những mô tả phổ biến (theo the Atlantic).

Đối với một số người, các chuyến bay gợi nhớ lại những cuộc chia ly (đi học, đi công tác xa nhà). Trải nghiệm để lại kỷ niệm, người thân và quê hương đằng sau có thể kích hoạt những cảm xúc sợ hãi, lo lắng, buồn bã hoặc cô đơn của một người.

Bên cạnh đó, ở các chuyến bay đường dài, khoang máy bay thường tắt đèn để hành khách nghỉ ngơi. Không gian yên ắng xa lạ, cùng ánh đèn le lói ở chỗ ngồi cũng dễ tạo nên cảm giác cô độc, khiến người ta tâm trạng hơn.

Căng thẳng bị dồn nén từ nhiều yếu tố

Cuối cùng, không như những phương tiện khác, bay là một trải nghiệm khá “cồng kềnh”. Từ việc di chuyển đến sân bay, kiểm tra an ninh, ký gửi hành lý, theo sát thời gian đến nỗi lo lắng khi đặt chân đến một nơi xa lạ. Những áp lực đó cộng với các lý do kể trên đôi khi là quá nhiều để não bộ có thể giải quyết hết.

Sau khi đã “an tọa” trên máy bay, chúng ta mới có thời gian để xử lý những cảm xúc chất chồng của mình. Và nước mắt là cách giải tỏa hiệu quả. Đây là lúc mà hệ thần kinh giao cảm (chịu trách nhiệm cho phản ứng “chiến hoặc chạy”) trao lại quyền kiểm soát cho hệ thần kinh đối giao cảm (chịu trách nhiệm cho “nghỉ ngơi và tiêu hóa”) - theo the Atlantic.

Nếu bạn hay “mau nước mắt” khi trên máy bay

Khóc trên máy bay là điều thường gặp. Ở một số hãng bay, các tiếp viên hàng không còn được đào tạo để hỗ trợ nếu thấy khách hàng bỗng dưng sụt sùi. Vì vậy, bạn có thể yên tâm khóc. Điều này sẽ giúp giải phóng cảm xúc bị dồn nén cũng như giảm bớt những lo lắng, bất an.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo những cách sau:

  • Ngủ đủ giấc đêm trước khi bay. Giấc ngủ ngon sẽ khiến tâm trạng bạn ổn định hơn để xử lý những tình huống có thể xảy ra.
  • Gọi điện cho bạn bè, người thân trước khi lên máy bay.
  • Mang theo vật dụng khiến bạn cảm thấy an toàn (chiếc chăn, gấu bông).
  • Đánh lạc hướng bản thân bằng một bộ phim (nhớ đừng chọn bộ phim quá bi đát), cuốn sách, viết nhật ký hoặc vẽ.
  • Hít thở sâu.Bạn có thể tham khảo 4 Kỹ thuật "sơ cứu" đơn giản mỗi khi căng thẳng hay lo âu quá mức.

Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục