Bổ Não: Khóc có lây không? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
07 Thg 10, 2020
Tâm Lý HọcBổ Não

Bổ Não: Khóc có lây không?

Vì sao ta khóc khi thấy người khác rơi nước mắt?
Bổ Não: Khóc có lây không?

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Bạn có từng tự hỏi vì sao mình lại rơi nước mắt trước một cảnh trong phim, hoặc khi thấy ai đó đang khóc, như thể chính mình đang trải qua?

Khi ‘khóc lây' từ câu chuyện của người khác cũng có nghĩa là bạn đang lây nhiễm cảm xúc từ họ. Chúng ta chỉ thường được nghe rằng nguyên nhân là do bạn nhạy cảm, hoặc biết thấu cảm. Nhưng làm thế nào mà chúng ta ‘cảm' được đến mức khóc lây?

Nhờ vào thần kinh phản chiếu (mirror neuron)

Các tế bào thần kinh (nơ-ron) phản chiếu được kích hoạt khi chúng ta thực hiện một hành động, hoặc khi quan sát ai đó thực hiện hành động tương tự. (Theo Psychology Today)

Ví dụ khi chúng ta bị kim đâm, một số tế bào thần kinh sẽ bị cơn đau kích hoạt và phản ứng lại. Còn khi nhìn thấy người khác bị kim đâm, chỉ một tập hợp con trong số các tế bào đó kích hoạt và ‘bắt chước' lại nỗi đau trong đầu. Tập hợp này chính là các tế bào thần kinh phản chiếu.

Chúng ta khóc lây như thế nào?

Nước mắt có nhiều loại. Có loại để giữ ẩm và giúp mắt hoạt động. Có loại để đẩy bụi bẩn ra ngoài. Và có loại được dùng làm ngôn ngữ cho cảm xúc.

Chẳng ai khóc vì thấy người khác chảy nước mắt khi bị khô hoặc có bụi bay vào mắt. Vì thế ta có thể loại trừ hai khả năng đầu.

Chúng ta cũng không khóc lây khi tình cờ bắt gặp một người xa lạ đang khóc. Vì thế điều kiện tiên quyết là ta biết được câu chuyện đằng sau. Nhưng dù vậy, thường bạn mới chỉ nghẹn ngào chứ vẫn chưa rơi nước mắt ngay. Cảm nhận được nỗi buồn chưa hẳn đã đủ để kích hoạt chế độ ‘khóc lây'.

Đến khi bạn thấy ai đó khóc, có thể là chính người trong cuộc hoặc người xung quanh. Lúc này, những giọt nước mắt vừa là phương tiện truyền tin cho cảm xúc mãnh liệt, vừa kích hoạt các tế bào thần kinh phản chiếu, khiến chúng ta cũng rưng rưng.

Vai trò của thần kinh phản chiếu trong khả năng thấu cảm

Nhà vật lý thần kinh học Giacomo Rizzolatti, người đầu tiên khám phá ra thần kinh phản chiếu cho rằng, “Sự sống còn của con người phụ thuộc vào việc hiểu hành động, ý định và cảm xúc của nhau.” Và chúng ta sẽ không làm được nếu không có thần kinh phản chiếu, đặc biệt là trong giao tiếp phi ngôn ngữ.

Thần kinh phản chiếu cho phép chúng ta hiểu nhau thông qua việc bắt chước. Không chỉ bắt chước hành động, mà chúng còn suy luận về chủ đích, ý định và cảm xúc đằng sau hành động đó để chúng ta thấu hiểu được. Đây là điều thiết yếu trong tương tác xã hội, và còn là cơ sở của thấu cảm.

Bởi thấu cảm đòi hỏi ở chúng ta khả năng đặt mình vào vị trí của người khác, cảm nhận những cung bậc cảm xúc phức tạp của họ, từ đó có thể chia sẻ với họ. Chúng ta sẽ không thể hiểu được nỗi đau của người khác nếu chưa từng trải qua. Và thần kinh phản chiếu giúp ta trải qua bằng việc mô phỏng giả tưởng.

Tuy nhiên, khả năng thấu cảm của mỗi người còn phụ thuộc vào những yếu tố khác, chẳng hạn như kiểu gắn bó và trải nghiệm cá nhân.

Trước một tigravenh cảnh việc bạn coacute khoacutec nhiều vagrave khoacutec đuacuteng chỗ hay khocircng cograven phụ thuộc vagraveo kiểu gắn boacute trải nghiệm caacute nhacircn vagrave quaacute trigravenh cắt gheacutep
Trước một tình cảnh, việc bạn có khóc nhiều và khóc 'đúng chỗ' hay không còn phụ thuộc vào kiểu gắn bó, trải nghiệm cá nhân và... quá trình cắt ghép.

Kết

Con người có hệ thần kinh phản chiếu thông minh và linh hoạt hơn các loài động vật khác, nhờ đó mà chúng ta có khả năng xã hội phức tạp hơn.

Thần kinh phản chiếu cho phép chúng ta hiểu về nguyên nhân đằng sau một số hành vi của mình. Không chỉ để thỏa mãn sự tò mò, mà còn để chúng ta kịp thời can thiệp vào các vấn đề nếu có và giao tiếp hiệu quả hơn với người khác.

Suy cho cùng, con người là một sinh vật xã hội, và tương tác xã hội chính là vấn đề sống còn.