Nước mắt và những ý nghĩa đằng sau của chúng | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
31 Thg 10, 2020
Tâm Lý Học

Nước mắt và những ý nghĩa đằng sau của chúng

Nước mắt không chỉ là một cơ chế trong bộ máy cơ thể của chúng ta. Cùng Vietcetera khám phá những ý nghĩa đằng sau chúng nhé
Nước mắt và những ý nghĩa đằng sau của chúng

Nguồn: Aliyah Jamous/Unsplash

Theo Ted-ed, mỗi năm chúng ta sản xuất một lượng nước mắt trung bình khoảng 132 kg. Nước mắt trong cơ thể chúng ta rất cần thiết trong nhiều phương diện khác nhau. Hiểu hơn về cơ chế nước mắt được tạo thành giúp chúng ta hiểu được không chỉ khía cạnh sinh lý của việc khóc, mà còn ở khía cạnh tâm lí và xã hội của nó.

Các loại nước mắt

Nước mắt không có một cấu trúc hay thành phần duy nhất mà có ba loại chính:

  • Nước mắt nền (basal tears)
  • Nước mắt phản xạ (reflex tears)
  • Nước mắt cảm xúc (emotional tears)

Lí do vì sao chúng ta có nhiều nước mắt trong một năm như đã nói ở trên, là vì mắt của chúng ta luôn luôn “khóc” để duy trì hoạt động. Đây được gọi là nước mắt nền (basal tears), có chức năng chính là loại bỏ bụi, các mảnh vật chất nhỏ và giúp mắt không bị khô.

Bên cạnh đó, khi tiếp xúc với chất kích thích như hành, mắt của chúng ta sẽ sản xuất ra nước mắt phản xạ (reflex tears). So với nước mắt nền, nước mắt phản xạ tiết ra nhiều hơn giúp rửa sạch những chất có hại và loại bỏ những vi sinh từ bên ngoài.

Nước mắt phản xạ khi ta cắt hagravenh Nguồn pinterest
Nước mắt phản xạ khi ta cắt hành |Nguồn: pinterest

Ngoài ra, khi con người mất kiểm soát cảm xúc (vui, buồn, xúc động), nước mắt cảm xúc (emotional tears) được hình thành để làm ổn định tâm trạng. The Guardian nhận định nước mắt cảm xúc chứa nhiều protein hơn hai loại còn lại, đặc hơn và chảy lâu hơn. Điều thú vị là đặc điểm này khiến mọi người xung quanh dễ thấy một người đang khóc, dẫn đến ý niệm về nước mắt như một tín hiệu xã hội (social signal).

Nước mắt và giao tiếp xã hội

Những lời giải thích đằng sau hoạt động và ảnh hưởng của nước mắt cảm xúc cho thấy bản năng sinh tồn, cách con người giao tiếp với chính bản thân và với người khác.

Trong một tập “Glad you asked” giải thích lí do tại sao chúng ta khóc của Vox, các em bé khóc để thu hút sự quan tâm của bố mẹ. Dưới góc nhìn của tiến hóa, việc sản xuất nhiều nước mắt hơn có khả năng giúp tránh kẻ xấu, an toàn hơn so với việc la lớn. Do đó, chúng ta có xu hướng khóc nhiều hơn như một phương thức sinh tồn.

Em beacute khoacutec như một bản năng sinh tồn Nguồn mamanatural
Em bé khóc như một bản năng sinh tồn Nguồn: mamanatural

Ở người trưởng thành, việc khóc phức tạp hơn rất nhiều nhưng điều căn bản vẫn là qua nước mắt cảm xúc, con người tìm kiếm và thể hiện sự liên kết, yêu thương, đồng cảm từ người khác. Bản thân chúng ta có lẽ đã từng trong trường hợp phải dồn nén cảm xúc khi đi học, đi làm nhưng òa khóc khi về nhà, gặp bố mẹ, người thân. Khi đó, nước mắt thay thế cho mọi lời nói, giải thích và thứ ta nhận lại là cái ôm, là vòng tay của những người chúng ta trân trọng, yêu thương.

Tuy nhiên, có những lúc chúng ta khóc một mình và The Guardian cho rằng khi đó nước mắt cũng có vai trò tìm kiếm sự quan tâm và an ủi. Người khóc vừa là người gửi tín hiệu cũng vừa là người nhận tín hiệu. Họ đối diện, giao tiếp với những cảm xúc thật nhất của mình và tạo không gian cho chúng lên tiếng. Do đó chúng ta hay thấy khi khóc một mình, một người thường co người lại, vòng tay ôm lấy mình, tạo ra sự an ủi cho bản thân.

Nước mắt và khoảng cách xã hội

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao người khác có thể cảm động rơi nước mắt trước một bộ phim tình cảm hay một mẩu quảng cáo, nhưng mình lại không? Câu trả lời có thể là sự khác biệt trong quan điểm cũng như trải nghiệm của bạn về thế giới xung quanh so với người đó.

Giả dụ, cùng là một bộ phim tình cảm kết thúc không có hậu, những người có trải nghiệm tương tự sẽ khó cầm được nước mắt hơn những người chưa từng trải qua. Sự khác biệt này không nên bị gắn mác "vô cảm" hay "yếu đuối".

Bên cạnh đó, chúng ta dễ thấy nhiều xã hội phân biệt giới tính vẫn đặt ra khuôn mẫu, thiên kiến về nước mắt như một thứ thuộc về “đàn bà”. Từ đó, áp đặt lên người “đàn ông” tính nam độc hại (toxic masculinity), rằng khóc là điều họ không được phép.

Đagraven ocircng khocircng được khoacutec Nguồn telegraph
Đàn ông không được khóc Nguồn: telegraph

Theo nghiên cứu, phụ nữ khóc nhiều hơn đàn ông từ 3 -5 lần. Nhưng sự thật là trên phương diện sức khỏe tinh thần những người ít khóc (non-cryers) không có sự khác biệt so với những người hay khóc (cryers).

Điều này cũng chứng minh rằng khóc nhiều không có nghĩa là yếu đuối, khóc ít không có nghĩa là mạnh mẽ và khóc nhiều quá cũng không nâng cao sức khỏe tinh thần của bạn cho lắm.

Mỗi người đều có một cách riêng trong việc giao tiếp, thể hiện cảm xúc, tâm trạng của mình và khóc, tuy quan trọng và cần thiết, không phải là cách duy nhất. Vì vậy, nước mắt cảm xúc không nên là thứ để cân đo đong đếm con người vốn đa bản dạng và phức tạp.

Kết

Khi tìm hiểu sâu hơn về nước mắt, ta thấy nó không đơn thuần là một cơ chế bình thường của cơ thể mà mở ra rất nhiều lời lí giải về con người và xã hội. Như một tín hiệu xã hội, nước mắt cảm xúc đưa ta lại gần nhau nhưng cũng có thể đẩy tara xa. Điều chúng ta có thể làm là lắng nghe câu chuyện cùng nhau, trải nghiệm cùng nhau để biết rằng khi khóc, ta thực sự cần được quan tâm.