Vì sao mùa Tết lại là nỗi sợ của người mới đi làm?

Mới đi làm chưa được bao lâu thì Tết đến. Bao nhiêu thứ phải lo khiến ngày Tết biến thành nỗi sợ. Vượt qua nỗi sợ này bằng cách nào đây?

Dương Quỳnh Anh
Vì sao mùa Tết lại là nỗi sợ của người mới đi làm?

Vì sao mùa Tết lại là nỗi sợ của người mới đi làm?

Steve Maraboli có một câu nói nổi tiếng, đại ý: “Cuộc sống không trở nên dễ dàng hơn, chỉ là chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn”. Tết cũng như vậy. Tết không trở nên “chán” đi, chỉ là chúng ta “già” đi mà thôi; đón chào bạn đến với Tết Nguyên Đán phiên bản người lớn!

Đúng, bạn có thể không còn thích Tết như ngày xưa nữa. Và đúng, chúng ta không thể quay lại. Nhưng cùng lúc, chúng ta có thể vượt qua nỗi sợ và khoác cho Tết một màu áo mới: đẹp, thực tế, và diệu kỳ theo một cách riêng.

Trong bài viết này, hãy cùng Vietcetera tìm hiểu về những nỗi sợ ngày Tết của người mới đi làm và cách để vượt qua chúng.

Nỗi sợ #1: Di chuyển

Bắt đầu đi làm, nhiều người sẽ tìm cho mình con đường riêng và chuyển đến một thành phố mới với nhiều cơ hội hơn. Mọi việc đều ổn, cho đến khi chúng ta phải đặt vé máy bay để về nhà vào dịp Tết.

Khảo sát ngay tại thời điểm này, giá vé khứ hồi Sài Gòn – Hà Nội dịp Tết Canh Tý đang dao động từ 4 đến 6 triệu đồng, tương đương 1,5-2 tháng tiền thuê nhà. Càng sát Tết, vé càng ít dần đi và đắt dần lên. Quà Tết cho bạn bè, gia đình làm hành lý thêm nặng. Chuyện di chuyển tưởng đơn giản, nhưng những áp lực nhỏ dồn lại, biến thành sự mỏi mệt to.

Kể cả khi không phải bay, những bạn trẻ làm ở thành phố muốn về quê vào dịp Tết cũng trải qua thử thách tương tự. Tàu, xe luôn quá tải vào dịp lễ. Chuyện những cuốc xe đứng hàng trăm ki-lô-mét không còn xa lạ. Chuyện lỡ ba chuyến và chỉ kịp về nhà vào chập tối 29 tháng Chạp hoàn toàn có thể xảy ra.

Giải pháp: Đặt vé từ sớm và lên kế hoạch di chuyển chi tiết. Điều này không chỉ giúp bạn tiết kiệm tiền bạc, mà còn giúp bạn tránh phải tất tả di chuyển và liên tục rơi vào thế bị động. Lên kế hoạch di chuyển là cách để bạn bắt đầu Tết một cách thật nhẹ nhàng. Khi về đến nhà, vừa kịp lúc cùng mẹ dọn phòng khách, cùng bố kê chậu hoa đào, bạn sẽ thấy rằng Tết của người lớn thực ra cũng đẹp lắm!

Nỗi sợ #2: Sắm sửa cho mình

Mới đi làm, chúng ta sẽ thấy mình ở một “tình thế” chung: tiền hơn vừa đủ tiêu một chút, nhưng cũng không quá dư dả để tha hồ sắm sửa. Song, đừng ngại chi tiêu cho chính bản thân mình vào dịp Tết. Vì sao?

Thời điểm đi làm đánh dấu một bước chuyển quan trọng, khi chúng ta không còn phụ thuộc vào gia đình về mặt tài chính nữa. Quản lý tiền bạc là một kỹ năng mà ai cũng phải có, và việc đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của chính mình là biểu hiện của một người tiêu dùng thông minh. Tết là dịp mà bạn sẽ phải tiêu gấp nhiều lần thông thường; tuy thế, đừng bỏ quên chính mình.

Hãy mua vài món quần áo mới để mặc vào dịp lễ. Tự thưởng cho mình một món gì đó thật ngon, hay một vật dụng bạn hằng mong sở hữu. Lương của phần lớn người mới đi làm chỉ vừa đủ, vậy nên hãy tiêu dùng vừa, nhưng đủ.

Bí quyết: Hãy lên một danh sách những thứ bạn muốn mua, chọn lấy những món bạn có-thể-mua, và khoanh vùng những items thực sự hữu dụng và hợp lý nhất. Sau đó thì sao?

Quẹt thẻ thôi, ta là người đi làm rồi mà!

Nỗi sợ #3: Quà cáp

Khi còn nhỏ, một trong những niềm vui lớn lao nhất của chúng ta là được tặng quà và được lì xì. Khi trưởng thành và có thu nhập, bạn sẽ được biết đến một niềm vui mới, đó là tặng quà và trao lì xì cho những đứa em. đứa cháu nhỏ trong nhà. Thật khó để viết về mục này như một nỗi sợ, bởi cá nhân người viết cho rằng tặng quà là một trong những điều đặc biệt và ấm áp. Nó biểu hiện một sự may mắn lớn lao: đó là chúng ta có người để quan tâm và yêu thương.

Thực tế, số lượng quà tặng lớn và tiền lì xì có thể đòi hỏi bạn phải biết tính toán và cân đối, để vừa lựa được quà hay, vừa không hao hụt quá nhiều chi phí. Tuy vậy, hãy luôn nhớ rằng những người ta đang tặng quà là gia đình, tức là những người gần gũi và gắn bó với chúng ta nhất. Thay vì chọn những món đắt tiền, hãy mua những món ngon để ăn Tết, những tặng vật ấm áp mà người nhận sẽ thực sự yêu thích và sử dụng được.

Tips nhỏ: Khi lì xì các em bé là bạn có thể đổi tiền Việt sang ngoại tệ, hoặc mua những phong bao đáng yêu, có hình vẽ ngộ nghĩnh. Trẻ con thường quan tâm đến cách chúng nhận quà hơn là giá trị vật chất. Vào một dịp lễ thân mật như Tết, tiền không phải là điều quan trọng nhất. Với những mối quan hệ mà tiền vượt lên trên tình cảm, có lẽ bạn cũng không cần để tâm và vun vén nhiều.

Nỗi sợ #4: Những câu hỏi không hồi kết

“Cháu đi làm ở đâu, lương bao nhiêu?”

“Bạn trai/bạn gái đâu, bao giờ cưới?”

Và những câu hỏi liên quan đến ngoại hình nói chung.

Không có nhiều thứ để nói xung quanh những câu hỏi này, bởi thực ra chúng chỉ thay cho mong muốn tìm hiểu, mong muốn kết nối, hoặc đơn giản là giúp không khí chuẩn bị mâm tiệc thêm phần sôi nổi. Với những mối quan hệ không quá thân thiết, tần suất gặp mặt thấp, việc mọi người hỏi những câu hỏi “tiêu chuẩn” đó là rất dễ hiểu.

Đa phần những câu hỏi này đều không mang tính tiêu cực, mà chỉ là một cách để người khác kết nối với chúng ta. Ta có hai cách tích cực để đáp lời: một là không để bụng, trả lời gọn ghẽ và đúng trọng tâm; hai là thử biến nó thành mở đầu của một cuộc hội thoại có ý nghĩa.

Gợi ý: Bạn có thể thực sự chia sẻ, hoặc hỏi thăm cuộc sống của người thân và thực sự lắng nghe câu trả lời. Bạn có thể biến những dịp gặp mặt chớp nhoáng thành một cơ hội để quan tâm đến người khác. Những câu chuyện sẽ không biến một mối quan hệ trở thành thân thiết trong nháy mắt, nhưng nó sẽ đánh dấu một nỗ lực gắn kết đầy ắp sự thật lòng.

Nỗi sợ #5: Chúc Tết

Chúc Tết là một nét văn hóa hữu lễ của người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng. Chúc Tết, về bản chất, là nghi thức xã giao. Nó tương tự như việc người phương Tây gửi thiệp dịp Giáng sinh hay cách người Việt tặng bánh Trung thu vào Rằm tháng 8. Khi mạng lưới mối quan hệ càng lớn, tần suất tham gia vào những hoạt động xã giao của bạn sẽ càng nhiều.

Khi đã đi làm, Tết thường đi liền với trách nhiệm thăm hỏi đồng nghiệp, họ hàng và những người bạn của gia đình. Bởi tính trách nhiệm được đề cao hơn tình cảm, đừng ngần ngại tạo ra “cơ chế” của riêng mình. Ví dụ: hãy lên danh sách những người bạn sẽ chúc Tết theo mức độ ưu tiên. Sắp xếp xem bạn sẽ gửi quà cho ai, gặp mặt trực tiếp ai và gửi tin nhắn chúc mừng tới ai. Sau đó, hãy lên lịch hẹn thật chu đáo.

Cuối năm, ai cũng bận rộn, song ai cũng muốn được quan tâm và nhớ đến. Vì thế, việc “tuân theo” nghi thức xã giao là một điều nên làm, với một sự khéo léo và tỉ mỉ nhất định.

Bí quyết: lên kế hoạch từ sớm để đảm bảo bạn sẽ gặp được người cần gặp, những món quà cần tặng sẽ đến tay người nhận, và không bỏ lỡ bất kỳ ai khi ấn nút “gửi” tin nhắn đêm giao thừa.

Kết

Nếu nghĩ thật sâu, bạn sẽ nhận ra Tết của một người đi làm phức tạp và bớt “thơ” hơn ngày còn bé. Tuy thế, như mọi điều khác trong cuộc sống, “cân” Tết cũng là một kỹ năng có thể được luyện tập và trau dồi. Vietcetera chúc bạn thật nhạy bén để vượt qua những thử thách của ngày Tết, để nhận ra Tết của người trưởng thành tuy mệt, nhưng vẫn đáng trông mong.

Bài viết này được thực hiện bởi Dương Quỳnh Anh.

Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục