Đến Nơi Rồi - Phần 4: Tôi tồn tại và tôi có thể | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Đến Nơi Rồi - Phần 4: Tôi tồn tại và tôi có thể

Tôi cầm lấy chiếc thẻ. Đó là một miếng bìa cứng đơn giản, hơi cong do được ép trong ví. Có một phần lịch nhỏ ở một mặt. Mặt bên kia in dòng chữ: Tôi tồn tại và tôi có thể.
Đến Nơi Rồi - Phần 4: Tôi tồn tại và tôi có thể

Minh hoạ bởi Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Bài viết là đoạn trích từ cuốn hồi ký Đến Nơi Rồi của nhà văn, luật sư, chuyên gia huấn luyện cấp cao và nữ doanh nhân Cát Thảo. Đến Nơi Rồi là chuyến hành trình đi tìm ánh sáng tại nơi đất khách của cô và gia đình.

Bạn có thể đặt mua tác phẩm tại:
- Tiki
- Shopee
- TikTok Shop

Tôi tham gia một dự án khoa học sau giờ lên lớp. Chúng tôi làm một chiếc kính thiên văn và tham gia một cuộc thi tại Đại học New South Wales. Nhóm của chúng tôi đã làm dự án này trong nhiều tháng. Nhiều vật liệu khác nhau đã được thử nghiệm để mài những chiếc thấu kính đủ chậm nhằm đạt được độ lõm chính xác nhất. Kết quả cuối cùng nhìn không đẹp lắm, nhưng khả năng hoạt động thì tốt.

Một buổi chiều sau khi tan học, chúng tôi đợi đến khi màn đêm buông xuống, sau đó lần lượt từng người ghé mắt vào chiếc kính viễn vọng làm từ ống công nghiệp phế liệu và hàng giờ lao động miệt mài trong phòng thí nghiệm.

Lần đầu tiên trong đời, tôi được nhìn thấy cận cảnh mặt trăng. Tôi còn thấy cả sao Kim. Tôi nhìn thấy được những ngôi sao. Tôi nhìn thấy một thế giới nơi những linh hồn tổ tiên tôi nhịp nhàng di chuyển từ hành tinh này sang hành tinh khác, nơi những nguyện cầu của tôi gửi đến họ được giữ an toàn, nơi những mơ mộng ban ngày của tôi trở thành những giấc mơ ban đêm và rồi biến thành những hạt ánh sáng mặt trời. Thật diệu kỳ.

Tôi thành lập hội thanh niên quận St Vincent de Paul tại trường. Tôi liên hệ đến các bệnh viện và trung tâm dành cho trẻ em bị thiểu năng trí tuệ. Tôi điều phối các tình nguyện viên (chủ yếu là nhóm bạn của tôi) đến thăm viếng vào những ngày nghỉ học. Tôi lại tham gia thi tranh biện.

Năm mười sáu tuổi, tôi quyết định tham gia một cuộc thi nói trước đám đông. Tôi đã tự tin hơn nhiều. Cuộc thi Rostrum Voice of Youth có quy mô trên toàn tiểu bang với các vòng thi cấp quận và khu vực. Các giáo viên đi cùng tôi đến từng cuộc thi. Là một ngôi trường mới tương đối ít người biết đến, họ rất tự hào khi thấy tôi đại diện Bethany và đánh bại các học sinh đến từ các trường điểm và các trường ngữ pháp tư nhân danh tiếng khác.

Tôi lọt vào vòng chung kết cấp bang, được tổ chức tại Bảo tàng Hàng hải Quốc gia ở Darling Harbour. Học sinh từ khắp tiểu bang sẽ được đưa đến một khách sạn gần Hyde Park trong một vài ngày. Tôi chưa bao giờ được ở khách sạn. Gia đình và giáo viên của tôi sẽ đến dự trận chung kết. Áp lực phải giành chiến thắng rất lớn. Tôi muốn ba mẹ tự hào về tôi.

alt
Áp lực phải giành chiến thắng rất lớn. Tôi muốn ba mẹ tự hào về tôi.

Một vài ngày trước khi sự kiện diễn ra, tôi ngồi trong thư viện sau giờ học. Mọi người đã về nhà và thư viện đã đóng cửa. Giáo viên điều phối năm học của tôi, một người đàn ông tuyệt vời và giàu lòng nhân ái, cảm thấy tôi có vẻ không ổn. Ông ấy ngồi đối diện với tôi.

Vào thời điểm đó, tôi không thể nói rõ được, một phần nhiệm vụ của tôi là đền đáp. Đền đáp cho mẹ tôi, đền đáp cho ba tôi, đền đáp cho cậu Hồng Khanh người được tin là đã bị giết trong rừng Campuchia — đền đáp cho tất cả những ai chưa đến nơi thành công. Tôi lẩm bẩm kể điều gì đó về cuộc sống tị nạn, về việc muốn làm cho ba mẹ tôi hạnh phúc, về sự bất lực, về mệnh lệnh tuyệt đối phải giành chiến thắng.

Chiến thắng đó sẽ là một chiến thắng nhìn thấy được; phần nào khiến những tháng ngày không ngừng may vá và những ca làm trong nhà máy của ba mẹ tôi trở nên đáng giá. Tôi úp mặt vào tay khóc nức nở.

Người điều phối năm học của tôi ngồi đó, lắng nghe tôi, một đứa trẻ mười-sáu-tuổi với đôi vai nặng trĩu, rũ rượi. Sau đó ông ấy nói, ba mẹ đã rất tự hào về tôi rồi, tôi không tin là như vậy. Ông lấy ví, rút ​​ ra một chiếc thẻ và đưa cho tôi. Chiếc thẻ này ông được một người đặc biệt tặng vài năm trước, ông ấy nói. “Tôi đã mang theo chiếc thẻ này từ lâu rồi. Tôi được yêu cầu chuyển nó đi khi gặp một người đặc biệt. Một người nào đó cần nó. Tôi muốn em giữ nó. Khi em gặp một người đặc biệt đang cần nó, em hãy chuyển nó đi tiếp.”

alt
Người điều phối năm học của tôi ngồi đó, lắng nghe tôi. Sau đó, ông lấy ví, rút ​​ ra một chiếc thẻ và đưa cho tôi.

Tôi cầm lấy chiếc thẻ. Đó là một miếng bìa cứng đơn giản, hơi cong do được ép trong ví. Có một phần lịch nhỏ ở một mặt. Mặt bên kia in dòng chữ: Tôi tồn tại và tôi có thể. Với sức mạnh của Chúa. Tôi giữ chiếc thẻ trong khoảng tám năm, trước khi chuyển cho người kế tiếp.

Tôi ngồi đó ở bàn thư viện, cầm chiếc thẻ trên tay. Tôi biết, thế vẫn chưa đủ. Tôi biết chiếc thẻ sẽ không cho tôi sức mạnh để giành chiến thắng, để đền đáp tất cả những đau đớn khổ cực của gia đình tôi, để chữa lành cho chúng tôi. Nhưng tôi vẫn cất chiếc thẻ vào ví và cảm ơn thầy.

Còn tiếp...

Đọc các đoạn trích khác tại đây.