Vì sao người trẻ vẫn ngại mua bảo hiểm?

Dù đã bước khỏi vùng trũng của thời kỳ nghèo đói, tỷ lệ tham gia bảo hiểm ở Việt Nam vẫn khá thấp.
Hiền Lê
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam có tốc độ già hóa dân số vào top nhanh nhất thế giới. Dự kiến đến năm 2050, khoảng 25% dân số Việt Nam sẽ ở độ tuổi từ 60 trở lên. Tuy vậy, tỷ lệ tham gia bảo hiểm ở nước ta lại khá thấp.

Điều này khá dễ hiểu ở các thế hệ trước, khi nền kinh tế bao cấp còn tồn tại và tư duy “trẻ cậy cha, già cậy con” còn phổ biến. Hiện nay dù cơ cấu kinh tế - xã hội đã thay đổi và thu nhập bình quân tăng cao, tỷ lệ bảo hiểm ở số người trẻ trong độ tuổi lao động vẫn thấp hơn nhiều so với thế giới.

Trung bình cứ 100 người Việt Nam thì chỉ 8 người có hợp đồng bảo hiểm. Trong khi đó, mỗi người Nhật có trung bình 4 hợp đồng và mỗi người Hàn sở hữu ít nhất 1 hợp đồng. Vậy điều gì đã dẫn đến tâm lý ngại mua bảo hiểm ở giới trẻ, dù đây là tấm khiên vững chắc để đảm bảo cuộc sống khi về già?

Tâm lý né tránh nghĩ đến chuyện ốm đau vì còn trẻ

Có một sự thật là khi còn trẻ, chúng ta thường ít nghĩ đến sức khỏe khi về già. Dù phần đông chúng ta nhận thức được rằng, càng về già thì sức khỏe sẽ không được như thời trẻ, và “sinh-lão-bệnh-tử” là quy luật tất yếu của đời người.

Đây là ví dụ điển hình của hiệu ứng đà điểu - thiên kiến nhận thức xảy ra khi con người né tránh thay vì đối mặt với thông tin tiêu cực. Đa số người trẻ không gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nên họ sợ phải thay đổi niềm tin của chính mình.

Ở độ tuổi này, mối quan tâm của chúng ta hầu như tập trung vào công việc, các mối quan hệ và tài chính cá nhân. Sức khỏe tương lai vì thế cũng trở thành mối quan tâm thứ yếu, do não bộ không còn đủ năng lượng để cân nhắc cho nó.

Hiệu ứng đà điểu còn thể hiện ở việc ta ngại khám sức khỏe vì tâm lý “bói ra ma, đi khám ra bệnh”. Trong khi đó, đây lại là điều kiện tiên quyết với hầu hết các hợp đồng bảo hiểm.

Bạn tập trung vào khía cạnh “mất” thay vì “được”

Theo lý thuyết triển vọng (prospect theory) của Amos Tversky và Daniel Kahneman, con người vốn nhạy cảm với mất mát. Vì vậy khi nói về bảo hiểm, bạn thường chỉ nhìn vào khía cạnh “mất tiền” thay vì khía cạnh “được bảo vệ”.

Nói cách khác, bạn nhìn nhận việc mua bảo hiểm giống như cuộc chiến được-mất giữa bạn và công ty bảo hiểm. Bạn phải bỏ ra một số tiền định kỳ để đề phòng cho một biến cố, mà bạn không biết là nó có xảy ra hay không. Vì xác suất xảy ra biến cố khi còn trẻ khá thấp, nên chúng ta có chung tâm lý cho rằng, công ty bảo hiểm sẽ luôn luôn được lợi còn mình thì chưa chắc.

Bạn đánh giá quá cao mức chi phí tham gia bảo hiểm

Nhiều người không tham gia bảo hiểm vì cho rằng chi phí cao. Tuy nhiên bảo hiểm nhân thọ có nhiều mức giá khác nhau, từ 7 triệu đến 50 triệu/năm tùy thuộc vào thu nhập của bạn.

Nếu chia phí bảo hiểm theo từng tháng, bạn sẽ nhận ra thực tế nó không cao đến vậy. Chẳng hạn nếu mua gói 7 triệu/năm, thì mỗi tháng bạn chỉ phải đóng trung bình 500-600 nghìn đồng - hoàn toàn phù hợp với mức thu nhập của đa số millennial và gen Z hiện nay.

Tuy nhiên chúng ta ít khi nhận thức được điều này, do não bộ xử lý số lớn và số nhỏ khác nhau. Trong trường hợp trên, con số nhỏ hơn (500 nghìn) sẽ được xử lý ở não phải, còn 7 triệu ở não trái. Hai quá trình xử lý xảy ra gần như tách biệt với nhau, cộng thêm việc não tập trung vào khía cạnh “mất tiền”, nên bạn có cảm tưởng mua bảo hiểm luôn đắt tiền.

Tâm lý phản kháng do bị “cưỡng ép” tiếp xúc

Do bảo hiểm có đặc thù là giá trị lớn, gọi điện chào hàng (cold calling) vẫn là hình thức marketing phổ biến cho sản phẩm này. Cách làm này tuy tăng độ nhận diện cho các gói bảo hiểm, nhưng cũng vô tình khiến không ít người có ác cảm với việc mua chúng.

Khi một món hàng được chào mời quá nhiều, nó dễ khiến khách hàng sản sinh tâm lý phản kháng (psychological reactance). Não bộ coi đây là mối đe dọa tới sự tự do lựa chọn của chúng ta. Nói cách khác, việc được chào mời mua bảo hiểm thường xuyên khiến bạn có cảm giác bị ép phải mua, do đó muốn làm điều ngược lại.

Một số người khác có cái nhìn tiêu cực về bảo hiểm vì các “phốt” về bảo hiểm lừa đảo lan truyền rộng rãi, hoặc vì bản thân họ là nạn nhân. Điều này xảy ra do một bộ phận nhỏ tư vấn viên không tìm hiểu kỹ càng, hoặc cố ý tư vấn sai cho khách hàng để trục lợi cho bản thân.

Nên nhìn nhận việc mua bảo hiểm thế nào?

Trong cả 4 nguyên nhân trên, các hiệu ứng tâm lý hoặc thiên kiến nhận thức gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan điểm của chúng ta về bảo hiểm. Trên thực tế bảo hiểm là một dạng đầu tư dài hạn cho sức khỏe và cuộc sống, nó mang lại lợi ích không nhỏ cho chúng ta và những người thân yêu.

Bảo hiểm giúp bạn tránh tự chẩn bệnh bằng Google

Nhiều người khi có chút triệu chứng thì tra mạng, rồi lo lắng khi các thông tin tìm kiếm cho ra một căn bệnh nghiêm trọng. Hiện tượng này còn gọi là hội chứng cyberchondria, về lâu dài có thể gây tâm lý lo âu và nhiều hệ quả khác.

Đáng chú ý là nhiều người ngại tới khám bác sĩ do lo ngại chi phí. Vì vậy, việc có bảo hiểm y tế sẽ giúp bạn gỡ bỏ chướng ngại tâm lý này. Từ đó bạn chủ động đi khám khi có biểu hiện bệnh, tránh việc tự chẩn đoán và chữa trị theo phương pháp sai lệch.

Tuổi trẻ là độ tuổi lý tưởng để mua bảo hiểm

Do tác động của hiệu ứng đà điểu, nhiều người trẻ (đặc biệt người độc thân) nghĩ bảo hiểm không phải sản phẩm dành cho mình. Thực tế đây lại là độ tuổi lý tưởng nhất để bạn mua bảo hiểm. Vì đang ở độ tuổi khỏe mạnh, chưa gặp nhiều vấn đề sức khỏe và vẫn còn khả năng kiếm tiền, bạn có thể dễ dàng mua được gói bảo hiểm giá tốt.

Như đã phân tích ở trên, bạn hoàn toàn có thể chọn gói bảo hiểm phù hợp với hầu bao của mình. Để làm được điều này, bạn cần tiết kiệm có kế hoạch, bớt tiêu xài cảm tính và hạn chế những khoản chi tiêu nhỏ (latte factor).

Không ai nói trước được điều gì

Biến cố là điều không ai muốn xảy ra. Nhưng nếu nó thực sự xảy ra, thì bảo hiểm sẽ giúp bạn giảm nguy cơ phá sản một cách đáng kể.

Bản thân tôi từng không may bị tai nạn phải phẫu thuật khi du học ở Úc. Vì có bảo hiểm y tế, tôi phải trả khoảng 500 AUD (khoảng 8 triệu VND) tiền cấp cứu và tiền thuốc (do 2 khoản này không nằm trong danh sách bảo hiểm). Nhưng nếu không có bảo hiểm, tôi sẽ phải chi trả toàn bộ số tiền khám bệnh, phẫu thuật và lưu viện lên tới 20,000 AUD (khoảng 321 triệu VND).


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục