Cyberchondria - Chẩn bệnh bằng "bác sĩ Google" có khiến bạn lo âu? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
25 Thg 12, 2021
Tâm Lý Học

Cyberchondria - Chẩn bệnh bằng "bác sĩ Google" có khiến bạn lo âu?

Đã bao giờ bạn trải qua việc "Bói ra ma, Google ra bệnh"?
Cyberchondria - Chẩn bệnh bằng "bác sĩ Google" có khiến bạn lo âu?

Linh Thảo @in_prairie cho Vietcetera

Một cái ho nhẹ, vài lần nhức đầu? Cần gì bác sĩ khi giờ đây chỉ cần tra cứu một dấu hiệu sức khỏe trên Google thì hàng loạt thông tin về loại bệnh, cách chữa trị sẽ xuất hiện.

Dù các thông tin về triệu chứng trên mạng chỉ đúng hơn 50% ta vẫn ưa chuộng việc tự tra cứu hơn thật sự gặp bác sĩ. Hành động này phổ biến đến mức được đặt tên là hội chứng cyberchondria.

Vậy nên, nếu bạn đang trong trạng thái lo lắng vì mới tự tra cứu, hay chuẩn bị hỏi “bác sĩ” Google, bài viết này có khi sẽ thay đổi suy nghĩ của bạn về hành động tưởng chừng vô hại này đấy.

Cyberchondria là gì?

Hội chứng cyberchondria miêu tả nỗi lo âu về sức khỏe khi liên tục sử dụng công cụ tìm kiếm online (như Google) để tra cứu các triệu chứng sức khỏe, thông tin y khoa. Ngoài hậu quả là nỗi lo âu phi thực tế và việc tự chẩn đoán, ta còn có thể dễ tin theo những lời khuyên “ảo” để tự chữa trị cho chính mình.

alt
Cyberchondria - Lo âu khi Google triệu chứng bệnh của mình.

Cyberchondria được nêu tên lần đầu vào năm 2001 trong một bài báo trên tờ The Independent để mô tả "việc lạm dụng các trang web sức khỏe trên internet có thể thúc đẩy sự lo lắng về sức khỏe”.

Cyberchondria không hẳn là một triệu chứng mới. Thật ra đây là “phiên bản trực tuyến” của hypochondria (cyberchondria là kết hợp giữa "cyber" và "hypochondria"). Trước khi mạng internet trở nên phổ biến, mọi người cũng trải qua nỗi âu lo khi phải đến phòng khám hoặc thư viện để thu thập thông tin sức khỏe.

Điều gì tạo nên cyberchondria?

1. Các nỗi sợ hãi sẵn có

Nỗi sợ hãi sẵn có khiến bạn có tâm thế tự tìm kiếm thông tin y khoa hơn là tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ hay chuyên gia khi cảm thấy có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.

Nỗi sợ này có thể là hậu quả của trải nghiệm trong quá khứ, chẳng hạn bạn đã từng bệnh nặng thuở bé hay chứng kiến sự ra đi của người thân bởi bệnh tật. Ngoài ra, các nỗi sợ hãi như nỗi sợ đến bệnh viện (hội chứng nosocomephobia) cũng thúc đẩy bạn tự chẩn đoán hơn là đến bác sĩ.

2. Nỗi sợ hãi với sự không chắc chắn

Nỗi sợ với những điều không chắc chắn dễ khiến con người cảm thấy lo âu. Vì vậy, bạn cần một lời giải thích “hợp lý” cho những triệu chứng mình đang gặp. Đây là một dang cơ chế phòng vệ có tên là tri thức hóa (intellectualization).

Khi đang không biết bản thân mắc bệnh gì thì việc tìm kiếm thông tin để đưa ra kết luận giúp người ta xoa dịu cảm giác mơ hồ.

Kèm với nguyên nhân tiếp theo, điều này vô tình tạo nên một vòng lặp tìm kiếm-lo âu không hồi kết.

3. Thuật toán của công cụ tìm kiếm

Google dường như chứa mọi thông tin cho các câu hỏi của bạn. Tuy nhiên, nó cũng được lập trình để tối ưu kết quả dựa trên từ khóa bạn tìm kiếm. Thế nên, cách bạn đặt câu hỏi sẽ ảnh hưởng đến các thông tin bạn nhận được.

Nếu một câu hỏi quá cụ thể chẳng hạn như “Ho khan là dấu hiệu của bệnh gì?”, thì hàng loạt các loại bệnh có dấu hiệu ho khan sẽ được xuất hiện. Còn nếu câu hỏi chỉ là một loại bệnh tổng quát như “Đâu là dấu hiệu của trầm cảm?” thì hàng loạt dấu hiệu chung chung của bệnh trầm cảm sẽ xuất hiện.

Vì thế, “bác sĩ Google” chỉ có thể đưa ra những thông tin bạn tìm thay vì những thông tin áp dụng riêng cho trường hợp của bạn. Đây là điều mà chỉ có một nhân viên y tế, hoặc bác sĩ có thể thực hiện.

Cách tra cứu “vừa đủ” để tối ưu lợi ích thông tin về sức khỏe

Một y tá ẩn danh trên tờ Healthline lên tiếng rằng chúng ta nên dừng ngay việc tự chẩn đoán này trước khi nó trở thành một nỗi ám ảnh lo âu rằng ta thật sự bị căn bệnh đó. Điều này dựa trên trải nghiệm của cô với một bệnh nhân “mất ăn mất ngủ” vì tin rằng mình có khối u não thông qua thông tin từ Google.

Tuy nhiên, sử dụng Google để tìm hiểu thông tin sức khỏe không phải điều xấu miễn là bạn coi đây là điểm bắt đầu (hoặc biết thêm) chứ không phải là kết luận. Thay vì triệu chứng, đây là những thông tin mà bạn có thể Google:

  • Địa điểm thăm khám sức khỏe
  • Thông tin của bác sĩ: nơi công tác, chuyên môn, thành tựu,...
  • Những thông tin mới cập nhật của một chứng bệnh (ví dụ như COVID-19)
  • Cách đọc kết quả xét nghiệm (các chỉ số phản ánh điều gì?)
  • Cần lưu ý những gì sau khi đã có kết quả chẩn đoán (chế độ ăn uống, kiêng cử)

Việc vạch ra các ranh giới khi tra cứu về thông tin sức khỏe giúp bạn tránh rơi vào vòng lặp tìm kiếm-lo âu. Không những thế, nó còn giúp bạn có vững tinh thần, không bị sợ hãi trước khi tham vấn với bác sĩ thật sự.

alt
Việc vạch ra các ranh giới khi tra cứu về thông tin sức khỏe giúp bạn tránh rơi vào vòng lặp tìm kiếm-lo âu

Vietcetera cũng gợi ý bạn những cái “không” sau đây giúp không bước qua vòng xoáy cyberchondria:

  • Không vội tin các thông tin đọc trên mạng
  • Không vội đưa ra kết luận khi chưa tham vấn cùng bác sĩ
  • Không vội tìm cách tự chữa trị khi chưa có kết luận từ bác sĩ

Ngoài ra, hãy cẩn thận với những website mà bạn dùng làm nguồn tham khảo để tránh tin giả, hay các thông tin với mục đích quảng cáo. Những thông tin này thường dễ kích thích nỗi lo sợ của bạn hơn.