03 Thg 10, 2018Sáng TạoÂm Nhạc

Vũ Đinh Trọng Thắng - Ngọt: Thiền và sáng tạo

Ngọt là ban nhạc Việt thành lập vào năm 2013. Năm 2017, ca khúc “Em dạo này" thuộc album “Ng bthg" đã giúp Ngọt xuất sắc giành được các giải thưởng “Bài hát của năm" và “Nghệ sĩ mới của năm" tại Lễ trao giải Cống Hiến diễn ra vào đầu năm nay. Cùng trò chuyện với thành viên Vũ Đinh Trọng Thắng.

David Kaye
Vũ Đinh Trọng Thắng - Ngọt: Thiền và sáng tạo

Vũ Đinh Trọng Thắng - Ngọt: Thiền và sáng tạo

Tôi có hẹn với Thắng tại Bâng Khuâng Cafe vào một chiều thứ Bảy ảm đạm. Khi vừa bước vào không gian nhuốm màu hoài niệm này thì ngoài kia trời cũng bắt đầu lấm tấm mưa, Thắng cùng những người bạn của anh đã ngồi đó tự bao giờ. Thấy tôi, Thắng tạm dừng cuộc đối thoại đang đến hồi sôi nổi cùng bạn.

Năm 2013, Thắng (tên đầy đủ là Vũ Đinh Trọng Thắng) bắt đầu thành lập Ngọt cùng với hai người bạn, Nguyễn Hùng Nam AnhTrần Bình Tuấn. Lúc bấy giờ, cả ba chỉ vừa mới tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhờ sự ủng hộ của những người yêu nhạc mà ba người họ có đủ tiền để thực hiện album đầu tay, trong đó có bài hát “Không làm gì”. Thế rồi Bình Tuấn rời đi, Ngọt tiếp tục hoạt động với những ca khúc Indie Pop kết hợp một chút bay bổng của Valse và một chút chậm rãi đầy quyến rũ của Gypsy Jazz.Thắng, nhạc sĩ kiêm ca sĩ chính của Ngọt.

Hai năm sau đó, Ngọt chính thức ra mắt với album nhạc cùng tên. Năm 2017, ca khúc “Em dạo này” thuộc album “Ng bthg” đã giúp Ngọt xuất sắc giành được các giải thưởng “Bài hát của năm” và “Nghệ sĩ mới của năm” tại Lễ trao giải Cống Hiến diễn ra vào đầu năm nay.

Trở về với hiện tại, Thắng đang ngồi ở đây, chậm rãi ngắm mưa rơi, kể chuyện anh sắp bước sang tuổi hai tư, kể chuyện ngày ‘xưa’ nhóm anh thành lập thế nào, bây giờ ra sao…

Ba nhóm nhạc ảnh hưởng đến thẩm mỹ âm nhạc của anh là…

The Beatles, Nirvana, và jazz của Django Reinhardt. Tuy dạo này tôi thấy mình dần mất kết nối với nhạc của The Beatles nhưng cái sự cuốn hút từ cách viết đi thẳng vào lòng người của họ thì vẫn cứ ở đấy. Họ có quy luật riêng (ít nhất là khi mới vừa bắt đầu) – nhạc phải bắt tai, phải có nhịp điệu và lời nhạc gần gũi.

Nirvana thì khác – họ thể hiện bản thân một cách vô tư lự. Sự khác biệt của họ là một thứ gì đó rất đỗi tự nhiên, không cần phải gắng gượng hay suy tính. Còn về phần Django Reinhardt…biết nói gì bây giờ? Ông ấy quá tài năng. Đến nỗi cứ nghe là bạn lại muốn nhấc đàn ghi-ta lên và thầm ước rằng mình cũng có thể tạo ra thứ âm thanh tự do, trong trẻo và lãng mạn như thế, à không, chỉ bằng phân nửa thôi cũng đủ toại nguyện rồi.

Vậy còn những bài nhạc anh nghe suốt thời niên thiếu thì sao?

Bên cạnh ba cây đại thụ kể trên, suốt thời niên thiếu tôi còn nghe những bài nhạc mà Hùng, anh trai mình, thường nghe. Ngày bé, bố tôi thường xuyên công tác xa, vậy nên nếu có ai đó để tôi nhìn vào và noi theo, thì đó là Hùng.

Hùng hơn tôi tám tuổi và từng là thành viên của Cuộc Sống, nhóm nhạc tiên phong của dòng nhạc grunge rock tại Hà Nội. Chính Hùng là người mang tôi đến với Rock và cũng nhờ anh mà tôi biết những nhóm nhạc rock đời đầu ở Việt Nam như Bức Tường, Da Vàng, Gạt Tàn Đầy, và Thủy Triều Đỏ. Ngày đó Hùng hay đàn hát trong nhà, mà bố tôi thì chúa ghét điều đó. Bố muốn chúng tôi theo đuổi những ngành nghề “nghiêm túc” như kiến trúc sư, còn mẹ tôi thì lại muốn con mình trở thành giáo viên.

Nghĩ lại, từng có khoảng thời gian tôi muốn được như Hùng, và cũng từng có thời gian tôi cảm thấy mất niềm tin với tất cả mọi người. Cái cảm giác ấy chỉ kết thúc khi tôi bước vào cấp ba – đó là ngày tôi bắt đầu khát khao được là chính mình.“Bước vào cấp ba, tôi bắt đầu khát khao được là chính mình.”

Những địa điểm nào đã mang Ngọt đến gần với công chúng?

Chính là The Door Cafe, và đặc biệt là Hanoi Rock City. Thời bấy giờ chỉ có những người ở Hanoi Rock City mới hiểu được chất nhạc của chúng tôi và cũng chính họ bảo rằng, “nhất định phải đưa Ngọt lên sân khấu.” Rồi từ chỗ diễn ở sân khấu, chúng tôi tiến xa hơn bằng việc ra mắt album đầu tiên. Dành dụm được ít tiền, chúng tôi làm tiếp album thứ hai. Chúng tôi bảo nhau cái sau phải hay hơn cái trước,… và rồi nhiều người biết đến chúng tôi hơn.

Được biết, anh là người thích chơi chữ. Anh cảm nhận thế nào về cách mình viết nhạc và ca từ trong bài hát của mình?

Chỉ để tâm đến ý nghĩa ca từ mà quên mất đi âm thanh của nó chẳng phải là rất đáng chán sao? Người ta thường ví âm nhạc là một thứ ngôn ngữ đầy ẩn dụ, và soạn nhạc là dùng phép ẩn dụ để bộc lộ cảm xúc của mình. Soạn lời cũng tương tự như vậy. Theo tôi, âm điệu có ảnh hưởng lớn hơn ý nghĩa ca từ. Tôi thích những nghệ sĩ không quá chú trọng vào ý nghĩa của câu chữ mà thả hồn theo âm điệu của chúng.

Nếu gặp một người chưa hề nghe nhạc của Ngọt, anh sẽ giới thiệu bài hát nào?

Tôi nghĩ là “Be Cool“. Đó là một ca khúc về việc tham gia vào ban nhạc, và rồi tự vấn rằng có khi nào quyết định đó là một sự lãng phí thời gian không? Và liệu có nên dành thời giờ cho những kỹ năng sống hữu ích hơn không? – Đó cũng là những câu hỏi tôi thường đặt ra cho bản thân.

Cái tên “Ng bthg” có ý nghĩa gì?

Chỉ đơn giản là vì tôi yêu thích cái cách mà cụm từ “Người bình thường” được viết tắt, và khi đọc lên nghe cũng hay ho. Lần đầu nhìn thấy cái tên này cũng là lần đầu tôi thấy người ta viết tắt – sử dụng phụ âm và lược bỏ nguyên âm. Ấy vậy mà nhìn vào vẫn có thể hiểu được.

Đó là chưa kể, cách viết này còn phản ánh một thứ bệnh mà ai cũng mắc phải – bệnh sợ mất thì giờ. Thật vậy, thời gian dường như đã trở thành thứ xa xỉ nhất trong thời buổi hiện nay – vốn cũng là ý tưởng chủ đạo của album này.

Nhưng rốt cuộc, như thế nào mới được xem là “bình thường” trong thời buổi hiện nay?

“Bình thường” là gì vậy? Bạn cứ thử nhìn những người trong căn phòng này đi, ai cũng đang sử dụng điện thoại như thể họ mắc hội chứng ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) vậy. Ngoài trừ tôi, vì tôi là người không thường xuyên sử dụng điện thoại. Đối với tôi, điện thoại là một công cụ hữu ích, nhưng chỉ thế thôi. Trong tương lai không xa, khả năng tập trung sẽ trở thành một đơn vị tiền tệ và tôi là kẻ giàu có vì có thể tập trung những mười lăm phút liền… (cười).

Ngoại trừ việc không sử dụng điện thoại thường xuyên, anh còn có phương pháp gì để tận dụng triệt để thời gian của mình?“Tôi viết mỗi ngày… về những thứ nhỏ nhặt như ý tưởng giai điệu hay lời bài hát.”

“Bước nhảy niềm tin” của tôi là thay vì cứ cố suy nghĩ cho ra lời bài hát hay viết nhạc hay dự trù cho album tiếp theo, tôi thiền. Mỗi lần hai mươi phút, và hai lần một ngày. “Bước nhảy niềm tin” ở đây có nghĩa là khi bạn tập trung cao độ, trực giác của bạn sẽ vượt qua phạm trù ngôn ngữ, và nó có ảnh hưởng tích cực đến cái cách mà bạn viết. Thiền là để bồi bổ tâm trí, nếu bạn không tập trung làm giàu tâm trí, hãy thực hành việc rèn luyện sự tập trung. Mỗi ngày tôi đều chiến đấu với nỗi sợ lãng phí thì giờ của mình.

Thói quen sáng tạo thường ngày của anh là gì?

Tôi viết mỗi ngày… về những thứ nhỏ nhặt như ý tưởng giai điệu hay lời bài hát. Nếu ý tưởng nảy ra trong đầu là ca từ thì tôi sẽ thêm vào một ít giai điệu và ngược lại – nghĩ ra giai điệu trước thì thêm lời vào sau. Đó là cách để tôi duy trì sự sáng tạo của mình.

Tôi thấy mình là một người sáng tạo, nhưng không phải lúc nào cũng thế, có những lúc ý tưởng trở nên mờ nhạt. Nhưng nếu bạn hỏi tôi rằng sự sáng tạo có thể mài giũa được không thì câu trả lời của tôi là có. Nếu chăm chỉ tập luyện thì sự sáng tạo sẽ trở thành một con dao sắc bén. Nhưng tôi cần thêm thời gian để tìm hiểu về điều đó, còn hiện tại, tôi cảm thấy hài lòng với việc thiền để nuôi dưỡng sáng tạo.

Anh đã bao giờ sống theo kiểu Rock ‘n’ Roll chưa?

Tôi vẫn còn cảm thấy choáng vì lỡ uống hơi nhiều tối qua đấy. Nhưng chè chén không phải là chuyện thường xuyên xảy ra đâu. Và nhóm chúng tôi cũng rất ít khi tiệc tùng. Mỗi người trong chúng tôi có rất nhiều thứ phải lo và sự căng thẳng không thôi cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe rồi.

Anh có nghĩ rằng chỉ có trải nghiệm thực mới đủ sức thổi hồn vào các bài hát không? Ví dụ như để hát tình ca buồn thì cũng cần phải từng trải đau thương chẳng hạn.

Tôi cũng từng nghĩ vậy. Nhưng đến thời điểm hiện tại, tôi chỉ muốn hát về những gì mình biết, như một quy luật giản đơn – chỉ viết về những điều đã biết và lặng im trước những điều chưa biết. Tôi không quá lo lắng về những điều mình chưa có dịp trải nghiệm mà chỉ tự hỏi rằng liệu, với những trải nghiệm vốn có, mình đã đi đến tận cùng với nó chưa…


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục