3 Kỹ năng “xương máu” cuộc đời không dạy bạn
Được chuyển ngữ từ bài viết “3 Important Life Skills Nobody Ever Taught You” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Hãy thử tưởng tượng bạn đang ngồi thư giãn ở ban công cùng con mình, và hai người đang trò chuyện thân mật cùng nhau. Bạn quyết định nhân dịp này thảo luận cùng con những vấn đề mà trước giờ ít thấy ai nhắc đến.
Sau đây là một số kỹ năng quan trọng tôi không được học trên trường lớp, mà tích lũy được khi bươn chải cuộc đời. Tôi nghĩ chúng ta nên dạy lại chúng cho con cái mình, để sau này chúng không phải mất thời gian loay hoay mới học được.
Kỹ năng thứ nhất: Đừng quá nhạy cảm với mọi thứ
Ý thức của chúng ta có một thói quen xấu. Nó cho rằng mọi việc ta trải qua đều liên quan đến ta theo cách này hay cách khác.
Chẳng hạn đang đi đường thì bị xe khác chen ngang, thế là bạn bực dọc cả ngày. Bạn xem phải một tin tồi trên bản tin truyền hình, và cảm thấy tệ cả buổi tối. Hoặc ở khía cạnh tích cực hơn, công ty bạn phát triển vượt bậc khiến bạn được tăng lương.
Hệ quả là chúng ta có xu hướng nghĩ rằng, mọi việc tốt xấu xảy ra với ta đều liên quan đến ta. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Chỉ vì bạn đã trải qua hoặc quan tâm một điều gì đó, hoặc chỉ vì nó khiến bạn có những cảm xúc nhất định, không có nghĩa nó có liên quan mật thiết đến bạn.
Kỹ năng này rất khó học, mà nguyên nhân không chỉ do bạn quá gắn bó với não bộ và cơ thể của mình. Thực tế lối suy nghĩ trên có thể mang lại cho bạn cảm giác tốt đẹp, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Chẳng hạn khi gặp điều tốt, bạn có thể nghĩ nó xảy ra do bản thân ở hiền thì gặp lành. Nhưng như vậy có nghĩa khi gặp chuyện không vui, bạn cũng dễ suy nghĩ lung tung.
Hệ quả là lòng tự tôn và giá trị bản thân bạn biến thành một con tàu lượn siêu tốc, nó lên thác hay xuống ghềnh phụ thuộc vào những gì xảy ra với bạn. Khi mọi thứ tốt đẹp thì bạn yêu đời hơn bất cứ thứ gì, và cảm thấy mình xứng đáng được công nhận và tán thưởng. Nhưng khi có vấn đề gì xảy ra, bạn dễ rơi vào tâm lý nạn nhân. Bạn không hiểu mình đã làm gì sai mà lại bị đời hành, và cho rằng mình xứng đáng có được điều tốt hơn.
Từ khóa ở đây chính là “xứng đáng”. Chính cảm giác xứng đáng thường trực này khiến bạn trở thành một hố đen cảm xúc, chỉ tiêu hao năng lượng và tình cảm từ những người xung quanh mà không đáp lại cho họ điều tương tự. Cách nói này hơi kịch tính, nhưng đại ý là không phải việc gì xảy ra cũng liên quan đến bạn.
Khi bị người khác chỉ trích hay từ chối, đừng vội nghĩ nguyên nhân là do mình. Nó có thể đến từ giá trị, ưu tiên hay hoàn cảnh sống của họ ở thời điểm đó. Kỳ thực là họ không nghĩ về bạn nhiều như vậy đâu. Bởi vì chính họ cũng đang tin rằng, mọi việc xảy ra đều là do họ.
Khi bạn làm điều gì đó thất bại, không có nghĩa bạn là kẻ thất bại. Nó chỉ có nghĩa bạn đã tìm ra một con đường không dẫn tới thành công, để về sau biết mà tránh.
Khi bạn gặp chuyện buồn và cảm thấy đau đớn, chắc chắn nỗi đau sẽ thuyết phục bạn rằng nguyên nhân nằm ở bạn. Lúc này hãy nhớ rằng đời là bể khổ, mà hết bể khổ thì… hết đời. Bi kịch của cái chết là điều mang lại ý nghĩa cho sự sống, và nỗi đau thì không phân biệt ai cả. Chúng ta đều chịu ảnh hưởng của nó, thế nên không có ai “xứng đáng” hơn ai.
Kỹ năng thứ hai: Chấp nhận thay đổi quan điểm khi cần thiết
Khi bị ai đó thách thức niềm tin, thì phản ứng đầu tiên của chúng ta là giữ chặt lấy nó. Bạn có thể hình dung nó giống như cách người ta nắm lấy áo phao khi tàu sắp chìm vậy. Song vấn đề nằm ở chỗ, đôi khi niềm tin của bạn lại là con tàu chứ không phải cái áo phao.
Với hầu hết chúng ta, niềm tin không chỉ đơn thuần là những gì ta cho là đúng. Nó còn hình thành một phần quan trọng trong bản dạng của chúng ta. Vì vậy, việc niềm tin bị thách thức đồng nghĩa ta đang bị “chất vấn” về danh tính của mình. Nếu bạn không thực sự hiểu về bản thân, thì đây sẽ là câu hỏi gây nhiều đau đớn.
Nhiều khi chúng ta lựa chọn lảng tránh vấn đề này. Giống như con đà điểu vùi đầu xuống cát khi nhìn thấy kẻ thù, ta hy vọng những dẫn chứng cho thấy ta đã sai sẽ tự động biến mất.
Một ví dụ thực tế là nhiều người không tin vào biến đổi khí hậu, dù họ không hề ngu ngốc. Họ biết khoa học nói gì, nhưng họ vẫn từ chối tin vào nó. Việc phủ nhận sự tồn tại của biến đổi khí hậu đã ăn sâu vào máu và trở thành một phần danh tính của họ rồi. Và một khi họ bước vào lãnh địa của thiên kiến xác nhận, thì rất khó kéo được họ ra ngoài.
Sự gắn bó với niềm tin cố hữu này không chỉ xảy ra trong khoa học hay chính trị, mà còn ảnh hưởng lên nhiều khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn trong chuyện hẹn hò, tôi thấy nhiều quý ông vẫn ám thị những niềm tin mà họ hình thành khi còn đi học. Họ vẫn tin rằng phụ nữ không thích đàn ông mọt sách, và họ phải có một đống tiền hoặc một chiếc xe sang để được yêu thương. Những niềm tin này có thể đã phục vụ họ năm 16 tuổi, nhưng có thể hủy hoại đời sống tình cảm khi họ 32 tuổi.
Bạn sẽ mắc rất nhiều sai lầm trong cuộc sống. Trên thực tế, bạn gần như sẽ luôn luôn sai lầm. Chính vì vậy, khả năng học hỏi lâu dài sẽ tỉ lệ thuận với khả năng tự chất vấn, nhận ra sai lầm và thay đổi quan điểm của chính bạn.
Vậy làm thế nào để rèn luyện được nó? Bạn có thể tự vấn mình câu “Điều gì sẽ xảy ra nếu [giả định trái với niềm tin của mình] lại đúng?”. Ban đầu não bộ sẽ từ chối trả lời nó, nhưng bạn sẽ quen khi thực hành nhiều lên.
Hãy thử làm bài tập này: Viết ra 20 điều trong cuộc sống mà bạn nghĩ mình có thể đã sai. Và ý tôi không phải là những kiến thức thường nhật, bởi bạn hoàn toàn có thể kiểm tra chúng bằng Google. Cái chúng ta đang làm ở đây là tự vấn một số điều bạn ám thị về chính mình - rằng bạn không hấp dẫn, bạn không biết trò chuyện với người khác hoặc bạn sẽ không bao giờ sống được một cuộc đời hạnh phúc.
Giả định nào càng cảm tính, bạn càng phải viết nó ra mà thách thức. Khi đã viết ra đủ 20 cái giả định, bạn hãy đọc kỹ từng cái và suy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu nó sai.
Đây sẽ là một bài tập khó. Nhưng hãy thử suy nghĩ theo cách này: Bạn có thực sự tự tin với những niềm tin cố hữu, nếu không bao giờ thách thức chúng để nhìn thấy mặt đối diện? Cái chúng ta đang muốn hình thành là khả năng nhìn thấy “mặt đối diện” đó. Và khi bạn thấy điều đúng hơn xuất hiện, thì tội gì mà không thay đổi quan điểm cũ?
Kỹ năng thứ ba: Hành động mà không cần biết kết quả
Gần như mọi việc ta làm trong đời đều có một kết quả gắn liền với nó. Ở trường, bạn làm bài vì thầy cô giáo bảo vậy. Ở nhà, bạn dọn nhà vì được bố mẹ hứa sẽ cho tiền tiêu vặt. Ở chỗ làm, bạn làm những gì sếp bảo vì việc đó khiến bạn được trả lương. Nói tóm lại, bạn hành động vì chắc chắn về kết quả.
Nhưng phần nhiều cuộc đời không diễn ra theo cách này. Chẳng hạn khi quyết định đổi nghề, không ai cho bạn biết công việc nào sẽ phù hợp. Khi quyết định yêu ai đó, cũng chẳng ai cho bạn biết là mối tình này có hạnh phúc hay không. Rất nhiều quyết định lớn nhỏ khác, từ khởi nghiệp, chuyển địa điểm sống đến ăn một món mới, bạn không thể biết chắc chắn rằng mình có đang làm “đúng” hay không.
Vậy nên chúng ta tránh các quyết định đó. Chúng ta tránh việc phải hành động mà không biết trước kết quả. Cuộc sống vì thế mà lặp đi lặp lại, trở nên an toàn đến mức nhàm chán.
Đã có rất nhiều người email tôi hỏi cách tìm ra mục đích sống. Họ cũng hỏi tôi xem họ có đang hẹn hò đúng người/ thực hiện thay đổi phù hợp trong cuộc sống hay không. Tôi không thể hồi âm họ, bởi chính tôi cũng không biết câu trả lời. Ngoài họ ra, không ai khác có thể quyết định điều gì tốt nhất cho họ.
Nhưng họ đều có một điểm chung, là đi hỏi ai đó trên mạng (hoặc tìm trong sách) câu trả lời cho lựa chọn của mình. Chính việc này nó đã là một phần của vấn đề - họ muốn biết kết quả trước khi hành động.
Thực tế là nhiều khi bạn phải hành động vì bạn có thể, hoặc vì vấn đề vốn đã tồn tại. Như George Mallory khi được hỏi lý do muốn chinh phục đỉnh Everest, anh chỉ trả lời “vì nó đã ở đó”.
Thử thêm một chút xáo trộn (đừng nhiều quá) vào cuộc sống. Nó sẽ kích thích sự phát triển, thay đổi, niềm đam mê và hứng thú ở bạn. Thử hành động vì bạn tò mò, hứng thú hoặc thậm chí buồn chán, chứ không phải vì bạn muốn được khen ngợi, năng suất hay phô trương.
Một khi đã rèn luyện được khả năng này, bạn có thể đưa ra các quyết định “mơ hồ” trong cuộc sống. Nói cách khác, bạn sẽ bắt đầu được một điều gì đó mà không cần biết nó sẽ đi đến đâu. Dù sẽ gặp một vài (hoặc vô số) thất bại nhỏ, bạn có thể sẽ đạt những thành công lớn nhất trong đời nhờ vào thói quen này.
Bạn có thể bắt đầu đơn giản thôi. Lên Meetup, Eventbrite hoặc thậm chí Facebook, nhìn xem có hoạt động nào “có vẻ hay ho” ở nơi bạn đang sống thì tham gia. Lên các nền tảng học trực tuyến và đăng ký một khóa học bất kỳ vì bạn thấy nó cool ngầu. Gọi thử cho người thân hoặc bạn bè, và bảo họ cho bạn xem bất cứ cái gì họ thấy tuyệt vời.
Nhưng cẩn thận có một cái bẫy ở đây. Rất có thể bạn sẽ nghĩ trong đầu “vậy có hoạt động nào mình có thể lên kế hoạch tham gia được nhỉ?”. Chỉ cần nghĩ đến việc “lên kế hoạch” là bạn thất bại rồi, vì chúng ta đang hướng đến các hoạt động tự phát.
Nói cách khác, đừng cố gắn mục đích cuối cùng cho tất cả những việc bạn làm. Hãy thử lãng phí thời gian theo các cách mà bạn không ngờ đến.