3 Lời khuyên để bạn hành động mà không trì hoãn

Sau khi thay đổi góc nhìn về động lực, hãy áp dụng 3 lời khuyên này để hành động mà không trì hoãn.

Mark Manson
3 Lời khuyên tạo động lực để bạn hành động mà không trì hoãn

Nguồn: Victor Freitas/ Unsplash

Tiếp nối "Thay đổi góc nhìn về động lực để hành động mà không trì hoãn", dưới đây là phần tiếp theo của bài viết "How to Get Motivated and Take Action" đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Ý chí thì có hạn, còn động lực thì thường đến rồi lại đi. Cảm hứng sẽ len lỏi vào cuộc sống những lúc bạn ít mong đợi nhất, và rời đi khi bạn cần nó nhất.

Bạn có thể gọi nó bằng cái tên bất kỳ: động lực, ý chí, cảm hứng hay sự bay bổng của riêng mình, dù thế nào bạn vẫn phải chăm sóc và “tưới nước” cho chúng thường xuyên.

Nguyên tắc “Làm gì đi” sẽ giúp bạn duy trì năng lượng đó theo một vòng lặp liên hồi. Bạn chỉ cần tập trung làm sao để bắt đầu, thế thôi.

Dưới đây là vài lời khuyên giúp bạn giữ động lực trên con đường dài phía trước.

1. Tạo ra “nề nếp” của riêng bạn

Có lẽ bạn đang nghĩ nề nếp hằng ngày chẳng khác gì làm đi làm lại một chuyện ngày này qua ngày khác, không những chán mà còn hạn chế bản thân, nhỉ? Nếu vậy thì bạn sai rồi.

Có nề nếp riêng sẽ giúp nguyên tắc “Làm gì đi” đạt hiệu quả tối ưu. Nó buộc bạn lập ra một hoặc một chuỗi hành động cần thực hiện ở địa điểm và thời điểm bạn đã tính trước. Như vậy bạn sẽ tiến gần hơn những hành động bạn muốn làm. Chỉ việc trôi theo sự nhịp nhàng trong nề nếp đã có, dĩ nhiên đi kèm theo nguyên tắc “Làm gì đi”, giúp bạn tiết kiệm thời gian và để mọi thứ đi theo quán tính của nó.

Sau đó, điều kỳ diệu sẽ xảy ra: nề nếp này hình thành một cuộc sống mới. Nó trở thành khoảng không gian và thời gian thiêng liêng, quan trọng ngang ngửa mục tiêu hành động của bạn. Rồi bạn sẽ cảm thấy trống rỗng khi làm việc mà không có nề nếp đó và ngược lại.

Nhưng hãy cẩn thận đừng để mình bị dính chặt với nề nếp một cách quá chi li. Giống như nhiều người cứ ăn và mặc một món đồ giống nhau mỗi ngày, tập thể dục vào đúng 5:27 sáng chỉ vì vài nghiên cứu nói đó là thời gian phù hợp nhất. 

Bạn không cần phải làm thế. Bạn chỉ cần một nề nếp, như thế nào tùy bạn, để tạo hướng khởi đầu tốt. Và mọi thứ còn lại sẽ ngăn nắp xếp theo sau.

2. Thẳng thừng gạt bỏ các nhân tố khiến bạn sao nhãng

Meme trên Instagram, email từ sếp, tin nhắn trong nhóm tối qua chưa đọc. Tận 9 thông báo mới trên Facebook! Đăng story bữa ăn sáng dinh dưỡng của mình nào (và kệ sự thật là mình vừa ăn khoai tây chiên và burger trưa hôm qua đi). Nhóm chat lại xôn xao rồi. Nhóc này đang làm gì trên Tiktok vậy? Tin sốc: thêm một người nổi tiếng phát ngôn vạ miệng. Ồ, thông báo match trên Tinder!

Thứ lỗi cho tôi nếu bạn thấy rùng mình vì tôi vừa miêu tả 30 phút đầu ngày trong suốt 4 năm qua của bạn, thậm chí còn hơn. 

Chúng ta đều cần nhận ra thực tế phũ phàng từ thứ công nghệ ta đang sử dụng, rằng chúng có mặt tối và những hậu quả thật sự. Một phần của mặt tối đó là sự sao nhãng, trông thì chỉ như như vài thú vui vô hại nhưng không hề.

Những thứ gây sao nhãng của thời đại công nghệ tạo ra lỗ hổng trong tâm lý chúng ta. Nó cho ta một chút hoạt chất dopamine giúp ta dễ chịu ngay tức khắc, nhưng về lâu dài thì chẳng đóng góp gì nhiều.

Những niềm vui nhất thời đó lấy đi thời gian và động lực để ta làm những việc dù không mấy dễ chịu nhưng lại tạo ra giá trị và ý nghĩa lớn hơn trong cuộc sống.

Gọi điện an ủi một người bạn vừa có một ngày tồi tệ thì khó hơn nhiều so với một tin nhắn “Có tớ quan tâm cậu nè" kèm theo biểu tượng hôn-nháy mắt, nhưng lại giúp thắt chặt tình bạn của cả hai hơn.

Đi bộ một mình trong công viên đòi hỏi nhiều ý chí hơn việc chỉ ngồi một chỗ lướt mạng, tay còn lại thì khuấy ly cà phê nhiều sữa đặc. Chắc không cần tôi phải giải thích thêm nữa nhỉ?

Vậy nên nếu bạn đang vật lộn với quá nhiều thứ sao nhãng, hãy bắt tay vào việc nhận diện và gạt bỏ chúng.

Cấp độ 1 của tự nhận thức: Bạn cần biết khi nào mình sao nhãng.

Gạt bỏ 10 yếu tố sao nhãng để tập trung học hiệu quả hơn.

4 Lầm tưởng thường gặp về sự tập trung.

3. Tìm ra những lý do thật sự đằng sau việc thiếu động lực

Nếu bạn vẫn không thể tìm ra cách giữ động lực sau chừng ấy thông tin, vậy thì đã đến lúc nhìn thật kỹ lại cuộc sống của mình để xem đâu là những “con ruồi” đang quanh quẩn trong công việc của bạn.

Nếu bạn không thể năng suất hơn trong công việc, rất có thể bạn không hề thích những gì mình đang làm, và đã đến lúc bạn nghiêm túc cân nhắc một công việc mới.

Nếu bạn gặp khó khăn khi phải tập thể dục mỗi ngày, đã đến lúc xem lại quan điểm về cơ thể, về lối sống mà bạn cho là lành mạnh, hoặc liệu bạn có cảm thấy thích thú và thư giãn lúc tập luyện không?

Hay khi thấy mối quan hệ của mình mãi chẳng yên ổn, có lẽ đã đến lúc cả hai nên thành thật với nhau để tìm ra hướng đi mới, dù có thể phương án tốt nhất là nên rời xa nhau.

Những tình huống đó buộc bạn đối mặt với nhiều cảm xúc không hề dễ chịu. Nhưng đối mặt với những điều đó chính là cách để chúng ta trưởng thành độc lập hơn. Những tổn thương ấy đúng là kinh khủng thật, nhưng nó vẫn có thể đem lại những thay đổi tích cực trong cuộc sống. Bạn không thể cứ mãi hạnh phúc, mà nó cũng không hề tốt cho bạn, vì “con quái vật” mà chúng ta cố che giấu cũng nằm ngay bên cạnh những khía cạnh đẹp đẽ của mình. 

Vì thế bạn không những phải đối diện với những thứ đó, mà còn phải trân trọng chúng. Thay vì ngoảnh mặt đi, hãy nhìn thẳng để tạo ra nguồn động lực cho bản thân.

Và bạn tôi ơi, đấy mới chính là khởi đầu thật sự.

Chuyển ngữ bởi Kim Nguyễn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục