7 Kỹ thuật giao tiếp bằng mắt cho cuộc đối thoại hiệu quả
Giao tiếp bằng mắt là một kỹ năng quan trọng nhưng không phải lúc nào cũng được tận dụng hiệu quả. Vậy đâu là sai lầm thường gặp và cách khắc phục?
Giao tiếp bằng mắt là một trong những cách hiệu quả để tăng sự hiệu quả và gắn kết trong các mối quan hệ. Nó có thể khiến bạn trở nên thú vị và đặc biệt hơn trong mắt người khác.
Một nghiên cứu chỉ ra chúng ta luôn bị thu hút bởi ánh mắt từ khi còn bé. Những đứa trẻ sơ sinh thường cố gắng nhìn theo ánh mắt của người lớn thay vì những chuyển động thông thường.
Khi giao tiếp, chúng ta cảm nhận sự chân thành hay bị thuyết phục một phần nhờ vào đôi mắt. Nhưng nếu không khéo léo điều khiển ánh nhìn của mình, bạn dễ dàng bị mất điểm vì những hiểu lầm không đáng có.
Chính vì vậy, hiểu và biết cách duy trì giao tiếp bằng mắt sẽ giúp cuộc đối thoại trở nên hiệu quả.
Những sai lầm thường gặp khi giao tiếp bằng mắt
Nhìn xung quanh quá nhiều
Trong quá trình giao tiếp, chúng ta có xu hướng đảo mắt xung quanh, đặc biệt là về phía bên trái khi cố nhớ lại hình ảnh, âm thanh, từ ngữ. Đây là một điều bình thường trong giao tiếp, đặc biệt là khi bạn đang nhớ lại thông tin để trả lời câu hỏi.
Tuy nhiên, việc liên tục nhìn xung quanh, nhìn lên một khoảng không vô định hay nhìn hai bàn tay đan vào nhau vô tình thể hiện bạn đang cảm thấy lo lắng và không thoải mái.
Nhìn chằm chằm vào một nơi trên cơ thể đối phương
Nếu không cẩn trọng, việc nhìn chằm chằm vào đối phương thường bị xem là một hành động thô lỗ, thậm chí có thể bị gắn mác là hành vi soi mói hoặc quấy rối. Để tránh những hiểu lầm không đáng có, bạn không nên "dán mắt" vào người khác với bất kỳ một lý do nào.
Né tránh giao tiếp bằng mắt
Việc né tránh giao tiếp bằng mắt có thể bị hiểu lầm rằng bạn không tự tin, không thật lòng hay không hề hứng thú với cuộc trò chuyện đó. Tuy nhiên chúng ta rất hay mắc lỗi này bởi lạm dụng việc nhìn vào điện thoại thông minh.
Trong những cuộc họp hoặc phỏng vấn, điều này khiến bạn trông có vẻ phớt lờ nội dung chính và trở nên thiếu chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, khi bạn không thực hiện giao tiếp bằng mắt, đối phương cũng có xu hướng không nhìn vào mắt bạn. Điều này khiến họ mất tập trung hơn khi giao tiếp và cuộc trò chuyện dần trở nên không hiệu quả.
Nhìn đi chỗ khác quá nhanh
Khi đang trò chuyện, việc bất ngờ nhìn sang hướng khác như một dấu hiệu cho thấy bạn muốn che giấu điều gì đó. Ánh mắt lảng tránh sẽ khiến đối phương cảm thấy ngờ vực và thiếu tin tưởng.
Ngắt giao tiếp bằng mắt theo chiều dọc
Trong cuộc sống, chiều ngang gợi cảm giác cân bằng. Tương tự, trong giao tiếp, việc di chuyển ánh mắt theo chiều ngang tạo cảm giác thoải mái, bình đẳng. Ngược lại, giao tiếp bằng mắt theo chiều dọc sẽ mang đến nhiều hàm ý tiêu cực hơn. Khi nhìn xuống, nó thường gợi cảm giác sợ sệt và rụt rè.
Quên chớp mắt
Việc quá tập trung nhìn vào đối phương mà quên mất mình phải chớp mắt sẽ khiến cuộc trò chuyện trở nên thiếu tự nhiên. Hành động này không thể hiện bạn rất chăm chú vào cuộc trò chuyện mà ngược lại, nó khiến cho người đối diện trở nên cảnh giác hơn.
Làm sao để giao tiếp bằng mắt hiệu quả?
Thiết lập giao tiếp bằng mắt ngay khi bắt đầu cuộc trò chuyện
Chúng ta có xu hướng đưa ra đánh giá nhanh về người khác, thông thường chỉ trong khoảng 4 đến 5 giây đầu gặp gỡ. Vì vậy, lảng tránh ánh mắt của đối phương ngay khi bắt đầu cuộc trò chuyện, bạn có thể bị nhìn nhận là một người tự ti hay không hứng thú với nó.
Thế nên ngay từ khi bắt đầu, hãy thiết lập giao tiếp bằng mắt. Đừng nhìn xuống hay đặt ánh mắt vào những vật xung quanh. Điều này đồng thời giúp thể hiện sự tự tin và sự thoải mái của bạn cho đối phương.
Sử dụng quy tắc 50/70
Quy tắc 50/70 là duy trì ánh mắt 50% khoảng thời gian khi nói và 70% khoảng thời gian khi nghe. Việc giao tiếp bằng mắt nhiều hơn khi nghe, đối phương sẽ cảm thấy mình được quan tâm, tạo cảm giác tin tưởng và mong muốn sẻ chia.
Chỉ duy trì việc nhìn vào mắt từ 4-5 giây
Việc nhìn vào mắt thể hiện sự chân thành trong giao tiếp. Tuy nhiên, nhìn chằm chằm quá lâu có thể khiến cả bạn và người đối diện cảm thấy không thoải mái.
Hãy giữ giao tiếp bằng mắt trong khoảng 4-5 giây mỗi lần, hoặc tương đương với khoảng thời gian bạn cần để ghi nhớ màu mắt của đối phương.
Từ từ nhìn ra xa
Bạn có thể nhìn ra xa một cách chậm rãi khi cảm thấy việc giao tiếp bằng mắt trở nên gượng ép. Tuy nhiên, hãy làm điều đó từ từ vì nhìn ra xa quá nhanh có thể khiến bạn trông lo lắng hoặc ngại ngùng.
Sử dụng kỹ thuật tam giác
Để cân bằng giữa việc nhìn chằm chằm quá lâu và nhìn vào một nơi vô định khi giao tiếp, bạn có thể sử dụng kỹ thuật tam giác. Hãy tưởng tượng một hình "tam giác" nối giữa hai mắt và miệng của đối phương, sau mỗi bốn đến năm giây bạn có thể di chuyển hướng nhìn qua mỗi đỉnh tam giác.
Ngắt giao tiếp bằng cách nhìn sang ngang hoặc gật đầu
Một cách tự nhiên để ngắt giao tiếp bằng mắt khi bạn cảm thấy đã dán chặt ánh mắt quá lâu vào đối phương là nhìn sang ngang hoặc gật đầu. Đừng di chuyển ánh mắt theo chiều dọc (như là nhìn xuống dưới) vì điều này thể hiện đối phương đang lấn át bạn.
Nhìn khu vực gần mắt (mũi, miệng, cằm) để tránh nhìn vào mắt quá lâu
Khi cảm thấy nhìn vào mắt đối phương gợi cảm giác áp lực hoặc khó chịu, hãy thử nhìn vào những điểm gần mắt như mũi, miệng, hay cằm. Những vị trí này không gợi cảm giác bạn đang né tránh ánh nhìn khi giao tiếp mà còn giúp bạn cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm hơn.