Bài học từ CEO của Leflair và tương lai của thị trường thương mại điện tử Việt Nam
Từng là con cưng của ngành thương mại điện tử Việt Nam, Leflair hiện gặp phải khá nhiều chỉ trích cùng những cáo buộc sai lệch trong thời gian gần đây. Việc các nhà cung cấp tố nợ hàng trăm tỉ đồng đã khiến những người sáng lập Leflair rơi vào khủng hoảng truyền thông khi vẫn đang trong quá trình dẫn dắt startup của mình vượt qua giai đoạn phá sản.
Trong một buổi hội thảo trực tuyến và phiên hỏi đáp được điều phối bởi anh Hảo Trần, CEO của Vietcetera, cựu Giám đốc điều hành và nhà sáng lập Leflair Loïc Gautier đã chia sẻ về hành trình của mình — một doanh nhân 25 tuổi huy động được 12 triệu USD trong vòng 4 năm cho startup của mình, tới nguyên nhân phá sản đột ngột, và triển vọng tăng trưởng chung của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Kể từ khi Leflair đệ đơn phá sản vào tháng 5 năm 2020, nhiều nhà cung cấp đã cáo buộc công ty thương mại điện tử này nợ tiền hàng hoá lên tới 2 triệu USD. Khi được hỏi về quyết định rời Việt Nam đến Paris vào thời điểm khó khăn của công ty, Gautier giải thích rằng anh “không rời đi vì những cáo buộc”, mà là để được “ở gần với những người quan trọng của mình” trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19. Anh nói rằng: “Tôi không thể quay lại vì Việt Nam đóng cửa biên giới. Hiện tôi vẫn đang làm việc từ xa với các cá nhân hỗ trợ chúng tôi xử lý vụ việc này.”
Gautier cũng cho biết người đồng sáng lập kiêm COO của Leflair, Pierre Antoine Brun, hiện vẫn ở Việt Nam cùng gia đình và điều phối các hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo các quy trình diễn ra ổn thoả — Leflair gần đây đã được thông báo rằng Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận tuyên bố phá sản của họ.
Trước tình hình kinh doanh không khả quan tốn khá nhiều giấy mực của giới truyền thông, Gautier vẫn giữ vững nhận định của mình rằng Việt Nam là một nền kinh tế “đáng gờm”. Anh chia sẻ, “Nếu quan điểm của tôi (về nền kinh tế Việt Nam) thay đổi, tôi đã không dành 7 năm qua thuyết phục mọi người tin vào ý tưởng của mình. Tôi vẫn có niềm tin mạnh mẽ vào kinh tế Việt Nam, nhưng quan điểm của tôi về cách kinh doanh ở nền kinh tế này đã thay đổi.” Gautier hy vọng sẽ trở lại Việt Nam trong tương lai, nhưng hướng đến “một vị trí mà nếu tình hình kinh doanh xấu đi, tôi vẫn có thể tự bỏ vốn của mình ra cứu lấy công ty.”
Dù đang phải đối diện với nhiều thử thách, Gautier vẫn thể hiện sự tự hào về những thành tựu mà anh và đội ngũ Leflair đạt được trong suốt 4 năm hoạt động, đặc biệt là số lượng thành viên “có thể xây dựng và phát triển cuộc sống của họ” cùng Leflair. “Bạn có thể sẽ quên đi những con số doanh thu và lợi nhuận. Nhưng là một nhà khởi nghiệp, bạn nhận ra rằng thành công chính là được nhìn thấy những cá nhân quanh mình phát triển sự nghiệp và xây dựng gia đình riêng, từ nền tảng là doanh nghiệp mà bạn xây dựng.”
Khi được hỏi tại sao các cựu nhân viên chọn Leflair thay vì các công ty công nghệ và thương mại điện tử khác, Gautier cho biết lý do nằm ở văn hoá công ty: “Leflair là môi trường làm việc đề cao sự tự do và tính tự chủ.” Leflair có thể thu hút và giữ chân nhân tài vì nó đã luôn đi đúng hướng với những giá trị cốt lõi đã đề ra. Sau khi Leflair nộp đơn phá sản, điều làm Gautier trăn trở nhất chính là sa thải nhân viên. “Nếu bạn thuộc kiểu người “được ăn cả ngã về không”, thì việc “ngã về không” rõ ràng là đau đớn. Nhưng đau nhất vẫn là việc để cho những người đã đồng hành cùng bạn phải thất vọng.”
Với gần 4 năm hoạt động và một đội ngũ lên đến 700 thành viên, Gautier thừa nhận rằng thương mại điện tử là một ngành cực kỳ thậm dụng vốn, với nhiều rào cản gia nhập lớn. Vì thế, những ai muốn lặp lại thành công ban đầu của Gautier nên cân nhắc những bài học mà anh đã chia sẻ trong video “Ask Me Anything” (từ 34:26).
Trong đó, Gautier trả lời một số câu hỏi được chọn ra từ hàng trăm câu hỏi ghi nhận tại cuộc hội thảo trực tuyến trước đó của Gautier với Vietcetera, với hơn 1.200 người tham dự. Dưới đây là một số câu hỏi được quan tâm nhất từ hội thảo:
1 . Điều gì đã dẫn đến việc Leflair phá sản? Trong số các lý do, đâu là lý do thực sự đằng sau sự thất bại của doanh nghiệp?
Sự sụp đổ của Leflair không đến từ vấn đề thu hút hoặc duy trì khách hàng. Trên thực tế, Leflair vẫn tuyển dụng thêm chỉ vài tuần trước khi phá sản. “Chúng tôi hết tiền mặt trước khi có thể hoà vốn. Có những quyết định được đưa ra để đốt cháy giai đoạn (hoặc không).”
Gautier tiết lộ rằng có nhiều vấn đề vượt tầm kiểm soát của anh trong những tháng hoạt động cuối cùng. Anh chia sẻ: “Doanh nghiệp là những cá thể bị phụ thuộc vào biến động thị trường. Đôi khi doanh nghiệp lao đao vì sự lẩn quẩn của những biến động. Giữa việc phá sản và đạt được thành công vượt bậc, có hàng ngàn những kết quả khác nhau, và sự thật là một số kết quả không dễ chịu bằng việc phá sản ngay tức khắc.”
2. Nếu có cơ hội làm lại, bạn sẽ làm gì khác đi?
Sau khi suy ngẫm, Gautier nói rằng lẽ ra anh không nên đợi quá lâu trước khi mở rộng hoạt động kinh doanh của mình sang nhiều quốc gia khác. Anh thừa nhận rằng nếu được làm khác đi, anh sẽ muốn “thành lập công ty ở Singapore” vì nền tảng khách hàng và cơ sở hạ tầng sẵn có để phát triển. Gautier không phủ nhận tiềm năng của thị trường Việt Nam, tuy nhiên, anh tin rằng Singapore có thể sẽ là một khởi đầu phù hợp hơn với đặc thù mô hình kinh doanh và hệ thống vận hành của Leflair.
Anh chia sẻ rằng anh cũng sẽ huy động nhiều vốn hơn trong những vòng gọi vốn trước đó, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc pha loãng và định giá ở mức thấp hơn. Cuối cùng, Gautier nhận ra rằng trong lĩnh vực thương mại điện tử, tiếp cận được lượng vốn lớn là cần thiết và “nếu bạn không huy động được số tiền hàng triệu hoặc chưa có số tiền đó trong tay, bạn không thể kinh doanh trong lĩnh vực này. Thế đấy! Bạn cần vốn đầu tư.”
Gautier cũng chia sẻ rằng anh sẽ đầu tư vào đội ngũ công nghệ nhiều hơn. Và trong bối cảnh ngày nay của nền kinh tế Đông Nam Á, thay vì thương mại điện tử, anh sẽ thành lập một công ty “có lợi nhuận cao hơn” và bán “trực tiếp cho người tiêu dùng”.
3. Giữa Lazada, Tiki, Shopee, và Sendo, ai là ‘ông lớn' trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam? Anh có thể nhận xét ngắn gọn về lý do tại sao họ thành công cho đến ngày nay?
Khi được hỏi ý kiến về đặc điểm ấn tượng nhất của mỗi đấu thủ trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam, Gautier nhận định Shopee là ấn tượng nhất không chỉ vì công ty mẹ Sea đã nhanh chóng đưa ra cam kết vốn cho doanh nghiệp, mà còn vì “sự sáng tạo của họ trong việc thu hút khách hàng” trong khu vực, không chỉ ở Việt Nam. “Vậy liệu họ có chuyển sang một ngành kinh doanh nhiều lợi nhuận hơn không? Tôi không đủ thẩm quyền để nhận xét điều này.”
Theo anh, về mặt xây dựng một doanh nghiệp bền vững và có lợi nhuận theo đường lối của Amazon hoặc Alibaba thuở sơ khai, “Lazada đứng vị trí số một, bởi ưu thế của họ là có nhiều tài sản.”
Còn đối với Tiki, một công ty mà theo Gautier đánh giá là khác biệt vì cam kết hoạt động độc quyền của họ tại Việt Nam, anh đánh giá cao hành trình khởi nghiệp của công ty này: “Tiki bắt đầu từ rất sớm và phát triển thành một doanh nghiệp thực sự lớn, nhận được sự tin cậy của khách hàng. Tôi thích những gì Tiki đã làm và những doanh nhân sáng lập nên Tiki thật sự là những người truyền cảm hứng.”
Nhận xét về triển vọng của Sendo, Gautier thừa nhận anh “biết ít hơn một chút” về họ. “Cách chúng tôi nhìn nhận Sendo có hơi khác biệt vì họ là một đấu thủ trên thị trường đại chúng nhưng giá trị giỏ hàng thấp hơn nhiều so với chúng tôi. Chúng tôi không xem họ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Họ đang hoạt động trong một phân khúc người tiêu dùng khác biệt đến nỗi chúng tôi đã không dành nhiều thời gian xem xét mô hình kinh doanh của họ.”
Tuy vậy, Gautier cho rằng Sendo trở thành một trong những câu chuyện thành công trên thị trường đều có lý do của nó. Anh dự đoán 2 công ty “cây nhà lá vườn” Sendo và Tiki đều sẽ sở hữu thị phần đáng kể trong tương lai tới.
Bài viết được dịch bởi Đan Tâm.