Bổ Não: Vì sao bạn không thể nhận ra lỗi đánh máy của mình?

Vì sao lỗi đánh máy luôn sót lại, dù bạn kiểm tra bao nhiêu lần?

Vy Lâm
Bổ Não: Vì sao bạn không thể nhận ra lỗi đánh máy của mình?

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

#Bổ Não là series giải thích ngắn gọn những hiện tượng tâm lý đời thường nảy sinh do não bộ.

Hãy thử nhớ lại những lần bạn hoàn thành một bài luận trên máy tính. Sau khi đã vã mồ hôi để lựa chọn từ ngữ phù hợp, ghép lại cho mượt mà và nối ý cho thống nhất, giờ bạn chỉ cần đọc qua để kiểm tra xem có lỗi chính tả hay lỗi đánh máy ngớ ngẩn (nhưng đảm bảo sẽ khiến bài bị trừ điểm) nào không. Bởi tính cẩn thận, bạn vẫn đọc lại lần hai, lần ba trước khi nộp bài.

Đến khi nhận bài về, những lỗi sai bạn đã cố rà soát vẫn cứ chễm chệ trên đó, thậm chí còn rất dễ nhận ra. Nhưng bằng một cách thần kì nào đó, bạn đã không nhận ra.

Đó có thể chỉ là những lỗi cỏn con: mở ngoặc nhưng quên đóng, thiếu dấu câu, hoặc gõ nhầm các phím sát nhau, chẳng hạn ‘nữa' thành ‘nưza' như thường gặp ở những ai sử dụng kiểu gõ Telẽ.

Nhưng điều gì khiến những lỗi cỏn con này khó nhận ra đến vậy?

Các lỗi này quá bé so với những gì não bộ đang phải xử lý

Khi viết, ta đang muốn truyền đạt một mạch thông tin logic. Đây là một hoạt động phức tạp. Chính vì thế, não tự động khái quát hoá những phần đơn giản hơn như ghép các ký tự thành từ, ghép các từ thành câu,... Vô tình, nó bỏ qua những chi tiết nhỏ như lỗi đánh máy hay chính tả.

Đến khi đọc lại, chúng ta đã biết mình muốn truyền đạt điều gì, thậm chí có sẵn một phiên bản hoàn chỉnh trong đầu. Cứ thế ta dò lại theo phiên bản đó và lướt qua những lỗi sai rành rành trước mắt. 

Việc này cũng giống như khi lái xe. Khi bạn đã quá quen thuộc với điểm đến, bạn sẽ chỉ nhắm thẳng đến đó và lướt qua những chi tiết trên đường.

Trái lại, khi đưa một người khác đọc bài viết của bạn thì cũng giống như họ đang lái xe đến một địa điểm chưa xác định. Họ sẽ chạy xe cẩn thận hơn, chú ý đến hai bên đường nhiều hơn. Đó là lý do người khác luôn nhận ra những lỗi sai dễ dàng và nhanh chóng hơn chính chủ nhân của bài viết.

Đừng để khả năng cao cấp của não bộ đánh lừa bạn

Cái gì cũng có hai mặt. Khả năng khái quát hoá của não là một chức năng cao cấp. Nó tổng hợp và lưu trữ những điều chúng ta quen thuộc dưới dạng bản đồ, cho phép chúng ta hoạt động theo lập trình sẵn và chừa chỗ để ta chú ý đến những điều khác.

Nó lý giải cho những lần bạn mải mê nghĩ ngợi và lái xe từ chỗ làm về nhà theo bản năng, rồi hoàn toàn không có ấn tượng gì về việc băng qua cả quãng đường trước đó cả.

Nhưng nếu bất cẩn, bạn sẽ bị lừa bởi bản năng này. Ví dụ như bạn lái xe thẳng tới chỗ làm dù đáng lẽ phải chạy đến nhà đứa bạn thân, chỉ vì công ty bạn cũng nằm trên đường đi, và bạn vô tình để mình rơi vào trạng thái “lái tự động" lúc nào không biết. 

Làm sao để bắt não cẩn thận hơn?

Nếu não có thể ‘chơi khăm' bạn thì bạn cũng có thể đánh lừa ngược lại nó, bằng cách biến việc đọc và dò lỗi trở thành một trải nghiệm khác lạ với não bộ. Một số phương pháp đơn giản là:

  • Thay đổi định dạng của văn bản: Chẳng hạn như kiểu chữ, cỡ chữ, màu nền,...
  • Đọc thành tiếng. Khi đọc thầm, bạn sẽ vô thức đẩy nhanh tốc độ và cũng vô tình bỏ qua những lỗi sai. Ngoài ra, đọc thành tiếng còn giúp bạn kiểm tra liệu câu văn của mình đã mượt mà chưa, khi đọc nghe có tự nhiên hay không.
  • Đọc ngược lại. Cách này giúp não quên đi việc chạy theo mạch logic và chỉ chú ý đến con chữ. Theo nghiên cứu, chỉ cần ký tự đầu và cuối của một từ nằm đúng thứ tự thì não sẽ tự điền hoàn chỉnh những ký tự còn lại. Đọc ngược sẽ khiến thứ tự mặc định bị đảo lộn và bạn phải theo sát từng ký tự cẩn thận hơn.
  • In ra giấy và dò theo bằng bút viết. Chỉ bằng việc thay đổi từ đọc trên màn hình thành đọc trên giấy thì đã là một ‘cú lừa' lớn cho não rồi.
  • Chờ não quên đi. Cách này chỉ dành cho những ai không bị sức ép deadline. Bạn có thể chờ cho đến khi đã quên mất phiên bản hoàn chỉnh trong đầu, và quay lại như thể đang đọc một văn bản hoàn toàn mới.

#Bổ Não là series giải thích ngắn gọn những hiện tượng tâm lý đời thường nảy sinh do não bộ.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục