Cần lưu ý gì sau khi tiêm vaccine COVID-19?
Chiến dịch tiêm phòng vaccine COVID-19 đợt 4 vừa diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất hiện tại với 836.000 liều được phân bổ.
Để đạt được mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng thì việc này là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, tiêm vaccine luôn gây ra nhiều hoang mang với những tin tức trôi nổi trên mạng.
Vậy nên, việc hiểu kiến thức cơ bản về tiêm chủng sẽ giảm sự lo lắng cũng như chuẩn bị cho việc tiêm mũi nhắc lại.
1. Tiêm vaccine xong có cần về nhà ngay?
Sau khi tiêm vaccine bạn nên ở lại trung tâm tiêm chủng khoảng 30’ để theo dõi các dấu hiệu của cơ thể.
2. Việc đầu tiên bạn nên làm khi về nhà là gì?
Theo dõi sức khỏe của bản thân. Sau khi tiêm hãy chuẩn bị tinh thần rằng bạn đối mặt với những phản ứng phụ có thể khiến cơ thể mệt mỏi. Tuy nhiên, đây là phản ứng hoàn toàn bình thường và không đáng lo ngại.
Các dấu hiệu thường thấy là:
- Sưng đỏ và nhức bắp tay ở chỗ tiêm;
- Nhức đầu, mệt mỏi;
- Đau cơ, khó chịu;
- Sốt và cảm giác nóng lạnh trong người.
Nhiệt độ sốt thường thấy là khoảng vào 38 độ C và sẽ kéo dài trong 1-2 ngày. Lúc này bạn nên đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, uống nhiều nước và có thể dùng các loại thuốc hạ sốt thông thường. Các phản ứng này đều không ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine.
Nếu loại vaccine bạn tiêm cần phải tiêm mũi nhắc lại thì cũng hãy nhớ đánh dấu lịch tiêm hoặc đặt chế độ nhắc nhở trên điện thoại.
3. Dấu hiệu như thế nào là nguy hiểm?
Theo như Bộ Y Tế, các dấu hiệu đó bao gồm:
- Nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng;
- Thở dốc, khó thở, ho;
- Phát ban dưới da, môi mẩn đỏ;
- Ngứa, căng cứng, tắc nghẽn, khản đặc họng;
- Mạch yếu, chóng mặt, tay chân co quắp.
Một trong những dấu hiệu cảnh báo khác là bạn bị sốt cao hơn 39 độ C, vị trí tiêm sưng/đỏ; đau cơ dữ dội. Nếu các dấu hiệu này vẫn dai dẳng kéo dài từ 4 ngày tới 4 tuần sau khi tiêm vaccine thì bạn nên liên hệ với cơ sở y tế.
4. Có cần kiêng cữ gì không?
Tuy không có chỉ định về việc kiêng cữ sau khi tiêm vaccine, vẫn có những loại thực phẩm không nên sử dụng:
- Uống rượu, bia trước và sau tiêm có thể gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng. Ngoài ra nó còn gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vaccine.
- Thức ăn có chứa chất béo bão hòa như thức ăn nhanh, đồ chiên, nướng, có thể làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây hại sức khỏe.
5. Tiêm vaccine xong có còn cần đeo khẩu trang?
Dù đã được tiêm vaccine nhưng việc áp dụng 5K vẫn được khuyến khích; nhất là với những người mới chỉ tiêm 1 mũi. Mũi đầu tiên này cần ít nhất 14 ngày mới bước đầu có tác dụng, nên mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức thấp.
Bên cạnh đó, vaccine không có khả năng bảo vệ tuyệt đối nếu người tiêm đã mang mầm bệnh. Vẫn có trường hợp khi một số người đã tiêm vaccine nhưng mang virus trong người và lây cho người khác.
6. Có khả năng bị nhiễm virus COVID-19 từ vaccine?
Tất nhiên là không. Các loại vaccine tuy được tạo ra khác nhau nhưng về cơ bản có 4 cách:
- Lấy 1 đoạn DNA của virus tạo ra vaccine;
- Lấy một số chất protein của của virus, sau đó khuếch tán tạo ra vaccine;
- Lấy virus khác không gây bệnh cho người. Làm yếu đi con virus này và bơm các gene của virus gây bệnh vào. Điều này kích thích cơ thể tạo ra kháng thể chống virus;
- Làm yếu virus sau gây bệnh để tạo ra vaccine.
Khi vaccine được tiêm vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ bắt đầu học và nhận biết virus có hại, từ đó sẽ tạo ra kháng thể chống lại virus. Cơ thể một khi đã ghi nhớ được hình dạng của virus cũng sẽ phản ứng nhanh hơn khi phát hiện virus xâm nhập.
Mặc dù trong vaccine có một phần của virus nhưng về cơ bản nó không đủ khả năng để làm cơ thể nhiễm bệnh.
7. Tiêm xong có còn có khả năng dương tính với COVID-19?
Khả năng này được cho là rất hiếm khi xảy ra. Các nhà dịch tễ gọi trường hợp nhiễm bệnh dù đã tiêm vaccine là ca nhiễm đột phá (breakthrough infection).
Ngoài ra có một điều ta nên hiểu rõ rằng, mục đích của vaccine Covid-19 không phải để ngăn chặn lây nhiễm mà là giảm độ lây nhiễm của virus.
Việc tiêm vaccine cũng giúp giảm các triệu chứng nặng và nguy cơ tử vong. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra các ca nhiễm này thường được điều trị khỏi trong vòng 1 tuần.
8. Lý do nào khiến cơ thể dương tính với virus sau khi tiêm?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), có một số lý do để giải thích cho hiện tượng này:
Không có vaccine nào có thể bảo vệ con người 100% khỏi bệnh
Cho tới hiện tại, mức độ hiệu quả của vaccine trên thị trường được cho là từ 86-92%, tối đa là 95%.
Hiệu quả hoạt động của vaccine sau mũi tiêm đầu
Vaccine cần phải mất vài ngày đến vài tuần để phát huy hoàn toàn tác dụng. Vẫn có khả năng người bệnh nhiễm phải virus trong thời gian này. Đây là lý do tại sao ta không nên chủ quan dù đã được tiêm phòng.
Biến thể của virus
Cho tới hiện tại, các vacicne vẫn cung cấp sự bảo vệ cho cơ thể khỏi các biến thể mới. Tuy nhiên chất liệu di truyền của virus COVID là RNA, có mức độ đột biến nhanh hơn so với DNA của con người.
Vậy nên, đây là lý do việc tiêm chủng nên được tiến hành nhanh chóng để giảm khả năng biến thể của virus
9. Nếu lỡ quên tiêm mũi vaccine nhắc lại thì sao?
Vaccine hoàn toàn phát huy tác dụng khi được tiêm đủ 2 mũi. Việc chưa tiêm đủ liều, sai thời gian tiêm mũi nhắc lại có thể gây ảnh hưởng lên cách hệ miễn dịch tạo ra kháng thể.
Vậy nên, bạn cần liên hệ ngay với trung tâm tiêm chủng để được tư vấn và tiêm vaccine khi nhận ra mình đã "lỡ quên".
Đọc thêm: 11 điều bạn cần biết về việc tiêm chủng vaccine COVID-19.