Khi nào được tiêm vaccine COVID-19 và 11 điều khác bạn cần biết | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Khi nào được tiêm vaccine COVID-19 và 11 điều khác bạn cần biết

Các nước đều trên thế giới đã và đang thực hiện tiêm vaccine COVID-19 và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên có điều gì bạn cần lưu ý về việc tiêm phòng tại Việt Nam?
Khi nào được tiêm vaccine COVID-19 và 11 điều khác bạn cần biết

Nguồn: Báo Chính Phủ

1. Khi nào bạn được tiêm vaccine?

Bạn sẽ được tiêm vaccine miễn phí nếu nằm trong 9 nhóm đối tượng được ưu tiên. Tại 63 tỉnh, thành phố, Bộ Y tế cho biết có 19,4 triệu người thuộc nhóm ưu tiên này.

titlevaccine COVID19 vaccine COVID19

titlevaccine COVID19 vaccine COVID19

titlevaccine COVID19 vaccine COVID19
9 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 | Nguồn: Ha Tram cho Vietcetera

Vậy nên hiện tại vẫn chưa được tiêm vaccine COVID-19 theo dịch vụ. Trong tương lai khi số lượng vaccine nhập về đủ đáp ứng thì đối tượng tiêm vaccine sẽ rộng hơn, trong đó có cả người nước ngoài.

2. Tại sao đa phần vaccine phải đặt qua COVAX Facility?

Trong bối cảnh hiện tại đa phần các quốc gia giàu trên thế giới đều chi những khoảng tiền lớn cho nhiều công ty dược khác nhau nhằm được tiếp cận sớm với vaccine. Điều này dẫn đến việc nhiều quốc gia nhỏ không đủ khả năng xếp hàng để mua được vaccine.

Vậy nên COVAX Facility đã ra đời. Đây là cơ chế nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19.

3. Tại Việt Nam đang có bao nhiêu loại vaccine?

Hiện nay có khoảng 11 loại vaccine đang được nghiên cứu và sản xuất trên thế giới. Chính phủ Việt Nam đang cấp phép lưu hành cho 2 loại vaccine là AstraZeneca và SputnikV của Nga.

  • AstraZeneca được Chính phủ đặt hàng thông qua COVAX Facility. Ngoài ra Sở Y Tế còn mua thêm 30 triệu liều thông qua công ty VNVC.
  • Vaccine SputnikV (tên gọi khác Gam-COVID-VAC) đã được Bộ Y Tế phê duyệt có điều kiện để phục vụ cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam.

Bên cạnh đó Việt Nam cũng sẽ nhập thêm 31 triệu liều vaccine Pfizer chia làm 2 đợt trong thời gian tới.

Ngoài ra trong tương lai, Mỹ quyết định chia sẻ 20 triệu liều vaccine của các hãng được cấp phép sử dụng tại Mỹ như Pfizer, Moderna, và Johnson & Johnson thông qua COVAX.

Trong tương lai nếu có đã đủ vaccine để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng và Việt Nam nhập được nhiều loại vaccine hơn thì có khả năng người tiêm được quyền chọn vaccine để tiêm.

4. Phải tiêm bao nhiêu mũi vaccine? Có cần khám sức khỏe trước khi tiêm?

Hiện nay đa phần các loại vaccine đều được khuyến cáo tiêm cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Các bác sĩ sẽ khám sàng lọc, kiểm tra tiền sử bệnh tật cũng như bệnh nền trước khi tiêm vaccine.

Trong các loại vaccine có tại Việt Nam, tùy theo loại vaccine mà số lần tiêm cũng sẽ khác nhau:

  • Vaccine AstraZeneca gồm 2 mũi, mũi sau cách mũi đầu tiên từ 4 - 12 tuần.
  • Vaccine Pfizer của Pfizer-BioNTech gồm 2 mũi, mũi sau cách mũi đầu 3 tuần. Vaccine có hiệu lực hoàn toàn sau 2 tuần được tiêm.
  • Vaccine SputnikV của Nga gồm 2 mũi, mũi sau cách mũi đầu 3 tuần. Mỗi mũi sẽ có một loại kháng thể khác nhau.

Bộ Y Tế khuyến cáo nên tiêm đủ các mũi của vaccine để đạt được trạng thái phòng bệnh cao nhất.

5. Mức độ hiệu quả của các loại này như nào?

Theo nghiên cứu gần đây của Chính phủ Hungary đã chỉ ra rằng SputnikV có độ an toàn tốt nhất (số ca tử vong ít hơn 7-23 lần) và hiệu quả (số ca nhiễm COVID-19 ít hơn 2-7 lần) trên 100.000 lần tiêm chủng.

Chúng ta thường thấy chỉ số % về hiệu quả của mỗi loại vaccine khác nhau. Tuy nhiên theo Time, khái niệm "hiệu năng" và "hiệu quả" rất dễ nhầm lẫn:

  • Hiệu năng là kết quả thử nghiệm của một loại thuốc hoặc vaccine.
  • Hiệu quả là kết quả ngoài thực tế của nó trên một nhóm dân số lớn.

Bên cạnh đó mỗi loại vaccine đều có cách hoạt động, phác đồ tiêm,... khác nhau vậy nên sẽ rất khó để so sánh xem đâu là loại tốt hơn.

6. Các vaccine đang được Việt Nam phát triển là gì?

Hiện nay có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu và sản xuất vaccine COVID-19 tại Việt Nam:

  • VABIOTECH
  • POLYVAC
  • IVAC
  • NANOGEN

Theo dự kiến vào năm 2022, vaccine do Việt Nam sản xuất có thể được sử dụng để đảm bảo nguồn cung, chủ động ứng phó địa dịch.

7. Các phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine là gì?

Như mọi loại vaccine khi tiêm vào cơ thể đều có khả năng gây ra phản ứng phụ, được chia ra 2 loại:

  • Phản ứng thông thường: sưng hoặc đỏ tại chỗ tiêm, sốt, khó chịu, mệt mỏi, chán ăn,... Các triệu chứng này sẽ mất đi sau 2 - 3 ngày tiêm.
  • Phản ứng có hại: sốc phản vệ nặng, phản ứng không mong muốn ở mức độ nguy hiểm. Tuy nhiên tỷ lệ này không phải là cao. Đây cũng là lý do quy trình khám sàng lọc trước khi tiêm và khuyến cáo về theo dõi sức khỏe tại cơ sở y tế sau khi tiêm rất quan trọng.

8. Người tiêm vaccine rồi có cần đeo khẩu trang hay tuân thủ 5K?

Có. Theo thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường thì sau khi tiêm vaccine vẫn có khả năng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tuy bệnh sẽ nhẹ hơn. Hiện nay hầu hết các vaccine được WHO cấp phép đều có hiệu quả 50% trở lên và không một loại nào đạt được hiệu quả 100%.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng đã có quy định rằng người tiêm vaccine có thể không đeo khẩu trang trong nhóm nhỏ tại nơi cư trú (với điều kiện không ai mắc COVID-19) hoặc trong nhóm người đã tiêm.

9. Đang nhiễm bệnh hoặc khỏi bệnh có được tiêm vaccine không?

Người đang nhiễm bệnh sẽ được tiêm 6 tháng sau khi khỏi bệnh.

Người khỏi bệnh rồi vẫn nên tiêm chủng vaccine vì vẫn có khả năng tái nhiễm và lây bệnh cho cộng đồng.

10. Các nước trên thế giới đang cho phép nhập cảnh với loại vaccine nào?

Trung Quốc đã cho phép nhập cảnh với điều kiện người nhập cảnh đã tiêm vaccine của Trung Quốc.

Liên minh Châu Âu (EU) thì chỉ cho phép các loại vaccine được Mỹ cấp phép (Morderna, Pfizer và Johnson & Johnson) còn vaccine từ Nga và Trung Quốc thì không.

Cho tới hiện tại, “hộ chiếu vaccine" vẫn còn xa vời khi mà các nước vẫn chưa thống nhất được về tiêu chuẩn chung cho tấm giấy thông hành này.

11. Kế hoạch hộ chiếu vaccine trong nước là gì?

Hiện nay kế hoạch về hộ chiếu vaccine vẫn đang được xem xét và đánh giá, nhất là khi hiện tại số lượng vaccine vẫn chưa đáp ứng được với nhu cầu trong nước. Còn về quy định nhập cảnh với những người đã tiêm vaccine COVID-19 thì vẫn chưa có.