Đi tìm sự nguyên bản: Trang trại Thiên Sinh
Trong bài viết cuối của series “Đi tìm sự nguyên bản”, hãy cùng tìm hiểu câu chuyện từ người chủ của nông trại Thiên Sinh, anh Nguyễn Quốc Thắng.
“Phát triển bền vững” là một trong những giá trị cốt lõi của Pizza 4P’s nhằm giảm thiếu tối đa những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Trên hành trình mang đến những nguyên liệu tươi và an toàn trực tiếp “Từ Nông trại đến Bàn ăn”, nông trại Thiên Sinh là một trong những đối tác quý báu giúp chúng tôi biến giấc mơ này thành sự thật.
Tuy nhiên, trang trại Thiên Sinh không chỉ đơn thuần là nơi sản xuất thực phẩm Thuận tự nhiên, mục tiêu của họ là lan truyền và mở rộng mô hình Nông nghiệp bền vững này đến với những người chủ trang trại xung quanh, đẩy mạnh cung cấp những nông sản chất lượng cao với giá cả hợp lý cho người tiêu dùng Việt Nam.
Trong bài viết cuối của series “Đi tìm sự nguyên bản”, hãy cùng tìm hiểu câu chuyện từ người chủ của nông trại Thiên Sinh, anh Nguyễn Quốc Thắng.
Anh đã bắt đầu trang trại này từ lúc nào và như thế nào?
Trang trại này bắt đầu từ một cái duyên. Ban đầu, tôi cũng là người sản xuất theo cách bình thường có dùng hoá chất. Nhưng sau một thời gian dài sử dụng thì thấy nó độc hại cho chính mình và cho công nhân, đặc biệt là cho những người tiêu dùng. Chính lúc đang suy nghĩ về việc làm thế nào để hạn chế tác các chất hóa học thì tôi có cơ duyên gặp được một anh bạn người Nhật chuyên về canh tác hữu cơ. Đó là vào khoảng 2007. Từ đó trở đi, tôi bắt đầu thành lập nghiên cứu đầu tiên về nông nghiệp hữu cơ. Và 4 năm sau, năm 2011 tôi chính thức xây dựng thành Trang trại Thiên Sinh.
Lúc bắt đầu trang trại, anh có gặp khó khăn gì không?
Khó khăn đầu tiên của tôi là chưa có kinh nghiệm về sản xuất lớn khi khởi sự. Thứ hai là thị trường lúc đó chưa hiểu nên sản phẩm cũng chưa bán được đi đâu. Thứ ba là lúc đấy hệ sinh thái trong trang trại chưa ổn định. Sâu bệnh rất nhiều và tôi cũng chưa có kinh nghiệm xử lý.
Điều cuối cùng cũng là điều quan trọng nhất là “tiền ở đâu để sống?”. Bởi vì khi chuyển đổi thì thu hoạch chưa có, chưa có gì để bán nên thật sự thiếu vốn để nuôi bản thân và gia đình. Cho nên đó là khó khăn lớn nhất cho tôi và cũng là cho bất kỳ những người mới bắt đầu với nông nghiệp hữu cơ.
Anh có cách nào phân biệt sản phẩm đầu ra cuối cùng trên một sạp hàng là sản phẩm thường hay sản phẩm hữu cơ?
Thật sự rất là khó, nhưng cũng có thể phân biệt được. Thứ nhất là màu sắc. Màu sắc của các nông sản hữu cơ thì tự nhiên hơn. Thứ hai là mùi vị. Nông sản hữu cơ sẽ rất đa vị, và vị nào ra vị đấy, có chát, có ngọt tuỳ theo loại cây. Đấy là sản phẩm có vị gốc của nó. Ví dụ như trái ổi chẳng hạn, trồng bình thường có thể chỉ có vị ngọt hay nhạt. Nhưng trồng hữu cơ thì ổi sẽ có vị hơi chua chua rồi có cả vị ngọt và vị chát. Có nghĩa là các sản phẩm hữu cơ có vị đậm đà hơn và đa dạng hơn.
Có một điểm khác biệt thứ ba nữa là độ cứng. Với rau hữu cơ thì bao giờ ăn cũng mềm vì không sử dụng hoá chất. Theo cách trồng thông thường, các hóa chất được sử dụng làm tăng độ dày của thành tế bào của rau nên rau cứng hơn. Do vậy rau hữu cơ thì độ mềm của nó tự nhiên hơn.
Điều gì tạo nên sự khác biệt cho trang trại Thiên Sinh?
Sự khác biệt lớn nhất ở đây là trang trại Thiên Sinh là một vườn rau hữu cơ khép kín. Tức là chúng tôi giảm thiểu tối đa những tác động bên ngoài vào trong trang trại. Cái giảm đấy có 2 cái lợi, cái lợi đầu tiên là để giá cả đầu vào không tăng cao.
Thứ hai, chúng tôi tận dụng được các phế phẩm trong và xung quanh trang trại để tạo thành phân bón trong quy trình khép kín. Một số các trang trại thì vẫn phải nhập khẩu một số vật dụng khác để về sử dụng. Ở đây, kể cả dụng cụ chúng tôi cũng tự làm. Như vậy, trang trại càng ngày càng phát triển năng lực, người công nhân cũng thêm năng lực. Tất cả chúng tôi sẽ phát triển một cách bền vững hơn.
Tuy trang trại sản xuất khép kín, nhưng lại hoạt động mở để cho các gia đình, các bạn sinh viên hoặc những nông dân hoặc những công ty muốn tham quan, giao lưu, học hỏi lẫn nhau, để phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam càng ngày càng mạnh. Và điều này cũng mang tính chất giáo dục nữa. Các bạn trẻ sẽ nhận thấy được nhiều điều về thiên nhiên, về sự tồn tại và phát triển của trang trại hữu cơ có ý nghĩa như thế nào. Các gia đình đến đây sẽ thấy giá trị của thức ăn mà họ ăn và từ đó sẽ trân trọng nó hơn.
Nguồn: Pizza 4P's.
Anh có thể chia sẻ một chút về những dự án với Pizza 4P’s ?
Những dự án giữa Thiên Sinh Farm và Pizza 4P’s tôi đều thấy rất hay và ý nghĩa. Bởi qua đó, các nhân viên của hai bên hiểu nhau hơn. Pizza 4P’s hiểu sản xuất hữu cơ hoặc thuần tự nhiên khó khăn nhưng giá trị như thế nào, và các nông dân của Thiên Sinh cũng hiểu về nhu cầu thị trường, của các nhà hàng Pizza 4P’s như thế nào. Chính điều đó giúp hai bên hợp tác tốt hơn và sâu hơn.
Một ví dụ thực tế là nước whey – phần nước được tách ra sau khi làm phô mai của Pizza 4P’s. Ở đây sử dụng 100% phần nước whey từ nhà máy, tương đương khoảng 2.000 lít một ngày. Thiên Sinh Farm xử lý nước whey bằng cách thêm các lợi khuẩn để hỗ trợ quá trình tiêu hoá của bò (nếu không có lợi khuẩn, nước whey làm cho bò khó tiêu hoá).
Dự án thứ hai là "Vườn Thảo Mộc" — Vườn rau Hữu cơ ngay tại các nhà hàng Pizza 4P’s. Đây là dự án mang ý nghĩa về sự hợp tác giữa hai bên để cho thấy việc sản xuất nông nghiệp từ khi nông trại tới bàn ăn chặt chẽ như thế nào. Dự án này rất thiết thực và tôi hy vọng nó sẽ phát triển tốt. Song song với dự án này là "Nuôi Trùn Quế" để hạn chế tối đa chất thải từ thức ăn thừa. Từ việc xử lý rác thải để tạo thành đất trồng ngay nhà hàng, mọi người có thể thấy rằng rác thải xử lý tận tại nhà hàng thì rất quan trọng đối với môi trường sống của thành phố, là tiền đề cho thành phố thông minh sau này. Rác thải thành phố bây giờ đã là quá tải. Nhà nước tốn nhiều kinh phí để xử lý nhưng cũng không kịp. Khách hàng đến Pizza 4P’s sẽ hiểu vấn đề và chính họ sẽ xử lý rác ngay tại chung cư của họ, cái đấy sẽ làm cho xã hội tốt hơn rất nhiều.
Dự án thứ tư, "Lá Rocket", là một sự hợp tác khép kín. Bởi vì Rocket là trang trại trồng 100 phần trăm cho Pizza 4P’s và nhà hàng cũng lấy 100 phần trăm từ trang trại. Khách đến ăn thì họ sẽ biết được nguồn gốc từ đâu. Nếu không biết là sản phẩm này có đúng hữu cơ hay không thì ít nhất người ta cũng biết được địa chỉ sản xuất chỗ nào, quy trình sản xuất như thế nào. Đấy là minh bạch thông tin giữa các bên và giúp giảm các lớp trung gian thương mại. Khi đó, giá cả người nông dân hưởng được sẽ cao hơn và người nông dân người ta sẽ có thể tái thiết để sản xuất. Làm như vậy thì sẽ bền vững và tốt hơn rất nhiều so với khi người nông dân nhận thu nhập rất thấp mà người tiêu dùng lại bỏ số tiền quá cao.
Anh có thể chia sẻ một chút về điều kiện làm việc, điều kiện sống, ở của các anh chị em công nhân ở đây như thế nào?
Hiện tại trang trại đang có khoảng 30 người. Thứ nhất, người ta làm việc ở đây thì không phải vì điều kiện sống tốt nhất mà vì trang trại không dùng hoá chất thì sẽ tốt cho họ hơn. Thứ hai là thu nhập của họ cũng theo kịp hoặc cũng có thể hơn trang trại bên ngoài. Thứ ba, khi họ làm ở đây thì họ sẽ học hỏi một số kỹ thuật như cơ khí, nuôi bò, trồng cây. Đấy là một số kỹ thuật họ có thể áp dụng tại chính địa phương của họ.
Với một số người công nhân và nhân viên, sau khi làm xong, họ có đủ năng lực để có thể đi làm ở những thị trường khác. Ví dụ như ở Nhật, một số các mỏ than hoặc là lái máy, hoặc là một số việc về kỹ thuật cho các nhà máy. Khi họ học là họ cũng có một kỹ thuật để trang bị cho cuộc sống sau này.
Một điều đặc biệt là trang trại có khoảng chừng 90 phần trăm là người đồng bào, có hai dân tộc là K’Ho và Chu Ru. Đây cũng là một việc giúp ổn định xã hội và tạo công ăn việc làm và kỹ thuật cho đồng bào tự sản xuất cho họ. Nếu chúng ta chỉ trọng dụng những người có trình độ sẵn thì rất đơn giản. Nhưng để đào tạo những người đang gặp khó khăn để cho họ ổn định hơn thì đấy là một trong những việc mà xã hội rất cần.
Kế hoạch phát triển trang trại trong tương lai?
Chúng tôi vẫn còn phải cải thiện rất nhiều để hoàn thiện hơn.
Hiện tại, Thiên Sinh cũng đang giúp một số nhóm đồng bào về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm để có thể sản xuất rau hữu cơ. Chúng tôi tư vấn, giúp đỡ họ một số những vấn đề mà họ gặp khó khăn. Đó là điều tôi muốn đóng góp cho xã hội ngày càng ổn định hơn.
Đối với 4P’s thì trang trại cũng muốn một hợp tác một cách sâu hơn. Có nghĩa là không phải hai bên đặt ra một cái giá cho một loại hàng hoá nào đấy. Tôi muốn là hai bên gặp khó khăn gì cùng giải quyết tận gốc thì theo tôi nghĩ đấy mới là hợp tác chặt chẽ.
Trong tương lai, thức ăn tươi sạch thì phải phát triển. Rau hữu cơ phải càng ngày càng nhiều lên, đặc biệt là khi vấn đề môi trường bây giờ đang rất đáng báo động. Cho nên nếu lan tỏa được nền nông nghiệp Thuận tự nhiên bền vững thì đấy là điều tốt nhất cho xã hội. Mong ước của trang trại này là như vậy.