Job search anxiety - Làm sao để tìm việc không còn là nỗi lo?
Bạn mới nghỉ việc và bắt đầu hành trình tìm việc mới. Ban đầu đây là một khoảng thời gian khá chill, bởi bạn vừa được nghỉ ngơi, vừa có thời gian “đánh bóng” hồ sơ để thực sự nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng.
Nhưng rồi bạn bắt đầu thấy nản. Bạn chỉnh CV tỉ mỉ theo từng JD, sửa website sao cho thật bắt mắt, viết cover letter thật thiết tha mà vẫn không nhận được lời mời phỏng vấn nào. Bạn bắt đầu rối tung, nghĩ đến 7749 viễn cảnh nếu thất nghiệp quá lâu, để rồi quên mất những việc quan trọng khác.
Nếu thấy cảnh này quen thuộc, bạn đã trải qua một hiện tượng mà tâm lý học gọi là job search anxiety (tạm dịch: Nỗi lo âu tìm việc). Vậy ta cần làm gì nếu bị nỗi lo này “ghé thăm”?
Job search anxiety là gì?
Đây là trạng thái lo sợ và bất an xảy ra khi bạn tìm kiếm công việc mới. Theo Verywell Mind, nó thuộc dạng lo lắng dự đoán (participatory anxiety) - nỗi sợ trước những điều tồi tệ có thể xảy ra, và thường rơi vào các yếu tố bạn khó kiểm soát được.
Theo chuyên trang nhân sự Gartner, tình trạng này phổ biến ở người thất nghiệp đang tìm việc, đặc biệt với người đã thất nghiệp từ 6 tháng trở lên. Tuy nhiên nó cũng xảy ra ở người bất mãn với công việc hiện tại và muốn tìm việc mới, song kết quả không mấy khả quan so với kỳ vọng của họ. Một số biểu hiện của job search anxiety bao gồm:
- Ăn uống thất thường, tăng/giảm cân dù không cố ý
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Nhạy cảm, dễ cáu gắt hơn bình thường
- Catastrophic thinking: Sau thời gian dài tìm việc mà không có kết quả, bạn dễ nghĩ đến các viễn cảnh tồi tệ nếu thất nghiệp quá lâu. Biểu hiện này rõ hơn khi bạn gặp áp lực tài chính (chẳng hạn bạn hết tiền tiết kiệm, và cần tìm việc mới càng sớm càng tốt).
Nguyên nhân gây ra job search anxiety
Cảm giác choáng ngợp khi có quá nhiều việc phải làm
John Feldmann, một chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự từng chia sẻ trên Forbes rằng, hành trình tìm việc vốn đã là một công việc toàn thời gian. Điều này có phần đúng, bởi lượng công việc bạn cần làm để ứng tuyển một vị trí full-time thực ra không hề ít.
Chẳng hạn với mỗi JD, bạn phải dành thời gian nghiên cứu về công ty, từ đó chỉnh sửa đơn ứng tuyển cho phù hợp. Bạn cũng phải “đánh bóng” trang LinkedIn của mình để gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Nếu tìm việc trong ngành sáng tạo, bạn phải sửa cả blog hoặc portfolio - thứ giúp bạn “kiến tạo” bản dạng giữa hàng nghìn ứng viên khác. Đó là còn chưa kể, việc điền thông tin ứng tuyển hay thu thập các tài liệu cần thiết cũng “ngốn” của bạn kha khá thời gian.
Nếu may mắn được gọi phỏng vấn, bạn lại phải dành thời gian tập dượt, hỏi kinh nghiệm người đi trước. Tất cả đầu việc trên có thể khiến bạn choáng ngợp, rối trí và không biết phải bắt đầu từ đâu. Hệ quả là bạn dễ có sai sót khi ứng tuyển, chẳng hạn gửi nhầm CV từ một JD khác hoặc gửi mail mà quên file đính kèm.
Não bộ không thích sự bất ổn
Khi đi làm, nếp sinh hoạt của bạn thường theo một trình tự nhất định. Bạn biết rõ một ngày mình phải làm những gì, và kết quả mà những việc bạn làm sẽ mang lại (một nguồn thu nhập ổn định, sự thỏa mãn trong cuộc sống hoặc sự kết nối với đồng nghiệp khác).
Nhưng khi thất nghiệp, cuộc sống của bạn bị đảo lộn hoàn toàn. Bạn sẽ đi từ ngày này qua tháng nọ với cảm giác bất an dài vô tận mà không thấy điểm kết. Khi không có nguồn thu nhập ổn định, nỗi lo về những khoản phí phải trả, cũng như tiềm năng công việc trong tương lai cũng “luẩn quẩn” quanh bạn.
Thực tế bạn lo lắng hoàn toàn có cơ sở. Não bộ coi sự bất định và khó đoán là mối nguy hiểm tiềm tàng, giống như cách tổ tiên chúng ta cảnh giác hơn khi bước vào một khu rừng lạ.
Nỗi lo này có mặt tốt là khiến bạn biết “sợ” mà điều chỉnh lối sống cho phù hợp, như cắt giảm các khoản chi không thiết yếu. Nhưng mặt trái là nó khiến bạn catastrophic thinking. Khi suy nghĩ quá nhiều về viễn cảnh xấu nhất, bạn dễ rối trí khi xử lý tình hình hiện tại.
Nỗi sợ bị từ chối
Bạn bỏ nhiều công sức để chuẩn bị hồ sơ thật bắt mắt và tập dượt kỹ trước khi phỏng vấn. Ấy vậy mà bạn vẫn không đỗ, thậm chí không được nhà tuyển dụng phản hồi email.
Sự từ chối này là khá bình thường trong quá trình tuyển dụng. Song nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, nó ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tự tin của bạn. Bạn dễ cảm thấy “mình không đủ tốt”, thậm chí so sánh với người khác và ám ảnh rằng mình không thể thành công.
Nhiều người cũng vì sợ bị từ chối mà không dám ứng tuyển vị trí yêu thích, dù hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm và kỹ năng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiềm năng công việc của họ trong tương lai.
Làm gì để vượt qua nỗi lo lắng khi tìm việc?
Chúng ta hầu hết đều có phương án tạm thời khi thất nghiệp như làm freelance, đăng ký trợ cấp thất nghiệp hoặc tìm cố vấn sự nghiệp (career coach). Ngoài những bước cơ bản trên, bạn có thể làm các cách sau để giảm bớt nỗi lo trong thời gian này:
Viết ra điều làm bạn lo lắng
Với đa số người bị lo âu, các chuyên gia tâm lý thường gợi ý viết suy nghĩ ra. Bởi một khi thấy được những gì mình nghĩ, bạn sẽ có cái nhìn khách quan hơn về suy nghĩ của chính mình, từ đó nhìn nhận sự việc một cách đa chiều, thông suốt hơn.
Chẳng hạn nếu thất vọng vì không trúng tuyển, bạn nên ghi xuống giấy. Đây là bước đầu tiên để bạn ghi nhận cảm xúc của mình ở thời điểm đó, thay vì phủ nhận và để nó trôi đi, dẫn đến sự ức chế về sau. Cách này cũng giúp bạn bấm nút “dừng” dòng suy nghĩ của mình khi cần thiết.
Hành động trước khi “chết chìm” trong suy nghĩ
Khi bị từ chối nhiều lần và ở trạng thái thất nghiệp lâu dài, bạn khó tránh khỏi việc suy nghĩ quá nhiều. Trong tâm lý học, hiện tượng này gọi là metacognition (tạm dịch: siêu nhận thức), chỉ tình trạng suy nghĩ ám ảnh về suy nghĩ của chính mình.
Bạn càng nghĩ nhiều, sẽ càng có những suy đoán tự kỷ ám thị, hoặc tự vẽ ra những viễn cảnh xấu nhất. Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này, bạn phải hành động ngay khi nhận ra mình đang nghĩ quá nhiều.
Một mẹo nhỏ cho bạn là sử dụng quy tắc 2 phút. Thấy mình có việc gì tồn đọng mà làm được trong 2 phút thì hãy làm ngay lập tức: gửi email, đặt báo thức phỏng vấn hoặc scan các giấy tờ (bạn có thể làm bằng điện thoại). Những việc này dù nhỏ, nhưng khi hoàn thành sẽ cho bạn một liều dopamine nhỏ, mang lại cảm giác thành công.
Nếu không có việc gì gấp, bạn có thể giải ô chữ, giải câu đố hoặc sudoku. Những việc tưởng chừng “vô tri” này sẽ giúp bạn điều hướng suy nghĩ, tránh để nó tiếp tục chồng chất lên nhau. Bản thân não bộ khi được “nghỉ ngơi” khỏi dòng suy nghĩ cũng sẽ minh mẫn hơn.
Chia nhỏ task lớn để chống “ngộp”
Khi đi làm, đôi khi bạn trì hoãn vì có quá nhiều việc phải làm, hoặc vì một đầu việc quá phức tạp. Điều tương tự cũng xảy ra khi bạn tìm việc. Trường hợp này, chia nhỏ đầu việc là chìa khóa để bạn hoàn thành đúng deadline.
Chẳng hạn chuẩn bị hồ sơ là một việc lớn, bạn có thể chia ra hôm nay sửa CV, ngày mai viết cover letter và ngày tiếp theo sửa LinkedIn. Bước đầu bạn chỉ nên đặt mục tiêu hoàn thành 1-2 đầu việc mỗi ngày, rồi tăng lên nếu cảm thấy ổn. Với đầu việc phức tạp như sửa blog hoặc portfolio, bạn nên dành ít nhất 1 tuần để hoàn thiện.
Bạn có thể áp dụng ma trận Eisenhower để tăng năng suất. To-do list cũng là một mẹo hay, song không nên lạm dụng nếu bạn có quá nhiều đầu việc nhỏ. Bởi khi viết ngần đó việc lên giấy, bạn sẽ thấy nó nhiều đến mức nào và tâm lý muốn trì hoãn lại xuất hiện. Thay vào đó, bạn note 1-2 đầu việc cho mỗi ngày, rồi bổ sung nếu còn thời gian và năng lượng.
Cuối cùng, giống như mọi công việc full-time khác, bạn cũng cần nghỉ ngơi khi làm “công việc” này. Bạn có thể tập thiền, yoga, chánh niệm, ra cafe, đi dạo hoặc du lịch. Cần nhớ rằng tình trạng thất nghiệp chỉ là tạm thời, và bạn sẽ dần tìm ra giải pháp cho chính mình.
Về HeyDevs
Được xây dựng và phát triển từ năm 2022, là nền tảng tìm việc IT thụ động đầu tiên ở khu vực APAC, cung cấp các trải nghiệm tuyển dụng hoàn toàn mới. Giờ đây bạn không cần phải nộp đơn xin việc, các công ty sẽ ứng tuyển vào bạn. Ngoài ra, còn có các tính năng đặc biệt như nút lệnh “sẵn sàng làm việc", kết nối và trò chuyện với các nhà tuyển dụng, bảo mật thông tin với công ty hiện tại.
cung cấp các công cụ giúp tinh giản quy trình tuyển dụng đến mức tối ưu, cho phép công ty tiếp cận với nhóm ứng viên dồi dào, chất lượng và được xác minh danh tính, trình độ cũng như kinh nghiệm làm việc, đồng thời giúp nâng cao hiệu quả tuyển dụng của doanh nghiệp.