Làm sao để hàn gắn mối quan hệ với cha mẹ sau mâu thuẫn?
"Tha thứ vô điều kiện" và "Cho qua" chưa hẳn đã tốt.
Cân bằng giữa một cuộc sống tự chủ và một mối quan hệ lành mạnh với cha mẹ là một thử thách không dễ dàng với người trẻ hiện đại. Dù mâu thuẫn gia đình rất phổ biến do khác biệt thế hệ và các sai lầm trong nuôi dạy con cái, đây vẫn là một chủ đề nan giải trong xã hội châu Á.
Dù bạn có mâu thuẫn sâu sắc với cha mẹ hay chỉ đơn thuần gặp những hiểu lầm không đáng có, việc chủ động tìm hiểu sẽ giúp bạn vơi bớt gánh nặng tinh thần và có phương pháp để hàn gắn.
Sau đây là một số bước để xây dựng mối quan hệ lành mạnh với cha mẹ.
Hiểu vấn đề
Dù nguyên nhân là gì, bước đầu tiên để chữa lành chính là hiểu rõ khúc mắc đang hiện hữu. Đôi khi, việc có được ngôn ngữ để miêu tả vấn đề đã giúp chúng ta có cái nhìn bao dung hơn.
Vietcetera đã tìm hiểu một số các vấn đề thường thấy trong mối quan hệ gia đình, ví dụ:
- Khác biệt thế hệ: Bố mẹ không hiểu được con trẻ, trong khi người trẻ khó cảm thông cho thế hệ trước. Từ những mâu thuẫn về cách ăn mặc, cách chi tiêu, cho đến quyết định sự nghiệp hoặc lập gia đình, khác biệt thế hệ (generation gap) là một hiện tượng phổ biến.
- Thiếu hụt tình cảm thời thơ ấu: Childhood Emotional Neglect (CEN) là hiện tượng cha mẹ hay người chăm sóc không đáp ứng đủ nhu cầu cảm xúc của đứa trẻ, dù không hề chủ đích.
- Cha mẹ can thiệp, kiểm soát quá mức vào cuộc sống của con, điển hình với hình mẫu cha mẹ trực thăng (helicopter parents).
- Cha mẹ độc hại: Dù được ngụy trang bằng lý lẽ “thương cho roi cho vọt”, các hành vi độc hại như bạo hành (thể chất, ngôn từ hoặc cảm xúc), thao túng tinh thần,… vẫn tác động sâu sắc đến con cái.
Khi phân tích các vấn đề trong mối quan hệ với cha mẹ, bạn cần để ý hai điều. Một, đừng tập trung chỉ trích cha mẹ trên tư cách cá nhân. Bạn nên phân tích mối quan hệ dựa trên các mâu thuẫn cụ thể, hoặc nét tính cách, hành động rõ ràng. Hai, bạn cũng cần nhận thức rõ những vấn đề của chính bạn. Đó có thể là những tổn thương tâm lý chưa được chữa lành, hoặc những đặc điểm tính cách tiêu cực dẫn đến xung đột với cha mẹ.
Thay đổi cách nhìn của bản thân
Chuyên gia trị liệu Maud Purcell cho biết, để xây dựng quan hệ lành mạnh hơn với cha mẹ, chúng ta nên nhận thức rằng:
- Bạn khác với cha mẹ mình.
- Cha mẹ không hoàn hảo (và bạn cũng vậy).
- Với tư cách một người lớn, bạn phải chịu trách nhiệm với lựa chọn và ý kiến của bạn, kể cả khi mắc sai lầm.
“Hãy bỏ qua và bước tiếp”, “Hãy cứ tha thứ” là những lời khuyên thường thấy trong văn hóa đại chúng. Tuy việc tha thứ vô điều kiện cũng có lợi với nhiều hoàn cảnh gia đình, nhưng điều bạn cần hơn cả là thấu cảm. Nhờ thấu cảm, ta hiểu rõ vì sao cha mẹ hành động như vậy, từ đó tránh tái diễn các hành vi tiêu cực với bản thân và các thế hệ sau.
Thay đổi hành vi của bạn với cha mẹ
Chứ không cố thay đổi cha mẹ. Kỳ vọng thay đổi cha mẹ chỉ khiến bạn thêm muộn phiền, khả năng thành công cũng không cao. Hãy chủ động thay đổi hành vi của chính bạn để có những tương tác hài hòa với phụ huynh.
Theo tiến sĩ, chuyên gia tư vấn Kathleen Smith, bạn nên:
- Nhận quyền tự chủ: Nếu bạn muốn thiết lập ranh giới lành mạnh với cha mẹ, bạn cần tự lập trước, cơ bản nhất là trong sự nghiệp và tài chính cá nhân. Trong nhiều trường hợp, cha mẹ can thiệp đơn thuần vì họ lo lắng và mong một cuộc sống êm đẹp cho con.
- Giữ liên lạc: Nếu cha mẹ độc hại, mối quan hệ ảnh hưởng cực đoan đến cuộc sống và tinh thần của con, việc dừng liên lạc có thể là điều cần thiết và lành mạnh. Tuy nhiên, việc ngừng liên lạc sau mâu thuẫn không giúp giải quyết được tận gốc, thậm chí còn khiến rạn nứt thêm sâu sắc. Nếu có thể, hãy giữ liên lạc điều độ, lịch sự và tôn trọng với cha mẹ.
- Trân trọng di sản của bố mẹ: Tìm hiểu về quá khứ, cuộc sống của cha mẹ (nơi họ lớn lên, cách họ trưởng thành) sâu hơn có thể giúp bạn có một cái nhìn đa chiều, thấu cảm. Việc giúp cha mẹ lưu giữ kỉ niệm còn giúp họ thấy được trân trọng và quan tâm, đặc biệt là ở tuổi già, khi nhiều cha mẹ cảm thấy bị lãng quên hoặc bỏ qua bởi thế hệ trẻ.
Ngoài ra, theo chuyên gia tâm lý Purcell, bạn nên:
- Tạo các giới hạn rõ ràng thông qua thảo luận chủ động, và nhắc nhở phụ huynh nhẹ nhàng khi họ vượt quá giới hạn.
- Đừng hỏi lời khuyên từ cha mẹ, trừ khi bạn biết rằng bạn thật sự muốn nhận những lời khuyên đó.
- Tránh các chủ đề đã tranh cãi nhiều lần. Cãi nhau về các vấn đề cũ chỉ khiến bạn phiền lòng hơn.
- Tạo dựng các sở thích hoặc hoạt động chung, mà bạn và cha mẹ tham gia ở thế cân bằng. Ví dụ, chạy bộ quanh công viên gần nhà hoặc dọn tủ sách là những hoạt động đơn giản và không cạnh tranh.
Đôi khi, bạn cần nhiều hơn nỗ lực cá nhân
Trong trường hợp mối quan hệ gia đình quá độc hại hoặc ngột ngạt, hoặc rạn nứt quá lớn khiến bạn có các sang chấn tâm lý, bạn nên:
- Tìm đến sự giúp đỡ của các bác sĩ tâm lý, chuyên viên tư vấn.
- Tìm đến một thành viên trung gian trong gia đình, hoặc một người thân tín.
- Tách biệt khỏi cha mẹ (family estrangement): Dù đây là giải pháp cuối cùng, tách biệt là cách giải quyết hiệu quả để có thời gian phát triển như một người trưởng thành độc lập.
Kết
Dù mâu thuẫn gia đình của bạn thế nào, không bao giờ là quá muộn để nhận thức và chữa lành. Hòa giải với cha mẹ giúp bạn có đời sống tinh thần giàu ý nghĩa với gia đình, đồng thời tìm được bình yên bình trong chính bản thân. Nếu bạn lập gia đình, đó cũng là cơ hội để bạn học cách nuôi dạy và xây dựng quan hệ với con cái.