Muốn sống xanh nhưng kẹt tiền? 3 Bí kíp tiết kiệm bạn có thể thử ngay

Làm sao để sống xanh mà không "đau ví"?
Trân Trân
Nguồn: Minh Phương @phuongsongdep cho Vietcetera.

Nguồn: Minh Phương @phuongsongdep cho Vietcetera.

Bạn bị hấp dẫn bởi rau củ hữu cơ trong siêu thị, nhưng lại cụt hứng ngang khi nhìn bảng giá?

Bạn muốn dùng mỹ phẩm organic cho da nhạy cảm, nhưng sẽ phải bấm bụng… ăn mì tôm sau đó vì hết tiền?

Có phải sống xanh chỉ dành cho người khá giả?

Sống xanh cùng vật phẩm hữu cơ là thứ ai cũng biết, nhưng lại ít ai theo đuổi được dài hạn. Nguyên nhân hầu hết đến từ chiếc rào cản mang tên “giá cao”.

Chi phí sản xuất cùng giá thành đắt đỏ khiến các sản phẩm xanh vượt ngoài khả năng chi trả của người trẻ. Một chủ nông trại hữu cơ đã chia sẻ rằng, phần lớn khách hàng của cô cũng là người có thu nhập cao.

Những bất cập tài chính khiến ta dễ mặc định sống xanh chỉ dành cho người khá giả, và loại trừ mình ra. Quan điểm này không sai, song nó chưa đủ để khẳng định “green lifestyle” luôn đi kèm với tốn kém.

Có muôn vàn cách sống xanh 0 đồng từ thói quen thường ngày mà bạn vô tình bỏ qua. Ở đó, bạn không cần phải rút hầu bao quá nhiều mà vẫn duy trì được lối sống lành mạnh. Đó là những cách nào?

3 Cách “sống xanh 0 đồng” bạn có thể chưa ngờ đến

Về bản chất thì sống xanh có 2 trụ cột chính, gọi tắt là “giảm” và “tái”:

  • Giảm: Giảm thiểu tất cả những gì ta thải ra - bao bì rác nhựa, khí thải xe máy, quần áo cũ, đồ dùng 1 lần,...
  • Tái: Tái sử dụng các vật phẩm hằng ngày, tạo nên “cuộc đời thứ 2” cho nó. Ví dụ đơn giản là dùng lại bao nilon đi chợ làm bao đựng rác.

Đạt được 2 tiêu chí này mỗi ngày, bạn đã đóng góp ít nhiều cho môi trường xung quanh. 2 tiêu chí này có thể được hiện thực hóa qua 3 cách đơn giản sau.

1. Luôn chọn phương án “ít tốn” nhất trong mọi trường hợp

Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy ta luôn có 1 lựa chọn “ít tốn” hơn trong mọi tình huống. Đó sẽ là thói quen cắt giảm lượng nhựa thải ra, như:

  • Từ chối bao nylon khi mua đồ ở cửa hàng tiện lợi, vì bạn có thể đựng tất cả trong túi xách của riêng mình.
  • Đặt đồ ăn online ghi chú kỹ “không dùng muỗng/đũa/tô nhựa” và chuẩn bị sẵn bộ muỗng đũa inox của riêng.
  • Gọi món cafe và gợi ý nhân viên pha nước vào bình cá nhân (thay vì ly nhựa).
  • Dùng khăn lau bếp tái sử dụng, thay vì giấy ăn dùng 1 lần.
  • Từ chối in bill giấy khi giao dịch, nếu có lựa chọn không in.

Đơn giản nhưng không phải ai cũng duy trì được. Đây chính là thay đổi từ nhận thức người tiêu dùng, khi ta mặc định luôn phải dùng càng ít nhựa càng tốt. Lập trình sẵn thói quen tối giản này sẽ giúp ta hạn chế tối đa lượng rác nhựa phát sinh.

2. Tiết kiệm điện bằng cách lấp đầy máy giặt, lò nướng, máy rửa chén

Một lỗ hổng trong tiêu thụ điện năng hằng ngày của chúng ta chính là mở máy chạy khi lượng đồ chưa đủ lấp đầy. Ví dụ như chạy máy rửa chén dù chỉ có 3-4 chiếc cần rửa, hay giặt đồ dù lồng giặt chỉ 1-2 chiếc áo dơ. Ta làm thế vì tiện lợi, nhưng lại không ngờ được lượng điện hoang phí vì thói quen đó.

Tính toán từ Arcadia cho thấy trung bình một chiếc máy giặt công suất tiêu thụ 500W/h có thể tốn đến 250.000 đồng chi phí điện mỗi năm, chi phí này có thể gấp đôi nếu ta chưa gom đầy đồ đã giặt vô ý. Đó là chưa kể đến nhiều hộ gia đình nhân lượng điện hoang phí lên gấp bội.

Mỗi thiết bị luôn có mức độ lấp đầy an toàn nhất theo quy định, ví dụ lồng giặt cần lấp đầy ¾ diện tích để giặt hiệu suất cao nhất. Chỉ cần chú ý hơn một chút trước khi sử dụng, bạn đã có thể giảm tối đa lượng điện hao phí của mình.

3. Sáng tạo vòng đời thứ 2 cho mọi vật phẩm bạn tiêu thụ

Bạn không cần phải là “nhà phát minh” ra công cụ gì hữu hiệu, đây có thể là các hoạt động sáng tạo của bạn sau khi không dùng đến một sản phẩm bất kỳ nào đó. Ví dụ:

Văn hóa thrifting: Hình thức mua bán quần áo, trang sức, đồ gia dụng cũ với giá trị sử dụng và nghệ thuật cao. Đây gần như là trào lưu mua sắm được nhiều du học sinh ưa thích bởi giá thành rẻ và tính độc đáo của chúng. Nhiều món hàng thrift vẫn chất lượng rất tốt, chỉ là chủ không còn nhu cầu dùng chúng.

Bạn có thể thanh lý quần áo cũ cá nhân hoặc đi “săn” hàng thrift, cả 2 cách này đều giúp hình thành tư duy sống xanh tích cực.

Sửa chữa thay vì thay thế: Chiến lược Marketing tư bản phần nào tác động đến thói quen thay cũ đổi mới liên tục của chúng ta. Đặc biệt với đồ công nghệ khi mỗi năm lại một thế hệ mới ra mắt.

Quá trình sản xuất từ các nhà máy cũng là nguyên nhân khiến môi trường ngày một ô nhiễm.

Vì thế, hãy giữ bản thân kiên định khi thấy sản phẩm mình hư và muốn “lên đời”. Bạn có thể chọn sửa chữa để tiếp tục dùng vòng đời thứ 2 của sản phẩm, hoặc bán lại cho người khác thay vì vứt đi. Vì mỗi lựa chọn của bạn đều góp một phần nhỏ vào nền công nghiệp và khí thải ra môi trường.

3 phương án trên tuy đơn giản, nhưng sẽ tạo hiệu quả khổng lồ nếu được duy trì đều đặn theo thời gian. Chỉ cần nắm 2 quy luật: giảm thiểu rác thải và tái sử dụng vật dụng, bạn đã có thể bước chân vào con đường sống xanh.

Bạn còn phương pháp nào giúp người trẻ sống xanh mà không cháy túi chứ? Tham gia chương trình Vietnam Innovators Summit 2023 - GREEN HORIZON để tìm hiểu thêm về môi trường nhé!

Vietnam Innovators Summit 2023 - GREEN HORIZON là một phần của Vietnam Innovators Summit 2023. Sự kiện quy tụ các nhà đổi mới sáng tạo Việt Nam cùng trao đổi, học hỏi và tìm kiếm các giải pháp để tạo nên cộng đồng kinh doanh bền vững như một phần trong hành trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Cảm ơn Coca‑Cola Việt Nam và Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) đã đồng hành cùng VNI Summit 2023- GREEN HORIZON.

Thông tin chương trình:
Thời gian: 9AM - 4PM, thứ Bảy (28/10/2023).
Địa điểm: Renaissance Riverside Hotel Saigon
8-15 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP.HCM
Mua vé tại đây.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục