Nghịch lý của sự quan tâm: Để yên cho người khác được sai

Để yên cho người khác tự trưởng thành cũng là cách bạn quan tâm đến họ.
Hoàng Nguyễn
Nguồn: Ketut Subiyanto/Pexels

Nguồn: Ketut Subiyanto/Pexels

Ở bài viết trước mình có nhắc đến quan điểm của mình đó là ai cũng cần phải trả giá để nhớ những bài học quan trọng của đời người. Ở bài này, mình muốn bàn sâu hơn về quan điểm: Tôn trọng quyền được sai của người khác.

Nghe nó có vẻ hơi vô lý phải không?

Khoảng 3 năm đầu tiên của vị trí Design Coach, nhiệm vụ của mình là hệ thống, đóng gói kiến thức, kinh nghiệm và chuyển giao cho các thành viên khác ở trong team, còn trách nhiệm chính đó là đảm bảo thành phẩm đầu ra của công ty đạt chất lượng tốt nhất có thể.

Nhiệm vụ và trách nhiệm này, trong một khoảng thời gian ngắn, nó có sự mâu thuẫn. Nghĩa là nếu cứ để những member ít kinh nghiệm làm nhiều, thì sẽ khó bảo đảm chất lượng. Nhưng nếu không để member ít kinh nghiệm làm đủ, thì sẽ không giúp cho member đó lên trình, ảnh hưởng về lâu dài cho việc xây dựng đội nhóm.

Lần đầu tiên làm coach, nên mình cũng chẳng có tí kinh nghiệm nào cho vị trí này, thế nên mình cũng đã mắc nhiều sai lầm. Mà trong đó nghiêm trọng nhất, đó là không muốn thấy người khác phạm sai lầm. Và mình đã phải trả giá bằng sự ra đi của vài thành viên tiềm năng mà mình đã dành nhiều kỳ vọng. Sự ra đi của họ không chỉ dừng lại ở việc mất kết nối, đôi khi nó còn để lại những câu chuyện buồn và cảm xúc không thoải mái dành cho nhau.

Bài viết này mình chia sẻ những suy nghĩ của bản thân về một kiểu tôn trọng người khác mà thoạt nghe có vẻ “vô tâm” là để yên cho người khác được sai.

Từ ngăn cản đến tôn trọng

Đầu tiên hãy nói về những lý do chúng ta có xu hướng ngăn cản người khác phạm sai lầm. Đó là:

  • Vì ta quan tâm
  • Vì ta không muốn xử lý hậu quả
  • Vì ta sợ đối mặt với tổn thương của chính mình trong quá khứ

Điều thú vị là, với mình thì đây cũng là những lý do mà chúng ta nên tôn trọng quyền được sai của người khác. Điều tạo ra sự khác nhau giữa một bên là ngăn cản, còn một bên lại tôn trọng chính là tư duy của chúng ta khi nghĩ về những lý do này.

1. Vì ta quan tâm

Người ngăn cản người khác mắc sai lầm thì sợ người khác gặp đau khổ, nên trên danh nghĩa của sự quan tâm, họ tự cho mình quyền ngăn cản người khác sống cuộc sống của họ theo cách họ muốn. Khi đó câu nói quen thuộc này sẽ thường được nói ra: “Anh/chị chỉ muốn tốt cho em thôi.”

Còn người biết tôn trọng quyền được sai thì sẽ nghĩ họ chẳng thể mãi mãi che chở, bảo vệ người mình quan tâm. Thế nên cách đúng đắn nhất là để họ tự trưởng thành, và ở bên cạnh hỗ trợ khi mọi thứ trở nên khó khăn hơn, giống như đại bàng mẹ đẩy con ra khỏi tổ, nhưng vẫn giám sát để cứu con non khi gặp nguy hiểm vậy.

Nhà văn Oscar Wilde có một câu nói là “Experience is simply the name we give our mistakes.” (Tạm dịch là: Kinh nghiệm là cách chúng ta gọi tên những lỗi lầm của bản thân.)

Các phát minh vĩ đại của nhân loại cũng sẽ không xuất hiện nếu không có những tai nạn vô tình. Con người muốn phát triển thì không thể không mắc sai lầm.

Thế nên là nếu quan tâm ai đó, hãy để họ đương đầu với cuộc chiến của họ. Nơi hậu phương ta sẽ sẵn sàng xuất hiện bất cứ khi nào họ cần. Thêm nữa, chúng ta đều là những con người độc lập với ý chí, mong muốn riêng, nên hầu hết sẽ cần nhiều sự dìu dắt, hơn là chỉ đạo.

2. Vì ta không muốn xử lý hậu quả từ lỗi lầm của người khác

Người ngăn cản người khác mắc sai lầm thì có thể sẽ thường nghĩ: “Tại sao tôi phải chịu trách nhiệm với sự yếu kém của người khác?” Vì vậy để không phải chịu trách nhiệm thì tốt nhất không nên để xảy ra rủi ro biến thành sai lầm.

Như chuyện mâu thuẫn giữa nhiệm vụ và trách nhiệm làm design coach của mình vậy. Mỗi khi dự án có vấn đề về chất lượng thiết kế, mình phải là người đứng ra chịu trách nhiệm, xin lỗi và nghe mọi lời nhận xét từ đối tác, mà lại không kể lại với các thành viên khác trong dự án vì sợ ảnh hưởng lên tinh thần của các bạn.

Có lần, một chị giám đốc marketing của một tập đoàn lớn còn nói: “Chị tưởng Hoàng design xịn thế nào, hóa ra làm có cái trang hồ sơ công ty mà cũng lệch lên lệch xuống”. Thật sự không biết đó là một câu nói bông đùa, hay mỉa mai nữa, vì dù gì đó là một scope rất nhỏ so với toàn bộ dự án thời điểm đó.

Nhiều lần tương tự như vậy, tinh thần của mình bắt đầu bị ảnh hưởng, với kiểu suy nghĩ: Đầu việc đó để mình làm thì chỉ mất 1/3 chi phí để member kia làm. Đã vậy bây giờ còn bị mất hình ảnh với đối tác vì những lỗi rất chi là không đáng, mà toàn những lỗi mình đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần rồi chứ.

Thế là trong đầu xuất hiện câu hỏi: Tại sao tôi phải chịu trách nhiệm với sự yếu kém của người khác?

Để rồi mình bắt đầu xét nét hơn, khó chịu hơn đối với những member khác, không cho các bạn ấy được thử nghiệm những giải pháp mới, ý tưởng mới, hay trực tiếp làm việc với đối tác chỉ vì sợ họ lại gây ra lỗi lầm mà mình phải là người đi giải quyết hậu quả.

Thế nhưng, bây giờ nhìn lại, mình thấy câu hỏi “Tại sao tôi phải chịu trách nhiệm với sự yếu kém của người khác?” là một câu hỏi sai. Một khi đã quyết định trở thành một phần của tập thể, thì câu hỏi đúng nên là: Tôi có thể làm gì để tập thể này trở nên mạnh hơn?

Người biết tôn trọng quyền được sai hiểu rằng chúng ta không thể một mình bảo đảm mọi thứ đều suôn sẻ mãi mãi được. Và đúng là mỗi người sẽ phải là người chịu trách nhiệm lớn nhất cho mỗi lựa chọn hành động của mình. Nhưng khi đặt mình trong tập thể, chúng ta cũng sẵn sàng cùng đồng đội giải quyết hậu quả khi xảy ra, và trong tâm thế nhắc nhở, nhấn mạnh cái giá cho lần này, để không ai mắc lại nó lần sau.

Ở đây khi nhắc về cái giá phải trả cho sai lầm, cũng cần có thêm sự đồng cả và khéo léo để không biến nó thành sự trách phạt, hay phán xét người đã gây ra sai lầm đó. Mình vẫn đang cần cải thiện bản thân thêm ở trong khía cạnh này.

3. Vì ta sợ phải đối mặt với tổn thương của chính mình trong quá khứ

Người ngăn cản người khác mắc sai lầm có thể vì từng mắc sai lầm tương tự và đã biết bản thân sẽ phải trải qua những gì để trả giá cho quyết định đó. Vì thế họ sẽ không mong thấy lại phần tổn thương đó, từ một người đang ở bên cạnh mình.

Chắc bạn cũng bắt gặp câu nói quen thuộc này nhiều lần: “Tao đã cảnh báo rồi, đừng có đi vào vết xe đổ của tao.” Đây là dấu hiệu của những người căn cản người khác mắc sai lầm, vì nhớ lại tổn thương của họ trong quá khứ.

Người biết tôn trọng quyền được sai thì nghĩ rằng: Nỗi sợ trong nhiều trường hợp là thử thách xứng đáng để vượt qua. Khi cảm nhận được nỗi sợ, ta đồng thời cũng tự nhắc nhở rằng phải sai, phải tổn thương, phải sợ tổn thương rồi đối mặt và vượt qua nó.

Mỗi người có hành trình riêng, cùng một hành động chưa chắc gì kết quả sẽ giống nhau. Cùng một sai lầm nhưng biết đâu mỗi người lại có một bài học khác. Nếu tổn thương đã giúp ta trở nên mạnh mẽ hơn thì hà cớ gì lại cản người khác cũng được như vậy.

Không cái sai nào giống cái sai nào

Tới đây có thể là bạn đồng ý với mình rằng nên tôn trọng quyền được sai của người khác. Nhưng như vậy có phải là khi thấy ai đó đang làm điều sai trái thì lại để yên?

Trong nhiều trường hợp, đúng-sai lại không có sự phân biệt rõ ràng. Như cuộc sống không chỉ có hai màu đen và trắng, giữa hai màu này còn vô số những sắc xám khác nhau, và hơn nữa là vô vàn những màu xanh, đỏ, vàng, tím,...

Thế nên, tư duy tôn trọng quyền được sai của người khác cũng cần phải có sự suy xét cẩn thận. Để dễ hình dung, mình tạm khái quát hóa đúng-sai nằm trong một tam giác có 3 tầng có tính minh bạch giảm dần và cái giá phải trả cho nó nhìn chung cũng thấp dần.

Tầng 1: Pháp luật, hoặc quy định đã cùng đồng thuận

Đây là các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do nhà nước hoặc tổ chức đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí chung của một quốc gia, nhóm người.

Sự đúng-sai ở tầng này khá là minh bạch, được quy định bằng văn bản, rõ ràng và dễ phân xử. Như là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là sai với pháp luật, đạo đức xã hội và cả giá trị cá nhân của những người bị hại. Cái giá là vướng vòng lao lý.

Thế nên, ở tầng này tư duy tôn trọng quyền được sai sẽ không áp dụng cho những hành vi đã rõ ràng là sai trái được quy định từ trước.

Nó cũng giống như nếu trong team của bạn tất cả đều đồng ý với hành vi đi làm trễ quá 30 phút là sai, thì không việc gì chúng ta lại để những người đi trễ cứ thoải mái mắc đi mắc lại cái sai này được.

Tầng 2: Đạo đức xã hội, hoặc văn hóa tổ chức

Đây là các chuẩn mực xã hội được chấp nhận rộng rãi, được rút ra từ các nguồn thế tục (văn hóa, nhân văn, triết học) và tôn giáo (Phật giáo, Kito giáo,…), hoặc là những giá trị văn hóa của tổ chức đã được đặt ra ngay từ đầu.

Dù không được thống nhất bằng văn bản hay quy định rõ ràng như tầng thứ nhất, nhưng đây là tầng giữ những giá trị tinh thần thường được số đông đề cao. Chẳng hạn như ngoại tình trước khi kết hôn là sai với đạo đức xã hội và giá trị cá nhân. Ai mắc phải lỗi này sẽ bị người xung quanh đánh giá nhưng về cốt lõi họ không phạm pháp.

Hoặc cùng với ví dụ tầng trước, nhưng khác là cả team không đưa ra quy định là không được đi làm trễ quá 30 phút. Nếu ai đó thường hay đi trễ, sẽ không bị phạt, nhưng chắc chắn sẽ bị đánh giá thấp bởi văn hóa đề cao tính chuyên nghiệp.

Tầng 3: Các giá trị cá nhân

Đây là các quy tắc ứng xử, đạo đức của chính bạn (niềm tin, quan điểm), và các cá nhân riêng lẻ, chưa đủ nhiều để đại diện cho giá trị tổ chức như tầng thứ 2.

Chẳng hạn như: quan điểm cá nhân của bạn là làm việc chăm chỉ và cống hiến hết mình là điều quan trọng nhất trong công việc, thế nên bạn chấp nhận làm thêm cuối tuần để hoàn thành được nhiều việc hơn.

Nhưng người khác trong team lại có thể tin rằng cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình mới là yếu tố quan trọng hơn, do vậy họ lại không đồng ý làm việc vào cuối tuần.

Khi cả hai cùng làm việc trong một dự án, nhất là ở giai đoạn căng thẳng, xảy ra vấn đề thì khả năng bạn và người kia xảy ra những mâu thuẫn, hay sự bất mãn là rất cao.

Hoặc cùng một vấn đề, bạn chọn một giải pháp an toàn, vì bạn muốn dự án được suôn sẻ, nhưng đồng nghiệp khác lại chọn một giải pháp mạo hiểm, vì người này thích sự sáng tạo mới mẻ.

Rất khó để đưa ra sự phán xét đúng-sai ở tầng này, nên lúc này chúng ta rất cần thái độ tôn trọng quyền được sai của người khác, đặc biệt nếu bạn là người có vị trí hay kinh nghiệm cao hơn những người kia.

Như vậy trong 3 tầng, thì theo mình những việc càng ở những tầng thấp hơn như văn hóa tổ chức và giá trị cá nhân càng để chúng ta thử, cũng như để cho người khác thử. Vì đây chính là hành trình mở rộng quan điểm, thay đổi những niềm tin không phù hợp và phát triển bản thân để tạo ra nhiều giá trị hơn cho tập thể.

Tôn trọng quyền được sai của người khác như thế nào?

Bây giờ khi đã xác định nếu một điều đang đúng-sai ở tầng “giá trị cá nhân”, bạn không cần phải quá cố gắng trong việc thuyết phục người kia là họ “đang sai”. Nếu họ muốn nghe lời khuyên từ bạn, điều cần làm là thực sự lắng nghe, để cho người khác được phát biểu suy nghĩ, lý do của họ.

Có như vậy bạn mới đưa ra những góc nhìn phù hợp để giúp họ tự phân tích đúng sai.

Bạn có thể bắt đầu bằng những câu như:

“Trước đây anh có từng làm rồi, kết quả thì nó thế này… bởi vì…”

“Cách này tao cũng chưa thử, nhưng vì mày nói là… nên tao nghĩ nó có thể sẽ bị…”

“Em đã nghĩ tới phương án… chưa? Vì nó có điểm lợi là sẽ tránh được…”

Hãy bảo đảm bạn cung cấp thông tin theo cách dễ tiếp nhận nhất để giúp đối phương đưa ra quyết định tốt hơn.

Khi một người trong team, hoặc mối quan hệ xung quanh mắc sai lầm, bạn có thể quan sát họ bằng phân tích qua các câu hỏi như:

  • Họ có học được gì từ sai lầm đó không?
  • Họ có chịu trách nhiệm với nó không?
  • Họ làm gì để sửa chữa nó?
  • Họ có đưa ra giải pháp để lần sau có thể tránh mắc lại sai lầm đó không?

Những câu hỏi này vừa có thể là gợi ý giúp người kia tự phản tỉnh bản thân sau những sai lầm, vừa là cách để bạn xem xét “sự tôn trọng” của mình có đang đặt đúng nơi, đúng người hay không.

Kết

Trong cuộc sống có những chuyện chẳng cần phải rạch ròi đúng sai.

Đôi khi chúng ta quá tập trung vào thứ được tạo ra, mà quên đi cảm nhận của người tạo ra nó, như việc bắt lỗi chính tả status của một người đang buồn vậy.

Bắt lỗi chính tả là để bạn cảm thấy được đúng, nhưng trong mối quan hệ giữa bạn và người đó, thì bạn đã sai, vì bạn chỉ nghĩ tới cảm nhận của bản thân, thay vì nhận ra người bạn của mình đang có chuyện buồn.

Mình nhận ra khi bắt đầu học cách tôn trọng quyền được sai của người khác, mình cũng bắt đầu nhìn nhận sự việc nhẹ nhàng hơn, cũng ít dần đi việc xét nét những điều vụn vặt, nhờ vậy mà chất lượng tinh thần của mình cũng được cải thiện hơn rất nhiều. Đặt biệt là thôi không còn áp đặt những kỳ vọng thiếu thực tế, hay trách móc bản thân và người khác khi phạm phải sai lầm.

Để nhận ra một bài học, đó là khi chúng ta có thể thật sự để người thân bên cạnh trưởng thành, cũng là khi chúng ta dần trưởng thành.

Và cuối cùng mình nghĩ là, chỉ cần không phải là những sai lầm trí mạng gây ra hậu quả quá lớn không thể vãn hồi, để người mắc sai lầm cũng là cách ta gửi lòng yêu thương họ.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục