6 Kiểu lòng tốt “tự đốt” chính mình | Vietcetera
Billboard banner
24 Thg 05, 2024
Cuộc SốngChất Lượng Sống

6 Kiểu lòng tốt “tự đốt” chính mình

Vì sao ngạn ngữ lại có câu "Con đường đi xuống địa ngục được lát bởi những viên gạch của lòng tốt"?
6 Kiểu lòng tốt “tự đốt” chính mình

Nguồn: Unsplash

Có một sự thật là chúng ta có thể tỏ ra tốt bụng với một người mà vẫn ghét người đó. Cũng có thể tốt bụng một cách chân thành mà vẫn vô tình gây hại cho người khác, và cho cả chính mình.

Có thể duy trì được phẩm chất tốt bụng là đáng quý, thế nhưng hiếm khi chúng ta được nghe nói tới đâu là giới hạn của lòng tốt, và khi nào thì lòng tốt lại trở thành chướng ngại trên hành trình phát triển bản thân ở mỗi người.

Mình từng ở hai đầu thái cực của lòng tốt, từng là một người ích kỷ chỉ quan tâm vào lợi ích của bản thân. Rồi cũng từng là một người không thể nói “không” bất cứ khi nào người khác cần mình, bất kể việc đó có nằm trong khả năng của mình hay không.

Bài viết này sẽ là những gì mình đúc kết được về lòng tốt. Tuy chúng ta bàn về mặt trái của lòng tốt, nhưng cũng không dùng nó để hạ thấp lòng tốt của mọi người. Hãy cùng nhìn xem chúng ta có đang mắc phải những dấu hiệu nào của lòng tốt độc hại không nhé.

* Bài viết là phiên bản rút gọn của podcast “7 Kiểu lòng tốt 'tự đốt' chính mình” trên kênh YouTube @hoangthoughts

1. Bạn đốt cháy bản thân mình, để sưởi ấm cho người khác

Mình mượn tạm câu nói có vẻ nghiêm trọng này của chủ nghĩa khắc kỷ để nhấn mạnh ý, nhưng trong thực tế nó cũng có thể rất đúng.

Mình có một danh sách những người đang nợ tiền mẹ, hơn cả tỷ, thế nhưng chắc là không thể đòi lại được nữa. Có người mượn cả chục năm, vẫn chưa nghĩ tới việc liên hệ trả tiền, có người thì mất hẳn liên lạc không còn biết tìm ở đâu nữa. Toàn bộ đều không có giấy nợ.

Mình biết đây đều là những đồng tiền xương máu của mẹ. Thời bà còn đi làm, dù ở độ tuổi 40-50 mà điều kiện công việc vẫn đầy những yếu tố khắc nghiệt như đường xá xa xôi, nguy hiểm. Có khi 2-3h sáng vẫn phải đi để xuất kho cho doanh nghiệp lấy hàng. Thế nên, từng trăm ngàn, triệu đồng cũng là những đánh đổi về thời gian, sức khỏe. Khoảng thời gian đó đã để lại nhiều di chứng cho bà tới bây giờ. Đổi lại thì những người đó, thậm chí còn không tôn trọng bà, nói gì là ý định trả tiền.

Tới bây giờ, điều duy nhất mình có thể làm đó là không nhắc tới danh sách này trước mặt bà lần nào nữa. Mình tin bà đã sống tốt, tuy tài khoản vật chất bị hao hụt, nhưng trời đất sẽ có cách để cân bằng lại tài khoản đức của bà.

Nhưng dù sao cũng là một người con, nên mình ít nhiều có sự xót xa cho lòng tốt của mẹ đã không được đặt đúng chỗ. Và rồi chính mình cũng lấy đó làm bài học, để có một khoảng thời gian trước đây không muốn cho bất kỳ ai mượn tiền, dù là người đó có thân thiết tới mức nào. Mình sẽ kể câu chuyện này vào một dịp khác.

Vậy đó, nếu lòng tốt của bạn đang đòi hỏi bạn phải đánh đổi, hy sinh bản thân cho người khác, thì lúc này bạn lại đang không tốt với chính mình. Hãy cẩn thận xem xét lại tài nguyên của bản thân, trước khi hào phóng ra tay giúp đỡ người khác.

2. Bạn xem lòng tốt là chiến lược sống để được nhiều sự trân trọng từ bên ngoài

Đây có lẽ cũng tương tự như trường hợp của mẹ mình, nhưng vì mình không dám nói là thật sự hiểu động cơ sâu thẳm bên trong bà, thế nên mình sẽ nói về một ví dụ khác.

Hồi mới làm công việc Design Coach, bất cứ việc gì được người khác nhờ, mình đều nghĩ rằng mình phải tham gia vào giúp đỡ, và làm cho bằng được việc đó. Có như vậy người ta mới thấy mình quan trọng, có năng lực, và tốt bụng.

Thế nhưng sau một thời gian, kết quả là mình chẳng thật sự làm tốt được việc gì cả, cả việc giúp người khác, và cả việc thuộc trách nhiệm chính của mình.

Thế nên, hãy thử xem lại bạn có đang giúp đỡ người khác để được công nhận và khen ngợi, để thu hút sự chú ý. Mọi người có thể nhận ra và cảm thấy bạn không chân thành, từ đó mất lòng tin vào bạn.

3. Bạn sống tốt vì không dám sống thật

Nghĩa là bạn dùng những biểu hiện của lòng tốt để làm chiếc mặt nạ, che giấu sự sợ hãi bị bỏ rơi, hay sự thiếu tự tin về những giá trị của bản thân.

Như là việc bạn luôn đồng ý với những cuộc nhậu nhẹt, hay tham gia vào những hoạt động mà bạn không thích chỉ để chứng minh cho mọi người thấy, bạn là người hòa đồng biết cách tận hưởng cuộc sống. Thậm chí hàng ngày, bạn phải luôn tỏ ra vui vẻ và nhiệt tình, dù lúc đó cảm xúc của bạn đang bất ổn với những vấn đề riêng.

Mình nghĩ việc sống không đúng với bản thân sẽ khiến bạn mất đi sự tự do và hạnh phúc thật sự. Điều này dẫn đến sự mệt mỏi và không hài lòng với cuộc sống, nguy hiểm hơn nữa, nếu để lâu ngày nó có thể gây ra sự trầm cảm.

4. Lòng tốt không thông cảm cho bên bị hại, mà thông cảm cho kẻ yếu

Với mình đây là biểu hiện của lòng tốt thiếu sự thông thái.

Chẳng hạn, chúng ta lướt thấy trên mạng xã hội thấy tin tức về một vụ va chạm giao thông, một chiếc xe ô tô sang bị một anh shipper đụng trúng. Nếu xu hướng của bạn là tội nghiệp cho anh shipper, và nghĩ rằng chủ xe sang kia nên bỏ qua, trước khi xem xét ai là người đang phạm lỗi trong tình huống đó, thì đây là dấu hiệu của lòng tốt thiếu sự suy xét.

Bởi vì lúc này, bạn sẽ chỉ thể hiện lòng tốt của mình cho bên yếu thế hơn, thay vì bên đúng đắn hơn. Nếu chủ của chiếc xe ô tô sang trọng đi đúng làn đường, tốc độ, thì trong vụ va chạm này, anh ấy là người bị hại.

Và dù người này có địa vị xã hội, dư dả vật chất hơn người gây ra lỗi, thì việc họ đưa ra quyết định gì sau đó, sẽ là quyền của họ. Chúng ta không thể vinh danh lòng tốt mà phán xét họ được, bạn có đồng ý với quan điểm này không?

5. Lòng tốt thiếu sự hiểu biết và nhạy cảm về cảm xúc

alt
Nguồn: Pexels

Nó là lòng tốt thường được biện hộ bởi câu nói “Tôi chỉ muốn tốt cho bạn mà thôi”.

Lòng tốt thiếu đi sự hiểu biết hay thường gọi là vô minh. Như việc trong chuyến đi Mông Cổ, có một bạn trong đoàn của mình đã tặng xúc xích thịt heo cho các bé nhỏ, con của một người dân bản địa khi ghé thăm nhà.

Thế nhưng sau khi tặng xong mới biết rằng gia đình này theo đạo Hồi, cấm ăn thịt heo, thế là phải lấy lại xúc xích trên tay bọn nhỏ. Giây phút thấy vẻ mặt ngơ ngác của các em, không biết mình đã làm gì sai để bị lấy lại quà đã làm mình và những người trong đoàn áy náy, cố gắng tìm lại một thứ gì khác để thay thế.

Còn lòng tốt thiếu đi sự nhạy cảm về cảm xúc là khi bạn cố tình lên lịch, hẹn sẵn mọi người, chuẩn bị quà cáp để tổ chức một bữa tiệc sinh nhật bất ngờ cho một người đồng nghiệp, mà không biết rằng người đồng nghiệp này không hề thích tiệc tùng và muốn sinh nhật là khoảng thời gian riêng tư với gia đình. Thế là bạn đưa người này phải ở trong một tình huống khó xử, không biết tham gia sinh nhật với đồng nghiệp, hay về nhà với gia đình.

Nếu đã từng thể hiện lòng tốt và vô tình tạo ra những hoàn cảnh tương tự như vậy, bạn cũng cần cẩn thận hơn với lòng tốt của mình. Như ông bà ngày xưa có câu “Của cho, không bằng cách cho”.

6. Lòng tốt khiến người khác phụ thuộc vào mình

Lòng tốt giúp đỡ vô tội vạ là khi bạn giúp đỡ người khác một cách quá mức, đến nỗi họ trở nên phụ thuộc vào bạn thay vì học cách tự lập và tự giải quyết vấn đề của mình. Mình để dấu hiệu này cuối cùng, vì nó thật sự nguy hiểm cho bạn và người nhận được lòng tốt từ bạn.

Bạn luôn giúp em trai mình làm bài tập về nhà. Bạn có một người bạn thân thường xuyên gặp rắc rối về tài chính. Mỗi lần người bạn này cần tiền, bạn đều sẵn sàng cho mượn mà không yêu cầu họ trả lại đúng hạn. Bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp bằng cách làm thay việc cho họ. Bạn luôn làm mọi thứ cho người yêu của mình, từ việc nhà đến giải quyết các vấn đề cá nhân.

Tất cả những trường hợp này điều có một điểm chung, đó là bạn luôn là giải pháp cho vấn đề của người khác, thay vì chia sẻ kinh nghiệm để giúp tự họ tìm ra giải pháp. Nó có thể dẫn đến sự phụ thuộc không lành mạnh, thiếu kỹ năng tự lập và tạo ra áp lực cho cả hai bên.

Thậm chí nguy hiểm hơn nữa, nếu đây là chiến lược của bạn trong các mối quan hệ, thì có thể bạn là người thích thao túng người khác mà không hề nhận ra.

Thay vì giúp đỡ một cách vô tội vạ, hãy học cách giúp đỡ một cách thông minh và cân nhắc, để khuyến khích sự tự lập và phát triển cá nhân của người nhận.

Nguồn Pexels
Nguồn: Pexels

Suy nghĩ cuối

Mình vẫn muốn nhấn mạnh rằng lòng tốt là một phẩm chất đáng quý. Chúng ta cần mài dũa, trau chuốt để biến lòng tốt trở thành một viên ngọc trong suốt, lành tính.

Tác giả của cuốn sách nổi tiếng Đi Tìm Lẽ Sống, Viktor Frankl, người đã sống sót khỏi trại tập trung của Đức Quốc xã nói rằng: Ông không tin bất kỳ ai trong chúng ta hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu.

Ông nói: “Cuộc sống trong trại tập trung đã xé nát tâm hồn con người và làm lộ ra những chiều sâu khác nhau. Trong tầng sâu đó chúng ta tìm thấy những phẩm chất pha trộn giữa thiện và ác… Đừng đơn giản hóa vấn đề bằng cách nói người này là thiên thần, người kia là ác quỷ… Người tốt là người luôn lựa chọn làm người tử tế.”

Nói cách khác, một người tốt không phải vì bản chất của họ, mà vì lựa chọn của họ. Và lựa chọn tốt là lựa chọn có suy xét đến mặt độc hại của nó.

Người Anh cũng có một câu ngạn ngữ cổ: Con đường đi xuống địa ngục được lát bởi những viên gạch của lòng tốt.

Câu nói này mang ý nghĩa rằng những ý định tốt đẹp nhưng không được thực hiện đúng cách hoặc không có hành động cụ thể để biến thành hiện thực có thể dẫn đến kết quả tiêu cực, thậm chí là thảm họa. Nó nhắc nhở chúng ta rằng chỉ có ý định tốt là chưa đủ. Điều quan trọng là phải có hành động và thực hiện chúng một cách đúng đắn, hiệu quả.